Lê Hưng VKD: TẢN MẠN VỀ CA TRÙ VIỆT NAM



1/Khái quát về ca trù:

Trong kho tàng thi - ca Việt Nam, nhất là hình thái cổ điển, ca trù của dân tộc ta đã được nguời phương tây giới thiệu: "c'est l'air de chanson destiné au chanteuse" ( ấy là phong thái khúc hát điệu nhạc dành cho nguời ca nữ). Tác giả những bài ca trù đã tư duy sáng tác "hài hòa luỡng tính" giữa THƠ & NHẠC giao duyên "âm -duơng" với nhau (âm là nguời kỹ nữ, dương là giới mặc khách - tao nhân). Quá trình sáng tác ca trù theo như dẫn giải của cụ Lê Lã Triệu (gốc nguời tỉnh Hưng Yên xưa, một thời nổi tiếng "hào hoa phong nhã "trong giới thương nhân hàng tơ lụa từ Hà Nội đến Đà Nẵng đầu thế kỷ 20):

 

Lh-ca-tru

Hát ca trù (nguồn: ảnh Internet)

 

"- Sách xưa "Hán thư văn nghệ chí "từ đời Tiền Hán phong kiến cổ TQ, ông Ban Cố đã đề cập:

* độc kỳ ngôn: vị chi THI

* tụng kỳ thanh: vị chi CA

(nghĩa: đọc lời nói lạ, đó là THƠ; ngâm âm thanh lạ, đó là HÁT). Ca trù Việt Nam là cách "bản địa hóa" của cư dân đồng bằng Bắc bộ về ý tuởng "thơ & nhạc giao duyên" (đồng thời cũng là triết lý phồn thực Âm Dương giao hòa giữa nguời nghe là cánh đàn ông đa tình với nguời hát là phụ nữ lãng mạn)". Chính vì sắc thái "rất riêng" này, mà tổ chức quốc tế UNESCO nhìn nhận ca trù VN là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đương đại !

2/ Hình thái của ca trù:

Cụ Lê Lã Triệu (cũng thường gọi: Cửu Triệu, sinh năm 1883/Quí Mùi, mất năm 1947/Đinh Hợi) đã chỉ dạy cho con cháu trong dòng họ Lê Lã - Hưng Yên am hiểu thêm về ca trù như sau:

- Ca trù là nghệ thuật hát xướng có thêm thắt nhiều khổ thơ và thay đổi làn điệu diễn ngâm tương hợp theo giao cảm giữa nguời nghe (nam) với người hát (nữ) .

Cụ Cửu Triệu giải thích thêm: vì giới thuởng thức là các khách tao nhân nho sĩ (trí thức cổ) nên các kỹ nữ diễn ngâm phải cố gắng trình bầy thật sắc sảo để thu hút khách mộ điệu (và cũng là cách xóa bỏ mặc cảm "xướng ca vô loài" thân phận mình...). Cho nên ca trù đã trở thành một quá trình "lao động trái tim & khối óc" vừa cho nguời nghệ sĩ sáng tác vừa cho nguời nghệ sĩ diễn ngâm !

Thể loại ca trù gồm 2 hình thái:

2.1- Hình thái cấu trúc sáng tác (forme typique de la poésie) có 5 qui tắc sáng tác thơ (5 thi phạm) là:

2.1.1-** MƯỠU đơn gồm 2 câu thơ lục bát hoặc MƯỠU kép là 4 câu thơ lục bát xếp vào phần mở đầu bài ca trù.

2.1.2-** Soạn THƯ là đoạn thơ dài gồm nhiều câu có thể 6,7,8,9,....10...chữ (từ) kết nối vần điệu theo vần chân (cước vận) hoặc vần lưng (yêu vận). Thí dụ:

Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ

Đời đáng chán biết thôi là đủ

Sự chán đời xin nhủ lại tri âm

Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm !

(Tản Đà /1884 - 1939)

Đấng trượng phu một túi kinh luân

Thượng vị đức hạ vị dân

Sắp hai chữ quân - thân mà gánh vác ....

(Nguyễn Công Trứ /1778 - 1858)

2.1.3-** Điệp ngôn khởi tứ gồm các câu thơ đều có "từ đệm" là chữ HỀ (dùng cho thơ thất ngôn) hoặc có chữ CHỪ KHI (dùng cho thơ lục bát ), tác dụng chủ ý kể lể tâm trạng hoài cảm (man mác buồn nhớ) - thí dụ :

Linh ứng (hề) xuân Giáp Ngọ (1) về

Hoa khai  (hề) rực đẹp sơn khê

Tuệ quang (hề) chiến công kim cổ

Đàn sáo (hề) vui khúc nhạc quê

(Linh hoa tuệ đàn)

(1): mặt trận Điện Biên Phủ đại thắng giặc Pháp năm 1954

(Chừ khi) giây phút tương phùng

Ô hay, sao vẫn ngại ngùng thờ ơ ?

(Chừ khi) nửa giận nửa chờ...  

Sách xưa quên đọc mấy pho phũ phàng !

(thơ LH VKD)

2.1.4-** PHÚ là bài thơ dài chỉ sử dụng vần chân (cuớc vận), gồm một vần trắc duy nhất. (và công phu hơn thì thêm một vần bằng cũng duy nhất, thí dụ bài phú trào phúng "Y ma dươc quỉ")

2.1.5-** HÁT NÓI (còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu) là bài thơ gồm ít nhất 11 câu (có thể dài hơn tùy nội dung mang nỗi niềm cần chia sẻ.... ) Bài thơ  thể hát nói bao giờ cũng kết thúc bằng câu lục (chỉ có 6 chữ). Cách kết cấu vần điệu các câu thường áp dụng phép "gối hạc" (tức là sử dụng vần lưng - yêu vận). Đặc điểm trong bài hát nói thường được chêm vào một đôi câu thơ thuần Hán - Nôm giới thiệu tổng quan ý tưởng bài thơ. Hình thức mỗi câu (ngắn hoặc dài không bó buộc số từ ngữ) đều nhất thiết phải liên tục vần (bằng hay trắc) từ câu trên với câu dưới !

2.2- Hình thái diễn ngâm (forme de déclamer en vers avec style variotonique): có 10 phương thức biểu diễn hát xướng (10 ca pháp), đó là:

2.2.1- *** hát MỞ KHÚC, người ca nương thường khởi giọng bằng làn điệu vui "trống quân" (áp dụng cho thể thơ lục bát).

2.2.2- *** hát ru khúc (an miên khúc) là hình thức ca ngâm của mẹ ru con ngủ (áp dụng cho thể thơ song thất lục bát biến thể) bằng làn điệu bồng mạc êm ả nhẹ nhàng, để diễn ý một câu chuyện xưa nhiều nguời đã biết !

2.2.3- *** hát bình thi (hay diễn thơ, đọc thơ) là đọc chậm rãi một bài thơ thất ngôn (đuờng luật) rồi tổng kết  qua làn điệu sa mạc 4 câu lục bát ( giới ca ngâm gọi là 4 câu Thỗng), là cách tóm tắt ý chính cho bài thơ thất ngôn.

2.2.4- *** hát hợp phách là cách ca nuơng hòa giọng ngâm của mình với nhịp xênh phách của  người thuởng thức gõ theo làn điệu khi là sa mạc (cho khúc thơ lục bát) lúc là làn điệu lẳng lơ luyến láy bồng mạc (cho khúc thơ song thất lục bát biến thể...)

2.2.5- *** hát kể chuyện thuờng dành diễn ngâm thơ lục bát, khởi đầu là làn điệu trống quân, chuyển qua điệu cò lả xen kẽ với làn điệu sa mạc du duơng trầm bổng (ý thơ vui thì trống quân, ý thơ man mác tâm tình thì cò lả, ý thơ diễm tình thì sa mạc)

2.2.6- *** hát VỌNG  TÂM là cách diễn ngâm  tỏ bầy ước nguyện - mong muốn thầm kín... thường sử dụng làn điệu trống quân (chủ yếu ở các câu lục), ca nương tình tứ gửi gấm tâm sự với khách nghe, như một đề nghị khách cần cảm thông...

2.2.7- *** hát giải phiền (cũng gọi: khúc tiêu sầu) ca nương khởi đầu bằng đoạn thơ mô tả các vật dụng quen thuộc của thú nhả khói nhựa cây anh túc (á phiện - opium) giải sầu cho khách "làng chơi tiêu cực" ... rồi chuyển sang các câu thơ (dài - ngắn khác nhau) mang nội dung giãi bầy tâm trạng (vần điệu phải liên tục từ câu trên với câu duới, sử dụng vần chân - cước vận hoặc vần lưng - yêu vận, tùy người sáng tác) - thí dụ:

- Chàng ôi, đây thú giải phiền …

(nhớ chăng cái lọ - bàn đèn - tiêm se !)

Chàng ôi, xin cởi áo the,

Cho em hát khúc, giúp chàng về đào nguyên …

2.2.8- *** hát cung tiến tửu - ẩm là cách diễn ngâm (sa mạc) đoạn thơ lục bát tình tứ lãng mạn, nhằm mời chào khách uống chén trà thơm hay chung rượu quí...mục đích để lưu giữ khách đuợc lâu hơn !

2.2.9- *** hát ngâm khúc tỳ bà hành: cũng giống như cách "đọc thơ" (bình thi), bắt đầu là diễn ngâm bài thơ thất ngôn chuẩn (thơ đường luật), rồi bắt sang ngâm bài "tỳ bà hành" bản dịch của Phan Huy Vịnh (nguyên tác của Bạch Cư Dị nhà thơ  TQ cổ), nội dung chuyển tải tâm sự một kỹ nữ ở bến Tầm Duơng hiu quạnh, cô đơn chờ đón khách hàng đêm....

2.2.10-*** hát xẩm là lối diễn ngâm kết hợp nhịp nhàng với âm thanh của đàn nhị, bài thơ thường là lục bát phá cách (biến thể), đôi khi xen thêm làn điệu cò lả luyến láy, mang hơi hướng giãi bầy tâm tư....

3. Bài minh họa vần điệu của thể phú và thể hát nói:

3.1- Phú trào phúng:

Y "ma" dược "quỉ"

Bởi trần thế … vô thường

Nên người cần … sức khoẻ

Vì vậy mà:

Nghề y cao thượng, điều trí thức vấn vương…

Nghiệp dược quí sang, giới bình dân vị nể!

Sao bây giờ:

Già và trẻ ngại ngùng: mỗi khi đến “nhà thương”,

Nữ lẫn nam e sợ: vào lúc cần “chia sẻ”!

Do đã có:

Hiện tượng quên câu “kiệt lực vãn hồi” (1), thấy bệnh đau mà thiếu khẩn trương?

Thản nhiên bỏ ý “tử lý cầu sinh” (2), coi viện phí quí hơn ngoại tệ !

Nhận bệnh nhà riêng tư, vồn vã khác thường

Chữa đau nơi nhiệm sở, làm không triệt để

Chẩn trị qua loa chểnh mảng, thuốc thì đại khái … khói sương

Kê toa ngẫu hứng phác đồ, tiền mất đã thành … giọt lệ

Áo rách nhà nghèo, cũng đành chung hết tiền lương

Dây dưa bệnh nặng, âu phải phó cho mệnh hệ …

Đáng nhớ thay:

Đạo lý “bạc tiền”, người thầy chữa bệnh vốn chẳng chủ trương …

Lời thề “y dược”, nghiệp vụ hành nghề đã nhiều thông tuệ!

(Lê Hưng VKD )

Chú thích:

(1 & 2): Lời thề của y tôn Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông - thế kỷ 18):  Người thầy thuốc phải cố gắng tâm sức khi chữa các ca bệnh nặng.

3.2- Hát nói vui:

BẰNG hay BÙA nhỉ ?

" Nhân sinh tự cổ thùy vô tử " (1)

Thế cho nên "tranh thủ" mộng nam nhi !

Tâm không muốn....kiên trì

Chuyện học, thi tử tế !

Do đã hiểu: bằng cấp cao ắt được ghế ngồi cao...

Rồi ấp ủ : "phong bì" đẹp mới dồi dào ... phong độ !

Mặc thế sự, mặc ai khốn khổ,

BẰNG làm....BÙA ! cám dỗ bước công danh

Đời phấn đấu: quyết dành thêm "lẫm liệt"

Công Lý thần ôi ! sao "quên hết" chuyện trần gian ?

Rõ ràng: "đa hoạch thiểu nan " (2) !

(thơ Lê HưngVKD)

Chú thích:

(1) sống ở đời, từ trước tới nay, mọi người đều phải chết

(2) thu lợi nhiều, mà vất vả lại ít

4. Thay lời kết: ca trù đặc sắc trí tuệ ở hai thể HÁT NÓI và PHÚ, các nhà nho xưa sử dụng như "thông điệp âm nhận dương cho" truyền đạt tư duy phồn thực của mình trước công luận. Còn phuơng cách biểu diễn bình dân đuợc mọi lứa tuổi yêu thích lại chính là HÁT XẨM vậy !


Lê Hưng VKD
(2004)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com