TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 1. Lời nói đầu

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 1. Lời nói đầu

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang

 

Lời nói đầu

1.

Có những quyển sách, một khi đã đặt dấu chấm vào cuối câu ở trang cuối cùng, kể như đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Tự dưng thấy đầu óc trống rỗng. Bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu đã sắp xếp ngay hàng thẳng lối trên trang bản thảo, như người lính đi ra trận. Đi là đi. Mãnh liệt và dứt khoát. Khác với người lính, có thể không về, ngã xuống với cỏ cây làm nên hồn thiêng sông núi; chữ lại quay về. Và sau đó, lại tiếp tục dàn binh bố trận trên trang viết mới.

Cứ thế, lại viết.

Suy nghĩ này, ngay sau khi hoàn thành Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt, tất nhiên tôi cũng nghĩ thế. Có điều đây vẫn là bộ sách chưa kết thúc. Vẫn tiếp tục. Vẫn còn viết. Viết thêm nữa. Bởi thừa biết rằng, có những bộ sách một người dù tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không thể hoàn thành, phải là công sức đóng góp của nhiều, rất nhiều người. Bộ sách này là một thí dụ. Nói cách khác, đây cũng là một lối “Đánh trống qua cửa nhà sấm”. Không sao cả. Việc làm này được thực hiện do động lực duy nhất: Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt.

2.

Xin nói thật lòng, đã từ lâu, tôi nghĩ rằng, đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta… đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Tất nhiên rồi, “Thời gian thay đổi tất cả. Không có lý do gì để ngôn ngữ thoát khỏi quy luật phổ biến đó”, nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913) đã nói chí lý.

Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca dao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách “giữ của” tốt nhất đã có từ thời dựng nước - giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá. Đất nước phải luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta chọn lối truyền miệng sẽ không một kẻ thù nào có thể tước đoạt hoặc tiêu diệt nổi.

Đồng ý, câu cửa miệng ra đời còn bắt đầu từ ghi nhận, quan sát qua phong tục, lễ nghi, tập quán, đất lề quê thói… và trong quá trình đó, còn thêm yếu tố có thể bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể. Sau đó, người ta quên đi câu chuyện đó, hoặc do ngữ nghĩa phai dần, vì thế, cũng câu nói đó nhưng mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc có thêm dị bản là thế. Tìm về chất liệu từ câu cửa miệng đã và đang tồn tại, cũng là một hướng quan trọng để ta tiếp cận với văn hóa. Vì lẽ đó, khi viết bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt, tôi hết sức chú trọng đến lời ăn tiếng nói của người xưa. Khổ nổi, có những từ mà “tôi và chúng ta” đều ngắc ngứ.

Vậy, phải tìm hiểu, giải thích thế nào, hiểu thế nào là đúng?

Với tôi, mày mò tìm hiểu cũng là một lối tự học. Lối tự học này, nếu có tiếng vỗ tay hoan nghênh thì xin hoan hỷ nhận lấy, thêm một niềm vui để tiếp tục đeo đuổi; nếu không, vẫn cứ tiếp tục lầm lũi bước tới, chứ không vì thế nản lòng; nếu có ý kiến tranh luận, lại càng hay, nhờ thế, chúng ta sẽ tiếp cận với ngữ nghĩa của từ này, từ nọ thấu đáo hơn và cũng giúp tôi được dịp học thêm nữa.

Hy vọng là thế bởi cả thảy chúng ta đều có “mẫu số chung”: Tình yêu tiếng mẹ đẻ; và nói như nhà ngôn ngữ Jean Louis Calvet, chúng ta tự ý thức: “Sự sống còn của một ngôn ngữ do chính người nói ngôn ngữ này quyết định”.

3.

Vâng, nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc, bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, khi cấu trúc bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt, tôi chia thành các tập như: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ (bàn về ăn, ăn chơi), Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo (bàn về ăn nói, cười chơi), Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm (bàn về ăn học, ăn ở),... Thật ra, sự phân chia này, ranh giới của nó mong manh lắm, bởi các lãnh vực trên đều đan xen lẫn nhau, không rạch ròi dứt khoát. Âu cũng chính là một trong những đặc trưng của cách nói “nước đôi/ nước hai” của người Việt. Bên cạnh đó, còn do tôi chọn cách viết theo lối chữ nọ xọ chữ kia, chuyện kia tăm tia chuyện nớ, gặp đâu xâu đó như một cách trò chuyện thân tình, trao đổi thân mật đặng học hỏi lẫn nhau, không ngoài mục đích lôi cuốn người đọc.

Tuy nhiên, xin nhấn mạnh: Bộ sách này không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà, nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, một nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị... Qua đó, sự học tiếng Việt trong suốt bốn mươi năm làm nghề viết lách đã giúp tôi tích lũy một ít kiến thức nho nhỏ, nay, xin được chia sẻ với đông đảo những ai yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Nghĩ rằng, tôi không hề đơn độc trên hành trình này vì tự nguyện làm người học trò tiếp bước theo các bậc thầy đáng kính nghiên cứu về tiếng Việt đã và đang đi trước...

Sự nghiên cứu này, nói như nhà ngôn học tài ba Cao Xuân Hạo cũng là lúc tìm về “linh hồn tiếng Việt”.

Trong tập sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (NXB Trẻ - 2001), ông viết: “Cái hồn ấy, cái mà Wilhelm von Humboldt gọi là Volkstum “hồn dân”, và Sprachestum “hồn tiếng” mà người bản ngữ đều mang trong xương tủy, và chỉ có một số cực kỳ ít ỏi những người ngoại quốc sống rất lâu giữa lòng bản ngữ mới có được”. Và ông nhấn mạnh: “Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như của các lãnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất” (tr. 38).

4.

Thiết nghĩ, vào tháng 11.1999, khi UNESCO quyết định công bố: ngày 21.2 hằng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ, đây chính là khẳng định về sự bình đẳng ngôn ngữ của mọi dân tộc. Nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: “Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao” - đã được dịch ra 64 thứ tiếng. Tiếp nhận một thông tin lý thú, hẳn chúng ta lại nghe vang vọng câu thơ ghi trên bức tranh của người Maori (New Zealand): Tiếng nói, vật sở hữu quý giá nhất của tôi/ Tiếng nói, vật trìu mến của tôi/ Tiếng nói, vật trang hoàng sáng giá của tôi”. Vâng, không một giá trị vật chất nào có thể sánh bằng.

Và, chúng ta yêu lấy tiếng tiếng Việt/ tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách thể hiện tấm lòng yêu lấy non sông gấm vóc:

Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt

Tiếng ta tự tại tới trường tồn…

LÊ MINH QUỐC

(9.IX. 2021)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com