BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Ngày đàng sàng khôn - du lịch trên sách

Ngày đàng sàng khôn - du lịch trên sách


Hiện nay, có nhiều người đứng ra tổ chức các tour du lịch, thế nhưng sau những chuyến đi đó, ít ai chịu khó viết lại những gì mắt thấy, tai nghe tại danh lam thắng cảnh ấy.

 

MyRcai-nay

 

Nguyễn Văn Mỹ là một ngoại lệ. Đọc tập sách Ngày đàng sàng khôn (2 tập) do NXB Văn hóa Văn Nghệ ấn hành, tôi không khỏi giật mình bởi sức viết của một người tự nhận: “Nghề đã chọn mình nên mình không thể phụ nghề. Tôi làm du lịch như một thứ tôn giáo nghề nghiệp. Nhờ đi nhiều nên quen nhiều người, biết nhiều vùng đất mới, hiểu thêm nhiều thứ mà chẳng có trường lớp nào dạy nổi. Đi riết thành ghiền, có tháng tôi chỉ “ở nhà” được năm bảy bữa. Nhờ làm hướng dẫn viên, tôi có thêm kinh nghiệm quản lý, thêm thực tiễn giảng dạy, thêm kiến thức để viết; thêm bạn bèm thêm nghĩa tình để sống tốt hơn”.

 

MyR2

 

Có lẽ do ý thức này nên những nơi đi qua, anh đều có sự ghi nhận, quan sát chỉnh chu để trình bày, chia sẻ cùng bạn đọc. Với tập 1 chủ đề Dọc đường đất nước, anh viết cả thảy 66 địa danh mà hầu như nơi nào cũng đều có những chi tiết thú vị, phải là người đi nhiều lần mới có thể nhận ra. Khi đến Trường Sa, anh phát hiện: “Nắng như đổ lửa mà cây trái vẫn kiên cường tươi xanh. Ba loại cây đặc trưng là cây bàng vuông, tra và phong ba. Phải gọi bàng thoi mới đúng vì trái có hình chụp đèn và hoa rất đẹp. Không phải loại tra có bông như vàng anh đỏ màu ven biển trên đất liền, cây tra ở đây bông nhỏ, từng chùm và lá rất dày”. Đâu chỉ là miêu tả, những hình ảnh ấy còn cho thấy Trường Sa luôn gần gũi trong tâm trí mọi người.

À, lâu nay, tôi đã từng nghe đến cù lao Ré, nhờ đọc anh mới hay đó chính là đảo Lý Sơn, còn gọi đảo Tỏi. Anh cho biết thêm: “Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự) trong hang đá thiên nhiên, xây dựng cách đây hơn 300 năm. Trước chùa, những cây bàng vuông cổ thụ đươc các chiến binh đem giống từ Hoàng Sa về trồng”. Còn có nhiều, rất nhiều chi tiết lạ khác như có nơi nào mua ốc mà: “Người bán hỏi khách “chỉ mua ốc thịt hay mua luôn vỏ?”. Mua cả vỏ ốc thì giá gấp đôi, có khi gấp ba. Ốc Đại Lãnh không chỉ ngọt thịt mà vỏ ốc còn là những mặt làng lưu niệm không đụng hàng”…

Trong tập 2 với chủ đề Thế giới lạ mà quen, tác giả Nguyễn Văn Mỹ vẫn tuân thủ cách viết của tập 1, nghĩa là giàu lượng thông tin, có nhận xét, cảm nhận chứ không “cưỡi ngựa xem hoa”. Cả thảy 59 vùng đất ở nước ngoài đã đi qua, anh cũng đều để ý đến những chi tiết đời thường, chẳng hạn tại Đan Mạch: “Cần gì những bức tượng khổng lồ, hết kỷ lục này đến guiness nọ. Chỉ cần tượng thật sự có hồn, đặt đúng chỗ, đúng thời điểm thì dù tầm vóc có khiêm tốn cũng làm thiên hạ kinh ngạc”. Điều này lý giải vì sap thế giới có nhiều Nàng Tiên Cá nhưng chỉ Nàng Tiên Cá ở Copenhagen, mới được hàng triệu người thương nhớ và đến viếng thăm”. Hoặc khi đến Tây Ban Nha, anh được tận mắt lễ hội Xây Tháp thật lạ: “Các công trình được “xây” gần nhau bởi các diễn viên chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, để tranh chức vô địch; xem tháp nào cao nhất, đẹp nhất. Có tháp cao đến cả chục tầng người, đòi hỏi “chất liệu người” phải có sức khỏe, lòng dũng cảm, sự khéo léo, tinh thần đồng đội, phân công hợp lý dưới sự chỉ huy của “Tổng công trình sư”… Khi hoàn tất “đỉnh tháp” phải vẫy tay chào hàng chục ngàn “giám khảo khán giả” đang phấn kích reo hò”…

MyR1

 

Xưa có câu “đi xa về nhà nói khoác” nhưng thời đại “thế giới phẳng” thì khó lắm, bởi chỉ một cú click chuột là thiên hạ có thể kiểm chứng ngay thôi. Anh Nguyễn Văn Mỹ thừa biết điều đó, anh chỉ cần ghi trung thực những gì đã thấy, đã cảm nhận đã là những trang viết hấp dẫn. Có một điều cần nhấn mạnh, do được trang bị tri thức, am hiểu về lịch sử, văn hóa (mà anh đang giảng dạy) vì thế sự liên tưởng, đối chiếu, so sánh của anh khi đến từng vùng đất đã tạo nên những trang bút ký có chiều sâu. Có thể nói, khi đọc Ngày đàng sàng khôn cũng là một cách du lịch trên sách cực kỳ lý thú.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/ngay-dang-sang-khon-du-lich-tren-sach/a121096.html)

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN TÁC GIẢ NGUYỄN VĂN MỸ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com