Mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, thậm chí đứng trước nguy cơ về sự tồn tại trong việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song vùng đất này vẫn tự hào là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Đó là Hy Lạp.
Visa Schengen và 3 chặng đường bay
Nhà hàng Vietnam ở Athens - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Muốn đến Hy Lạp phải có visa Schengen, muốn xin visa phải ra Đại sứ quán Hy Lạp ở Hà Nội. Đó là tình cảnh của đoàn nhà báo chúng tôi khi tham gia chuyến Press trip đến 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp theo lời mời của Lữ hành Saigontourist. Hy Lạp chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam, do đó phải thông qua một nước thứ 3 với chặng đường ngắn nhất so với nếu quá cảnh ở các nước Tây Âu như Đức hoặc Pháp, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.
Turkish Airlines (hàng không Thổ Nhĩ Kỳ) có chuyến bay nối liền TP.HCM với Istanbul (quá cảnh ngồi luôn trên máy bay 1 tiếng đồng hồ ở Bangkok, Thái Lan) và Athens (Hy Lạp). So với visa Schengen, việc xin visa vào Thổ Nhĩ Kỳ xem ra dễ dàng hơn vì chỉ cần thông qua hồ sơ điện tử.
“Vùng sâu vùng xa” của châu Âu
So với toàn bộ lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp được xếp vào dạng “vùng sâu vùng xa”. Nói cách khác, khi đi du lịch châu Âu, người ta thường chọn Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan... chứ không nhớ đến Hy Lạp vì “đường đi trắc trở”.
Thế nhưng, những ai đã từng học lịch sử thế giới sẽ biết đến nền văn minh Hy Lạp - La Mã. Từ trước Công nguyên, trong khi châu Á còn chìm đắm trong chế độ phong kiến tập quyền, thì Hy Lạp đã có một cơ chế rất “thoáng” về sự dân chủ. Ngày nay, nếu bạn nghe đâu đó cụm từ đại loại như “cởi mở chính trị”, “nới rộng dân chủ”, “dân chủ hóa xã hội”, “tăng cường quyền con người”... thì tất thảy đều do “Produce of Greece” (sản phẩm của Hy Lạp). Người Hy Lạp có lý do để tự hào trước thế giới về chuyện ấy mặc dù họ vẫn đang vất vả vật lộn với đồng euro.
Hy Lạp không giàu như một số nước Tây Âu, nhưng xét về “nội lực lịch sử” thì không ai sánh bằng. Thủ đô Athens là một ví dụ. Ở Athens ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều di tích của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, tâm điểm trong số ấy là khu khảo cổ Acropolis trên đỉnh núi cao gần 160 m so với mực nước biển, bao gồm: cổng Propylaca, đền Athena Nike, đền Erechthelon và một cái tên cả nhân loại đều ghi nhớ: đền Parthenon. Khi chúng tôi đến, ngôi đền Parthenon đang trong quá trình phục dựng theo đúng nguyên mẫu cách nay 2.500 năm. Ngôi đền này từng là nhà thờ Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, thánh đường Hồi giáo dưới thời đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày nay trở thành khu khảo cổ học. Lối kiến trúc cột tròn dựng đứng của đền Parthenon đã truyền cảm hứng và hình thành nên hàng loạt công trình kiến trúc tương tự trên toàn châu Âu, thậm chí lan sang cả nước Mỹ như tòa nhà Quốc hội hay Nhà Trắng và nhiều công trình của chính phủ ở thủ đô Washington.
Đền Parthenon
Đứng trên Acropolis, du khách có thể hướng tầm mắt bao quát toàn cảnh thủ đô Athens với hải cảng, những khu phố san sát nhà tường vàng ngói đỏ, sân vận động Panathinaiko nổi tiếng - nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè đầu tiên trong kỷ nguyên mới vào năm 1896, đền thờ thần Zeus (vị thần xuất hiện trong nhiều bộ phim thần thoại)... Không thể nhớ hết Hy Lạp có bao nhiêu vị thần vì danh sách quá dài. Chỉ tính riêng trên núi Olympus có cả thảy 12 vị thần khá quen thuộc: Zeus (vua của các vị thần, người cai quản đỉnh Olympus, tiếng La Mã là Jupiter), Hera (nữ hoàng của các thần - Juno), Appolo (thần ánh sáng, tri thức, âm nhạc, thi ca, tiên tri - tiếng La Mã cũng gọi Appolo), Ares (thần chiến tranh - Mars), Aphrodite (nữ thần tình yêu - Venus), Heracles (người có sức mạnh siêu phàm - Hercules)... Còn danh sách các bậc hiền triết, nhà khoa học nổi tiếng, chính trị gia lỗi lạc từ thời Hy Lạp cổ đại được nêu tên trong sách giáo khoa toàn thế giới, như: Socrates, Platon, Archimedes, Aristoteles... cũng khó đếm xuể. Những tên tuổi ấy đều gắn liền với những tác phẩm kinh điển, những truyền thuyết và một địa danh nào đó trên đất nước thần thoại Hy Lạp.
Nhìn thấy quen quen
Hy Lạp là quốc gia có khoảng 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Tham quan các đảo là một phần không thể thiếu cho một chuyến khám phá Địa Trung Hải. Ở các đảo của Hy Lạp không có nhà cao tầng, đường sá nhỏ hẹp đủ 2 làn xe, các dịch vụ công cộng tương đối đầy đủ kể cả ngân hàng, người bản địa rất hiếu khách, các thị trấn khá sạch sẽ, ngăn nắp, không có chuyện vứt rác bừa bãi. Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng hệ thống điện gió trên đỉnh núi của đảo để cung cấp điện cho người dân.
Lúc ghé thăm 2 hòn đảo Poros và Aegina, ngoài xe hơi, mô tô phân khối lớn, xe ngựa, xe đạp 4 người, bạn sẽ thấy có khá nhiều xe máy 2 bánh đủ loại lưu thông không khác gì trên đảo Phú Quốc. Đến gần xem, tôi mới giật mình vì đa phần chúng được dán nhãn KYMCO. Trên các đảo này có dịch vụ cho du khách thuê xe gắn máy để lòng vòng thưởng ngoạn, không bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Hoàn toàn không có bất cứ tiệm cơm, tiệm phở nào trên các đảo ở Hy Lạp. Muốn thưởng thức món ăn Việt, chỉ có ở thủ đô Athens.
Sang Úc tìm vợ Việt
Ở Athens có 2 nhà hàng do người Việt làm chủ. Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Ngọc Hoàng, chủ một nhà hàng mang tên Vietnam ở thủ đô Athens. Ông Hoàng nay đã 56 tuổi, quê gốc Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), từng là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Nông - Lâm TP.HCM, ra nước ngoài vào thập niên 1980, sống trong trại tập trung ở Malaysia. Chính phủ Hy Lạp sau đó nhận tổng cộng 200 người Việt, trong đó có ông Hoàng, sang định cư ở vùng quần đảo Nam Âu này. Theo ông Hoàng, trong số 200 người thế hệ thứ nhất ngày ấy, nay chẳng còn lại bao nhiêu vì một số qua đời, số khác xin đi định cư ở các nước có đông đảo người Việt như Mỹ, Úc, Pháp... Vì người Việt quá ít nên nhân viên phục vụ trong nhà hàng của ông Hoàng chỉ toàn người Hy Lạp và Philippines.
Theo lời ông Vũ Bình - Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp, tổng số Việt kiều định cư tại đây hiện không quá 300 người (tính luôn các thế hệ) trong tổng số dân 12 triệu người Hy Lạp. Số người nói - viết - đọc thông thạo tiếng Hy Lạp (mẫu tự gần giống tiếng Nga) chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có ông chủ nhà hàng Vietnam. Chính vì lý do cộng đồng người Việt quá ít ỏi như vậy nên khi muốn lập gia đình, ông Hoàng, vốn chỉ muốn cưới vợ Việt Nam, đành phải lặn lội qua tận Cabramatta - khu định cư của người Việt ở ngoại ô Sydney nước Úc để tìm “một nửa của mình”. Và ông đã toại nguyện, chỉ có điều phải sống trong tình trạng 1 cảnh 3 quê: Hy Lạp, Úc và Việt Nam.
Lang thang trên đất Hy Lạp, ngoài đoàn nhà báo chúng tôi ra, chẳng thể bắt gặp một du khách Việt nào khác. Đến đâu cũng chỉ thấy toàn người Nhật và Trung Quốc. Tương tự, ở Việt Nam tìm thấy du khách Hy Lạp cũng hiếm hoi. Đó là lý do giải thích vì sao Saigontourist đang nỗ lực phối hợp với đối tác ở Athens đưa du khách của cả 2 nước Việt Nam - Hy Lạp thăm viếng lẫn nhau. Người Hy Lạp đến Việt Nam để khám phá đất nước “con rồng, cháu tiên”, còn người Việt đến Hy Lạp để “diện kiến” các vị thần. Nên lắm chứ!
Đ.X.H
Cùng một tác giả:
Cánh hồng vương vấn (thơ)
Nhớ một người (thơ)
Cõi sầu riêng em (thơ)
Tên người và số phận (tạp bút)
Công tử Ả Rập (phóng sự)
Nhật Bản vui hay buồn? (bút ký)
Tình yêu không có tội (phóng sự)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|