Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc: KỶ NIỆM 30 NĂM SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN (niên khóa 1983 - 1987) |
VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM 30 NĂM HỌP LỚP NGỮ VĂN NIÊN KHÓA 1983 - 1987 |
Tất cả các trang |
Từ trái: Trương Nam Hương, Thu Thủy, Ái Linh, thầy Võ Văn Nhơn, Ngô Thu An, Quốc Hương, Lê Minh Quốc
Ngày hôm qua đáng nhớ. Kỷ niệm 30 năm ngày vào học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP.HCM. Niên khóa 1983-1987. Cụ thể, ngày đó là ngày nào? Một bạn cho biết, đó là ngày 3.10.1983 các tân sinh viên họp mặt tại làng Đại học. Thời đó, 2 năm đầu học tại đây; 2 năm sau chuyển về cơ sở Đinh Tiên Hoàng. Thời gian thấm thoát như bóng ngựa vụt ngoài cửa sổ, cứ nghĩ, chỉ một giấc ngủ trưa. Bừng con mắt dậy. 30 năm trôi qua cái vèo. 30 năm nhìn lại, bạn bè đã chồng/ vợ đề huề, sinh con đẻ cái, thậm chí có người đã lên chức nội/ ngoại.
Khiếp, thế mới biết thời gian chẳng chờ đợi một ai. Cứ lừng lững đi qua và nghiến nát tất cả chúng ta.
Khiếp, các gương mặt chẳng hề xa lạ chút nào, lúc gặp nhau vẫn nhớ như in, chẳng ai thay đổi gì. Có lẽ, hình ảnh bạn bè đọng trong trí nhớ là thế nên gặp nhau chỉ thấy như thuở nào.
Khiếp, cứ như cái thời trai trẻ mới vào trường bởi cũng là những câu chuyện vừa rôm rã lại vừa thân thiết của kỷ niệm.
Bạn bè từ Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai… có mặt. Thầy chủ nhiệm Võ Văn Nhơn cũng về dự.
Có thể nói, niên khóa 1983 - 1987 là thế hệ vàng, thế hệ lãng mạn cuối cùng của sinh viên thế kỷ XX.
Bởi sau đó, cả nước đã bắt đầu Đổi mới. Đời sống sinh viên cũng khác. Làm sao quên những đêm khuya đốt lửa giữa sân trường, vùi trong lửa là những củ khoai, củ sắn ăn đỡ đói mà bàn chuyện văn chương. Làm sao quên những lúc đang học, vài ba sinh viên lẻn ra khỏi giảng đường, chạy tọt xuống nhà bếp chờ xin cơm cháy. Do cơm nấu trong nồi quân dụng nên miếng cháy to đùng. Quý lắm. Có được “chiến lợi phẩm” là đem về chia nhau cho bạn bè. Nhai ngấu nghiến. Thèm thuồng. Làm sao quên những buổi trưa tan học, uể oãi bước vào nhà ăn tập thể. Khi cửa phòng mở ra, sinh viên ùa vào là cả binh đoàn ruồi từ các thau cơm bay tán loạn, sà luôn vào tô canh không người lái. Làm sao quên những ngày đạp xe từ Thủ Đức về Sài Gòn tìm mua những quyển sách hay. Muốn mua sách phải chìa tấm thẻ sinh viên ra và đứng xếp hàng chầu chực cả mấy tiếng đồng hồ.
Lại nhớ những ngày lăn lê bò toài học quân sự. Nằm dài trên cỏ nhìn trời xanh mây trắng mà làm thơ, viết văn. Những bài thơ tình của biết bao mối tình đơn phương. Mối tình trong tưởng tượng. Ngày hôm qua bạn bè còn nhắc lại bài thơ này, bài thơ kia. “Tiếc quá, nếu hồi đó bọn em giữ lại thì quý quá anh nhỉ?”. Chỉ cười khì khì với nhau. Rồi nhớ những ngày cuối tuần đạp xe về Sài Gòn, lang thang chán chê và đến trưa láu cá vào trong chùa xin cơm, nếu không, chỉ cái bụng đói meo quay ngược lại trường. Thời đó thơ mộng, nhiều mơ mộng nhưng khốn khổ quá. Nghèo quá. Cả đất nước còn nghèo. Còn nhớ, mỗi dịp cuối năm mua vé về quê là một cực hình. Phải thức cả đêm xếp hàng, đến lúc rạng sáng, đến lượt mình là hết vé! Mỗi sáng bước vào giảng đường là cái bụng đói meo. Lúc nào cũng thấy đói. Thời bộ đội mà còn khá hơn, bởi có lúc còn săn bắn được thú rừng cải thiện bữa ăn. Thời sinh viên thì chịu chết. "Chữ ký đẹp bởi nhiều lần ký nợ” là rất thật. Hầu như các quán dọc ký túc xá đều nhẵn mặt các sinh viên ký sổ. Ước mơ lớn nhất vẫn là tô phở, là bữa cơm sườn. Vậy mà trong câu chuyện lúc nào cũng bàn về những chân trời xa vời vợi. Chân trời của niềm say mê văn chương lúc nào cũng thôi thúc trong lòng. Có lần, y nhớ lại:
Có những đêm khuya cô độc một chỗ ngồi
Cúi gằm vào trang sách
Chữ chạy lên trời còn chúng tôi thấy bóng mình lênh đênh trên vách
Mà cười chua chát như không
Có đêm khuya với mơ ước viễn vông
Được lội ngược dòng văn chương cổ điển
Để gặp một Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến...
Cũng từng lều chõng
Cũng từng có nhiều đêm lạnh cóng
Mượn sách thánh hiền sưởi ấm giấc mơ
Chúng tôi học văn và liều lĩnh làm thơ
Còn nhớ ngày ra trường, Trương Nam Hương bảo: “Sau này gặp lại, đứa nào còn đi xe đạp, còn mua thuốc lá lẻ từng điếu là nhục lắm”. Chuyện này, giờ nghĩ lại cỏn con nhưng lúc ấy là cả một thử thách. Chính vì thế, thời sinh viên y cùng bạn bè viết nhiều lắm, chỉ mong sáng tác được in để có nhuận bút. Trường ca Bài hát giữa sân trường, y viết trong thời gian này. Viết khi nằm trên giường sắt hai tầng chung phòng số 6 với Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt. Thi sĩ Đinh Hùng có câu thơ hay: “làm học trò không sách vở cầm tay/ có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” là đúng hình ảnh của y, bạn bè y ngày đó.
Ngày hôm qua, bạn bè gặp nhau lại đọc cho nhau nghe. Những bài thơ viết thời sinh viên. Tự khúc cho em là bài thơ, Trương Nam Hương tỏ tình thời xa lắc xa lơ:
Có con đường gió ngang qua buổi chiều
Có em ngồi nhớ dọc miền thương yêu
Có bông cúc dại phù du nắng vàng
Có cơn mưa nhỏ nhọc nhằn đa mang
Có lời hẹn hò xốn xang xa lắc
Có cuộc tình ngoài mây trôi bèo dạt
Có đôi mắt nâu nhìn ta thăm thẳm
Có nụ hôn nồng môi sao chát đắng
Có nửa giấc mơ ngập tràn sông suối
Có nửa cuộc đời tỉnh trơ đá cuội
Có câu thơ lặng sóng treo giữa lòng
Có trong cái có vô vàn cái không!
Lúc ấy, có một ánh mắt nhìn buồn rười rượi. Rồi lại cười. Có câu chuyện chẳng nhớ nữa, nghe bạn bè kể, y tưởng bịa rằng thì là mà lúc ấy, có lần giữa khuya, y bước sang dãy phòng nữ đập cửa ầm ầm: “Y ơi anh yêu em!” khiến cả các bạn nữ náo loạn vì không ngờ trên đời này có kiểu tỏ tình quá hớp đến thế. “Làm gi có chuyện đó?”, y cười lỏn lẻn hỏi lại. “Không, chuyện có thật một trăm phần trăm thế mới ấn tượng chứ”. Hỏi “đương sự” thì bạn gật đầu và còn thòng thêm một câu: “Em không yêu anh là may mắn cho anh quá rồi còn gì?”. Bạn bè cười vang. Rồi Trương Nam Hương lại đọc thơ H. thiên thần, ngày xưa viết tặng H. Bạn bè sực nhớ đến cô bạn ngày đó học khoa ngoại ngữ là nhân vật chính trong bài thơ này:
Hôn lên giấc mơ em - gặp tuổi mình trong trẻo
Nắng qua mưa òa ập đến hoang đường
Câu thơ viết đầu tiên cho em đấy
H. thiên thần đâu biết có anh thương
Thuở hoa cúc vu vơ - thời cánh me ngơ ngác
Em nhìn ai xanh biếc lá sân trường
Ta đứng lẫn giữa bao nhiêu bè bạn
H. thiên thần đâu biết có anh thương
Những mảnh vụn câu thơ - áo Mỹ Châu lông ngỗng
Hai mươi năm tắc giấy dọc vun buồn
Ôi quầng mắt hai mươi mùa nhớ lặng
H. thiên thần đau biết mãi anh thương
Vài năm trước, y và Trương Nam Hương có gặp lại, cô nàng H trêu: “Bây giờ anh Hương còn dám làm thơ tặng em nữa không anh?”. Trong cuộc vui, Ngô Thị Thu An cũng đọc thơ. Chà, cô bạn tiết lộ là “họa” lại bài thơ của y từ thời sinh viên. Chuyện này, nghe cảm động quá. Thời đó, y viết bài thơ lấy câu câu thơ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương của Chế Lan Viên đặt tựa:
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Câu thơ vỗ vể lúc tôi cay đắng
Dù không thể gừng cay muối mặn
Để tôi về làm rể ở quê em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Từ buổi chia tay tôi còn ám ảnh
Giọng nói ngọt như nước dừa xiêm sóng sánh
Tôi uống ngập hồn mà muôn thuở chát chua
Nhưng em ơi tôi không thể vào chùa
Cạo trọc đầu đi tu như ngày trước
Chỉ nhủ lòng cám ơn em hạnh phúc
Như khi yêu em tôi hạnh phúc lạ lùng
Đừng ví tôi như sỏi đá miền Trung
Tình yêu đến ai không nghe cỏ hát?
Tôi vội vã vì trong ruột đất
Mẹ tôi gieo hạt lúa phải còng lưng
Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân
Có phải tôi về nên mùa này mưa vội?
Qua kênh Chợ Gạo một chiều bão nổi
Đôi mắt tôi chìm trong đôi mắt của em
Cám ơn Tiền Giang cái nhớ thênh thênh
Sông Thu Bồn hóa thành sông Bảo Định
Cũng tiếng chim rót qua vườn trái chín
Đất nước cưu mang ta lớn từng ngày
Tôi chọn về mình chua xót để chia tay
Tình yêu lứa đôi muôn đời khó hiểu
Tôi uống nước Tiền Giang, Cửa Tiểu
Vẫn ngọt lành như lúc mới yêu em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Bài thơ này viết năm 1986 là tỏ tình với L.T.M.H. Thời đó, H mới là tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường và nhà trường phân công hướng dẫn tổ của y đi sưu tầm văn hóa dân gian. Còn nhớ, lúc đó, y và Nguyễn Quốc Chánh đạp xe đến nhà H ở trọ trên đường P.V.C và y trao tận tay bài thơ này. Sau đó, cô H có gặp và bảo: “H. đã đính hôn rồi anh à”. Nghe buồn mấy ngày liền. Khi đọc bài thơ này ở lớp cho bạn bè nghe, không ngờ từ ngày đó Ngô Thị Thu An đã âm thầm họa lại với tựa Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên:
Buổi chia tay tưởng còn nghe anh nói
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Sông Thu Bồn nỗi nhớ không quên
Sao cứ muốn hóa thành sông Bảo Định
Chia tay nhau trong mùa trái chín
Tình yêu anh mãnh liệt đến ngỡ ngàng
Tôi muốn về uống lại nước Tiền Giang
Xem sông mẹ có ngọt ngào quá thể
Hay tình yêu ngàn đời là như thế
Như buổi đầu cha mẹ đến tìm nhau
Sông Thu Bồn có ngào ngạt hương cau
Như Cửa Tiểu mỗi lần tôi trở lại
Quả chín nuôi tôi một thời con gái
Chắc cũng ngọt lành như cây trái quê anh
Cứ ngỡ anh là viên sỏi của miền Trung
Qua cay đắng lại càng thêm rắn rỏi
Thêm óng ánh sắc màu sau cơn bão nổi
Như nhọc nhằn - cây lúa vẫn oằn bông
Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân
Mưa tắm mát ruộng đồng hoa cỏ
Tôi ưa nụ cười anh yêu đời vậy đó
Dù nước dừa còn lẫn vị chát chua
Dù cho lòng đất hạn cứ mong mưa
Tình yêu lứa đôi vẫn muôn đời khó hiểu
Anh đã đến với sông Tiền, Cửa Tiểu
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Nước sông nào chẳng ấm vị quê hương
Như sữa mẹ nuôi đời ta khôn lớn
Buổi chia tay bông bần rụng trắng
Không thể nào muối mặn gừng cay
Nên âm thầm giọt nắng chia hai
Anh một nửa, gửi sông Tiền một nữa
Ôi tình yêu, muôn đời là ngọn lửa
Bài thơ giấu kín gần 30 năm mới đọc công khai cho bạn bè và :người trong cuộc" cùng nghe. Xao xuyến và cảm động quá chừng. Thời đó đi học vui thật. Đeo đuổi An là C - sinh viên Trường Đại học Nông lâm, sát Trường Đại học Tổng hợp nên mỗi lúc không có tiết học là C chui vào trong lớp ngồi chung luôn. Riết rồi anh em xem như lớp có thêm thành viên mới. Mới đây, An và C mời đi dự đám cưới của con gái. Thế đó, mới đó mà ai cũng đã lên ông lên bà cả rồi. 30 năm gặp lại, nghĩ cũng lạ. Có những cặp cưới nhau, nay đã chia tay nhau, hoặc hạnh phúc thì hôm gặp lại vẫn ríu rít như thuở nào. Trong cuộc vui, Đào Ngọc Lai có đọc bài thơ Tình xưa:
Hai nhà thơ gộp lại bằng em
Bình Dương ngà ngọc, Tiền Giang mãi tìm
Ngót ba mươi năm ngỡ ngủ yên
Cuối thu tỉnh giấc tình rung chuyển thầm
Hai nhà thơ là Quốc và Hương, gộp lại là tên bạn gái học chung lớp. Thì ra là thế! Lúc Lai đọc thơ, cô vợ Lai liếc nhìn bạn gái mình mà… cười! Thời gian 30 năm rồi còn gì. Cuộc vui nhộn nhạo, đầy ắp tâm sự. Có bạn gái bảo: “Anh Hương với anh Quốc chụp chung ảnh với em đi. Chụp càng nhiều càng tốt”. Bèn đùa: “Đem về khoe với chồng à”. “Không, em khoe con gái em. Nó nhất định tin là mẹ nó học chúng với những người nổi tiếng như hai anh”. Chà, nổi tiếng cái quái quỷ gì. Gặp lại nhau, vui nhất là bạn bè thành đạt, cuộc sống ổn định là mừng cho nhau rồi. Mà bạn bè thì ai cũng thành đạt. Chỉ điều đó là quý nhất. Cuộc họp ngày hôm qua, cả lớp có tặng thầy Võ Văn Nhơn món quà của tình thầy trò. Và cả lớp cũng bầu ra Ban liên lạc: Lê Minh Quốc (Báo Phụ Nữ TP.HCM), Trương Nam Hương, Đào Ngọc Lai (Báo Pháp Luật TP.HCM). Ngô Thu An (Báo Tuổi Trẻ), Trần Thị Phong Lan (Báo Sài Gòn Giải phóng).
Một ngày của 30 năm. Tình bạn vẫn đầy. Nắng ngoài đường lúc ấy đang xanh. Bạn bè à, nhớ lắm. Rất thương. Và rất nhớ.
L.M.Q
VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM 30 NĂM HỌP LỚP NGỮ VĂN NIÊN KHÓA 1983 - 1987
Thu thủy, Ái Linh, thầy Võ Văn Nhơn, Quốc Hương
Tập thể sinh viên về dự kỷ niệm 30 năm
Thầy Võ Văn Nhơn, nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc
Đứng: Hồ Thị Phượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Quốc Hương, Phạm Văn Thanh
ngồi: Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Hoàng Yến, Phạm Thị Hằng, Mộng Thu
Hồ Thị Phượng, Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Phạm Thị Hằng, Quốc Hương, Mộng Thu, Hoàng Yên, Trương Nam Hương
Phuong Khanh, Hồ Văn Chừng, Nguyễn Thị Hạnh, Trương Nam Hương, Phạm Văn Thanh
Phương Khanh, Phạm Thị Hà, Kiều Kim Loan, Ái Linh, Thanh Hà
Phong Lan, Lê Minh Quốc, Ngô Thị Thu An, Trần Việt Dũng
Hồ Thị Phượng
Phạm Thị Hằng
Thủy Triều
Ái Linh
Nhà báo Hồ Văn Chừng (Báo Đồng Nai)
Vợ chồng nhà báo Đào Ngọc Lai & Thu Tâm (Báo Pháp luật TP.HCM)
Nhà báo Phạm Văn Thanh (Đài Truyền hình Đồng Nai)
Nhà báo Quốc Hương (Báo Sài Gòn Giải phóng)
Nhà báo Ngô Thị Thu An (Báo Tuổi Trẻ)
Hoàng Yến
Đứng: Thu Tâm, Trương Nam Hương, Hồ Văn Chừng; ngồi: Kiều Kim Loan, Ái Linh
Đứng: Phương Khanh, Thu Tâm, Ái Linh; ngồi; Phạm Thị Hà, Thu Thủy, Hoàng Yến
Đứng: Phong Lan, Phương Hoa, Nguyễn Thị Thủy, Kim Thủy, Thu Thủy; ngồi: Thủy Triều và hai con gái bạn học trong lớp
Đứng: Kim Thủy, Phương Hoa, Nguyễn Thị Thủy, Thu An, Phong Lan, Thu Thủy; ngồi: Thủy Triều và hai con gái bạn học trong lớp
Vợ chồng (cũ) Trần Việt Dũng, Phong Lan và con gái
Đứng: Hồ Thị Phượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Quốc Hương, Phạm Văn Thanh; ngồi: Thủy Triều, Hoàng Yến, Phạm Thị Hằng, Mộng Thu
Thu Thủy, Kim Thủy, Nguyễn Thị Thủy, Thủy Triều, Thu An, Phương Hoa, Thu An, Phong Lan
Hồ Thị Phượng, Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Phạm Thị Hằng, Quốc Hương, Mộng Thu, Hoàng Yến, Trương Nam Hương
Kiều Kim Loan, Nguyễn Thị Hạnh, Hồ Văn Chừng, Ái Linh, Thu Tâm, Thanh Hà, Phương Khanh, Đào Ngọc Lai
Đứng: Thanh Hà, Nguyễn Thị Thủy, Ái Linh, Kim Thủy, Hồ Thị Phượng, Thanh Hoa, Thu Thủy; ngồi: Phạm Văn Thanh, Kiều Kim Loan, Thủy Triều...
Ngồi: Kiều Kim Loan; đứng: Nguyễn Thị Hạnh, Thu Tâm, Kim Thủy, Nguyễn Thị Thủy, Phương Khanh, Ái Linh, Dương Hồng Lâm, thầy Võ Văn Nhơn, Trương Nam Hương, Hồ Văn Chừng, Thu An, Phạm Văn Thanh
Nhà thơ Trương Nam Hương
Phạm Thị Hà, Phương Khanh, Nguyễn Thị Hạnh, Ái Linh, Thanh Hà, Kiều Kim Loan, Hoàng Yến, Thu Tâm
Nguyễn Thị Hạnh, Phương Khanh, Kiều Kim Loan, Ái Linh, Thanh Hà, Thu Tâm
Phong Lan, Lê Minh Quốc
Lê Minh Quốc & Trương Nam Hương
< Lùi | Tiếp theo > |
---|