1.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa luôn khiến tôi ngạc nhiên.
Chừng ba mươi năm trước, lần đầu tiên gặp anh, tôi không tin người mang khuôn mặt “rầu rầu tâm sự” như kép hài nép sau cánh gà đêm mưa ế khách khi viết văn có thể đem lại tiếng cười. Ấy vậy, từ đó đến nay anh đã tung ra một loạt tập truyện trào phúng nhố nhăng bỡn cợt hoạt kê trào lộng. Tưởng thế là đủ. Không, mới đây thôi anh đã tạo ra sự ngạc nhiên khác không riêng gì tôi mà nhiều người thừa nhận anh rất “có nghề” khi viết đề tài tuổi nhỏ học trò Sài Gòn trước 1975: Mùa hè Petrus Ký.
Có lẽ do hào hứng với lời khen của dư luận, nay anh tiếp tục chủ đề trên với truyện dài Chú chiếu bóng thùng, nhà ảo thuật, tay đánh bài & tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, phía dưới còn chua thêm dòng chữ nhỏ: “Truyện dài dành cho thiếu nhi, người lớn đọc cũng hổng sao”.
Còn ngạc nhiên gì nữa không?
2.
Trong đời thường. nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng thuộc loại “khác người”. Chẳng biết học, tập từ bao giờ nhưng anh có thể khiến thiên hạ lác mắt bởi những màn ảo thuật không thua gì cỡ Mạc Can và các “tay chơi” úm ba la với đủ trò xiệc quỷ quái khác. Có những trò chơi với người khác có thể chỉ là chơi nhưng với nhà văn lại không, nghĩ cho cùng những gì nhà văn đã trải nghiệm cũng là chất liệu cần thiết khi viết văn. “Sống rồi hãy viết”. Đã nhà văn chuyên nghiệp càng thấy điều này chính xác biết dường nào.
Khi đọc bản thảo tập truyện dài này của anh, tôi càng xác tín rằng, những tình tiết hấp dẫn, tinh nghịch đôi lúc bật ra tiếng cười khoái trá ở trong đó đều bắt đầu từ hiện thực của cuộc sống mà anh đã trải qua. Ở Lê Văn Nghĩa, như tựa một tập truyện trào phúng mà anh tự nhận Thằng láu cá; hoặc Nguyễn Nhật Ánh tự nhận Thằng quỷ nhỏ v.v… thì những tựa truyện ấy, xét kỹ ta thấy ít nhiều đã phản ánh tâm thế (chứ không phải tính cách) của nhà văn.
Không láu cá sao được, khi trong “Truyện dài dành cho thiếu nhi, người lớn đọc cũng hổng sao” có khá nhiều tính huống cực kỳ… láu cá ở bọn trẻ. Có thể đó là lúc xem phim chiếu thùng, vào rạp chiếu bóng không tốn một xu nào; rồi những chiêu lật tẩy ảo thuật v.v… Phải là người trong cuộc mới có thể viết khéo đến thế: “Thi thoảng khi xem gần hết tuồng chớp bóng, bọn nó thường len lén lấy một cái cây, hoặc bạo gan như thằng Chim, là dùng tay cạy một đầu dây điện ra khỏi cọc bình. Thế là máy quay phim đang chạy sè sè bỗng dưng ngừng lại vì mất điện. Chú Hai Ngon vò đầu bứt tai không biết sự cố xảy ra từ đâu. Chỉ chờ có vậy, tụi nó con nít đập tay vào thùng thình thình, rồi đồng thanh kêu lên:
-Chiếu bóng gì ba-xì-cùn quá… trả tiền lại đi…”
Những tình tiết ngộ nghĩnh trẻ con, láu cá “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” hầu như dàn trải cả tập sách. Nhờ thế, khi đọc có những tình huống khiến ta bật cười một cách tự nhiên.
Khi viết truyện dài, tiểu thuyết khi viết cho thiếu nhi, một nhà văn có trách nhiệm bao giờ cũng nhớ đến vai trò của một nhà sư phạm. Lê Văn Nghĩa cũng vậy. Có điều yếu tố giáo dục ấy, anh “chêm” vào kín đáo và tỏ ra hợp lý: “Dì hai lắc đầu, nhìn nó cười. ‘Thằng này thiệt là…Sao con Ba này có phước, dạy dỗ làm sao mà có đứa con thiệt lễ phép. Mở miệng là dạ thưa chớ không như mấy thằng nhỏ xóm Bó Chổi, mở miệng ra là chửi thề. Đúng là có ăn, có học nó khác…Thằng nầy, lớn lên chắc không phải là người phàm…”. Môt chi tiết nhỏ đã gửi gắm nhiều điều đấy chứ? Đôi khi, chỉ gọn lỏn một câu nói: “Lúc đó thằng con nhà ảo thuật nhìn thằng Chim cười, nói vài tiếng:
- Trốn học. Xấu!”
Thêm một điều khiến phụ huynh yên tâm khi chọn tập truyện dài này (rồi mình đọc ké) còn một phần do nhân vật người lớn… không láu cá! Họ có những lời khuyên chí tình mà trẻ nhỏ nào cũng cần được nghe, chẳng hạn muốn theo nghề, dù là nghề ảo thuật thì cần nhất vẫn là học chữ nghĩa:
“- Tại sao lại cần chữ nghĩa.?
- Vì có chữ nghĩa nhiều, người ta mới đọc được sách rồi nghĩ ra được nhiều trò mới lạ. Nhà ảo thuật là người phải nghĩ ra trò mới , rồi đóng đồ nghề, phải dùng kỹ thuật, máy móc…Phải học, phải trở thành kỹ sư bách khoa Phú thọ thì mới là cao thủ. Mầy xem, mấy thằng cha ảo thuật gia ở Sài gòn này, có thằng cha nào học tú tài, đại học đâu…Cũng như tao vậy, nhờ khéo tay, nhờ láu cá rồi ăn cắp nghề lẫn nhau. Dân Việt Nam giỏi lắm nghen, không sáng chế được trò nào nhưng ăn cắp nghề thì giỏi tổ sư. Rồi rốt cuộc ảo thuật chỉ để đi bán cao đơn hoàn tán dạo…Bao nhiêu trò, làm đi làm lại hoài. Ngay tao cũng phát chán. Mầy muốn giỏi, thằng nhỏ, phải đi học. À, mầy học lớp mấy rồi?”
Truyện viết cho người lớn hay thiếu nhi? Cả hai đấy chứ?
3.
Nếu nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ dừng lại với các trò chơi, tình huống... chi tiết liên quan đến lũ nhóc, cũng đã hấp dẫn và có thể gợi nhớ lại kỷ niệm hoa niệm của bao nhiêu người. Thế nhưng thêm một điều khiến tôi tin chắc nhiều người cũng hào hứng bởi anh đã khéo léo “gài” vào đó những cảnh vật, nếp sống, sinh hoạt của người Sài Gòn thập niên 1960. Do sống tại Sài Gòn từ thuở còn cỡi truông tắm mưa nên anh có lợi thế hơn nhiều nhà văn khác.
Chất liệu từ trong ký ức ngồn ngồn đổ ào xuống trang viết từ chuyện ăn mì, xem chiếu bóng thùng, ảo thuật, đánh bài đến xem cọp xinêma v.v… đều được anh đưa vào rất “ngọt” nên không cắt đứt hoăc làm nghẽn mạch văn đang diễn ra. Thú thật, đọc những trường đoạn ắt người lớn có lúc ngậm ngùi, hả hê rồi “bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người”…
Chính điều này mới tạo ra sự “khác người”của Lê Văn Nghĩa.
4.
Tôi không gọi tập truyện này do người lớn viết cho trẻ thơ mà chính là “hồi ức trẻ thơ trong mắt trẻ thơ”. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi anh viết cho thiếu nhi thì trong anh có đứa trẻ mười bốn, mười lăm chạy lon ton ngay sau trang viết. Thì Lê Văn Nghĩa cũng không khác. Đọc kỹ, sẽ thấy “thằng láu cá” học trò đang tinh nghịch đâu đó rất đáng yêu.
Sự “hóa thân” này chỉ có khi nhà văn thật sự yêu dấu tuổi nhỏ của mình: “Trong đời, một lần ai cũng muốn có dịp trở lại để nhớ. Căn nhà nhỏ, con xóm, những cái cây, con diều, bờ ruộng, bài hát vọng cổ giữa trưa hè, những thằng bạn , những trò chơi …Tất cả đã đi về miền quá vãng. Ôi, tuổi thơ của chúng ta…Một tuổi thơ đáng yêu, trân quý đầy ngọt ngào như mật như thơ. Một tuổi thơ đã đi xa. Một tuổi thơ đã rời bỏ ta mà đi khi ta hờ hững !
Tôi cũng vậy. Tôi cũng muốn trở lại giòng sông tuổi thơ để gặp lại thằng Minh, thằng Ti, thằng Chim, Út đẹt, Cảnh Hù…vì tôi là bạn của tụi nó trong con xóm nhỏ Sài gòn ngày tháng ấy.
Tôi chính là con Hồng - lớp nhất hai trường tiểu học Bình Tây năm 1966”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã kết thúc bằng dòng chữ trữ tình ấy. Nghe thương quá. Và cũng gợi nhớ bao điều về tuổi nhỏ của chính mình.
L.M.Q
(Nguồn: Lời Bạt tập sách Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài & tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ) của nhà văn Lê Văn Nghĩa)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|