Thăm nhà lưu niệm thi sĩ Lưu Trọng Lư
ĐI GIỮA VƯỜN NHÂN, DẠ NGẦN NGƠ
Cuộc đời của thi sĩ Lưu Trọng Lư là một bài thơ. Đó là nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Mà như thế thật, ai đời có lần ngâm nga và thích thú những vần thơ của mình, nhưng ông cứ tưởng… thơ Thế Lữ! Ai đời đi trong cuộc đời đầy biến động, tranh giành “lục tặc tam bành” nhưng ông lại tuyên ngôn:
Đi giữa vườn Nhân dạ, ngẫn ngơ
Vì yêu người lắm mới say thơ
Vợ chồng nhà thơ LƯU TRỌNG LƯ - ảnh tại Nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư
Và trong mắt thế hệ hậu sinh chúng ta thì muôn đời ông vẫn là “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Hình ảnh ấy đáng yêu biết chừng nào. Vì thế vào một sáng cuối tháng 10.2006 khi nghe tin đoàn làm phim TFS của HTV thực hiện bộ phim tư liệu về Nhà lưu niệm của ông thì tôi lập tức có mặt. Bộ phim này sẽ phát sóng vào lúc 8g 20 ngày chủ nhật 12.11.2006 trên HTV 7.
Nhà Lưu niệm Lưu Trọng Lư được thiết kế hài hòa trong một khu đất rộng gần ngàn mét vuông tại 75/5 hẽm 73 Đa Thiện 5 đường Lâm văn Bền, khu phố 4 Tân Thuận Tây (TP.HCM). Chủ nhân của căn nhà này là nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lư Trọng Văn, con trai của thi sĩ. Sở sĩ phải nhắc như thế vì hơn ai hết, anh Văn là rất trân trọng di sản văn hóa của bố mình để lại cho hậu thế. Hơn nữa, chỉ có anh mới có thể “giải mã” một cách chu đáo từng hiện vật trong Nhà lưu niệm từ tác phẩm đến các vật dụng đời thường. Ngoài ra anh cũng lưu giữ được hàng trăm bài báo và nhiều tập sách viết về ông, kể cả tiểu luận Thạc sĩ về “Thế giới thơ Lưu Trọng Lư” của bạn SV Văn Thị Minh Tự (Đại học Sư phạm Hà Nội)... Trước mắt tôi, là những tư liệu quý về một con người say thơ, mê thơ đến tột cùng. Điều này hoàn toàn có khả năng phục vụ cho các bạn SVHS và những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về sự nghiệp của tác giả Tiếng thu.
Chúng tôi say mê ngắm những bức ảnh chụp thi sĩ thuở mới ngoài đôi mươi vẫn còn rõ nét; hoặc ảnh chụp trên các nẻo đường kháng chiến; hoặc chụp chung với các bạn hữu cũng là những nhân vật nỗi tiếng… Thật xúc động khi ta được đọc lại những vần thơ nổi tiếng của Lưu Trọng Lư do chính ông viết tay - đã từng đi vào trí nhớ nhiều thế hệ. Không những thế, nếu ai đó quan tâm đến thủ bút của văn nghệ sĩ VN thì sẽ bàng hoàng nhận ra có rất nhiều - kể cả hình ảnh - được lưu giữ cẩn thận. Chẳng hạn, đây là tứ tuyệt của nhà thơ Tố Hữu đã khóc ông ngày 14.8.1991:
Lưu Trọng Lư ơi! Biệt cõi trần
Tiếng thu man mác, nhạc trong ngần
Nửa đêm sực tỉnh, đời pha mộng
Da diết lòng Anh, một chữ Nhân
Khi đoàn làm phim dừng ống rất lâu trước một số kỷ vật thì tôi đã ngạc nhiên thích thú khi nghe anh Văn “thuyết minh”. Rằng, chiếc điện thoại quay bằng tay “cổ lỗ sỉ” màu đen đã được thi sĩ sử dụng trong suốt một thời gian dài, và số gọi đến mà anh Văn còn nhớ vanh vách là “2914”! Với những cây bút bic ông sử dụng thì mực đều... chảy ngược! Theo anh Văn là do bố mình có… điện từ trường rất mạnh nên mới xẩy ra trường hợp lạ lùng khó lý giải như thế. Ngẫm nghĩ cũng thấy hợp lý, vì cứ nhìn ảnh Lưu Trọng Lư thì rõ, hai con mắt của ông sâu thẳm và sáng quắt đến rờn rợn… Thêm một điều làm cho Nhà Lưu niệm này thêm ấm áp còn là những hiện vật như đàn tranh, hình ảnh của bà Tôn Nữ Lệ Mừng - một tài sắc lừng danh một thời của Huế đẹp và thơ - là người bạn đời thủy chung của thi sĩ… Không chỉ bằng lòng với những gì đã và đang tiếp tục sưu tập, anh Văn còn cho biết sắp đến, ngoài việc công bố hàng ngàn trang di cảo thì tại đây còn dựng lên “bức tường Thơ Mới”. Ở đó sẽ là những câu thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ cùng thơ với Lưu Trọng Lư. Nếu việc làm này trở thành hiện thực, ít nhiều sẽ còn giúp ích thêm cho khách tham quan khi đến đây có được cái nhìn rõ hơn về “một thời đại thi ca VN” .
Hiện nay, tại TP. HCM đã có một vài Nhà lưu niệm của văn nghệ sĩ nổi tiếng được gia đình xây dựng và bảo quản, chúng tôi thiết nghĩ Hội Nhà văn địa phương và Hội Nhà văn VN nên quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn nữa. Vì đây cũng là một cách tôn vinh và biết ơn thế hệ tiền bối đã đi trước trên con đường mà các hội viên đang đeo đuổi. Và thật vô lý, tại sao hiện này các Công ty Du lịch không đưa vào tour tham quan các Nhà Lưu niệm tại TP.HCM là văn nghệ sĩ cho du khách, kể cả khách nước ngoài? Bởi lẽ, những tên tuổi lừng lẫy như Á nam Trần Tuấn Khải, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… bằng thơ, đã vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia. Và những tên tuổi ấy tôi tin sẽ góp phần không nhỏ góp cho du khách hiểu thêm phân nào bản sắc văn hóa VN.
L.M.Q
(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 6.2006)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|