TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”

Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC - 12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”

Mục lục
Dư luận về bộ sách VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT của LÊ MINH QUÓC
1. Lời nói đầu
2. CẢM NGHĨ SAU KHI HOÀN THÀNH BỘ SÁCH VĂN HÓA VIỆT, NHÌN TỪ TIẾNG VIỆT
3. 'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt
4. “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” của Lê Minh Quốc
5. Nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp cùng Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
6. Sức cuốn hút kỳ thú của tiếng Việt
7. Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt- Bộ sách về văn hóa của nhà thơ Lê Minh Quốc
8. Đọc Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của Lê Minh Quốc
9. Những nét đặc sắc trong văn hóa tiếng Việt
10. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
11. Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’
12. “Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”
13.
14. Lê Minh Quốc - Tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt
15. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ăn là một từ có vị trí thượng thừa trong tiếng Việt
16. Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tiếng Việt là máu của người Việt, không dễ gì thay đổi
17. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nội soi tiếng Việt”
Tất cả các trang


“Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt”

 

Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt là bộ sách mới nhất của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc, vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Các tựa đề mỗi tập sách khá ấn tượng: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo và Dích dắt dặt dìu dư dí dỏm. Mỗi cuốn sách đều dẫn người đọc về một miền bao la ngữ nghĩa, vần điệu, vô cùng thú vị và hài hước.

Theo chia sẻ của nhà báo Lê Minh Quốc, đây là “những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, một nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…” cùng với sự học trong suốt 40 năm viết lách của anh. Bắt đầu với chuyện “ăn” của người Việt, trong bài Ngẫu hứng cùng nghệ thuật ăn - bài viết đầu tiên trong cuốn Chơi chữ chanh chua chan chát chữ - tác giả đã nhắc nhớ biết bao từ đồng nghĩa với “ăn” và giải mã nguồn gốc, ý nghĩa của từ.

Không đếm hết cả từ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng miêu tả hành động “ăn”. Những phân tích thú vị ở chỗ kể chuyện ăn trong dân gian đến tục ngữ, ca dao, dẫn thi ca, văn chương; rồi còn giải mã cả những tiếng lóng mà không phải ai cũng biết nguồn gốc.


Trong bài viết Buồn tình nghĩ tới… chuyện ăn, tác giả còn khiến người đọc bật cười khi dẫn câu của người Nam bộ: “Ăn khín bà Chín bẻ răng” hay “Hết xẩy con bà Bảy/ Đẹp trai con bà Hai”… nhưng nếu hỏi bà Chín, bà Hai, bà Bảy thì không ai biết. Rồi câu “nói láo bà bắn”. Bà nào bắn? Hãy để người nghiên cứu lý giải: “Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích “bà” ở đây còn gọi là bà cố - một trong cửu vị nương nương, tức là một trong chín cô con gái của ngọc hoàng. Bà được thờ trong miếu nhỏ gọi là miếu Ngũ Hành”.


Chuyện ăn, đi từ ngôn ngữ đến văn hóa, từ truyền thống đến hiện đại; đi vào trang sách, đi qua yêu thương và phong ba đời người. Một từ ngữ xưa cổ, một câu nói dân gian, một hương vị đã mất… tất cả đều ẩn trong lòng nó những giá trị văn hóa về đất và người. Điều kỳ vĩ của ngôn ngữ là vậy. Đúng như chia sẻ của nhà báo Lê Minh Quốc trong cuộc kiến giải ngôn từ: “Khi tìm hiểu về lời ăn tiếng nói của một thời, cũng là lúc ta quay về với dấu vết của giá trị văn hóa Việt”.

Sau chuyện ăn đến chuyện cười: cười qua hò đối đáp, qua câu đố, truyện cười, lối cười trong thơ… Ở tập Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, anh dẫn người đọc vào “mê cung” của “bao, bão, báo, bào”, “sưu, xâu, xóc, xỏ”, “Cậy, cây cay, cai” rồi “Keo kiết kéo kẹo kẽo kẹt”, “mống mộng rồi… mổng”, “Củ lục lăng của chuối”… Phân biệt thì dễ, lý giải mới khó. Ví dụ “Sũ hay Xũ?”. Trong từ điển tiếng Việt chỉ có từ “sủ” không có từ “sũ”, vậy sao có phố Lò Sũ? (Hà Nội).

Trong tác phẩm Những ngày thơ ấu, nhà văn Nguyên Hồng viết về ký ức lúc gia đình ông ở phố Lò Sũ: “Nhà tôi ở chung với nhà bán hàng sũ. Trong nhà, trừ gian bày bàn thờ, còn đâu đâu cũng xếp đầy gỗ phiến, gỗ tấm, gỗ bắp và các thứ săng ván. Quanh năm, mùi gỗ vàng tâm và gỗ dẻ thơm nức không khí”. Qua tìm hiểu, nhà báo Lê Minh Quốc đã giải thích được từ nguyên: “Lò” là cách gọi “một nhóm người, một tập thể cùng làm một nghề nào đó”, “Lò Sũ” có nghĩa là xưởng làm đồ gỗ.

Chúng ta hiểu tiếng Việt đến đâu - có lẽ đó sẽ là cảm giác của bạn đọc khi khám phá ngôn ngữ cùng bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc. Những cổ ngữ đã mất, hoặc phai mờ ý nghĩa ban đầu, trong sự giao thoa tiếp xúc với ngôn ngữ mới (ngoại lai, hiện đại), tiếng Việt ngày nay lại càng có nhiều thay đổi. Lần trong Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị, Tục ngữ - cổ ngữ - gia ngôn của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam tự điển, Từ điển tiếng Việt gốc Pháp… cùng tư liệu biên khảo, tác phẩm văn học nghệ thuật, tác giả vừa truy nguyên vừa kiến giải ngôn ngữ.

Thoạt nghe tiêu đề đã thấy đa dạng đa thanh và đa ngữ nghĩa: ví dụ chuyện của “I cụt, y dài, y cờ lết, y cờ rết”, “Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng”, “Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh”, “Tai nghe gà gáy tẻ tè te”, “Vân vân và mây mây”… Bên cạnh đó là những câu chuyện từ hát bội, cải lương xưa, hát bài chòi, hát lô tô đến các phong tục lễ tết xưa.

Dẫu đã thực hiện một bộ sách dày công, trong bộ ba cuốn sách, nhà báo Lê Minh Quốc thi thoảng vẫn “đặt hàng” các nhà ngôn ngữ tiếp tục vào cuộc nghiên cứu cho đến cùng gốc rễ của từ, bởi có những từ ngữ anh đã đào sâu tìm hiểu, nhưng vẫn “bí rị bà rì”. Hoàn thành bộ sách, như lời tâm tình của anh là “mày mò tự học” và bằng cả tình yêu thiết tha dành cho tiếng Việt. Sự mày mò ấy đã cho người đọc khối kiến thức đồ sộ và cảm nhận tinh tế về nguồn gốc và vẻ đẹp của tiếng Việt.

“Chúng ta yêu lấy tiếng Việt/tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy, cũng là một cách thể hiện tấm lòng yêu non sông gấm vóc” - nhà báo Lê Minh Quốc bày tỏ.

Lục Diệp
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 23/12/2021)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com