TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang


Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc


(Tổ Quốc)

- Bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt" không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của nhà thơ - nhà văn Lê Minh Quốc khởi đi từ thực tế tìm tòi và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị...

"Sự sống còn của một ngôn ngữ do chính người nói ngôn ngữ này quyết định"- nhà ngôn ngữ Jean Louis Calvet đã nói như vậy. Vào tháng 11.1999, khi UNESCO quyết định công bố: Ngày 21/02 hằng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ, đây chính là khẳng định về sự bình đẳng ngôn ngữ của mọi dân tộc.

Nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: "Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao" - đã được dịch ra 64 thứ tiếng. Hơn thế nữa, nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc, bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc đó. Gần như tất cả chúng ta đều có "mẫu số chung" với tình yêu tiếng mẹ đẻ - ngôn ngữ đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Tác giả Lê Minh Quốc cùng với sự học tiếng Việt cũng dùng hơn 40 làm nghề viết lách, mày mò, nghiên cứu thêm nhiều ngữ nghĩa đa tầng xoay quanh ngôn ngữ tiếng Việt trong bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 12/2021.

Sự nghiên cứu này, nói như nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo cũng là lúc tìm về "linh hồn tiếng Việt. Trong tập sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (Nxb Trẻ, 2001), nhấn mạnh: "Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng… Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất".
"Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt"- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc - Ảnh 1.

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà, nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của nhà thơ - nhà văn Lê Minh Quốc khởi đi từ thực tế tìm tòi và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị...

Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt được chia thành ba tập: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm không sắp xếp theo hệ thống ký thường thấy mà đan xen nhiều điển tích, cách dụng chữ từ xưa đến nay, phong phú ẩm thực Việt, phong tục tập quán, thói hư tật xấu… như một cách cởi mở để xâu chuỗi nhiều câu chuyện trong tập sách thú vị này.

Từ những điển tích hay truy nguyên nguồn gốc câu chuyện như: Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng; I cụt, y dài, y cà lết, y cờ rết; Song lang hay song loan; Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh?; Mút mùa "Lệ Thủy" hay mút mùa "lệ thủy"; Vân vân và mây mây v.v..; Chém gió méo mó tiếng Việt; Từ chơi "phây" đến chơi "ba que xỏ lá"; Biến bi thành hài…

Ngôn ngữ trong ẩm thực như: Ngẫu hứng cùng nghệ thuật ăn; Buồn tình, nghĩ tới… chuyện ăn, Ăn từ… tiếng rao, Ăn từ… trang sách; Miệng nhai cơm búng; Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo; Từ "trà phe" đến "bia bọt"; Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm…

Ví von về thói hư, ăn chơi trăng hoa, thiếu đi sự chung thủy như: Ghen rồi… đánh ghen; Chim chuột phen này... vồ lấy cống; Của còn chung chạ của…; Chơi bợm, bải; Bồ bịch qua bị bầu…; Nhảy đầm nhảy đực…

Bên cạnh đó, tác giả còn giải nghĩa thêm những tập tục Lễ - Tết hay thưởng thức nghệ thuật như: Ăn Tết với nhau, rủ nhau đụng lợn; Nhìn bếp… thấy ông Táo; Lạm bàn chuyện đánh Cọp; Chơi hô lô tô; Dí dỏm như hô bài chòi; Chơi trống quan, lan man ca trù; Xem chèo, qua… hề chèo; Xem tuồng đồ, nghĩ về đồ; Bàn phiếm về hát bội, nhưng…

Động lực duy nhất để tác giả Lê Minh Quốc hoàn thành bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt là sự miệt mài học tiếng Việt và vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Có điều đây vẫn là bộ sách chưa thể kết thúc.

Tác giả cho hay, anh sẽ vẫn tiếp tục viết, viết thêm nữa. Bởi còn quá nhiều đề tài thú vị và tiếng Việt lại vô cùng phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng đa nghĩa biến chuyển theo không gian và thời gian. Dù cho trăm năm hay ngàn năm sau đi chăng nữa, làm sao có thể quên được những từ ngữ hay tiếng nói tha thiết quen thuộc từ khi lọt lòng mẹ.
"Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt"- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc - Ảnh 2.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái với bộ sách

Anh Lê Minh Quốc chia sẻ: "Xin nói thật lòng, đã từ lâu, tôi nghĩ rằng, đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta... đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca đao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách "giữ của" tốt nhất đã có từ thời dựng nước - giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá.

Đất nước phải luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta chọn lối truyền miệng sẽ không một kẻ thù nào có thể tước đoạt hoặc tiêu diệt nổi. Đồng ý, câu cửa miệng ra đời còn bắt đầu từ ghi nhận, quan sát qua phong tục, lễ nghi, tập quán, đất lề quê thói... và trong quá trình đó, còn thêm yếu tố có thể bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể. Sau đó, người ta quên đi câu chuyện đó, hoặc do ngữ nghĩa phai dần, vì thế, cũng câu nói đó nhưng mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc có thêm dị bản là thế. Tìm về chất liệu từ câu cửa miệng đã và đang tồn tại, cũng là một hướng quan trọng để ta tiếp cận với văn hóa.

Vì lẽ đó, khi viết bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, tôi hết sức chú trọng đến lời ăn tiếng nói của người xưa. Khổ nỗi, có những từ mà "tôi và chúng ta" đều ngắc ngứ".

Và, chúng ta yêu lấy tiếng tiếng Việt/ tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách: thể hiện tấm lòng yêu lấy non sông gấm vóc: "Dịu dàng, day dứt dùng da diết/ Nặng nợ ngàn năm níu núi non/ Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt/ Tiếng ta tự tại tới trường tồn...".

Phương Anh

(nguồn: Báo Tổ Quốc ngày 14/12/2021)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com