TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang

Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt


Xuất phát từ tình yêu, mong muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm cho tiếng nói ấy trở nên giàu đẹp hơn, không chỉ là công việc của riêng ai. Với nhà thơ Lê Minh Quốc, ông đã gửi gắm tình cảm nồng nàn ấy thông qua bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt" (NXB Tổng hợp TP HCM - 2021).

Ông khiêm tốn bày tỏ: "Bộ sách này không phải là một công trình lý thuyết nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…".

Bộ sách này gồm 3 tập: "Chơi chữ chanh chua chan chát chữ" (bàn về ăn, ăn chơi), "Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo" (bàn về ăn nói, cười chơi), "Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm" (bàn về ăn học, ăn ở)... Sở dĩ như thế, vì theo ông, người ta có thể khảo sát văn hóa của một dân tộc thông qua vốn từ họ sử dụng trong giao tiếp thuộc nhiều lãnh vực. Với người Việt, lạ thay, hầu như đều gắn với từ "ăn", như thế đã nói lên điều gì về tính cách người Việt? Đây cũng chính là câu hỏi mà nhà thơ Lê Minh Quốc từng bước trả lời trong bộ sách này.
Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt - Ảnh 1.

Bìa bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”

Nếu không xuất phát từ tình yêu tha thiết muốn tìm hiểu văn hóa Việt qua góc nhìn từ tiếng Việt, trân trọng lời ăn tiếng nói của người Việt thì làm sao ông có thể dành hàng chục năm để thu thập, tìm hiểu, chiêm nghiệm, sắp xếp bố cục để cho ra đời bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt"?

Thông thường, muốn yêu thì phải hiểu, muốn hiểu thì phải học. Ông đã tìm hiểu vốn từ một cách kỳ công qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Chẳng hạn, với câu tục ngữ "Bẻ no mà đếm", ông đã nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu để chứng minh sự thay đổi của từ "no" từ năm 1651 qua "Từ điển Việt - Bồ - La" đến "Việt Nam tự điển" (1931) và hiện nay đã thay đổi ngữ nghĩa như thế nào. Hoặc với câu"Làm trai chớ làm bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu" thì hiểu thế nào là "mụ dầu", ông cho biết đã nhọc công để chứng minh đó chính là cách gọi "Tú bà" ngày trước… Tất nhiên, những từ mới sử dụng gần đây ông cũng không quên thu nhặt và có nhận xét về nó.

Có thể nói, bộ sách "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt" là một công trình nghiên cứu, tìm hiểu công phu và tỉ mỉ, đã cung cấp cho bạn đọc như tôi rất nhiều kiến thức về chữ nghĩa, hiểu biết nhiều hơn những giá trị văn hóa của dân tộc, cách ăn nói của nhiều vùng miền qua các bài viết như "Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm", "Trách cá trã, keng bù nêm muối", "Vài sinh hoạt ăn ở của người miền Nam", "Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh"… Mà, quan trọng theo ông, bên cạnh cách dùng từ phổ biến toàn dân, không thể không tìm hiểu thổ âm, thổ ngữ của từng địa phương, vì tất cả đã làm nên sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt do người Việt đã và đang sử dụng.

Điều khiến cho bạn đọc tâm đắc, theo tôi, vẫn là lúc ông chọn bút pháp theo lối vừa thể hiện hiểu biết của mình về vấn đề đó, vừa luận bàn vừa lý giải bằng cách đưa ra những dẫn chứng thuyết phục từ văn bản. Tuy nhiên, có lúc ông thú nhận cũng cảm thấy "bí rị", "ngắc ngứ" nên đây cũng là dịp bạn đọc suy ngẫm thêm hoặc tự tìm lấy kết luận từ các chứng cứ mà ông đã nêu ra nhưng chưa "chốt hạ" cuối cùng.

Sở dĩ, dù tập sách bàn về ngôn ngữ nhưng ta đọc thấy thích thú, lôi cuốn vì "lối đi" của ông là đặt vốn từ đó trong bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán, tác phẩm văn học… nhằm giúp bạn đọc thấy rằng một từ/ nhiều từ không là "xác chữ" mà nó còn "có hồn" vì đang cựa quậy một cách sống động từ các văn bản tài liệu mà ông nêu ra. Thí dụ, khi bàn về từ "ù", ông đã dẫn là trò chơi tổ tôm có liên quan đến từ này qua truyện ngắn "Sống chết mặc bay" của nhà văn Phạm Duy Tốn; hoặc bàn về chuyện ăn, ông kể chi tiết lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân ngoài Huế, mọi người bảo sao cụ lại ăn kham khổ thế? Nào ngờ, cụ trả lời rất… Quảng Nam: "Còn sướng hơn thời ở tù Côn Đảo nhiều lắm"... Những chi tiết thú vị ấy bàng bạc trong bộ sách này, chứng tỏ Lê Minh Quốc đã tận dụng ưu thế đọc nhiều, thích đọc của mình để vận dụng một cách hợp lý. Do đó, khi tìm hiểu về vốn từ cũng là lúc được tìm về những cứ liệu, tài liệu có liên quan đến từ đó khiến bạn đọc không nhàm chán.

Điều tôi tâm đắc còn chính là ông chọn lối viết trò chuyện, cởi mở tâm tình với bạn đọc như những tri âm cùng nhau chia sẻ, giữ gìn những gì quý giá nhất của tiếng Việt. Âu cũng là sự trân trọng và tình cảm của ông dành cho độc giả của mình.

Nguyễn Thị Lê Khanh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Quang Trung - Quảng Bình)

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 16.1.2022)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com