TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC: Dư luận về tập tùy bút TỪNG NGÀY BA MẸ THỞ THEO CON

LÊ MINH QUỐC: Dư luận về tập tùy bút TỪNG NGÀY BA MẸ THỞ THEO CON

Tung_Ngay_Ba_Me_Tho_Theo_Con_cover_ggg9

 

 

Tùy bút làm cha ở tuổi 60 của nhà thơ Lê Minh Quốc

Nhà thơ Lê Minh Quốc vừa ra mắt tập sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con" ghi lại tỉ mỉ hành trình làm cha lần đầu tiên ở tuổi 60.
Tùy bút nhưng chẳng chút tùy hứng, dường như ông đã chắt lọc hết vẻ đẹp ngôn từ được tích lũy trong suốt mấy chục năm viết lách để tâm tình với cô con gái bé bỏng.
Chia sẻ về tác phẩm của mình, Lê Minh Quốc cho biết anh viết cho mọi lứa tuổi. 20 bài viết, gói gọn trong 3 chương: "Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra", "Từng ngày ba mẹ thở theo con" và "Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc xuân", được nhà thơ thể hiện bằng giọng điệu hóm hỉnh, tươi vui và tràn đầy cảm xúc.
"Từng ngày ba mẹ thở theo con" cất lên tiếng nói đẹp đẽ cho cả một thế hệ "bỉm sữa". Nhà thơ Lê Minh Quốc gửi gắm một bài học quan trọng rằng khi con cái chào đời chính là khoảnh khắc người cha, người mẹ được tái sinh lần nữa, phải thay đổi mình để cùng con khôn lớn.

Khi tập sách gấp lại, "Từng ngày ba mẹ thở theo con" sẽ đi vào tâm trí từng độc giả với một dáng dấp riêng biệt. Đó có thể là sự đồng cảm của bậc sinh thành trong chặng đường trưởng thành cùng con, cũng có thể là niềm hân hoan của cặp vợ chồng mới cưới đang chờ đón giọt máu đầu lòng. Và, có chăng với chính những đứa con thơ sẽ là một chút thấu hiểu, thêm nhiều yêu thương cho sự hy sinh suốt đời của cha mẹ.

Hơn cả những sẻ chia về quãng thời gian nuôi con bền bỉ và nhọc lòng, âu lo và hân hoan, Lê Minh Quốc còn khéo léo lồng ghép những bài học, tư tưởng nuôi con hiện đại: "Chỉ giáo dục, định hướng, còn về sau đường đời thế nào thì phải là lựa chọn của chính nó. Ấy mới là ý nghĩa của sự tái sinh. Không một ai có thể sống cho người khác, dù đó là giọt máu của chính mình".

Giấc mơ "chạm đến trời xanh và trên tay hái đầy mây trắng, những tưởng như chỉ cần há miệng ra có thể nốc cạn mọi suối sông trên cõi nhân gian" của tác giả cuối cùng cũng chẳng thể hiện thực hơn khi khắc cốt ghi tâm được tiếng khóc đầu đời của con gái.

Làm cha lần đầu ở tuổi lục tuần, ngoài niềm hạnh phúc như lẽ thường thì với bao người, đó còn là nỗi âu lo luôn chực chờ bởi sự hữu hạn của đời người. Nhưng với nhà thơ Lê Minh Quốc, sự ra đời của con gái yêu "chỉ có thể là tiếng reo vui trong trẻo, trong veo thốt ra dạt dào cảm hứng từ lòng thành", "biết vui là vui - lẽ đời giản dị/cha già con cọc là ngọc cuối đời".

"Từng ngày ba mẹ thở theo con" kết lại bằng những lời nhắn nhủ về giá trị sống tử tế, sống biết ơn nhân duyên cuộc đời. Tập sách để lại trong lòng đọc giả dư âm bằng lời thủ thỉ nhẹ nhàng, nhân văn, mà sao cũng rất đỗi da diết: "Hãy cứ thản nhiên đi vào dòng đời và đừng nghĩ về ba".

Bài và ảnh: Hà Giang
(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 12.12.2023)

Yêu thương cho nhau không lỗi hẹn bao giờ

(Ngày Nay) - Vừa ngạc nhiên vừa thấy bình thường khi nhà thơ Lê Minh Quốc được NXB Kim Đồng ấn hành tập tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con”.
Thấy bình thường bởi ông nhà thơ này mới có cô con gái đầu lòng khi tuổi đời ngấp nghé 60. Sự mong ngóng một hình hài nối dõi tưởng rằng tuyệt vọng đã vỡ òa hạnh phúc được xem như có hậu này như tiếp thêm mạch sống và tình yêu cho nhà thơ Lê Minh Quốc. Mọi niềm vui của một người đàn ông ở tuổi về chiều dành hết cho cô con gái bé bỏng, thiết nghĩ đó là hệ quả tất yếu của bao năm nay bùng nổ nên cũng là điều bình thường dễ thông cảm.
Ngạc nhiên vì tình yêu cuồng nhiệt của nhà thơ Lê Minh Quốc dành cho cô con gái đầu lòng không có dấu hiệu suy giảm, ngược lại còn tăng thêm cường độ theo sự trưởng thành của cô bé. Năm 2019, Lê Minh Quốc in hẳn tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến” tặng riêng con gái mình. Từ ngày bé Mì (Lê Minh Quốc Ấn) chào đời, thời gian biểu của Lê Minh Quốc chỉ còn dành cho con. Đến độ mặt mũi hốc hác, hai mắt trũng sâu, râu ria quên cạo để tập trung hết cho bé Mì. Phải đặt mình trong hoàn cảnh của Lê Minh Quốc mới thấu hiểu phần nào sự cực đoan trong tình yêu của ông nhà thơ này dành cho con.
Lê Minh Quốc từng có thơ: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Cớ sao tôi chịu đựng quá nhiều”. Ấy là Quốc viết về những mối tình mà anh đã trải qua. Có chơi thân với Quốc mới hiểu, khi yêu một người phụ nữ nào là Quốc như ngọn lửa cháy lên hừng hực nhưng thói đời lại dội vào nhiều thùng nước lạnh để ông nhà thơ còn lại tro tàn bơ vơ. Người tình ra đi không ngoảnh mặt, chẳng để lại gì kể cả một mầm sống hy vọng cho nhà thơ cất lên lời ca “ái ân ơi đừng phụ lòng ta”.
Sau những cuộc tình phải “chịu đựng quá nhiều” đó, may mắn cho Quốc còn có mẹ - người không bao giờ bỏ rơi anh. Nếu nói đàn ông chẳng qua chỉ là những thằng nhóc nhiều tuổi, thì đứng trước mẹ của mình, Quốc không hơn một thằng nhóc nhiều tuổi. Bà chăm sóc, cưng chiều con trai của bà từ lúc lọt lòng đến khi đầu hai thứ tóc. Dù quê nhà ở Đà Nẵng nhưng bà bỏ hết vào ở với Quốc để cơm nước cho con. Vì Quốc thiệt thòi hơn nhiều người anh em của mình. Trưởng thành Quốc đi bộ đội ở chiến trường K suýt chết. Về Sài Gòn đi học đi làm và yêu lần nào cũng suýt chết. “Nước mắt chảy xuôi” muôn đời vẫn thế.
Ngày mẹ Quốc mất ở quê nhà thì tôi đang đi Campuchia không về kịp để viếng. 100 ngày mất cụ bà, Quốc rủ tôi đi Đà Nẵng với hành trang là cuốn sách “Mẹ đã đi chợ về” vừa được NXB Trẻ in xong để Quốc hóa vàng gửi theo mẹ. Mọi sự với nhà thơ Lê Minh Quốc thường đến muộn màng, trễ tràng và trật nhịp. Ngay cả cuốn sách viết về mẹ mà mẹ cũng không kịp cầm trên tay. Âu đó cũng là số phận của ông nhà thơ này.
Hôm đó, hóa vàng cuốn sách xong, Quốc nói rất nhỏ, như một lời khấn thầm để báo tin với mẹ: “Liên Anh có thai rồi”. Liên Anh khi đó là người yêu của Quốc, giờ là vợ của Quốc, là mẹ của bé Mì. Lâu nay Quốc sống đời vợ chồng hoặc như vợ chồng với nhiều bà chị mà không có con, lạ quá! Hai gã đàn ông chợt ngộ ra, có con hay không phụ thuộc vào ý muốn của đàn bà, đó là thiên chức của họ chứ các ông “râu hùm hàm én mày ngài” có muốn cũng không được.
Và chỉ khi thực sự yêu, theo lẽ bình thường, đàn bà mới muốn có con với người tình của mình. Sự hiện diện của bé Mì, tình yêu của Liên Anh như “hoa mùa Xuân” ngập tràn trong ngôi nhà Quốc, trong cuộc đời Quốc. Ông nhà thơ này đã chịu đựng và chờ đợi “hoa mùa Xuân” ấy quá lâu, dài bằng cả một đời người, thương ông thật. Bé Mì càng lớn thì gương mặt càng giống bà nội – mẹ của Quốc, đã cho ông nhà thơ “cảm giác của sự tái sinh”.
Có bé Mì rồi, Quốc càng yêu hơn mẹ mình, Quốc càng yêu hơn vợ mình. Lê Minh Quốc, thốt lên: “Hỡi các đấng mày râu quân tử dù to thân lớn xác cỡ nào đi nữa nhưng lúc chăm con, mỗi đêm dăm ba lần phải thức giấc ẵm bồng, ru con, pha sữa, thay tả… có chịu đựng nổi không? Tôi đã từng ưỡn ngực, vác mặt lên trời một cách kiêu hãnh. Thế rồi, từng đêm lặp lại từng đêm chăm con đã khiến tôi mặt xụi lơ như bong bóng xì hơi. Rã rời. Mệt mỏi. Mất ngủ liên tục cứ bần thần như gà nuốt dây thun. Và nói thật, tôi đã đầu hàng vô điều kiện. Giương cờ trắng đầu hàng trước công việc tưởng chừng dễ ẹt, chẳng mấy hao tâm tốn lực”.
Lê Minh Quốc nhận ra: “Trong khi đó, người mẹ vẫn chăm con bền bỉ từ ngày này qua tháng nọ mà không một lời than vãn. Tại sao lại thế? Chỉ có thể từ tình yêu thương vô bờ bến dành cho con đã tạo nên một sức mạnh phi thường. Tôi tin là thế.”.
Tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con” vừa rất riêng nhưng cũng rất chung, ở đó không chỉ là chuyện của một gã đàn ông lần đầu được làm cha, mà qua đó có cả không gian và chi tiết giống như nhiều gia đình khác. Các bậc làm cha, làm mẹ luôn cho đi không nghĩ suy tính toán thiệt hơn miễn là con của mình được hạnh phúc. Yêu thương cho nhau không lỗi hẹn bao giờ. Cho nhau cũng chính là nhận lại. Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không thử đọc tập sách này để xem gia đình ông nhà thơ Lê Minh Quốc đã cho nhau thế nào và xem bản thân mình đã sống với người thân ra sao?!
TRẦN HOÀNG NHÂN

 

https://ngaynay.vn/yeu-thuong-cho-nhau-khong-loi-hen-bao-gio-post128380.html

 

Từng ngày ba mẹ thở theo con

 Chúng ta được quyền lựa chọn nhiều thứ, nhưng có một thứ như một định mệnh, đó là việc ta được làm cha mẹ, hay làm con của ai đó trong cuộc đời này.
Chính vì thế, tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con là quyển sách dành cho tất cả mọi người. Đọc để cười vui cùng tác giả, khi được làm cha của cô con gái nhỏ. Đọc để rưng rưng hồi nhớ bao điều đẹp đẽ cha mẹ đã dành cho mình.
Ở tuổi 60, nhà thơ Lê Minh Quốc trở thành một người cha. Chính từ đây, rất nhiều “lần đầu tiên” được khám phá: Lần đầu tiên thức khuya dậy sớm trông con, lần đầu tiên lo âu thắt lòng khi con ốm, lần đầu tiên biết đến nỗi khắc khoải ngày con đi mẫu giáo, lần đầu tiên mơ ước xa xôi với nhân vật chính chẳng phải bản thân mà là con gái bé bỏng… Tất cả mọi tình huống gần gũi mà đặc biệt ấy được nhà thơ Lê Minh Quốc ghi lại tỉ mỉ thành một tập hợp xinh xắn những câu chuyện đan xen các vần thơ hóm hỉnh, bất ngờ và tràn đầy cảm xúc.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy quan hệ cha mẹ - con cái là mối quan hệ thiêng liêng bất diệt. Người ta đi học kỹ năng giao tiếp, học nghệ thuật xã giao để thiết lập và vận hành các quan hệ xã hội. Nhưng với cha mẹ - con cái thì đây là mối quan hệ xã hội mang tính tự nhiên nhất, được gắn kết từ cội nguồn là một yếu tố hoàn toàn sinh học: quan hệ huyết thống. Ai làm cha làm mẹ thì luôn có trách nhiệm thương yêu con mình, thương vô bờ bến, thương phi không gian - thời gian và đi kèm trách nhiệm vô biên với đứa trẻ.
Bất cứ ai từng làm cha mẹ, cũng từng trải qua việc vừa ăn xong, định chợp mắt chút thì con khóc óe, rồi sáng sáng bồng con phơi nắng, nấu nước tắm rồi lại loay hoay cho con ăn dặm…, đến khi ngước lên thì đã hết ngày. Chiếc bánh thời gian bị xé lẻ, chỉ khi bé con đã ngủ, mới có thể tranh thủ làm việc riêng của mình. Hãy cùng hoài niệm nếu bạn đã trải qua quãng thời gian này, hay chuẩn bị tâm lý khi bạn sắp lên chức làm cha mẹ qua những giai đoạn ghi những dấu ấn đáng nhớ của một gia đình nhỏ, từ khi bé là một hình hài đang lớn, đến tiếng khóc đầu tiên, rồi lần đầu bé nói, bé hát, lần đầu bé đi mẫu giáo…
Chia sẻ về tác phẩm của mình, anh Lê Minh Quốc cho biết anh viết cho mọi lứa tuổi với 20 bài viết, gói gọn trong 3 chương: Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra, Từng ngày ba mẹ thở theo con và Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc xuân. Các phần được nhà thơ thể hiện bằng giọng điệu hóm hỉnh, tươi vui và đặc biệt là tràn đầy cảm xúc.
Từng ngày ba mẹ thở theo con là tiếng nói đẹp đẽ, là cảm giác bối rối của bậc làm cha mẹ khi đón nhận đứa con đầu lòng. Cũng chính khoảnh khắc đó, người cha, người mẹ phải thay đổi mình để khôn lớn cùng con. Cuốn sách là sự đồng cảm của bậc sinh thành trong chặng đường trưởng thành cùng con, là niềm hân hoan của cặp vợ chồng mới cưới đang chờ đón đứa con đầu lòng, là cảm giác vừa lạ lẫm vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc khi đón chào thành viên mới. Và còn là sự hy sinh cao cả của bậc sinh thành…
Võ Thiên Hương
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 16.12.2022)
bao_thanh_nine
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 18.12.2022).

 

https://1thegioi.vn/le-minh-quoc-va-tuy-but-tung-ngay-ba-me-tho-theo-con-191034.html

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn'

 
Sau tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (NXB Văn hóa văn nghệ, 2019), đoạt giải C Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, Lê Minh Quốc vừa phát hành Từng ngày ba mẹ thở theo con (NXB Kim Đồng). Đây là tập tùy bút với ghi chú "dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn. Cảm hứng từ Coco Mì".

Người đọc từng nhìn thấy Lê Minh Quốc rõ ràng hơn trong nhiều diện mạo khác, như thơ tình, tiếng Việt, báo chí và nghiên cứu. Khi trở lại với đề tài thiếu nhi/tuổi thơ, vì sao anh có thể viết sung sức như vậy? Đây cũng là nội dung cuộc trò chuyện giữa báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) với nhà thơ Lê Minh Quốc.

 
* Con gái anh - Coco Mì, sinh năm 2018- có phải là một "chấn động" để anh có thể viết nhiều và viết liên tục về thiếu nhi trong mấy năm qua?

 
- Nếu thơ viết cho thiếu nhi trước đây là từ quan sát, cảm nhận sự vật/sự việc bên ngoài hoặc từ tưởng tượng, thì nay hoàn toàn khác. Đó là lúc tôi nhìn thấy "chính tôi" qua hình hài của con, mà, tôi gọi cảm giác của "sự tái sinh kỳ diệu". Cảm giác này có được là từ tiếng khóc oe oe, bi bô nói cười, từng bước chân đi, từng ngày bồng ẵm, nựng nà nựng nịu, nu nống nu na… trải dài theo từng ngày, từ con mình.

 
Tất cả điều kỳ diệu, mới mẻ ấy lần đầu trong đời được cảm nhận với biết bao khoảnh khắc sung sướng, âu lo lẫn hồi họp tràn ngập trong tâm tưởng, rồi tự nó đã bật dậy tiếng thơ. Nói như thế không ngoa đâu, với tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến là tôi đã "viết" một cách ngẫu hứng lúc ru con.


Từ lòng mình bật ra câu chữ gì, tôi cứ lấy đó ru con, lặp đi lặp lại nhiều lần rồi tự điều chỉnh dần cho đến lúc bài thơ được hoàn chỉnh. Đó còn là quá trình tôi "khám phá" và tự lý giải vì sao những bài đồng dao Việt Nam lại tạo ra sức sống bền bỉ và lâu dài. Nghĩ rằng, không chỉ hình ảnh ngộ nghĩnh, thân thiện phù hợp với đối tượng mà ngay cả nhịp đi của thơ phải ngắn gọn, câu chữ trong sáng cũng kết nối nhau một cách hài hòa.

 
Và mạch cảm hứng này, đúng là "một sự chấn động", nhưng không riêng gì tôi, vì bất kỳ ai lần đầu có con cũng được sống trọn vẹn trong suy tưởng: Từ nay, mình đã chính thức trưởng thành, đã trở thành một bóng cây che mát cho mầm xanh mới nhú. Do đó, phải nỗ lực một cách tự giác để trở thành "điểm tựa" vững chãi cho con, phải đương đầu bước tới vì một hình hài bé xíu, mà, hình hài ấy là chính mình đó thôi.

 
Có một điều ngộ nghĩnh, từ bấy lâu nay, mình đi tìm cảm hứng tận đẩu tân đâu, thì nay, ngay trong nhà mình, qua đứa con nhỏ, mình nhận ra xiết bao cảm hứng tươi non, mới mẻ không gì có thể sánh nổi. Nếu bạn say đắm một kiệt tác nào đó, tôi biết có lúc bạn sẽ thay đổi sở thích, nhưng với con thì không, ấy mới là một "kiệt tác" vĩnh cửu, mà chỉ những ai được làm cha, làm mẹ mới cảm nhận trọn vẹn nhất.

* Thế nhưng, sự chấn động ấy vẫn còn lý do gì khác nữa chứ, thưa anh?

 
- Đúng lắm. Thêm một lý do nữa, của bất kỳ ai, trong trường hợp "cha già con mọn", là họ nghĩ rằng, khi mình đã 80 thì con mới 20, lúc "gần đất xa trời ấy", mình còn đủ sức dạy dỗ, trò chuyện, làm bạn cùng con? Chính vì nghĩ thế, ngay từ khi vừa có con, tôi đã cố gắng làm hết sức mình là vậy. Mọi yêu thương, nhắn nhủ, dặn dò này kia, tôi đều thể hiện qua Chào thế giới bây giờ con đã đến, Từng ngày ba mẹ thở theo con. Tất nhiên, không chỉ dừng lại ở đây.

 
Cũng nói thật rằng, khi sinh con, nếu bé là con trai, bạn sẽ không quá lo lắng như sinh con gái. Vì sao? Vì con gái sau này, còn đóng vai trò làm mẹ, làm vợ, trở thành dâu con trong nhà khác, tức là con mình bước sang một chặng đường khác, khi rời khỏi vòng tay cha mẹ.

 
Bấy giờ, mấy ai như trường hợp của tôi có thể đồng hành cùng con trong tháng ngày ấy? Vì thế, muốn chia sẻ, nhắn nhủ với con điều gì, tôi thể hiện ngay từ bây giờ là thế. Điều đó đã trở thành động lực để mỗi ngày tôi viết cho con.


* Làm sao để anh giữ nhịp hoặc cảm hứng viết liên tục về Coco Mì - cũng là viết về thiếu nhi?

 
- Tất cả chỉ vì một lý do duy nhất: Tình yêu thương dành cho con. Trên đời này có thể nói không một sự vật/sự việc nào có thể tồn tại mãi mãi dưới nhịp sóng bất tận của thời gian. Thời gian sẽ thay đổi tất cả. Tuy nhiên, tôi tin rằng, có một ngoại lệ, đó chính là lòng yêu thương của cha mẹ dành cho con. Một tình yêu bất chấp không gian lẫn thời gian, có như thế con người ta mới có thể hy sinh chính bản thân mình để chu toàn cho con.
Ông trời vốn công bằng, vì rằng, một người cha tỷ phú và một người cha khố rách áo ôm thì họ đều "bình đẳng" như nhau khi so sánh về tình yêu ấy. Ngay cả một người không hoàn hảo, thì họ vẫn có thể chăm lo cho con theo cách mà họ nghĩ hoàn hảo nhất.

 
Trên đời này, mỗi người thương con và lo cho con như thế nào là sự lựa chọn của họ, tôi luôn tôn trọng và đồng cảm. Còn với tôi, tôi nghĩ, mình không có tài sản gì lớn lao, vậy tôi cố gắng để lại cho con một "tài sản" khác như bạn đã biết, đó chính là "giữ nhịp cảm hứng viết liên tục về Coco Mì".

 
Từ nhiều năm nay, mỗi một ngày, tôi đều ghi lại nhật ký cho con. Do tuân thủ một cách nghiêm ngặt thói quen này, nên ngày nào tôi cũng có cảm hứng để viết về con qua nhiều hình thức biểu hiện khác nhau.

 
Muốn thế, phải thật sự sống/chơi/vui đùa/trò chuyện cùng con thì mới có thể nuôi dưỡng cảm xúc chân thành nhất. May mắn là tôi có thời gian đồng hành cùng con, từ đó, được tiếp nhận được biết bao điều thú vị từ lứa tuổi măng non, tươi nguyên như ánh sáng…

 

"Hầu như bất kỳ người làm thơ nào thuộc thế hệ chúng tôi cũng có viết thơ cho thiếu nhi. Đơn giản là bấy giờ trong làng báo đã có Khăn quàng đỏ, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Tuổi hồng… các anh chị phụ trách những tờ báo đó thường xuyên nhắn nhủ, mời gọi viết thơ cộng tác. Năm 1995, khi nhà thơ Nguyễn Liên Châu thành lập Tủ sách Hoa niên (NXB Đồng Nai), anh đã chọn những bài thơ thiếu nhi của tôi in thành tập Nếu không còn cổ tích, các tác giả khác cũng có tập in riêng tương tự" - Lê Minh Quốc.

* Anh có câu thơ "phúc cho mọi đứa trẻ/ được gặp ngay trong nhà". Phúc ở đây là gì?

 
- Khi viết câu thơ này, tôi nhớ đến một câu trong Kinh thánh: "Phúc cho ai không thấy mà tin". Nghĩa của nó,Việt Nam tự điển (1931) giải thích: "Phúc: Điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra: Nhà có phúc, làm phúc". Trong tiếng Việt, phúc thường đi đôi với đức: phúc đức. Chắc chắn bạn còn nhớ đến câu ca dao: "Người trồng cây hạnh người chơi/Ta trồng cây đức để đời mai sau". Muốn có phúc phải có đức.

 
Thế thì khi viết về người mẹ/người vợ của mỗi nhà, mà tôi ca ngợi đức tính chịu thương, chịu khó, toàn tâm toàn ý của họ đãchăm sóc, lo cho con đến độ: "Yêu con nên da sắt/ Thịt xương như hóa đồng/ Qua nhọc nhằn mỏi mệt/ Ẵm con là thong dong" - đó không chỉ là phúc cho đứa trẻ mà còn là cho cả người cha/người chồng nữa. Qua đó, tôi càng thấm thía câu nói của ông bà ta: "Phúc đức tại mẫu". Rằng, trong mỗi nhà dù người cha/người chồng đóng vai trò rất quan trọng để hình thành nếp nhà, nhưng sẽ không hoàn hảo nếu thiếu người vợ/người mẹ.

 
 Viết cho thiếu nhi/tuổi thơ thì những điều gì là khó nhất? Nhiều người nói đó là trách nhiệm, anh có nghĩ vậy không?

 
- Với tôi, làm thơ thiếu nhi rất khó. Bởi vẫn là lúc chúng ta chỉ mới dừng lại ở chỗ "viết về tuổi thơ", chứ chưa phải "viết cho tuổi thơ". "Viết về" là lúc người lớn áp đặt suy nghĩ của mình đối với con trẻ từ hình ảnh đến ngôn từ; còn "viết cho" là lúc người lớn phải hòa nhập vào con trẻ, vậy, từ hình ảnh đến ngôn từ phải diễn đạt theo cách mà con trẻ đã và đang cảm nhận.

 
Thí dụ, với con trẻ thì muôn thú muôn hoa, muôn hồng nghìn tía đều có tiếng nói, chứ không theo logic của người lớn. Dù chúng ta có thấu hiểu đi nữa nhưng phải diễn đạt thế nào phù hợp với khả năng tiếp nhận của đối tượng này? Một vấn đề không dễ dàng chút tẹo nào.

 
Ở đây, tôi chỉ xin nêu một thí dụ riêng tư mà tôi nghĩ các bạn sẽ đồng tình: Qua con mình, một bé gái nói chưa sỏi, vốn từ chưa nhiều, chưa biết đọc, biết viết; lúc ru con bằng nhiều thể loại thơ, tôi dễ dàng nhận ra bé sẽ nhớ bài thơ mỗi câu chỉ 4 chữ. Câu dài hơn thì sao? Thì phải là thể thơ lục bát. Mà, trong đó, các câu phải nối kết chặt chẽ theo vần, vần điệu nhịp nhàng, không kéo dài quá, chỉ đôi ba khổ thơ là vừa cho một sự thâu nhận trong trí nhớ của con trẻ. Bạn không tin ư? Cứ quan sát các bài đồng dao thì rõ.

 
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn, công việc này rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên làm thế nào để "chinh phục" được con trẻ khiến nó yêu thích, nhớ lâu và nhận ra tính giải trí, hướng thiện, giáo dục ngụ ý trong đó thì bao giờ cũng là công việc khiến chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

 
* Anh hình dung thế nào khi mà Coco Mì trưởng thành và đọc lại những gì anh viết?

 
- Khi giới thiệu tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con, MC Khánh Huyền của VTV3 đã chia sẻ: Trong đời có kỷ vật quý báu nhất mà cô đã không thể giữ được, đó là tập nhật ký mà người bố đã viết cho cô. Mỗi lần nhớ lại thì bao giờ cũng gợi lên sự tiếc nuối và dạt dào cảm xúc nhớ thương bố.

 
Với những gì mà cha mẹ đã viết về mình, ngay cả tấm ảnh chụp với song thân từ thời thơ ấu, dù chỉ đôi dòng để lại, dù tấm ảnh đã ố màu, nhưng rồi bất kỳ người con nào cũng quý báu, nâng niu và gìn giữ. Tại sao? Đơn giản là qua đó, họ đã có thể hình dung ra "người thật việc thật" của chính mình từ năm tháng đã xa xôi, đã thuộc về ký ức.

 
Chính vì thế, những dòng chữ, những hình ảnh ấy đã trở thành một phần của đời sống không thể tách rời. Qua đó, lúc đọc lại/xem lại những gì cha/mẹ dành cho mình, thì bao giờ trong lòng người con cũng dội về cảm xúc mãnh liệt: "Ơ hay, ba/mẹ mình đã thương yêu, chăm sóc mình đến nhường này"!

 
Khi sự ngạc nhiên này xuất hiện trong trí óc một cách rõ nét, điều tích cực gì sẽ xảy ra? Không phải ngẫu nhiên, theo khảo sát của giới làm sách chuyên nghiệp hiện nay thì ở nước ngoài các loại sách viết cho con hoặc chỉ đơn giản là những cuốn sổ đóng bìa cứng, in thật đẹp trong đó có các dòng chữ in sẵn như ngày tháng năm sinh, sở thích của con, ngày con ốm, chăm sóc như thế nào… dành cho các bậc phụ huynh điền vào đó, lại trở thành "quyển sách" được nhiều người quan tâm.

 
Khi viết tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến, tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con, dù phải thể hiện văn chương đi nữa, thì tôi cũng bắt đầu từ sự vật/sự việc có thật, không chỉ từ con mình. Vì tôi tin là những ai lần đầu trải qua kinh nghiệm làm cha mẹ cũng cảm nhận và tìm ở đó một sự đồng cảm tương tự như vậy. Tại sao? Không chỉ viết cho tôi mà còn viết cho những ai cùng hoàn cảnh như tôi.
* Trân trọng cảm ơn anh!

VĂN BẢY (thực hiện)

(nguồn: https://thethaovanhoa.vn/nha-tho-le-minh-quoc-lam-tho-cho-thieu-nhi-la-trach-nhiem-cua-nguoi-lon-20221219083453299.htm

bao_cong_an

 

Lê Minh Quốc - Nguồn cảm hứng diệu kỳ lần đầu tiên làm cha
Từng ngày ba mẹ thở theo con" - Tùy bút của Lê Minh Quốc do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2022. Sách dày 168 trang, khổ: 20.5 x 14.5 cm, bìa và minh họa trình bày trang nhã. Phần mở đầu tập sách ghi rõ: "Tùy bút dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn. Cảm hứng từ Coco Mì", cùng các chương mục mang tiêu đề dễ thương, hấp dẫn: Lắng nghe hơi thở đất đai nẩy mầm, Lời chào con gái, Hát đồng dao ru con, Xin cho em một chiếc áo dài...

"Từng ngày ba mẹ thở theo con" gồm những câu chuyện đời thực bắt nguồn từ đứa con huyết thống của Lê Minh Quốc: Bé Mì...Có thể nói, đây là một tác phẩm văn học hiếm hoi viết một câu chuyện quen thuộc, hầu như ai cũng đã và sẽ trải nghiệm, hoặc đương nhiên biết rõ, đó là: Cuộc sống mới của cha mẹ với đứa con đầu lòng. Nhưng nơi đây, tất cả mọi tình huống gần gũi mà đặc biệt ấy được nhà thơ Lê Minh Quốc ghi lại tỉ mỉ thành một tập hợp xinh xắn những câu chuyện đan xen các vần thơ hóm hỉnh, bất ngờ và tràn đầy cảm xúc...

Chuẩn bị chào đón cho sự ra đời của đứa con, Lê Minh Quốc đã ví cảm xúc này như là "Lắng nghe hơi thở đất đai nảy mầm". Anh đã giật mình tựa như khi xem tác phẩm nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, ngắm người mẹ đang sở hữu hình ảnh trái đất nhỏ nhoi trong bụng. Để rồi, đồng hành cùng vợ hướng đến mục tiêu tối thượng "mẹ tròn con vuông": Xòe tay, xoa trái đất tròn/ Lắng nghe hơi thở ru hồn nhịp thơ/ Lớn dần chồi biếc non tơ/ Lớn dần ngày tháng trẻ thơ lớn dần... Và tận hưởng niềm vui từ tiếng khóc của bé thơ: "Giọng ca tuyệt nhất trên đời/ Là bé diễn lúc nằm nôi khóc nhè".
Tác giả viết: "Những ngày chăm con còn bé bỏng tựa chồi non mới nhú, tôi giật mình nhận ra niềm sung sướng nhất là lúc được thong thả đùa chơi với con. Sự cựa quậy, quậy khóc của bé, thậm chí đã ngủ say vẫn là những giây phút diệu kỳ nhất". Và anh quả quyết: "Trên đời này, tuyệt tác khiến ta ngắm nhìn mải mê không chán, chỉ có thể là lúc ngắm nhìn con. Đơn giản lúc ấy ta ngắm nhìn hình hài của chính mình được tái sinh. Cuộc tái sinh có thật, không chỉ một mà có thể đôi ba lần".

Vậy là, trong mái ấm gia đình vợ chồng Quốc, một hình hài từng ngày đang lớn dần... Có những đêm khuya khoắt, người cha giật mình tỉnh dậy, trước nhất anh sờ tay vào ngực bé để cảm nhận hơi thở của con rồi mới yên tâm ngủ tiếp. Còn người mẹ thì suốt ngày hoan hỉ cứ như sắp được du lịch lên sao Hỏa, bởi thời gian hạnh phúc qua từng ngày, mùa Xuân đến từng ngày vì con, vì sức khỏe của con... Tác giả nhận ra: "Ta có thể "trò chuyện hàng giờ vì cứ nghĩ bé đang nghe, đang chăm chú lắng nghe. Cứ mỗi lần nói xong, ta lại đóng vai của bé để trả lời. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, miễn cảm thấy mình vui, tâm trí hứng khởi". Cứ như thế, từng ngày, từng ngày một, từ chỗ mới phát âm một từ, nay đã là hai từ. Cái môi chúm chím chim non ấy bập bẹ mà nghe ra như tiếng chim đang hót. Tiếng suối đang reo. Tiếng đàn trỗi nhịp...

Vốn là một nhà thơ, nên ngay khi lần đầu làm cha, tác giả đã vận dụng trí nhớ tìm lại câu hát ru con, nhưng rồi chợt nhận ra trong xu thế thay đổi hiện nay về nếp sống, chất lượng cuộc sống, phong cách sống của mỗi nhà, bậc phụ huynh có thêm cách nhìn khác, nên có những lúc trong cảm giác tuyệt vời mới mẻ, anh đã bật ra những câu đồng dao mới: "Bế em ra sân/ Ngoài hiên nắng sớm/ Vòng tay mẹ ấm/ Em nhìn trời xanh/ Chim chóc hót vang: Ôi dào cô nàng/ Sắp đầy tháng nhé/ Khóc đòi mẹ bế/ Háu sữa măm măm/ Bống bống bang bang/ Bang bang bống bống". Hoặc : "Em nay bé nhỏ/Tươi tắn búp hoa/ Nu nống nu na/ Tre già măng mọc/ Chuyên cần học tập/ Ăn vóc học hay". Khi con đến tuổi đi học, dẫn con đến trường, lòng chan chứa yêu thương, nhưng cũng đầy lo âu.
Tác giả kể lại: Khi con bước vào cổng, anh đứng nhìn theo bé đi một mình cho đến lúc khuất tầm mắt. Anh tự hỏi: "Bé nhà mình có biết đường vào lớp hay không? Nếu ai đó mà không phải cô giáo lại dẫn bé đi đâu đó thì sao?". Cứ nghĩ vẩn vơ mãi rồi đâm ra lo...".
Trong Lời bạt của tập sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con", nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ: "Khi đọc tập tùy bút "Từng ngày ba mẹ thở theo con", tôi đồng cảm với tình cảm cao đẹp của những ai từng làm cha làm mẹ qua những câu chuyện long lanh cảm xúc luôn cầu mong cuộc đời con trẻ được suôn sẻ, bình yên...". Còn TS Tâm lý Lê Thị Linh Trang thì nhìn nhận: "Khi đọc "Từng ngày ba mẹ thở theo con", trong tay người đọc đang cầm một trong những bí kíp đó. Ai trong chúng ta cũng sẽ nở một nụ cười vô cùng hòa ái mà thừa nhận thông điệp: Tình yêu cha mẹ dành cho con là giá trị toàn cầu, phổ biến từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi tồn tại. Một quyển sách mà người cha tranh thủ "chiếc bánh thời gian đã xé lẻ, chia năm xẻ bảy" để ghi nhận tỉ mỉ về năm tháng trao đổi bài học yêu thương với đứa trẻ.".
Lần đầu tiên làm cha ở tuổi 60, Lê Minh Quốc trong con mắt của bạn bè quen biết, cái anh chàng nhà thơ lãng tử mỗi năm vài lần với những chuyến đi vội vã ghé thăm quê nhà Đà Nẵng, rồi lại tất bật trở lại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục bận rộn những công việc sách báo, chữ nghĩa, giờ đã đổi thay… Xin chúc mừng nhà thơ Lê Minh Quốc với tập sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con". Mong anh lại tiếp tục có thêm những tác phẩm mới được hình thành từ cảm hứng bởi những hạt mầm mới trong mái ấm gia đình.
Trần Trung Sáng

 

(Nguồn: báo Công An Đà Nẵng ngày 20.12/2022)

 

 

Le Minh Quoc – Magical inspiration to become a father for the first time

“Every day parents breathe with their children” includes real life stories originating from Le Minh Quoc’s blood son: Be Mi… It can be said that this is a rare literary work that writes a familiar story. belonging, almost everyone has and will experience, or of course know well, that is: The new life of parents with their first child. But here, all those close and special situations are meticulously recorded by poet Le Minh Quoc into a lovely collection of stories interwoven with witty, unexpected and emotional verses. ..

Preparing to welcome the birth of a child, Le Minh Quoc likened this feeling to “Listening to the breath of the germinating land”. He was startled as if he were looking at the work of sculptor Diem Phung Thi, watching the mother possessing the image of a small earth in her belly. Then, accompanying my wife towards the ultimate goal of “round mother and square child”: Spread your arms, rub the round earth / Listen to the breath that lulls the rhythm of poetry / Grows up the young buds / Grows in the days of childhood growing up… And enjoying the joy from the baby’s cry: “The best voice in the world / The baby who plays while crying in the cradle”. The author wrote: “The days when I was taking care of my baby when I was still young like a new shoot, I was startled to realize that the most happiness is when I can leisurely play with my child. The baby’s stirring, crying, even sleeping. Drunk is still the most magical moment.” And he asserted: “In this world, the masterpiece that makes us look at it engrossedly, can only be when looking at you. Simply at that time, we watch our own form being reborn. The rebirth can Really, not just once, but maybe two or three times.”

So, in the home of the Quoc couple’s family, a figure is growing day by day… There are late nights when the father wakes up startled, first he touches the baby’s chest to feel his breath. then you can sleep peacefully. As for the mother, she is always happy as if she is going to travel to Mars, because happy times pass every day, Spring comes every day for her children, for her health… The author realizes: “I can “talk for hours because I think the baby is listening, listening attentively. Every time I finished speaking, I played the child’s role to answer. From one thing to another, as long as you feel happy, your mind is excited.” Just like that, day by day, day by day, from where a new word is pronounced, now it is two words. The young boy babbled, but it sounded like a bird singing. The sound of the stream was ringing. The sound of the piano was playing…

As a poet, right after becoming a father for the first time, the author used his memory to find the lullaby, but then suddenly realized in the current changing trend in lifestyle, quality of life, style, etc. In each family’s way of life, parents have a different perspective, so there are times when in a new wonderful feeling, he pops out new rhymes: “Pick me up in the yard / Out on the early sunny porch / Arms warm mother / I look at the blue sky / The birds sing: Oh girl / It’s almost a month / Crying for mom to hold / Hungry for milk mam / Bang bang bang bang / Bang bang gong”. Or: “I am small now / Fresh with flower buds / Nu nun nu na / Old bamboo shoots grow / Study hard / Eat well”. When the child reaches school age, taking him to school, his heart is filled with love, but also full of anxiety. The author recounts: When the child entered the gate, he stood and watched the child go alone until he was out of sight. He wondered: “Does my child know the way to class? What if someone other than the teacher takes him somewhere?”. I just kept thinking about it and then I got worried …”.

In the afterword of the book “Every day parents breathe with their children”, poet Ho Dac Thieu Anh shared: “When reading the essay “Every day parents breathe with their children”, I sympathize with the noble sentiments of Those who used to be parents through emotional glittering stories always wish their children’s lives to be smooth and peaceful…”. As for Dr. Psychology Le Thi Linh Trang, admits: “When reading “Every day parents breathe with their children”, the reader’s hand is holding one of those secrets. Peacefully acknowledges the message: Parental love for their children is a universal value, popular from time immemorial to present and forever existing. , divide the year by seven” to meticulously record the years of exchanging love lessons with the child”.

For the first time at the age of 60, Le Minh Quoc in the eyes of his friends and acquaintances, the romantic poet a few times a year with hasty trips to visit his hometown of Da Nang, then busy again. returned to Ho Chi Minh City to continue to be busy with books, newspapers, and words, which have now changed… Congratulations to poet Le Minh Quoc with the book “Every day parents breathe with their children”. I hope you continue to have more new works inspired by new seeds in the family home.

Tran Trung Sang
(nguồn: 

 

https://vietnam.postsen.com/books/208569/Le-Minh-Quoc-%E2%80%93-Magical-inspiration-to-become-a-father-for-the-first-time.html?fbclid=IwAR2qnekVrpSh0hJlsfqRV15hUWoiedFhM2keZA1B2x8PAaoNvlC8cpW8OzQ

Tâm sự với chồi non

Là nhà thơ đa tài, Lê Minh Quốc còn vẽ tranh, làm báo. Những năm gần đây, ông nghiên cứu và liên tục ra mắt sách về nghiên cứu tiếng Việt. Nhà thơ vừa ra mắt tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con” (NXB Kim Đồng) ghi lại tỉ mỉ hành trình làm cha lần đầu ở tuổi 60.

Tập tùy bút gồm 20 bài viết, gói gọn trong ba chương: “Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra”, “Từng ngày ba mẹ thở theo con” và “Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc xuân”, được thể hiện bằng giọng điệu hóm hỉnh, tươi vui và tràn đầy cảm xúc.

Trong bài “Cảm giác của sự tái sinh”, Lê Minh Quốc viết: “Những ngày chăm con còn bé bỏng tựa chồi non mới nhú, tôi giật mình nhận ra niềm sung sướng nhất của mình là lúc được thong thả đùa chơi với con. Sự cựa quậy, quấy khóc của bé, thậm chí khi bé đã ngủ say vẫn là những giây phút kỳ diệu nhất”.

Hẳn nhiều bậc làm cha mẹ cũng sẽ đồng cảm với tác giả, rằng giây phút ngắm nhìn con là hạnh phúc nhất, ngắm mãi không chán. Đơn giản lúc ấy ta ngắm nhìn hình ảnh của mình được tái sinh. Rồi người cha, người mẹ sẽ đồng hành cùng con, thức cùng con, học cùng con để đưa và theo con bước vào đời. Tác giả cũng khéo léo đan cài những bài học về sự giáo dục con, người lớn chỉ cần định hướng, tôn trọng sự lựa chọn của con, không nên áp đặt ý thích của mình. Nhà thơ quan niệm không một ai có thể sống cho người khác, dù đó là giọt máu của chính mình. Trong quá trình nuôi nấng, chơi với con, giáo dục con, chính người lớn cũng phải thay đổi, phải học. Như trong bài “Hát đồng dao ru con”, tác giả viết: “Từ khi có con, tôi đã vận dụng trí nhớ tìm lại câu hát xưa ru con. Mà cũng phải nói thật, sắp bước qua tuổi ngũ thập, tôi mới biết thế nào là nghệ thuật làm cha mẹ. Biết trong sự lúng túng, vụng về. Và từ trong quá trình nuôi con, những câu đồng dao mới ra đời”.

“Từng ngày ba mẹ thở theo con” chỉ ra rằng, ai đi nữa, công việc thế nào đi nữa, sống thời đại nào đi nữa, không bao giờ muốn sự tổn thương đến với con mình. Trang bị cho con một hành trang đủ đầy và mạnh mẽ để sống cuộc đời của chính con, bậc cha mẹ nào cũng có bí kíp riêng của họ.

TS Lê Thị Linh Trang đồng cảm với nhà thơ Lê Minh Quốc: “Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của mỗi người sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong những bối cảnh xã hội khác nhau, nhưng khi làm cha mẹ tốt là ta đã trao cho con trẻ cơ hội trở thành người khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn và có quan hệ con người đầy tình yêu thương”.

HẢI MIÊN
(Báo Thời Nay ngày 6.2.2023)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com