Nhà thơ Lê Minh Quốc có nụ cười tươi rói. Anh làm việc nhiều, liên tục, như thể năng lượng sáng tạo suốt mấy chục năm qua lăn lộn với cuộc sống vẫn chưa hề vơi cạn. Những năm gần đây, anh nghiên cứu và liên tục ra mắt sách về nghiên cứu tiếng Việt. Có người đã ví anh như vị bác sĩ chuyên “nội soi” tiếng Việt”.
Vì niềm yêu thích tiếng Việt
Ngày trẻ, anh viết nhiều thể loại và vẽ tranh. Rồi một ngày, năm 1998, anh chuyển hướng nghiên cứu thêm tiếng Việt, bởi ngoài yêu tiếng Việt, anh nhận ra rằng bất kỳ ai cũng có những khả năng mà họ chưa khám phá hết. Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: “Chẳng hạn, ngày trước, tôi hoàn toàn không nghĩ một ngày nào đó mình sẽ vẽ nhưng rồi ngày nọ, tháng nọ, năm kia thỉnh thoảng lên chơi nhà họa sĩ Bùi Suối Hoa, tôi may mắn gặp một số họa sĩ nổi tiếng. Nghe họ bàn về hội họa, về sắc màu, sau đó được lại nhìn thấy họ vẽ. Kỳ lạ, dần dà trong tôi ưa thích và cũng thử vẽ xem sao. Thế là từ đó, tôi mê vẽ. Ông bà ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” rất đúng, nhờ các cuộc gặp gỡ, trò chuyện trên, tôi nghĩ “hạt giống” về hội họa đã có sẵn trong lòng mình, nay nhờ các anh chị ấy “đánh thức” dậy”.
Thực tình, ai cũng có khả năng về lĩnh vực nào đó, nó sẽ phát triển tốt nếu ta có cơ duyên được gặp người cùng cảnh ngộ, được họ khuyến khích thêm… Và, hiện nay, khi Lê Minh Quốc dành hết tâm lực tìm về tiếng Việt cũng tương tự như thế. Có điều, lần này, anh đã “gặp gỡ” các bậc tiến bối đã đi trước qua các sách của họ để lại, những gì họ đã viết.
Người đầu tiên phải nói đến chính là vai trò của cụ An Chi. Chừng gần 20 năm trước, cụ đã phụ trách chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Lê Minh Quốc đọc và rất thích. Chỉ thích vậy thôi, anh không nghĩ thêm gì khác. Đến một ngày, khi du lịch xa xứ dài ngày, trong lúc vội vã chuẩn bị hành lý, anh vơ lấy vài quyển sách của học giả An Chi cho vào va ly đem theo như một sự ngẫu nhiên, chỉ nghĩ đọc cho vui ở nơi mà mình sẽ đến nghỉ ngơi. Rồi, bấy giờ anh đã đọc đi đọc lại nhiều lần (vì nơi ấy không có sách báo tiếng Việt gì khác). Đọc rồi, anh mới “ngộ” ra sự kỳ diệu của tiếng Việt một một cách rõ nét, hơn là trước đó chỉ yêu thích theo cảm tính. Sau chuyến đi nghỉ ngơi đó, quay về nhà, Lê Minh Quốc bắt đầu chú tâm đọc thêm nhiều sách khác nữa.
Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà, nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm. Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt được chia thành ba tập: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm không sắp xếp theo hệ thống ký thường thấy mà đan xen nhiều điển tích, cách dụng chữ từ xưa đến nay, phong phú ẩm thực Việt, phong tục tập quán, thói hư tật xấu… như một cách cởi mở để xâu chuỗi nhiều câu chuyện trong tập sách thú vị này.
Lê Minh Quốc chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta... đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca đao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách “giữ của” tốt nhất đã có từ thời dựng nước - giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá. Vì lẽ đó, khi viết bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, tôi hết sức chú trọng đến lời ăn tiếng nói của người xưa”.
Vỡ lẽ nhiều điều từ đọc sách
Trong những cuốn sách nghiên cứu tiếng Việt của các nhà nghiên cứu, rất nhiều cuốn Lê Minh Quốc tâm huyết, và anh đã học được ở đó rất nhiều. Chẳng hạn, với Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre De Rhodes dạy cho anh biết thế nào là tiếng Việt của hàng trăm năm trước; Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của đã dẫn anh tìm về lời ăn nói của người miền Nam thời trước; Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo đã giải thích cho Quốc biết cách dùng từ của người miền Bắc… “Tất nhiên không chỉ có thế, tôi còn may mắn sưu tập được khác nhiều tự điển khác, nhờ thế, trong quá trình nghiên cứu như một cách tự học, tôi đã có các sách đó đóng vai trò như “bậc thầy” đáng kính hướng dẫn tận tình và chu đáo”, nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh.
Từ sự học, Lê Minh Quốc mới vỡ lẽ ra với nhiều lý thú. Trên đời không thể và không bao giờ, kể cả những nhà ngôn ngữ học tài ba nhất, lỗi lạc nhất cũng có thể hiểu hết vốn từ mà người Việt đã và đang sử dụng vì làm sao một ai đó có thể vượt qua “hàng rào” thổ âm, thổ ngữ của từng vùng miền?… Nói như thế, có thể ai đó không đồng tình, chẳng sao cả, mỗi người đều yêu và thể hiện tình yêu dành theo tiếng Việt theo cách của mình, tất cả đều rất đáng trân trọng. Lê Minh Quốc chia sẻ: “Với tôi, khi viết Lắt léo tiếng Việt, Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt cũng là một cách trình bày một tâm huyết của quá trình tự học mà tôi đã tâm niệm, nhớ nằm lòng, luôn tự nhắc mình”. Anh viết:
TIẾNG VIỆT
Từng ngày lầm lũi
Nhẫn nại bền lòng
Đi vào từ điển
Nhặt được gì không?
Đi vào giữa chợ
Tìm thấy tiếng lòng
Lời quê rơm rạ
Gieo trên cánh đồng
Ngàn năm vẫn đượm
Mồ hôi ròng ròng
Se duyên tình tự
Nên vợ thành chồng
Nay vẫn xao xuyến
Hương vị núi sông
Mặc kệ bão giông
Chen âm sắc lạ
Lấn lướt từng ngày
Đau lòng buốt dạ
Vững tin người ơi
Không gì xô ngã
Tiếng Việt mãi còn
Lời ru thong thả
Tục ngữ, ca dao
Như ngô, khoai, sắn
Như lúa như tre…
Suối nguồn vô tận
Như nắng như mưa
Tượng hình sức sống
Ngàn đời nuôi nấng
Linh hồn Việt Nam
Giờ vừa sáng tác vừa nghiên cứu, anh đã “chuốc” thêm sự vất vả vào mình. Cả hai lĩnh vực này, ai cũng biết rằng, một khi muốn tìm đến đều phải sử dụng lối tư duy khác nhau. Một bên cần cảm hứng, ngẫu hứng, tùy hứng kể cả cao hứng nữa…; một bên cần sự chỉn chu, bài bản, lớp lang, “nói có sách mách có chứng”… Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này cũng đều cần phải có thêm yếu tố cực kỳ quan trọng: say mê và cảm hứng. Dù sáng tác hay nghiên cứu, đối với Lê Minh Quốc đều khó nhọc như nhau. “Trên đời này, đối với tôi, không có gì là dễ cả. Nếu muốn làm cái gì đó cho “ra môn ra khoai”, “ra tấm ra miếng” cũng đều phải cố gắng. Nhờ củ mỉ cù mì, chịu thương chịu khó, rị mọ nên ít nhiều cũng có được thành quả gì đó”, nhà thơ bày tỏ.
Tôi hỏi, liên tục ra mắt sách về nghiên cứu, anh bố trí thời gian làm việc thế nào để đạt hiệu quả? Lê Minh Quốc trả lời: “Một trong những điều khiến tôi luôn biết ơn khi nhớ về tháng ngày ở quân ngũ: tính kỷ luật. Với người lính thì “một ngày như mọi ngày”, ngày nào cũng có việc để làm, chẳng có ngày nào có thể nằm vắt chân chữ ngũ hết ngủ lại ăn. Phải làm việc. Khối việc để làm. Tính cách này đã hình thành trong tôi ngay từ thời trẻ, sau này, ra quân, tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt như vậy. Đối với tôi, bất kể ngày nào, thời tiết nào, hễ đã rạng sáng thức dậy là ngồi vào bàn viết. Viết cái gì cũng được. Miễn là viết. Sau khoảng thời gian đó, mới chính thức bắt tay làm việc của cơ quan (hồi còn đi làm), bây giờ là làm việc nhà. Giữ lấy tính kỷ luật này, có thể bạn sẽ cho là khó chịu, tự làm khổ mình, không đâu, khi đã hình thành thói quen này thì trong khoảng thời gian đó bạn sẽ nhận được món quà vô giá là niềm vui. Dù viết thế nào không rõ, có hay hướm gì hay nhì nhằng gì đi nữa thì bù lại bạn cũng có niềm vui đó”.
Là người sáng tác, tôi hiểu, đó là công việc giời đày. Lê Minh Quốc biết điều đó và chấp nhận điều đó. Bởi vậy, thời gian tới, anh vẫn dành hết tâm lực tìm về linh hồn tiếng Việt.
Nguyễn Văn Học
(nguồn: Báo Tinh Hoa Việt - số 166 ngày 25.2.2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|