NGÔ KINH LUÂN: Đi về gặp lại - ta xưa


Lâu lắm rồi, tôi mới chạy xe gắn máy trên phố vào thời điểm ấy. Đường vắng lặng, người vắng lặng, đèn vàng trên cao. Một người mà tôi kính trọng vừa mất, chạy xe song song với tôi là một người tôi kính trọng khác tuổi cũng đã gần 80. Người mà trước năm 1975, giới tay chơi đều gọi bằng cái tên đầy kính trọng, James Dean Hùng. Tôi gọi James Dean Hùng là chú, xưng con. James Dean Hùng cũng trò chuyện với tôi bằng danh xưng này.

Tự nhiên, James Dean Hùng quay sang tôi và bảo “N.K.L biết không. Và rồi chúng ta đều mất tích trong cõi đời này”. Khi James Dean Hùng nói câu ấy, xe của chúng tôi đã đến gần vòng xoay Hàng Xanh. Nơi có cái đồng hồ như là biểu tượng của cửa ngõ Sài Gòn. Vòng xoay đã không còn nữa, chỉ còn một cây cầu vượt thép bắc ngang qua giao lộ Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh, TP HCM).

Chao ôi, tôi buồn! Nỗi buồn vỡ vụn như nỗi buồn trai trẻ.

minh-hoa-toi-tu-duyRR

Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc (ghi chú: đã tặng)

 

1.

Tôi cùng anh vừa đội nắng trên đầu, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi nói, “Chắc là em không kinh doanh gần cổng bệnh viện được, anh ạ. Vì người ta nằm viện đã khổ lắm rồi, còn mình buôn bán thì không thể không tính chuyện sinh lợi. Mà làm sao mình có thể sinh lợi khi chứng kiến những thân phận không may”. Anh bảo, “Anh không thể ăn ở bất cứ hàng quán nào cạnh bệnh viện”. Đến đó thôi, rồi lặng im. Một lát, Lê Minh Quốc rủ, “Sang nhà anh dùng cơm trưa”.

Căn nhà của Lê Minh Quốc nằm trong con hẻm trước lớn sau nhỏ, mọi cấu trúc trong nhà đều rất thú vị, đầy sách và tranh. Tranh của anh vẽ, tranh treo trên tường phía phòng khách, tranh treo ở cầu thang, tranh treo trong phòng ngủ, tranh hiện hữu cả ở toilet.

Trên lầu, những kệ sách cao, cơ man nào là sách. Sách anh lưu trữ, sách anh được bạn bè tặng, mọi thứ tạo cho tôi không khí của những văn sĩ trước đây trong mường tượng của tôi. Anh tặng tôi cuốn Chơi chữ của Lãng Nhân.

Trong bếp, phía trước bàn ăn, nơi chúng tôi ngồi là cái ly thủy tinh đặt trên cửa sổ, có dây trầu bà và con cá bảy màu bé liu tiu. Lê Minh Quốc nói một ít, tôi nói một ít. Quốc đang buồn, rất buồn. Tôi biết là Quốc đang buồn, rất buồn.

Tôi ít khi hỏi về nỗi buồn của những người mà tôi xem là anh em, vì tôi biết điều đó không có ý nghĩa gì. Quốc chậm rãi, “Anh không hiểu tại sao”. Tôi trả lời, “Em cũng không hiểu tại sao”.

Có quá nhiều câu hỏi tại sao mà chúng tôi không trả lời được, cả chúng ta cũng không trả lời được.

Khi mà không trả lời được những câu hỏi tại sao, biết đâu đó cũng là sự thú vị của đời sống. Bởi, còn gì là suy tư, còn gì là trắc trở, còn gì là ý niệm nếu như mọi thứ lúc nào cũng minh bạch.

Tôi không nhớ tựa bài thơ này của Lê Minh Quốc, tôi chỉ nhớ hai câu đầu “Con ngựa đi ngang đường phố chiều mưa/ Những đứa trẻ chạy theo reo tiếng hát”. Quốc, đang ngang phố chỉ là không có chiều mưa nào cả, cũng không có đứa trẻ nào chạy theo để reo cùng tiếng hát cả.

Hình như, tôi có viết vào thời điểm nào đó, khi tuyệt vọng người ta ý thức mình hiện hữu.

2.

Tôi đứng trước đầu con hẻm lạ, bà cụ hỏi tôi “Giày của cháu mua bao nhiêu tiền?”. Tôi thưa giá tiền của đôi giày tôi đang mang. Bà cụ bảo, “Bà già rồi, thay đổi không quen. Mang đôi dép bị mòn hết đế, con cái mua cho mấy đôi khác đều không mang được. Bà bắt con dâu phải mang đôi dép cũ ra chợ, thay cái đế khác cho bà. Cái đế giá hơn một trăm ngàn, mắc hơn cả đôi dép mới. Con cằn nhằn, “Má khó tính quá”. Bà nói, “Khó tính gì đâu, tại má mang không được thiệt mà”. Nói xong, bà cười. Tôi cũng cười.

Những câu chuyện xa lạ với những con người xa lạ, ít nhiều đều mang theo cảm giác bất ngờ. Bà cụ tự dưng khiến tôi nhớ đến bác Bàng Sĩ Nguyên.

Trong căn nhà bé xíu, bề bộn, ẩm thấp, cáu bẩn và luôn có mùi sơn dầu, Bàng Sĩ Nguyên ở đó. Bàng Sĩ Nguyên gầy gò, tôi không thể nào hiểu nổi làm sao ông có thể duy trì sự minh mẫn của mình trong thể trạng đó. Bạn trong căn nhà của Bàng Sĩ Nguyên, là con mèo nhỏ. Con mèo ở đâu đấy tự nhiên chui vào nhà của ông, lưu ngụ. Con mèo nghe tiếng rít thuốc lào là nhào đến cọ lông vào chân ông. Bất kể lúc nào, bất kể sớm khuya, hễ nghe tiếng thuốc lào là lại đến.

Mỗi lần tôi sang, bao giờ ông cũng kể cho tôi nghe một câu chuyện cũ. Những câu chuyện xa lắc xa lơ, những câu chuyện cứu rỗi với ông, tôi nghĩ vậy.

Ngày tôi lập gia đình, ông đến dự. Quà mừng là hai bức tranh vẽ trên nền vải, còn thơm mùi sơn. Có lẽ, ông là một trong những người già yêu quý tôi thật lòng. Mấy lâu, ông còn gieo quẻ để đoán hậu vận cho tôi. Sau này, ông không gieo quẻ nữa, ông muốn tranh thủ thời gian để trò chuyện cùng tôi.

Dạo trước, ông rất hay gọi điện thoại cho tôi. Có lẽ bây giờ, ông đã mất số của tôi. Mà dạo này, tôi cũng không sang ông nữa. Những ngày học kéo dài trong tuần choán hết thời gian của tôi, làm gì cũng vội, làm gì cũng quáng quàng.

Tôi có thói quen từ bé đến giờ không sửa được, là tôi hay đặt mình vào vị trí của những cá nhân mà tôi biết để tư duy. Giả mà tôi là Bàng Sĩ Nguyên (Tất nhiên, chỉ là Bàng Sĩ Nguyên già nua trong căn nhà trống hoác, chứ không phải là danh vọng như Bàng Sĩ Nguyên – đó là điều tôi mãi mãi không bao giờ sở hữu được), tôi sẽ như thế nào. Chắc cũng sẽ buồn, chắc cũng sẽ qua thôi, vì ai mà không buồn, ai mà không qua hết đi trong cõi đời này. Như khi, James Dean Hùng nói vào tang tảng sáng hôm đó, “N.K.L biết không. Và rồi chúng ta đều mất tích trong cõi đời này”.

Tôi không sợ tôi mất tích, tôi chưa bao giờ sợ điều này. Tôi chỉ sợ những người tôi yêu thương mất tích theo ngày qua mà thôi.

Mấy lâu ba má về quê, tôi dọn dẹp lại cái đi-văng mà nằm. Tôi cuống cuồng bởi cảm giác, nhỡ như má không nằm ở đây nữa thì tôi sẽ như thế nào?. Tự tôi nghĩ, rồi tự tôi khóc. Tôi cứ như một con người quá cũ trong những vội vàng này. Mà tôi, thì đã ba mươi hai tuổi. Người ta vẫn thường bảo tôi còn trẻ lắm.

Tôi trẻ gì nữa đâu, tôi ba mươi hai tuổi rồi. Nhưng mà người ta vẫn thích bảo tôi trẻ, thì tôi đành cứ trẻ vậy.

Tôi đi dự một chương trình, có nói vài quan điểm. Nhạc sĩ tài hoa người Hà Nội phủ nhận theo kiểu “Cậu còn bé lắm, cậu thì biết cái gì?”. Tôi không vui không buồn, vì tôi quan niệm tranh luận nó tào lao lắm. Như, hai người da trắng ẩu đả thì là đánh nhau. Nhưng một người da trắng chơi tay đôi với một người da đen thì thành ra phân biệt chủng tộc. Có điều, tranh luận theo kiểu “Tôi già rồi, tôi nói mới đúng, còn lũ trẻ như các cậu thì biết cái gì?”, thì không kém cũng thành kém ngay thôi.

Tôi luôn tôn trọng ký ức vì đến lúc tôi sẽ sống bằng những thứ này, nhưng khi ấy, tôi sẽ không tranh luận bất cứ điều gì cả. Ngay cả khi này, lúc tôi còn trẻ. Tôi cũng không thích sự tào lao có tên tranh luận.

3.

Nhiều đêm liền, tôi cứ thức đến gần sáng để xem phim về người Eskimo trên Youtube. Những đoạn phim được quay năm 1922, 1956 hay 1959, vùng Alaska. Người Eskimo, ăn cá sống, săn hải cẩu, bắn ngỗng trời, bắt cáo tuyết... Họ ngủ trong những ngôi nhà hai lớp cửa, nhỏ nhắn, chật chội, bề bộn nhưng có cảm giác đầy ấm cúng. Họ đi thuyền Kayak hoặc Umiak... Họ nuôi chó để kéo xe trượt tuyết, trẻ em ngủ với chó con.

Cũng có lúc, họ nằm trên lớp da hải cẩu trong căn nhà được dựng lên từ băng tuyết với cửa sổ bằng mảnh băng trong suốt. Họ ngủ truồng trong thời tiết ấy. Họ ăn cả thịt hải cẩu sống. Họ dạy những cậu nhóc mới đi lẫm chẫm bắn tên và những thiếu niên sử dụng súng săn. Khi có đủ lượng lông cáo hay da hải cẩu, họ mang đến thị trấn để đổi những vật dụng khác như: đạn, thức ăn đóng hộp, vải, thuốc lá cuốn...

Trong suốt những bộ phim tài liệu mà tôi coi về họ, chỉ toàn tiếng cười. Nụ cười như đóng băng lấp lánh trên làn da đang sạm đi vì lạnh. Họ sống đầy hồn nhiên, tôi cảm giác vậy. Nhất là khi tôi chứng kiến cảnh họ bắt cá hồi. Ngày hôm trước, có hai người đàn ông chặn suối bằng đá cuội, quây cá hồi trong vũng mà họ muốn. Sáng hôm sau, hai người đàn ông săn cá bằng những cây chĩa ba với cấu trúc, sắt nhọn ở giữa và hai ngạnh nhọn khác làm bằng gỗ... Hai hôm nữa, những người đàn ông khác tiến lại vũng nước mà hai người đàn ông ấy đã hì hục khuân vác cả ngày để săn cá cùng. Vẫn là sự rộn ràng đầy tươi vui trên đoạn suối.

Họ sống, không biết đến thời gian hay không gian. Họ sống, rất đáng sống. Xem để trước khi giấc ngủ về nằm tưởng tượng thôi. Chứ mãi mãi, tôi (hay chúng ta), sẽ chẳng bao giờ có được cuộc sống thần thoại ấy.

Khi tôi chia sẻ điều này trên facebook cá nhân, có bạn đọc đã hỏi tôi, “Nếu cho tôi sống như vậy, tôi có sống không?”. Tôi không trả lời, như tự sâu thẳm của mình, tôi sẽ từ chối sống như người Eskimo. Vì tôi muốn hai con trai tôi, tôi muốn nhà tôi, tôi muốn gia đình tôi được tiếp cận với một đời sống thường nhật, một cuộc sống bình thường. Tôi không muốn bất cứ ai vì tôi mà phải hy sinh việc này hay việc khác.

Nhưng nếu giả như tôi chỉ có mình tôi, thật lòng, tôi muốn sống như người Eskimo. Tôi muốn ở một nơi mà tôi đến hay tôi đi gì trong cõi nhân gian đầy phiền muộn này, chỉ riêng một mình tôi biết…

 

N.K.L

(nguồn: http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=57660)

 

Cùng một tác giả:

Ngô Nguyệt Hữu: Thơ tặng thi sĩ Lê Minh Quốc

Ngô Nguyệt Lãng: Nhan sắc viết văn

Ngô Kinh Luân: Hồn nhiên bạn hữu

Ngô Kinh Luân: Bằng hữu Sài Gòn

Ngô Kinh Luân: Nhà báo Đoàn Thạch Hãn qua những miền buồn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com