BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Chuyện vui quán Đo Đo

LÊ MINH QUỐC: Chuyện vui quán Đo Đo

 

Cùng thời với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cách đây chừng mươi năm đã có có một số văn nghệ sĩ quyết tâm... mở quán. Có thể kể đến Nguyễn Chánh Tín với Ngói Xanh, Đông Ki Rét với Cối Xây gió (ban đầu chung vốn với nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Đoàn Dũng), Vũ Trọng Quang với Trống Đồng, Lê Vũ Cầu với Vợ Thằng Đậu, Mường Mán với Ruốc, Huy Tưởng với Hoài Phố, Nguyễn Nhật Ánh với quán Đo Đo... Nay, có quán đã "cỡi hạc quy tiên", có quán vẫn bình chân như vại.


10407803_718972128167476_7825658983225466515_n

Tuy nhiên, đáng kể nhất vẫn là quán Đo Đo. Nơi đó là cảm hứng Nguyễn Nhật Ánh viết truyện dài Quán Gò đi lên, Nguyễn Văn Hiên sáng tác ca khúc Bồ Câu không đưa thư... Và tôi, đã viết vài bài báo giới thiệu và "mai mối" đạo diễn HTV đến làm phim về món ăn độc đáo Quảng Nam tại quán Đo Đo. Những ngày cùng bè bạn bù khú lai rai, chén tạc chén thù, bán trời không mời thiên lôi, say tít cung trăng... tôi còn viết một vài mẩu chuyện vui...

L.M.Q

(VI.2014)

"AI BIỂU LÀM TUI MẤT TẬP TRUNG CHI!"

Ít lâu sau ngày khai trương tại đường Nguyễn Hữu Cầu, quán Đo Đo chuyển về đường Thạch Thị Thanh, theo tôi, đây là thời kỳ “hoành tráng” nhất của quán Đo Đo khiến độc giả của Nguyễn Nhật Ánh mê tít thò lò.

Vì các phòng trong quán được sắp xếp từng “chủ đề” riêng theo tên tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, ví dụ trẻ nhóc thì vào phòng “Bàn có năm chỗ ngồi”; ai đi có đôi có cặp thích thơ mộng được đưa vào phòng “Trại hoa vàng” hay “Hạ đỏ”; các cô gái thường chọn phòng “Nữ sinh” hay “Những cô em gái”; nam thì vào phòng “Thằng quỷ nhỏ” hoặc “Những chàng trai xấu tính"... Đại khái thế.

Còn chúng tôi vào phòng nào? Thưa, chúng tôi leo lên sân thượng chơi bi da và “cá độ” bằng bia trong phòng có treo tấm biển “Trước vòng chung kết”, cũng là tên một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Những cặp đôi thuở ấy thường là Nguyễn Thái Dương - Đoàn Xuân Hải; Bùi Chí Vinh - Nguyễn Nhật Ánh; Lê Minh Quốc - Nguyễn Văn Hiên; Nguyễn Tấn Cứ - Đỗ Trung Quân, v.v... Đó là những tay chơi thường xuyên, chữ ký người nào cũng đẹp vì thường xuyên… ký sổ nợ của quán.

Tạt qua chơi vài ván có Phan Bá Chức, Phạm Phú Túc, Thế Hiển, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Lương Vỵ, Nam Thanh…

Trời! nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chơi bi da thuộc loại thần sầu quỷ khốc. Anh đi một “cơ” thường là vài chục điểm.

Còn Nguyễn Nhật Ánh mỗi lần ngắm bi chuẩn bị đánh thì cả thiên hạ đều sốt ruột, vì anh ngắm rất lâu, lâu ơi là lâu, nhưng thường là... đánh trật, he he. Đã vậy, anh đang ngắm nghía mà ai giục “Đánh lẹ lên đi cha! Ngắm gì ngắm hoài vậy!” là anh buông cơ xuống, chùi mồ hôi trán rồi từ từ nhấc cơ lên… ngắm lại từ đầu, lý do “Ai biểu làm tui mất tập trung chi!”. Potay.com luôn!

Ít ai biết, chính nhờ è cổ chờ đợi Nguyễn Nhật Ánh ngắm nghía mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên có đủ thời gian để sáng tác ngay tại quán Đo Đo ca khúc “Bồ câu không đưa thư” phỏng theo... tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh!

Bẵng đi một thời gian, quán Đo Đo lại chuyển về đường Phan Châu Trinh (bên hông chợ Bến Thành). Tại đây, tôi đã viết bài báo Khi nhà thơ mở quán, có lẽ cái tựa như thế hoặc na ná như thế và đã in trên báo Phụ Nữ TP.HCM. Cũng tại đây, lần đầu tiên tôi đưa đạo diễn Hải Anh (Hãng phim tài liệu TFS) đến ăn món Quảng Nam. Cô gái Hà Nội xinh xắn này mê tít và sau đó làm một bộ phim về ẩm thực quán Đo Đo. Phim này sau đó phát sóng trên HTV được nhiều người khen là phim... có nhiều diễn viên đẹp trai nhất, tức là… tụi tui. He he.

Sau đó nữa, quán Đo Đo lại chuyển về đường Lương Hữu Khánh, tức là địa điểm hiện nay. Tất nhiên chúng tôi cũng đi theo. Lúc Nguyễn Nhật Ánh đi Mỹ, tôi ở nhà đưa đạo diễn Ngọc Thảo cũng của HTV đến thực hiện bộ phim về quán này. Anh em lại được mời đến lai rai và phát biểu đôi câu.

Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt và giọng nói của nhà thơ Cao Vũ Huy Miên. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phát biểu của chị Tiếng Thu, vợ Nguyễn Nhật Ánh. Chị nói, đại ý nấu món Quảng cho hợp gu người Quảng là cực khó, vì người Quảng nhìn bề ngoài ăn rất mộc, rất giản dị nhưng thực ra là rất tinh tế, rất khó tính; đồ ăn phải thật tươi mới được, con cá phải tươi, miếng thịt phải tươi, cọng rau phải tươi... Khi thực phẩm không đạt yêu cầu, hoặc phải nhờ đến sự “hỗ trợ” của gia vị thì họ phát hiện ngay và cũng lắc đầu ngay! Nói cách khác, họ muốn tận hưởng vị ngon ngọt của thực phẩm tươi nguyên chứ không phải sự ngon ngọt phát xuất từ gia vị.

Đạo diễn Ngọc Thảo thích quá reo lên: “Em đã hỏi nhiều người về đặc trưng của món ăn Quảng khác vùng miền nơi khác như thế nào, nhưng cách giải thích của chị là em “chịu” nhất”...

L.M.Q

 

Cùng một chủ đề:

Đo Đo và chuyện vui về bút danh văn nghệ sĩ

Đời của Nguyễn Đông Thức đến Đo Đo

Nhà thơ Vũ Ân Thy, rượu A Ma Công và... nước mắm Nam Ô

Đo Đo và Hoài Mộng Diễm Thư

"Bí mật" số đuôi điện thoại 0407 của Nguyễn Nhật Ánh

Tôi bị "kỷ luật" tại quán Đo Đo (!?)

Đo Đo thơ

 

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com