TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC - Tiếng cười thâm thúy từ các nhân vật văn học nổi tiếng

LÊ MINH QUỐC - Tiếng cười thâm thúy từ các nhân vật văn học nổi tiếng

so_doxuan_toc_do

LÊ MINH QUỐC - Tiếng cười thâm thúy từ các nhân vật văn học nổi tiếng  

 

“Số Ðỏ Lý Toét Xuân Tóc Ðỏ tân kỳ dị truyện” (NXB Trẻ) của tác giả Lê Minh Quốc là tập truyện trào phúng với những mẩu chuyện hài hước được phóng tác từ các nhân vật văn học nổi tiếng. Tác giả mượn chuyện xưa để nói chuyện nay nên người đọc vừa cười, vừa thấm, vừa ngẫm.

Khác với hai tập truyện trào phúng trước đó, lần này Lê Minh Quốc sáng tạo nên cách viết mới: đưa những nhân vật văn học nổi tiếng sống lại qua câu chuyện phóng tác. Hàng loạt các nhân vật trứ danh trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam như: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, lão Hạc, giáo Thứ, chị Dậu, Xuân Tóc Ðỏ, Nghị Hách, kép Tư Bền… cùng các nhân vật trong kho tàng trào phúng dân gian Việt Nam như: Ba Giai, Tú Xuất, thằng Bờm, Cuội, Bác Ba Phi, Lý Toét… lần lượt xuất hiện và mang đến tiếng cười cho độc giả.

Trong đó, nhân vật Xuân Tóc Ðỏ trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng được phóng tác nhiều nhất. Bởi với sự ranh ma, lươn lẹo của hắn, nhiều sự việc được hắn tận dụng để làm lợi cho mình và nổi tiếng. Chẳng hạn như Xuân tung hê, vạch trần chuyện ông này bị mọc sừng, bà kia khoe da thịt và những trò kệch cỡm của quý ông quý bà hám danh bằng những lời mật ngọt và làm họ sung sướng khi được nổi tiếng trên mạng xã hội (“Luật mọc sừng”). Hay chuyện Xuân phối hợp với Chí Phèo làm giả hài cốt của ông chồng Tây mất tích của bà Phó Ðoan để lừa tiền (“Bí mật của Xuân Tóc Ðỏ lần đầu tiên được công bố”). Hoặc chuyện Xuân phối hợp với bà Phó Ðoan ra mắt tờ báo lá cải để câu khách bằng những tin bài bậy bạ (“Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Ðỏ”). Rồi vợ chồng Xuân bán thuốc dỏm dán mác nhập khẩu cho thiên hạ, không ngờ cụ Cố Hồng tưởng thuốc thật nên uống rồi qua đời (“Vì sao cụ Cố quy tiên”)…

Thói lộng quyền, thâm hiểm, xảo quyệt của 2 nhân vật Nghị Hách và Bá Kiến được tác giả tái hiện một cách sống động nhằm chỉ ra những thói hư tật xấu, sự tha hóa của một số người trong xã hội hiện đại. Nhân vật Chí Phèo cũng làm nên chuyện lớn khi dưới sự tư vấn của Xuân Tóc Ðỏ, hắn và Thị Nở trở nên nổi tiếng nhờ chiêu trò “khoe hàng”, “lộ ảnh nóng” trên mạng xã hội (“Chí Phèo tân truyện”). Các nhân vật văn học nổi tiếng khác như lão Hạc, chị Dậu, ông giáo Thứ, kép Tư Bền… cũng được tác giả Lê Minh Quốc phóng tác trong những câu chuyện về thân phận con người, để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả.

Chất châm biếm, trào lộng trong từng câu chuyện được tác giả khai thác nhiều khía cạnh. Những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm cũng được tác giả lồng ghép khéo léo vào các câu chuyện. Người viết dày công xây dựng những tình tiết mà khi thời sự đã đi qua, bài viết vẫn “đứng” được trong lòng độc giả. Phần lớn các bài viết trong tập truyện đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười và một số báo khác.

Ngoài những truyện phóng tác, còn có những bài nghiên cứu của tác giả về “Ai là cha đẻ của Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh?”, “Có bao niêu kiểu cười?”, “Hà Nội hiện đại với thơ dân gian”, “Thế nào là nghệ thuật quảng cáo bằng thơ”… Qua đó, mang đến nhiều kiến thức phong phú cho người đọc về các thể loại châm biếm, trào phúng của Việt Nam.

CÁT ÐẰNG

 (nguồn: Báo Cần Thơ ngày 17.8.2021/ https://baocantho.com.vn/tieng-cuoi-tham-thuy-tu-cac-nhan-vat-van-hoc-noi-tieng-a136813.html)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com