BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Lời tựa ĐÀN BÀ LIÊU XIÊU

LÊ MINH QUỐC: Lời tựa ĐÀN BÀ LIÊU XIÊU

 

danbalieuxieu

 

KHI ĐÀN BÀ "CHƠI" TRONG THẾ GIỚI ẢO

 

1.

Nếu đọc từ dòng chữ thứ nhất đến dấu chấm cuối cùng, chẳng có một lúc nào há miệng ra cười toe toét, cười khà khà, cười khanh khách, cười nôn ruột… tôi tha thiết đề nghị bạn nên tìm gặp bác sĩ Trần Bồng Sơn để khám xem sợi dây thần kinh cười của mình “có vấn đề” gì không?

Nếu khép lại trang sách, trong lòng không dạt dào niềm cảm hứng những muốn tung chăn đạp gối, lao ào ra bàn phím, ngay lập tức phải post một cái notes, status gì đó lên mạng xã hội cho thiên hạ “biết mặt chơi”, tôi da diết khuyến cáo bạn nên tự hỏi chính mình: “Ủa? Ta có làm sao không?”

 

2.

Sở dĩ, tôi quả quyết như lúc Võ Đông Sơn thề non hẹn biển với Bạch Thu Hà vì rất đơn giản, tập sách này “đọc được”. Được quá đi chứ, cả ba điệu nhảy từ Rock, Valse đến Lambada đều ấn tượng và điệu nghệ lắm. Dù viết bất kỳ đề tài nào, cả Beo Hồng, DoNa Đỗ Ngọc, Hậu Khảo Cổ cũng có cách trình bày dí dỏm, thông minh và tự trào.

Nói như thế mà nghe được à? Chẳng lẽ, cánh đàn ông không có những tố chất ấy khi “chơi” facebook sao? Thì có. Nhưng ở đây là những trang viết đã nhìn và lý giải vấn đề bằng cảm thức đàn bà, rất đàn bà mà đôi khi các đấng mày râu e ngại nói đến. Họ chả ngại gì. Viết như chơi. Như đùa. Đây là cảnh tân hôn cực kỳ XXX: “Đêm tân hôn. Chàng tắm táp trước rồi lăn ra ngủ.

Cô, từ nhà tắm bước vào. Một cảnh tượng kinh khiếp đập thẳng vào thần kinh.
Chàng, tênh hênh, trần như nhộng”. Chuyện gì xẩy ra? Đọc tiếp, sẽ rõ. Lại có gã đàn ông si tình đến lạ lùng: “Dẫn  đi ăn chè vỉa hè Yên Đổ, gọi mỗi một  cho mình. Khách đông, bà chủ gánh có ý lấy lại  ghế. Hắn cười hiền lành lót dép ngồi, chăm chú nhìn mình ăn. Mình vô tâm vô tính, không hề biết tiền Hắn chỉ  đủ trả cho 1 chén chè”. Thú vị chưa? Đôi khi chỉ một vài chữ, lại tạo nên một niềm xao xuyến không nguôi: “Lần đầu tiên đi thang máy, Thím tuột dép bỏ ngoài. Mắt thím khô không còn một giọt nước”. Một chi tiết đắc giá. Miêu tả tính cách nhân vật đấy ư? Không, Beo Hồng chỉ quan sát. Mà nói thật, sự quan sát của cô táo tợn lắm, không người nào, không chuyện gì mà cô không biếm nhẽ, cười cợt một cách thông minh và… đanh đá. Do đó, cô ưõn ngực: “Mình là đứa trẻ con không bao giờ lớn, đã thế lại bướng, người lớn bảo đừng chọc tay vào ổ điện thì chắc chắn mình sẽ chọc vào,  còn chọc nhiều lần chọc tức nữa cơ”. Nghe mà tức ói máu (!?). Chọn cách viết “đá giò lái” thâm hậu nên dù ngắn nhưng Beo Hồng cũng tạo được sự lôi cuốn như xem phim trinh thám!

Kế đến, DoNa Đỗ Ngọc lại tạo nên phong cách viết “thẳng ruột ngựa”, chẳng hoa hòe hoa sói nhưng hấp dẫn, có duyên - nhất là khi cô bình luận chuyện đàn ông - đàn bà: “Không, đàn bà thường không tự tin như đàn ông. Họ cũng ngại. Khi biết vợ ngoại tình, đàn ông thường cao thượng, họ ít dám uýnh tình địch mà uýnh vợ. Đàn bà hèn hơn, không thèm uýnh chồng, họ uýnh "con kia". Nghĩ lại đi, có đúng không? Lại nữa, chỉ đàn bà mới có thể rơi vào cảnh ngộ dở khóc dở cười: “Vé buffet khách sạn 5 sao giá triệu trở lên. Mà mẹ ơi, nàng ta lụa là khăn quàng lướt thướt đi lại, nhìn ngó lơ đãng, cảnh vẻ dao dĩa, hết cả buổi chỉ ăn đúng một con hàu, hai con sò huyết và ba lá xà lách. Báo hại mình vì lịch sự ăn cầm chừng, tối về phải xơi bù mì tôm Hảo Hảo ba ngàn/ gói, tiếc đau tiếc đớn bọn hàu, ghẹ nhập từ Alaska…Đứa nữa, ăn uống mỹ thuật lắm, nói tiếng Anh kêu bằng ít ạc. Vào nhà hàng, nó gọi chỉ một cái bánh ngọt Tiramisu, một ly cốc teo hay cà phê lơ doa hay trai lơ gì đó. Là bữa trưa của nó. Nó khiến mình mặc cảm phàm phu tục tử. Mỗi lần nó nhắn tin rủ đi ăn, mình thường nhắn lại “đang…họp”. Đọc mà tủm tỉm cười, bởi người đâu lại thật thà đến thế cơ chứ? Những chia sẻ, tâm sự này dù nhỏ nhưng tính cách nhân vật hiện lên rõ nét. Đọc chậm và nghĩ ngợi, đôi lúc bật cười khi nghe cô tâm sự: “Đàn bà nhẹ dạ lắm, chả thế mà có câu “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Chả thế mà giận nhau tưng bừng với chồng, nước mắt nước mũi ngập lụt, thậm chí bị các lão xáng cho bạt tai, đấm đá như võ sĩ Vovinam... thế mà nhẹ dạ khi các lão áp dụng nghệ thuật làm lành, dân số nước ta thế nào cũng thêm một trẻ”. Ai nhẹ dạ? Đàn ông hay đàn bà?

Vội gì phải đi tìm câu trả lời, cứ hỏi nhân vật kế tiếp là Hậu Khảo Cổ. Nói thế, bởi ở đây cũng là phong cách giàu tính hài hước, tự trào mà Hậu Khảo Cổ gọi “Vỉa hè tạp lục” - một cách nhễu nhại Phủ biên tạp lục của cụ Lê Quý Đôn đó chăng?

Có thể lắm chứ. “Thầy là người thông suốt quá khứ tương lai nên khi nhìn Lo, thầy phán rằng: nếu Lo chết lúc này kiếp sau sẽ cơ cấu thành hoa hậu, được quy họach làm phu nhơn một quan chức Bộ quản lý mạng miếc blog facebook… thường xuyên bị chặn bị kiểm soát bị tường lửa… Nghe vậy, Lo chợt tỉnh, thều thào: làm cách nào để không có cái Bộ quản không có lý ấy?”. Đọc xong, bạn chọn kiểu cười gì? Lại nữa, ngày nọ hai mẹ con dạo quanh Hồ Gươm, “con gái nói một cách hết sức nghiêm túc: Mẹ, sau này mẹ già thì đừng ra đây mà tập thể dục nhé, làm xấu cả Hồ Gươm!”. Hậu Khảo Cổ à, trẻ con… thông minh quá đấy chứ! Rồi lại những chuyện khác như lúc cô lên miền Tây Bắc, mẩu đối  thoại giữa tài xế và hành khách nhộn nhạo, sinh động không thể tả. Cứ như xem một màn tấu hài giữa nghệ sĩ Hoài Linh với Thúy Nga trong đời thường.Và cũng không khác hai bồ tèo Hồng Beo, DoNa Đỗ Ngọc, có lúc Hậu Khảo Cổ cũng cao hứng bàn luận chuyện “thắc mắc biết hỏi ai” thật rôm rả: “Túm lại: Đàn ông hay nói/ kể tiếu lâm về… tình dục; đàn bà hay “tám” về (thói xấu) đàn bà khác. Nhưng mức độ “ác liệt”, nói nhiều nói to thì cả đàn ông và đàn bà như nhau. Hehe…”.

Túm lại, tôi cũng mạnh miệng, mồm mép tép nhảy mà rằng: “Một người một vẻ mười phân vẹn mười”.

3.

Trong thời buổi này, sách in ấn, phát hành ào ào như lá mùa thu. Tìm đọc một quyển sách ưng ý thật khó. Nếu là bạn, tôi chọn tập sách này đặng đọc rỉ rả, đọc kỹ, đọc nhiều lần, mỗi lần đọc vài trang và cười hé hé cho đỡ buồn.

Tôi thích ba tác giả này lúc đứng chung trong một tập sách, bởi họ không không cố ý phải làm văn, phải so so, phải cân nhắc, phải lựa chọn từng chữ mà họ chỉ viết theo mạch cảm xúc đang có. Nghĩ đến đâu, viết đến đó. Cảm xúc thế nào, viết ra thế ấy. Nghĩ cho cùng, đây cũng là một dạng viết của các tín đồ “chơi” facebook toàn cầu. Nhờ thế, các bài viết dù ngắn, dài vẫn có những chi tiết thật và đời. Không bịa thêm, không hư cấu mà tự nó đã hấp dẫn, có sức sống riêng. Ngay cả câu cú, ngôn từ, sử dụng chữ cũng khác với cách viết trên văn bản truyền thống. Sức mấy văn bản truyền thống chấp nhận kiểu bông lơn mà họ đã thể hiện trong thế giới ảo: “kệ mịa”, “xang chọng”, “like còm”, “hồi xoan”, “đẹp chai”, “nhíp da”, “nhà zăn nước goài”, “ziết zăn”, “đi học đàng goàng”, “zồng khoai”, “dek thèm” v.v…

Điều này không phải làm rối rắm tiếng Việt, bởi trong ngữ cảnh hài hước một cách thâm trầm, bông đùa một cách thân mật thì Beo Hồng, DoNa Đỗ Ngọc, Hậu Khảo Cổ đã cố tình sử dụng như một thủ pháp gây cười. Mà người ta chấp nhận được, không phải phàn nàn gì. Vui thôi mà. Đời sống thế giới mạng, dù muốn dù không, tự nó đã có những quy ước riêng trong phong cách thể hiện. Đố có văn bản hành chính nào có thể quy định, bắt buộc nổi rằng phải viết thế này, phải viết thế kia. Thì, cứ để xem “chữ nghĩa” ấy có tồn tại lâu dài hay không là chuyện khác. Trước mắt, ta bắt gặp vô số những cách nói ngộ nghĩnh như “phận giọng mỏng mông dày”; “biến cho nước dùng nó trong”, “món dở hơi biết bơi” (Beo Hồng); “người Kinh ta… kinh lắm”, “nhíp da là một em camera”, “quấy rối tình phi cơ”, “khi yêu ai chả ngu, nhưng ngu vì yêu cũng đáng” (DoNa Đỗ Ngọc); “đailim lên thành đờrim”, “một con ngựa đau cả tàu tiệt không con nào thèm bỏ cỏ”, “Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi” (Hậu Khảo Cổ) v.v… Quái, đọc mà “phê như con tê tê” để rồi có lúc “cứng đơ như cây cơ”, phải không?

Thì đã nói rồi mà, ở đây, họ tiếu táo, tự trào và chẳng thèm dối lòng lúc bông đùa, ngẫm nghĩ và chia sẻ trong thế giới ảo.

Nhờ thế, trang viết có sức hấp dẫn riêng. Đôi lần, có những lúc cứ như cắn phải trái ớt cay xè mà vẫn bật lên tiếng cười thích thú.

 

Sài Gòn ngày 8 tháng 3 năm 2014

L.M.Q

(nguồn: Tập sách Đàn bà liêu xiêu - NXB Văn hóa Thông tin -2014, tr. 5 -11)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com