LÂM BÍCH THỦY: Yến Lan - Những năm đầu giải phóng tại quê nhà

Ngày mới về lại quê nhà ngay sau Giải phóng 1975: Tất cả đã thay đổi; con sông nước trong xanh cạnh nhà bác Sáu Mai; xưa má thường ra giặt giũ; nay khô cạn, trơ sỏi đá, rác rến lấp đầy một nửa. Chiến tranh đã xóa đi nhiều dấu ấn thời trai trẻ của ba tôi - nhà thơ Yến Lan. Hoài niệm và thực tiễn cứ đan xen, chập chờn thực hư, nhớ nhớ, quên quên. Nghĩ đi nghĩ lại, tình quê lại choán hết tâm hồn ông:


nha_th_Yn_Lan_RRR

Nhà thơ Yến Lan


Bình Định đây, từng sợi tơ ngọn tóc

Vẫn chứa chan, tin tưởng tự bao giờ

Xanh sắc lại, mênh mông trời rộng mở

Hồn ta nay ước choáng cả không gian

Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa

Bừng lên - bừng, thành một cuộc hoa đăng

Chiến tranh đã đi qua, nhưng còn đây, trước mắt nhà thơ là những cháu bé áo quần xộc xệch, mặt mủi lem luốc nhặt từng mảnh phế liệu. Cụ thể và đau xót hơn, đó là “chút chít trẻ con lai” - chứng nhân của tội ác chiến tranh, là nỗi đau không hình hài phải chịu bao hệ lụy của cuộc chiến, xót xa lắm! Chúng là hình ảnh của quá khứ và là hình ảnh sống động của tương lai, bởi chúng là con người bằng xương, bằng thịt làm tim ông nhức nhói:

Vỏ chai, hộp găm đau lòng hố cỏ

Tiếng xới tìm chút chít trẻ con lai…

Song, nhà thơ cảm nhận được từ sự mạnh mẽ lớn lao đôi khi thể hiện rõ ràng, tinh tế nơi cái nhỏ bé, bình thường. Hình ảnh trong thơ ông vẫn là cuộc sống mới đang về trên quê hương:

Lớp học bình dân đông theo tiếng kẻng

Nét chữ cong nghiêng hoa lúa đầu mùa

Kẻ tóc bạc tay dây đầy mực tím

Miệng ráp vần như trẻ lại bi bô

Những xúc cảm dạt dào từ trong sâu thẳm bỗng trào lên trong nhà thơ như một sự giao hòa thân thiết giữa người và thiên nhiên: “Thị trấn này tuy nhỏ nhưng nó đã ăn sâu vào máu thịt tôi một cách sâu nặng, thiêng liêng, khó giải thích được”. Cảm xúc đó đã khiến ông viết được bài thơ cảm động như Cây me mẹ tựa:

Từ bữa ra đi chị ẵm bồng   

Nay về trẻ xóm gọi bằng ông

Bạn xưa còn có cây me cụt

Mưa xói mòn nơi mẹ tựa trông

Có ai thấu được tâm sự còn ẩn sâu trong trái tim già nua của cha tôi:

Nhìn nhau cho tạng mặt mày

Hành trình còn một quãng này nữa thôi
 

Sơn Thanh, Thủy Tú qua rồi

Chỉ còn suối trũng đá lồi đợi ta

Chần chừ bước nhọc khó xa  

Ngày thời ngắn ngủi cái già hẩm hiu

Làm sao không  day dứt với gốc gác của cội nguồn tình thân ruột thịt, máu mủ như ba tôi đã viết:

Mười tám năm xa phần mộ mẹ

Chị gần, sức yếu khó tìm thăm

Thị trấn An Nhơn nhỏ bé, đìu hiu, bình dị là vậy, nhưng là ngọn lửa âm ỉ cháy mãi trong tim người thi sĩ.  Đã có bao nhiêu cảnh, vật trở thành hồn quê trong thơ ông? Về cảnh thì muôn màu sắc, về tình thì mênh mông. Một khúc sông thân quen bị lãng quên để rồi một ngày gặp lại hóa thiêng liêng cao quí:

Sông vẫn sông xưa nước đổi nguồn

Uống vào khang khác vị quê hương                                                                              

Chút vì tuổi trẻ từng bơi lặn

Kỷ niệm hòa vào hóa nhớ thương

(Sau một công trình Thủy lợi - An Tường 1989)

Những ngày mới về lại quê nhà, phát hiện người hàng xóm lấn sang nhà  mình 0,3m dọc, 13m dài. Má tôi tiếc của lải nhải suốt, bảo ba kiện lấy lại nhưng ba tôi ngăn cản: “Bà đừng làm vậy mếch lòng láng giềng, người ta sẽ bảo cán bộ ở Bắc mới về đã lo giành đất của dân. Thôi chịu thiệt chút xíu mà được lòng bà con lối xóm. Bà không nghe người ta nói “Bán bà con xa, mua láng giềng gần hay sao?”.

Cậu Ba Thành vừa bạn học, anh vợ, lại là đồng nghiệp, những ngày đầu Cách mạng tháng Tám đã dẫn đầu đoàn dân quân đi cướp chính quyền. Trước khi đi tập kết, ba gửi cậu chiếc rương đựng toàn bộ bản thảo, một sổ ảnh do chú Mịch Quang chụp và những sáng tác từ trước, nhờ cậu giữ và hẹn hai năm sau về nhận lại. Sau đó, do sợ người ta biết còn quan hệ với người đi tập kết nên cậu đã đem đốt ra tro những đứa con tinh thần đó! Dù tiếc đứt ruột nhưng ba tôi không nỡ trách cậu; trái lại, ông nhìn thấy cảnh sống của cậu mà cảm thương: không lương bổng, con đông, túng bấn, bệnh hoạn không tiền mua thuốc. Tới thăm thấy cậu nằm bẹp trong góc tối, ôm ngực ho khù khụ, người như xác ve; ba tôi viết thư cho tôi, lời lẽ thống thiết khiến tôi không nỡ từ chối:  “Con ơi! làm cách nào giúp cậu Ba! Cậu ốm nặng lắm rồi, chẳng tiền thuốc. Tới thăm cậu, ba nhìn tấm thân còm dính chặt trên gường mà thương quá. Con cố tìm cách giúp cậu. Ba biết nhà mình ai cũng khó nhưng còn có nhà nước lo, cậu có ai đâu! vậy con hãy vì “lá rách đùm lá nát” con nhé".

Nhận được thư, tôi liền đi tìm chị Ba, bà con xa của cậu, ở cách tôi vài trăm thước. Hai chị em bàn nhau, mỗi người chút đỉnh mua đường, sữa, thuốc và ít tiền, gửi xe cơ quan “Animex” ra. Cầm gói quà, ba tôi hăm hở tới đưa cậu liền, sau đó, viết thư báo cho tôi biết: “Cậu con nhận được quà, cảm động khóc hu hu; nước mắt tràn ướt đôi gò má hóp, thương lắm. Cậu xuýt xoa: Trời ơi! quí hóa quá dượng ơi, quí quá! Từ tấm bé đến giờ tôi chưa được ai cho quà nhiều thế này. Nếu có viết thư cho cháu, dượng chuyển lời cảm ơn dùm tôi nhé!”

Tuy đất nước đã vẹn toàn nhưng cuộc sống người dân thị trấn còn có gia đình bữa ăn, bữa nhịn. Ngay như ba má tôi, dù có lương hưu, song chẳng thấm vào đâu. Nhu cầu đơn giản về sinh hoạt, nước sạch, chỗ vệ sinh rất tệ. Nhà ở giữa chợ, ngày phiên phải hứng chịu mọi thứ từ trong ấy phát ra: tiếng ồn, mùi hôi tanh của cá mắm, mùi hoa quả hư, mùi phân gia súc, gia cầm v.v.. Vấn đề sinh hoạt giải trí cho thanh, thiếu niên không có gì… Sau vài năm, thư ra Hà Nội cho bác Khương Hữu Dụng, ba tôi đã viết: “Tình hình trong này hơi buồn vì không khí, con người, cách nhìn chưa hòa nhịp - thật cũng ái ngại...”. Nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại: "Ngày Yến Lan còn khoẻ, thỉnh thoảng tới thăm ông tôi còn thấy những gánh hàng quê mà bà con buôn bán ở chợ gửi lại tại nhà ông khi chợ tan, chờ hôm sau bán tiếp. Vợ chồng Yến Lan vui lòng cho họ gửi mà không đòi một xu lệ phí, không giống như bây giờ ai có xe ô tô hay xe máy gửi tháng đều phải đóng những khoản tiền khá đáng kể. Từ khi ở 37 Hàng Quạt - Hà Nội về hưu sống tại chợ Bình Định này, nhà Yến Lan vẫn nghèo. Nếu ngày ở Thủ Đô, thời túng bấn, nhà Yến Lan vẫn hàng tháng giành dăm ký gạo “hỗ trợ” cho nhà thơ Quang Dũng-một người bạn thân và làm cùng cơ quan nhà xuất bản Văn Học-vì Quang Dũng vốn người to lớn luôn cảm thấy…đói khi ăn suất gạo tiêu chuẩn 13 ký / tháng, thì khi về Bình Định, dù gạo tiêu chuẩn vẫn còn, nhưng không ai nhờ đó mà…giàu lên được. “Không được sống xin cho cùng được thở” (Bình Định 1935), tôi đọc câu thơ này mà thấy xa xót trong lòng, một câu thơ như vận cả vào đời thơ Yến Lan. Có cảm giác như Yến Lan khổ cả đời, cho tới khi ông nhắm mắt lìa trần, cái nghèo cái khổ cũng chưa buông tha…”.

Thị trấn bé nhỏ như một xã hội thu gọn; có đủ cả; nhiêu khê, rối rắm và hủ lậu! Mới đầu, người dân ở đây đều tỏ lòng tin yêu, tôn trọng cán bộ Rừng về hay ngoài Bắc vô. Nhưng chế độ nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Người có chức thì hách dịch, cửa quyền, áp đặt v.v.. làm rạn nứt niềm tin yêu và quí trọng của người dân, khiến cho số người trước đây có dính dáng với chế độ cũ tâm trạng khá phức tạp; vừa vui cái vui chung của đất nước được vẹn toàn, nhưng lại dè dặt, thận trọng giữ kẻ từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói vì nghĩ mình là người có tội, khiến họ phải bỏ quê tìm đường thoát thân.

Ngay như trường hợp ba tôi, cán bộ nghỉ hưu từ Bắc về mà cũng không tránh khỏi sự theo dõi của một vài anh cán bộ trẻ mới tiếp quản. Có lẽ điểm khởi đầu của mọi rắc rối là chuyện về hành động nhà thơ đi sau linh cữu cụ Phan Khôi. Họ lý luận logic là: “Tại sao ở miền Bắc, khi Phan Khôi qua đời, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, lúc đó, có hàng trăm người mà chẳng một ai ngoài gia đình mà chỉ mỗi Yến Lan dám đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Phan Khôi là người cầm đầu nhóm Nhân văn giai phản, vậy có thế nào đó Yến Lan mới thế chứ?”. Điều thứ hai cũng là dấu hỏi sau cái tên Yến Lan và có người theo dõi để xem ông có liên hệ với thi sĩ Quách Tấn đang ở Nha Trang vì ông đã từng làm việc cho chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Họ canh me cả với má tôi. Nhìn thấy bà trong buổi họp Tổ Dân phố, có người hạch sách: “Sao lại mời bà này đến họp làm gì?”. Nghe má kể mà tôi tức cả ruột. Sao người ta cố chấp đến thế? Bấy giờ là thời nào mà ấu trĩ vậy?

Vì thế, bà muốn quay ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn sống với con cháu. Nhưng ba tôi vẫn khăng khăng điệp khúc “Bà đi đâu thì đi, tôi chỉ ở quê thôi!”

 

L.B.T

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com