Gần ba mươi năm sống bằng nghề viết báo, “bám trụ” lãnh vực văn hóa nghệ thuật, do đó, tôi hoàn toàn có đủ thông tin khẳng định rằng, chưa một nhà văn nào ở Việt Nam đứng trên đỉnh vinh quang bền bỉ như Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ cần nhắc đến tên anh, công chúng luôn dành nhiều ái mộ; lúc tác phẩm mới của anh phát hành, lập tức giới báo chí săn đón đưa tin; lúc anh xuất hiện trong đám đông, lập tức các fan ùa nhau chạy đến xếp hàng xin chữ ký, chụp ảnh chung v.v… Điều quan trọng, số lượng in tác phẩm bao giờ cũng đứng đầu bảng thị trường sách. Chưa hết, sách của anh còn luôn đạt kỷ lục tái bản trong thời gian nhanh nhất. Hiếm có nhà văn nào sánh nổi.
Nguyễn Nhật Ánh, một cõi.
Nguyễn Nhật Ánh, một sân chơi.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Đêm kia, bù khú chút đỉnh với nhà thơ Đoàn Vị Thượng về nhiều chuyện trên đời, rồi cũng như mọi lần là quay về câu chuyện văn chương. Thượng quả quyết, chắc lâu nay Thằng quỷ nhỏ (*) cũng buồn (!?). Tôi ngạc nhiên quá, anh Ánh đang có chuyện gì bất ngờ xẩy ra chăng? Chuyện gì thế? Thượng cười khà khà: “Ông thấy đó! Nguyễn Nhật Ánh đứng một mình trên cõi vinh quang mà lâu nay chẳng thấy có ai “đối trọng”, “cạnh tranh”, “so kè” cả. Vậy “đơn độc” quá đi chứ? Thế, không buồn là gì?”
Cách nói dí dỏm của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, ít nhiều cho thấy vị trí của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lâu nay trên trường văn trận bút.
Cậu nhóc lơ đễnh và Chú bé rắc rối
Ngày nọ, bà chị của nhà báo Nguyễn Đình Xê từ Đà Nẵng gọi điện thoại nhờ anh giúp cho một chuyện mà với chị là quan trọng. Chuyện rằng, đã sắp đến kỳ thi đại học nhưng cậu nhóc Phê lại lơ đễnh bài vở nên chị lo quá. Chị dỗ ngon dỗ ngọt và tìm mọi cách khuyến khích con gắng học. Chị hỏi ân cần: “Con có ước mơ gì thì nói cho mẹ biết? Nếu con thi đậu, mẹ thực hiện liền”. Phê đáp: “Con ước mơ được vào Sài Gòn gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”. Chị mừng quá, bèn gọi điện thoại cho nhà báo Nguyễn Đình Xê và nhờ anh làm trung gian.
Sau khi nghe mẹ hứa, Phê ra sức học tập và kỳ thi đó đậu luôn vào cả hai trường đại học là Bách khoa và Kinh tế tài chính. Lập tức, cuộc gặp mặt theo ước mơ của cậu bé đã diễn ra tại quán Đo Đo. Anh Xê kể lại: “Lúc gặp nhau, cả hai trò chuyện như bắp rang. Cậu nhóc nhà mình và Chú bé rắc rối bàn về tính cách nhân vật trong tác phẩm của Ánh hào hứng ghê. Nghe sướng luôn”.
Có cuộc tri ngộ nào giữa độc giả và nhà văn lại chân tình và cảm động đến thế?
Lại ngày nọ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đi dự đám cưới của con gái người bạn. Sau phần nghi lễ, chỗ ngồi của anh bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên. Thì ra, độc giả yêu văn chương phát hiện ra Nhà ảo thuật bèn kéo đến hỏi han, chụp ảnh chung. Thế là từ lúc đó, anh Ánh trở thành “nhân vật chính” bất đắc dĩ. Tất nhiên, suốt buổi anh không thể cầm đũa như bao thực khách khác mà phải làm vui lòng các fan yêu quý. Tan tiệc, anh kéo tôi lại và thì thầm: “Tí nữa mình đi làm bát phở chăng?”.
Nói như nhân vật của anh “Buồn ơi là sầu”, ai biết làm người của công chúng cũng… khổ lắm thay!
Thế nhưng có mấy nhà văn được như Nguyễn Nhật Ánh?
Có lẽ, hình ảnh dễ mến nhất của Thám tử nghiệp dư là lúc ký tặng sách cho bạn đọc. Từng cô cậu sinh viên học sinh ngoan ngoãn xếp hàng, trên tay cầm quyển sách mới chờ đến lượt mình, ai nấy đều nhẫn nại trong tâm trạng hào hứng, cười nói râm ran. Tôi quan sát thấy rằng, ký cho ai xong, lúc trao lại sách anh đều bắt tay và ân cần hỏi han đôi lời. Quái, trí nhớ của anh khá tốt, dù đã ký cho cả hàng ngàn lượt bạn đọc từ Nam chí Bắc nhưng anh vẫn nhớ đến độc giả của mình, thỉnh thoảng lại hỏi những câu chân tình như: “Ủa? Sao lần này đi một mình. Lần trước, chú thấy cháu đi với cô bạn nữa mà”. Cậu bé cười lỏn lẻn: “Dạ, cô ấy đang xếp hàng mút cuối đàng kia kìa. Bữa nay đông người quá, chú Ánh ơi”. Lần khác đang tặng chữ ký cho bạn đọc ở Hà Nội, anh chợt nhìn sững một cô bé đang chờ xin chữ ký “Ủa, sao con lại ở đây? Chú thấy con quen quá!”. Được nhà văn nhận ra, cô bé cảm động và sung sướng đáp “Con ở Bình Dương, đã xin chữ ký của chú một lần trong kia rồi. Lần này ra Hà Nội chơi, nghe có buổi ký tặng của chú nên con rủ bạn đến xếp hàng”. Nhà văn mà nhớ mặt bạn đọc của mình như thế quả hiếm có!
Thái độ nhã nhặn và giản dị của anh giúp mối giao tình giữa nhà văn và bạn đọc thêm gần gũi, thân mật.
Cuộc “mất tích” của Thi sĩ hạng ruồi
Thông thường trước lúc viết tác phẩm mới, mỗi nhà văn thường có những thói quen ngộ nghĩnh, đôi khi kỳ quặc.
Có người chọn buổi sáng, lúc tâm hồn sảng khoái nhất để viết dòng chữ đầu tiên… lấy hên. Có người, chẳng hạn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trước lúc viết, ông thường kể đi kể lại câu chuyện sẽ viết, kể cho nhiều người nghe, kể đến thuộc lòng, kể đến lúc ai nấy đều gật gù khen hay, tức là khi lòng không còn vướng mắc một chi tiết nào nữa thì ông mới ngồi viết ra. Lại có người chỉ lẳng lặng ngồi một chỗ, đóng cửa phòng, không xuống phố suốt mấy ngày liền viết đề cương chi tiết, càng chi tiết càng tốt. Khi đâu vào đấy, cốt truyện xem như đã hoàn thành mới bắt đầu viết.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thuộc thành phần thứ ba.
Mà cách viết của Ông thầy nóng tính cũng lạ, lúc ấy trên bàn làm việc mọi thứ phải ngăn nắp, chỉnh chu và sạch sẽ. Anh không ăn sáng, chỉ uống cà phê rồi viết một lèo từ 8 giờ đến chừng 10 giờ mới ngừng lại ăn nhẹ bằng một quả chuối, một quả trứng hay một mẩu phô-mai; sau đó anh lại ngồi vào bàn và viết luôn một mạch đến 2 giờ trưa. Công việc này đã trở thành thói quen, kể cả ngày chủ nhật. Với Người bạn lạ lùng, một năm có 365 ngày, không có ngày nào là ngày nghỉ. Hình ảnh đó cho thấy sức lao động bền bỉ của một nhà văn luôn đau đáu với các nhân vật, tình tiết, diễn biến câu chuyện đang diễn ra trên từng trang viết.
Còn nhớ vài năm trước đây báo Thanh Niên cần in nhiều kỳ truyện dài cho độc giả trẻ, nhờ Nguyễn Nhật Ánh viết tiếp bộ truyện nổi tiếng Kính vạn hoa. Đứng trước Cuộc so tài vất vả này, anh ngần ngừ, không trả lời dứt khoát đồng ý hay từ chối vì bộ truyện kia đã kết thúc được 5 năm rồi. Rồi một chuyện bất ngờ xẩy ra. Đột nhiên sau đó vài ngày, từ gia đình đến bạn bè đều nháo nhào, không rõ Thi sĩ hạng ruồi đã trốn biệt đi đâu? Bị các độc giả ái mộ “bắt cóc” chăng? Không ai có thể liên lạc được. Điện thoại luôn ò í e trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng.
Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy bỗng có một cú điện thoại gọi về Đường dây nóng của báo Thanh Niên. Nhìn thấy tên Nguyễn Nhật Ánh hiện lên màn hình, người trực điện thoại hồi hộp quá, vồn vập hỏi ngay một hơi: “Ông Ánh đó à? Lâu nay đi đâu? Ở đâu? Làm gì? Chuyện gì đã xẩy ra? Mọi người đang lo sốt vó đây nè!”. Tiếng đầu dây bên kia tỉnh bơ như không, cười giòn giã : “He he, đã nghĩ ra cốt truyện và viết được 5 trang rồi. Báo với Tổng thư ký tòa soạn ngày mai tôi sẽ gửi kỳ đầu tiên”.
Hỏi kỹ, Kẻ thần bí mấy hôm nay một mình một laptop bỏ đi Vũng Tàu, và nằm lì trong khách sạn mấy ngày liền. Lúc đó, anh cần có thời gian, không gian riêng biệt, suốt ngày ngồi bên cửa sổ nhìn ra biển để tập trung tư tưởng thai nghén cho cuốn truyện mới. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được viết theo cách làm chỉnh chu này.
Viết về nhà văn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khó có thể gói gọn trong một vài trang viết. Cũng như thắc mắc mọi lần của bạn đọc ái mộ anh đã từng hỏi, lần này vẫn là: “Vậy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là ai?”.Với câu hỏi đó, có lần tôi hỏi cháu An May nhà tôi - một trong nhiều, rất nhiều độc giả ái mộ anh. Nào ngờ cháu có câu trả lời khiến tôi bất ngờ và nghĩ rằng, khó có cách lý giải nào hợp lý hơn: “Chú Ánh là chú Ánh”.
Vâng, Nguyễn Nhật Ánh là Nguyễn Nhật Ánh.
L.M.Q
__________________________
(*) Những từ in nghiêng trong bài là tên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
(Nguồn: Báo Thanh Niên XUÂN 2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|