TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang

Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc


“Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ/ thắm thiết tình ta thấy tỏ tường” - hai câu thơ thể hiện nỗ lực đầy tâm huyết và đáng trọng của nhà thơ - nhà văn và cũng là nhà báo Lê Minh Quốc khi anh cho ra đời bộ sách gồm 3 quyển Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 12-2021).

Tác giả Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt giao lưu trong chương trình Vui sống mỗi ngày (VTV)

bao-dong-nai-van-hoa-viet-nhin-tu-tieg-vietRR

“Tiếng Việt mãi còn

Lời ru thong thả

Tục ngữ, ca dao

Như ngô, khoai, sắn

Như lúa như tre…

Suối nguồn vô tận

Như nắng như mưa

Tượng hình sức sống

Ngàn đời nuôi nấng

Linh hồn Việt Nam”.

Trích thơ LÊ MINH QUỐC

Bạn đọc cầm trên tay Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt dễ dàng nhận ra bộ sách chứa nhiều thu thập, tìm tòi, ghi nhận và sự “trải nghiệm con chữ” vừa sâu, vừa rộng của nhà văn Lê Minh Quốc. Chị Lê Khanh - người từng thực hiện luận văn thạc sĩ Ngữ văn “Đặc điểm tản văn Lê Minh Quốc” (Trường đại học Vinh - 2020) khi đọc bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt đã bày tỏ rằng tác giả Lê Minh Quốc là một người góp phần “gìn giữ linh hồn văn hóa Việt bằng ngôn ngữ”.

* Ly kỳ ngôn ngữ Việt

Lê Minh Quốc khiêm cung nói bộ sách vừa ra đời của ông “không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…”. Được chia thành 3 tập: “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”, “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”, bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt trình bày những nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt với đa tầng ngữ nghĩa hết sức thú vị, độc đáo, thậm chí “ly kỳ” của tác giả Lê Minh Quốc sau hơn 40 năm ông gắn bó với nghiệp chữ nghĩa, văn thơ.

Nói “ly kỳ” là vì tác giả đã nhọc công tìm kiếm, sưu tra, chắt lọc, trình bày vô số những điển tích từ ngữ, cách sử dụng nói và viết tiếng Việt từ cổ chí kim, phong tục tập quán vùng miền, trong sinh hoạt giao tiếp thường ngày, từ thi cử đến chợ búa, từ môi trường ca dao tục ngữ đến ẩm thực, ăn ở và cả… thói hư tật xấu.

Bằng sự cởi mở, phóng khoáng, không phân biệt vùng miền, trân trọng mọi địa phương, phương ngữ, con người Việt Nam, tác giả Lê Minh Quốc mang đến cho người đọc một “bàn tiệc thịnh soạn” với từng “món ngon” câu chuyện về từ ngữ tiếng Việt được xâu chuỗi bởi bàn tay của một “đầu bếp” tinh tế, lành nghề.

* Hiểu và yêu tiếng Việt
“Về chữ nghĩa, đã yêu lấy nó ắt sẽ gặp người yêu chữ nghĩa và cùng bàn về chữ nghĩa” - nhà thơ Lê Minh Quốc tin bộ sách của ông sẽ được đông đảo “những ai yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt” đón nhận.

“Cách ăn nói của người Việt mình phong phú biết dường nào!” - Lê Minh Quốc đã viết như “thốt lên” đầy tự hào như thế khi bàn về lời ăn tiếng nói của người Việt thông qua tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (tập Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo - trang 9 đến 18). Chính vì vậy mà ông cũng bày tỏ rằng chúng ta không chỉ biết nói tiếng Việt mà còn cần hiểu tiếng Việt. Vì sao? “Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó”.

Sức lao động miệt mài của tác giả là rất đáng trân trọng. Bởi Lê Minh Quốc không chỉ ghi chép lại những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ truyền miệng lâu đời nhiều dị bản; những điển tích được gắn kèm nguồn gốc câu chuyện; sự phong phú vô vàn của từ ngữ trong ẩm thực hay thú vui giải trí… mà còn tận tình giải nghĩa cho người đọc hiểu biết những tên gọi tập tục, nghệ thuật dân gian Việt Nam.

images2422193_t18_2

Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái bên bộ sách về tiếng Việt mới ấn hành của ông

Tác giả ngầm minh chứng tiếng Việt chẳng những vô cùng phong phú mà còn theo không gian và thời gian đã ngày càng biến hóa đa tầng, đa nghĩa. Và dù cho thời gian có trôi đi bao lâu, cho dù sự đa dạng của tiếng Việt ngày càng phát triển, bồi đắp… thì người Việt vẫn yêu tiếng nói thân thuộc kể từ khi sinh ra như hai câu thơ mà Lê Minh Quốc viết như gửi gắm lòng mong mỏi của ông:

“Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt

Tiếng ta tự tại tới trường tồn...”.

Trung Nghĩa

Tôi vững tin viết tiếp về tiếng Việt

Đó là khẳng định của nhà thơ Lê Minh Quốc trong cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần ngày 15-12.

* Điều gì làm ông hài lòng hoặc muốn nói thêm xung quanh bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt vừa phát hành?

- Lúc nhấn nút chuyển bản thảo bộ sách cho NXB, rất đỗi tự nhiên, trong lòng tôi khi đó bỗng bật lên những câu thơ dạt dào một niềm cảm xúc. Có điều gì đó như tự nói với chính mình và chia sẻ cùng những ai yêu tiếng Việt:

“Từng ngày lầm lũi

Nhẫn nại bền lòng

Đi vào từ điển

Nhặt được gì không?...”.

Với tôi, những vốn từ đã có từ thời xửa thời xưa đến nay không hề mất đi, vẫn còn đó, vẫn còn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ - lời ăn tiếng nói của ông bà lưu truyền từ đời này qua đời nọ. Các vốn từ đó “nay vẫn xao xuyến hương vị núi sông” chính là một sự tiếp nối bất tận của hồn thiêng sông núi nằm trong tiếng Việt.

Điều hài lòng nhất, nếu có thể nhắc đến, với tôi vẫn là khi khảo sát văn hóa Việt bắt đầu bằng từ “ăn”, để từ đó, có các phần được tập trung khai thác một cách khái quát như: ăn, ăn học, ăn ở, ăn chơi, ăn nói, cười chơi. Tôi nghĩ, từ “ăn” đó có tính chất chi phối toàn bộ tâm lý, tính cách của người Việt.

* Trong sách ông thổ lộ mình “không hề đơn độc” trên hành trình tìm hiểu tiếng Việt. Ông sẽ viết tiếp chứ?

- Vâng, chắc chắn tôi tiếp tục viết thêm, viết nữa khi tự nguyện làm người học trò tiếp bước theo các bậc thầy đáng kính nghiên cứu về tiếng Việt đã và đang đi trước. Sự nghiên cứu này, nói như nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo, cũng là lúc tìm về “linh hồn tiếng Việt”.

* Xin cảm ơn ông!

T.N (thực hiện)

(nguồn: Báo Đồng Nai ngày 18.12.2021)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com