TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Chất sử thi trữ tình trong “Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam” của LÊ MINH QUỐC

Chất sử thi trữ tình trong “Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam” của LÊ MINH QUỐC

 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chọn thể loại trường ca để viết về lịch sử của mảnh đất và con người Sài Gòn, nơi từng để lại những dấu ấn khó quên, tác giả Lê Minh Quốc đã làm sáng rõ thi pháp thể loại có tầm cỡ nội dung hoành tráng, vận dụng tính tích hợp thể loại, sử dụng một số thủ pháp của văn xuôi hiện đại phù hợp với cái tôi trữ tình đang trôi chảy trong dòng chảy đậm chất sử thi. Trường ca “Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam” có bố cục linh hoạt với 6 chương, phần vĩ thanh được viết như một tác phẩm thơ trữ tình. Kết cấu chặt chẽ trong mạch cảm xúc toàn tác phẩm làm nên tình điệu tác phẩm với cảm nhận của người đọc về cái đẹp, chất hùng ca, tinh thần bi tráng…

 

Văn hóa dân gian được nhà thơ sử dụng sáng tạo trong mỗi chương mục, nhờ thế mà bản trường ca mang đậm dấu ấn của đất phương Nam. Với bản trường ca dài hơn 1.100 câu thơ, tác giả sẽ chọn giọng điệu nào? Nhà văn Márquez khi viết “Trăm năm cô đơn” phải mất 5 năm để tìm ra giọng điệu thích hợp. Tái hiện lịch sử 300 năm, tính đa giọng của tác phẩm là tất yếu, ngoài giọng điệu cầm trịch là giọng điệu sử thi.

Cảm xúc bi tráng cùng những câu thơ dài ngắn khác nhau đã tái hiện lịch sử đau thương nhưng không kém hào hùng của những người con đất Việt đi mở cõi ở chương 1 “Xuôi về phương Nam”: “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây” – bài ca dao viết về những người con “Cư dân ngũ Quảng” phải bỏ quê vào Nam lập nghiệp. Những hình ảnh thơ gợi nhớ đến những nhân vật lịch sử, những thời khắc lịch sử: “Gánh lấy ca dao/ Bế bồng tục ngữ/ Vác đình làng văn hiến bốn ngàn năm…”. Giọng kể có phần ai oán về những đau thương, chua xót mà người nông dân “phù sa, bùn đen còn bám riết gót chân” bị ức hiếp, bị chà đạp, đau đớn, tang thương “Những thân phận như con ong, cái kiến/ Biết kêu ai? Đêm mờ mịt tối tăm”. Thế nhưng, dù “Cơm không đủ ăn/ áo không đủ mặc/ Lúc có giặc/ lại xông pha ngọn gươm mũi mác/ Giữ nước giữ nhà/ Lặng gió can qua/ Lại cúi gập người kéo cày trâu ngựa”. Thật xúc động với những dòng thơ như viết từ gan ruột bằng cái nhìn thấu đáo từ lịch sử, văn hóa dựng nước và giữ nước của các thế hệ những người dân khi đến vùng đất mới. Những vần thơ gợi nhớ về những áng văn chương đã đi vào lịch sử – tượng đài người anh hùng nông dân trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau” hai câu thơ mở đầu như thể hứng trong ca dao ở mục 2 (46 câu). Giọng kể với ngữ điệu nhịp nhàng như một khúc ngâm với những câu thơ 7 chữ khi viết về hình dáng, thổ nhưỡng, văn hóa, con người ở vùng đất mới. Chọn biểu tượng “Phương Nam giống như móng cọp thần”, nhà thơ đã lột tả được chất hào sảng, khúc trầm buồn của đất phương Nam thật ấn tượng “Sức sống lưu dân như móng cọp/ Lấn dần tấc đất cuối phương Nam/ Tổ quốc lớn dần theo năm tháng/ Như cọp vươn mình bốn ngàn năm”. Chất liệu dân gian dày dặn trong mục 3 với 30 câu thơ đã tạo nên âm hưởng hài hòa, luyến láy bởi lối đảo từ, nhấn nhá trên mỗi ngữ liệu của văn hóa dân gian: “Mặn là muối, cay là gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng chia xa”.

Khúc trường ca mang giọng hào sảng không kém phần bi tráng trong  chương 2. Sử dụng thể thơ 4 chữ cầm trịch cho cả khúc ngâm ở chương 2 “Vạch một chân trời” (285 câu thơ), nhà thơ đã tối ưu hóa ưu điểm thể loại của thể thơ dân gian, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp khi tái hiện những trang sử dựng nước và giữ nước. Những câu ca dao xen vào trong khúc ngâm tạo nên nhịp điệu nhẹ nhàng, giai điệu luyến láy và vì thế nhà thơ đã thi vị hóa những khổ đau cực nhục bằng cái nhìn đậm chất nhân văn. Kể một câu chuyện dài về lịch sử khai phá vùng đất mới bằng giai điệu phương Nam ngọt ngào trôi chảy cùng thể thơ linh hoạt đã khiến cho giọng kể đa thanh. “Nước chảy liu riu/ Lục bình trôi líu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”. Sau câu ca dao ngọt ngào là 35 câu thơ kể về những khó khăn cực nhọc, hiểm nguy khi con người đến khai hoang vùng đất mới, rồi lại xen vào câu ca dao “Lên non đón gió lấy trầm/ Xui ong lấy mật, giục tằm nhả tơ”. Kể, tả về những tháng ngày khai hoang lập địa, đến lúc “Thằng Tây cướp đất”, dân ta vùng lên đánh Tây giữ đất, giữ nhà. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất, mỗi ngọn rau đều thấm mồ hôi và máu của cha ông ta. Ở mục 2 (38 câu) và mục 3 (56 câu) của chương 2 vừa tái hiện chân dung nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vừa nhắc lại hình ảnh Lục Vân Tiên, vừa nhắc lại quá khứ đau thương mà anh dũng của người và đất Sài Gòn khi cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Lối viết ngắn gọn mà đa nghĩa, hình ảnh thơ gợi nhiều liên tưởng, câu chuyện kể vừa mở rộng dung lượng tự sự, vừa dạt dào cảm xúc nhờ sự đưa đẩy của ngữ liệu ca dao, vọng cổ khiến cho câu chuyện kể trở nên trữ tình da diết từ “câu từ” đến “hình ảnh”. Chương thơ như những thước phim quay chậm về một quá khứ bi thương mà hào hùng.

Giọng hào sảng trong cả chương 3 “Trẻ như sức trẻ” thật âm vang bởi những câu thơ dài. Hình tượng thơ linh hoạt; cái nhìn thi nhân đa chiều về hình ảnh con người hạnh phúc trong hôn nhân, yên tĩnh nơi cư trú, hân hoan trong niềm vui hòa bình, dựng xây và đổi mới. Ở mục 1 (193 câu thơ) tác giả đã nhắc lại cuộc chiến ở biên giới Tây Nam khi đất nước vừa bước vào những năm hòa bình để ghi nhớ những trang sử trong hào hùng vẫn nhuốm máu hi sinh, rồi những câu thơ gợi nhớ về một thời, lúc đất nước vừa thống nhất, tuổi trẻ xông pha trên mặt trận lao động sản xuất: “Ôm đất nước vào lòng/ Ta cuốc đất kịp mùa gieo hạt/ Ta mở ra mầm xanh bát ngát/ trời vào xuân, đất cũng vào xuân”. Đất nước như trẻ ra, như sống dậy cùng mùa xuân và tuổi trẻ. Con người lột xác, con người nhập cuộc đã nhận chân giá trị của hạnh phúc từ những gì rất thực: “Biết ơn đất đai và những tứ thơ tình/ Gợi dậy niềm tin đã một lần hóa đá/ Cô bạn gái cười cũng đủ làm má anh ửng hồng đôi má/ Bỗng thẹn thùng như lúc mới biết yêu”. Đất nước hòa bình, dẫu có nhiều khó khăn về kinh tế, dẫu biên giới chưa ngưng tiếng súng, nhưng tuổi trẻ hừng hực lý tưởng và sức sống đã xốc lại tinh thần và làm mới cuộc sống trong những năm tháng hòa bình. Câu thơ dài hơn, lời kể nhẹ nhàng hơn, giọng điệu vui tươi hơn, đó cũng là cách sử dụng hình thức để làm sáng rõ nội dung. “Cô dâu thẹn thùng cầm một cánh hoa đưa/ Cho chú rể nụ cười hoa cẩm chướng/ Họ nắm tay nhau nhìn nhau thấy ngượng/ trái tim đang yêu đỏ rực dưới mặt trời” – cái nhìn của thi nhân thật tinh tế khi chọn tâm điểm của niềm vui và hạnh phúc con người bằng niềm hạnh phúc của đôi trai gái trong đám cưới của mình. Lợi thế của nhà thơ trữ tình trong anh đã phát huy tối đa. Chỉ với những câu thơ giản dị mà nhà thơ đã lột tả được đặc trưng văn hóa về con người của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam: “Người ngụ cư đã thành cư ngụ/ Cùng chào nhau hướng thiện dựng xây đời/ Mỗi góc phố thân thương như máu thịt/ Sài gòn ơi! Gắn bó mọi buồn vui”.

Ở chương 4 “Hoa trái sinh thành” (403 câu), viết về quá trình đất nước chuyển mình từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhà thơ đã có cái nhìn thấu đáo về những bỡ ngỡ, những đổi thay. Có khi phải trả giá bằng những đớn đau của con người trước thời cuộc, và dẫu có khó khăn, dẫu phải mò mẫm thì vẫn đi tới với mục tiêu đã vạch sẵn: “Những xã giao trao lời chào tiếp thị/ Tay cầm tay hờ hững cứng như gươm… Tôi quên đi những lần tôi dại dột/ muốn bằng người – bỏ học để đi buôn”; “Trên đường anh đi không chỉ có hoa hồng/ Vẫn còn đấy những rập rình gai nhọn”; “Dân không chỉ no mà còn phải ăn ngon/ Mặc đã ấm thì phải còn mặc đẹp/ Nhà cửa đẹp, phố phường thêm đẹp/ Thành phố xanh đáng sống yên bình”. Những câu thơ dài ngắn khác nhau được viết trong cả chương thơ một cách khéo léo để diễn tả cái gập ghềnh của con đường đổi mới, xây dựng kinh tế giàu mạnh ở một vùng đất mới. Nhà thơ sử dụng đại từ “Anh” viết hoa để rút gọn cho một quan điểm, một đường lối, một sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Trong sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, con người không tránh khỏi cái ngơ ngác, ngập ngừng, kinh nghiệm chiến tranh chưa thể là kinh nghiệm cho xây dựng kinh tế trong hòa bình, và để đi đến như hôm nay cũng là một sự lột xác ngoạn mục. Chỉ có thể loại trường ca mới có thể tái hiện được những chuyển biến, đổi thay trong những tháng năm đất nước chuyển mình, vươn mình ra biển lớn. Phải là người cùng thời, người nhập cuộc mới có thể tái hiện lại những trang sử chân thực đến như vậy.

Nhà thơ đã sử dụng giọng điệu chất vấn cho chương 5, giọng điệu mà nói như nhà thơ Tagor là “ngọn gió của nhà thơ băng qua rừng qua biển”. Bằng hình ảnh “Tòa án Nhân dân phụng sự nhân dân”, và trên hết vẫn là tòa án lương tâm, nhà thơ đã khẳng định đất phương Nam vẫn còn đó Lục Vân Tiên, vẫn còn đó những con người bộc trực, mang trong mình khí chất “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. “Tôi – thi sĩ nên vốn nhiều lãng mạn/ Cứ ngỡ đổi thay lớn dậy từng ngày/ Thập loại chúng sinh đủ đầy sung túc/ Đường lên hạnh phúc chỉ cầm tay”. “Nỗi đau trở dạ” như tiếp nối mạch cảm xúc khi viết về chặng đường đổi mới nhiều chông gai và cũng lắm bất công. Số lượng câu thơ ở 4 mục trong chương 5 tương đương cùng nhau để diễn tả những cảm nhận đa chiều của thi nhân.

Nếu ở chương 3 khi bày tỏ cảm nhận về hạnh phúc của con người bằng hình ảnh một đám cưới, thì đến đây để bày tỏ những uất ức, đau khổ vì sự tham lam và ngu dốt; nhà thơ sử dụng hình ảnh người lính trở về cụt mất một chân, đã không còn nhìn thấy gốc cây mai mà mẹ già đã tưới tắm nó khi chờ anh trở về: “Cội mai không trổ lá/ Giải tỏa đã mất rồi/ Ai làm sai quy hoạch? Đã có câu trả lời…”. Có những câu thơ như bản án đanh thép kết tội quan tham: “Khi người lính đổ máu trên chiến trường/ Ngã vào Đất mẹ vẫn thòm thèm bát cơm ngon dẫu là một hạt/ Hậu phương lại có những quan tham/ Thỏa thích gái ngon nhục dục lõa lồ/ Ăn nhậu thâu đêm ngập chìm trong rượu/ Đàn hát say sưa “bồ đào mỹ tửu”/ Đàn đúm tiệc tùng bằng xương máu nhân dân”. Sử dụng lối nói thẳng, trực diện vào lũ quan tham là lời buộc tội đanh thép của thi nhân. Hình ảnh người mẹ Thủ Thiêm kết lại chương 5 thật lắng đọng biết bao điều đau đáu, suy tư và thương cảm: “Trưa nay bên mẹ con ngồi/ Đưa nôi cháu ngủ dưới trời bình yên/ thưa gì với mẹ Thủ Thiêm/ một trời đầy nắng, tiếng chim tự tình…”. Những câu thơ lục bát như nhắn nhủ, gửi gắm niềm tin về công lý, công bằng.

Hình ảnh những chiếc cầu đi vào chương 6 (20 câu): “Tạo nên dáng ngọc” thật xao xuyến, bâng khuâng, man mác như giọng ca dao, như lời ru của mẹ: “Ngày mai chia tay em, tôi lại đi xa/ đi xây những chiếc cầu cho lứa đôi gặp gỡ/ Như chiếc nôi ru những cuộc tình muôn thuở/ Trai trẻ yêu nhau không lỗi hẹn như mình”. Cái nhìn của thi nhân thật lãng mạn, bởi từ lâu cây cầu không chỉ là phương tiện giao thông, mà còn là sợi dây tình cảm xóa sự xa cách giữa “qua” và “bậu”, giữa “mình” và “ta”… 116 câu thơ còn lại với thể thơ 4 chữ như một khúc đồng dao mang âm hưởng ngợi ca, hình ảnh thơ phác họa bao ý tưởng cho dáng ngọc ở đất phương Nam. Chất hiện thực và lãng mạn hòa quyện với nhau với cái nhìn nhân văn gợi biết bao là mơ ước cho con người “Sài Gòn sức trẻ/ Lá vẫn non tơ/ Có em qua đây/ cho tôi đợi chờ/ Đi trong thành phố/ Những chiều công viên/ Tình yêu hít thở/ từng ngày bình yên”.

Cảm xúc trữ tình ở phần “Vĩ thanh”(118 câu) lắng đọng bao tâm tư, suy tưởng, ước mơ của thi nhân với những câu thơ dài 8 chữ. Câu thơ lục bát  mang giọng man mác như vọng cổ, như điệu buồn phương Nam, điệu Cổ phong, Lưu trường thủy, Ngũ điểm mai, Văn thiên trường… thấm vào trong ngôn từ, ý tứ của thi nhân. Văn hóa, thổ nhưỡng phương Nam đã ngấm vào máu thịt của thi sĩ quê gốc Đà Nẵng; bề dày văn hóa, chiều sâu suy tưởng, tính tiên phong của nhà báo, cảm xúc trữ tình của thi nhân tài năng Lê Minh Quốc đã lắng đọng trong câu chữ ý tứ của trường ca “Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam” – bản trường ca tri ân cho một vùng đất nghĩa tình dễ sống và đáng sống, nơi con người vừa nghĩa khí vừa thanh hậu.

Huế, 2/9/2020

TS. Hoàng Thị Thu Thủy

 (nguồn:https://vanchuongphuongnam.vn/chat-su-thi-tru-tinh-trong-sai-gon-an-ngoc-phuong-nam.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com