TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi

Tham gia đời sống văn chương trong nước với nhiều thể loại khác nhau, từ thơ, tiểu thuyết lịch sử, tùy bút, nhà thơ Lê Minh Quốc còn là tác giả của nhiều công trình biên khảo có giá trị. Anh vau27 ra mắt bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM) mamg đến những thông tin hữu ích và thú vị về tiếng Việt đặt trong tương quan văn hóa Việt Nam.

Là người Việt chưa chắc đã hiểu tiếng Việt

- Đang từ một người sáng tác, cơ duyên nào khiến anh dành sự quan tâm và nghiên cứu về tiếng Việt?

- Lâu nay, tôi vẫn nghĩ rằng, hơn ai hết là người Việt ắt phải hiểu tiếng Việt. Nhưng thật ra đó là một sự ngộ nhận. Bởi vì trong đời sống, có những sự vật/ sự việc chúng ta không hiểu và dùng sai nhưng vẫn được chấp nhận; thế thì nghĩa đúng của nó là gì? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời, vì theo năm tháng có những từ đã phai nghĩa, có thể người ta thay thế, “cập nhật” bằng từ khác; hoặc dẫn tới dị bản khác nhau. Càng tìm hiểu về tiếng Việt, càng mở ra cho tôi rất nhiều lý thú, nhất là cách sử dụng vốn từ của người Việt xưa nay cực kỳ phong phú, đa dạng và biến hóa khôn lường tùy vào các tình huống cụ thể. Đó là nghệ thuật thể hiện bằng rất nhiều sắc thái, cung bậc và sắc màu khác nhau một cách uyển chuyển, lắt léo, cắc cớ, không có gì là không diễn tả được.

- Vào năm 2017, anh từng ra mắt Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ, tái bản 2018), cung cấp cho bạn đọc kho văn liệu từ nhiều nguồn. Lần này, với bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, anh có gì “làm quà” cho độc giả?

- Ban đầu, khi viết Lắt léo tiếng Việt như một cách tìm hiểu, thu nhặt thêm vốn từ. Nhưng rồi, không dừng lại đó, tôi tiếp tục mày mò tìm hiểu thêm vì sao người Việt có thế mạnh trong việc sử dụng từ? Trước mắt tôi nhận ra, đó chính là sự đồng âm đã dẫn tới trùng trùng điệp điệp ngữ nghĩa cực hay, mới lạ và bất ngờ. Bên cạnh đó, tôi nhận ra, tùy theo vùng miền, cư dân mỗi nơi lại có cách diễn đạt sự vật/ sự việc bằng vốn từ khác nhau. Suy rộng ra, nếu thật sự muốn hiểu từ đó  ngoài việc tìm hiểu vốn từ trong cách sử dụng toàn dân, ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu thổ âm, thổ ngữ của từng địa phương nữa.

Khi bắt tay thực hiện bộ sách này, tôi chủ trương chọn cách trình bày vấn đề khác trước. Cụ thể, bàn về một từ nào đó, tôi lồng thêm vào đó câu chuyện có liên qua về văn hóa, lịch sử, thời sự để cho thấy từ ngữ đó sống động, thiết thực và “có hồn”, chứ không là một “xác chữ”. Thông qua bộ sách này, tôi muốn chứng minh một điều: Nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn thói ăn nết ở, ăn uống, ăn mặc, ăn chơi, cười chơi… bao giờ cũng phản ánh tính cách văn hóa của dân tộc đó.

- Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt gồm 3 tập: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Dích dắt dặt dìu dư dí dỏm và Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo. Quả thực, đọc tên những cuốn sách này không dễ chút nào. Hẳn là anh có dụng ý nào đó? Sự phân chia này theo từng tập có dựa trên tiêu chí nào không, thưa anh?

- Sự phân chia các lãnh vực như ăn, ăn ở, ăn nói, ăn chơi, ăn học, cười chơi… chỉ có tính cách tương đối. Không thể rách ròi. Vì rằng, tục ngữ có câu: “Làm trai cứ nước hai mà nói” đã phản ánh cách nói của người Việt đó thôi, nói như người Nam Bộ: “Tưởng dzậy mà hổng phải dzậy”. Tức là khi nghe bàn về vấn đề A nhưng biết đâu những vốn từ của vấn đề A là đang nói về vấn đề B? Sự lắt léo, cắc cớ, dí dỏm của tiếng Việt đó, ông bà mình đã sử dụng đó, mà, có như thế dù bất kỳ tình luống nào, ngữ cảnh nào thì người Việt cũng có cách trình bày vấn đề cụ thể, tùy người nghe mà cảm nhận lấy cốt lõi của nó.

Mọi ý đồ cải cách chữ quốc ngữ đều thất bại

-  Ngôn ngữ được nảy sinh từ đời sống, và tiếng Việt cũng như vậy. Chính điều này đã làm nên sự giàu có cho tiếng Việt. Có điều, cùng với sự chảy trôi của thời gian, tiếng Việt đã không còn như xưa. Anh lý giải điều này như thế nào? 

- Theo năm tháng bất kỳ vốn từ của dân tộc nào cũng có sự thay đổi, tiếng Việt không là ngoại lệ. Nói thật, nếu người Việt từ thời Từ điển Việt - Bồ - La (1651) xuất hiện, qua trò chuyện ắt có lúc cả hai cùng ngắc ngứ như nhau, lúc đó, cách tốt nhất vẫn là vừa giao tiếp vừa… lật từ điển tiếng Việt ra tra cứu. Ở bộ sách này, trong chừng mực có thể, tôi cố gắng hết sức mình khi tìm hiểu về một từ nào đó, để xem nó đã thay đổi thế nào; trước đó, nghĩa của nó là thế; nay, nghĩa của nó thế nào; nó còn sử dụng hay đã mất đi hoặc có thể đã thay thế bằng từ nào khác?

- Từng có nhiều công trình cải cách tiếng Việt được đưa ra nhưng nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Chúng ta đồng ý với nhau rằng, tiếng Việt “không đứng yên một chữ”, nhưng vì sao việc cải cách tiếng Việt lại khó đến như vậy, thưa anh?

- Dám khẳng định một điều chắc chắn, dù có thiện ý bằng trời đi nữa thì mọi ý đồ “cải cách chữ quốc ngữ” đều dẫn tới một kết quả chắc chắn: thất bại. Quá trình thay đổi này, ta có thể tìm thấy trong tập sách Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ (Viện Văn Học - 1961) và nhiều tài liệu gần đây, cuối cùng không nên “cơm cháo” gì, cho dù sự cải tiến/ cải cách đó nhằm mục đích tốt đẹp là giúp tiếng Việt hoàn thiện hơn. Có 2 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, chữ viết của bất kỳ dân tộc nào cũng gắn liền với tình cảm, tâm thức của dân tộc đó, đôi khi bất chấp cả tính logic, hợp lý của nó và đã được cộng đồng chấp nhận. Và thứ hai, nói như một nhà ngôn ngữ học, mọi sự cải cách đều dẫn tới “sự đứt gẫy văn hóa”, thí dụ, sách vở trước kia đã in, nay phải in lại; người đã biết chữ nay không khéo trở thành… mù chữ như chơi. Bản thân tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải cải cách tiếng Việt.

- Nếu soi vào ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ ngày nay, hay trên mạng xã hội, sẽ thấy một thứ tiếng Việt lạ lẫm, hoàn toàn không giống với trước, lại càng khác xa với tiếng Việt của ông bà mà anh đề cập trong bộ sách của mình. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ tất cả sự thay đổi này đều bình thường, tất nhiên nó phải thế, và đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển của mọi ngôn ngữ trong phạm vi toàn cầu. Một khi đã có sự giao thoa về văn hóa nói chung, ắt sẽ có sự tiếp nhận vốn từ vay mượn vốn từ của ngoài. Trải theo năm tháng, sẽ đến một lúc người Việt sử dụng nó, đối xử với nó cũng bình đẳng như mọi từ đã có xưa nay. Trộm nghĩ, bản sắc của bất kỳ một giá trị vật chất nào cũng khộng đóng khung, không cố định mà phải sự vận động và thay đổi. Tiếng Việt cũng thế thôi. Chính cộng đồng sử dụng đương thời sẽ là tập thể quyết định cho bản sắc đó, nếu tìm chung được tiếng nói của sự đồng thuận. Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong tiếng Việt dù bất kỳ thế nào đi nữa, bản sắc của nó, không hề mất đi. Tiếng Việt là máu của người Việt đã tồn tại hàng ngàn năm nay, ai có thể thay máu một dân tộc? Hơn nữa, sao ta không nhìn theo hướng tính cực chính thế hệ trẻ (Gen Z) hôm nay đang là nhân tố làm giàu thêm cho tiếng Việt trong tương lai?

-Chân thành cám ơn anh đã có những chia sẻ.

THÀNH VINH
(Thực hiện)

(nguồn: Báo Nhân Dân cuối tuần số 7 (17200 ra ngày 13.2.2022)

 

bao-nhan-dan-cuoi-tuan-2022



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com