BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: VÀI KỶ NIỆM CÙNG NHÀ THƠ THY NGỌC

Lê Minh Quốc: VÀI KỶ NIỆM CÙNG NHÀ THƠ THY NGỌC


1.


Lần đầu tiên tôi biết đến nhà thơ Thy Ngọc là nhờ đọc một đoạn ngắn trong quyển Thơ Việt Nam hiện đại (NXB Hồng Lĩnh, Sài Gòn - 1969) của Uyên Thao phát hành tại miền Nam. Sau này gặp ông, tôi cảm thấy ông không khác xa bao nhiêu trong trí tưởng tượng tuổi thơ của tôi. Đó là nhà thơ hiền lành, đôn hậu và dễ mến. Còn nhớ, khi kỷ niệm tuổi “cổ lai hy”, ông đã cho xuất bản tập Thơ tặng cháu (NXB Kim Đồng) và tự bạch:

 

thy-ngoc

Bìa tập sách phát hành nhân dịp giỗ đầu nhà thơ Thy Ngọc (1925 - 2012)

 

Gầy như anh bút chì

Dong dỏng cao không thấp  

Tuy cứ bé dần đi

Nét vẫn đều tăm tắp

Tội nghiệp anh quá chừng

Vì việc chung không tiếc

Mòn tới mẩu cuối cùng

Cứ miệt mài quên mệt

Mẩu-bút-chì đó, nếu được gọi như thế thì từ năm 1943 cho đến khi nhắm mắt lìa trần, ông chỉ viết một đề tài duy nhất: Sáng tác cho thiếu nhi với trên 50 tác phẩm. Ngồi với tôi, có lúc ông bùi ngùi kể lại thuở chập chững vào nghề:

“Hà Nội những 1940 ấy, lúc tôi đang còn học phổ thông, sách báo cho thiếu nhi quá ít. Trước đó do có vài bài báo nhỏ đăng báo Cậu ấm cô chiêu, rồi Học sinh, tôi tập viết dài hơn. Bấy giờ có mấy loại sách ra đều kỳ như Sách Hồng, Truyền Bá, Hoa Mai… Tiện đường đi học tôi rẽ vào nhà xuất bản Cộng Lực, gửi bản thảo có tên Vỡ đê. Dè đâu, ít lâu sau được in. Vậy là tác phẩm đầu tay của tôi ra đời - nhân vật là những em nhỏ nghèo ở nông thôn. Nhuận bút dược 12 đồng, may được bộ đồ mặc đi học và chi ba tháng tiền cơm trọ. Biết dâu rằng, từ cuốn sách đầu tiên ấy hóa thành  cái nghiệp của mình suốt đời.

Khi cuốn sách phát hành được vài tuần, tình cờ đến NXB tôi đã gặp nhà văn Nam Cao từ Phủ Lý lên Hà Nội để nhận nhuận bút cuốn Người thợ rèn”.

Trong cuộc gặp gỡ này, Nam Cao đã động viên Thy Ngọc tiếp tục sáng tác về đề tài “con nhà nghèo”. Ông kể tiếp: “Tôi học với cậu em vợ Lê văn Trương, thường đến nhà và chứng kiến những lúc Lê Văn Trương viết văn. Bàn viết đầy bản thảo và sách in, không khí và tấm gương làm việc không mệt mỏi ấy đã kích thích tôi rất nhiều”.

Từ đó, cậu học trò ban Thành Chung (tương đương cấp 2 bây giờ) bền bĩ đi trên con đường gian nan của mình.

 

2.

trang-1-R

Thư nhà thơ Thy Ngọc gửi L.M.Q năm 1995


Kể cũng lạ, viết cho thiếu nhi thì dường như trong nền văn học Việt Nam hiện đại không mấy người chuyên sâu và bền bĩ như Thy Ngọc. Phải chăng vì loại này không mấy “có giá” như  những tác phẩm viết cho người lớn? Cứ tìm đọc lại tuyển tập thơ của Hội Nhà văn Việt Nam như Tuyển tập 1945 - 1975 hoặc Tuyển tập 1975 - 1985 v.v… thì mảng thơ thiếu nhi đã không được chú trọng đến. Và tên tuổi Thy Ngọc đứng ra ngoài những đánh giá, tuyển chọn ấy. Trao đổi với tôi về điều này, ông tâm sự: “Dù sao, tôi đã quen, không thấy chua xót, cũng không băn khoăn gì nữa. Chỉ cúi xuống trang giấy mà tâm sự, giải bày”. Và sự bền bỉ của ông, tôi nghĩ, cũng giống như con ong đem mật ngọt cho đời, bởi vì điều quan trọng nhất là hãy tự quên mình đi. Từ bút danh Thy Thy Tống Ngọc thành Thy Ngọc, ông vẫn cặm cụi, cần mẫn đi theo con dường mà mình đã chọn.

Trên con đường đi ấy, ông có nhiều trăn trở lắm. Ngày 7.8.1996 Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn tổ chức tại NVH lao Động hội thảo “Thơ thiếu nhi - thiếu nhi và thơ”, trên diễn đàn, ông phát biểu: “Nội dung thơ thiếu nhi dứt khoát phải mang tính giáo dục một cách nghệ thuật - có nghĩa là không khô khan, lộ liễu, không phải là một bài luân lý có vần. Nhưng tôi nghĩ, khỏi phải tranh cãi vấn đề “luân lý” hay “không luân lý” - mà điều cần bàn là “hay” hoặc “chưa hay” và làm thế nào để có nhiều bài thơ hay về mọi đề tài, mọi nội dung”.

Điều khiến tôi kinh ngạc, không chỉ lý luận mà Thy Ngọc còn là người viết rất hay khi giãi bày, tâm sự dù hết sức dịu dàng nhưng không kém phần thân mật:

Muốn leo lên cao

Có thang từng nấc

Từ cao xuống thấp

Có nấc cầu thang

Ai mà hấp tấp

Muốn nhanh muốn mau

Lên, xuống cách bậc

Nhất định té đau

Thơ dành cho thiếu nhi hay người lớn? Có lẽ cả hai đấy chứ?

 

3.

trang-2R

Thủ bút nhà thơ Thy Ngọc

 

Với Thy Ngọc, tôi thuộc thế hệ sau. Điều cảm động nhất, không bao giờ quên là thái độ và tình cảm của ông dành cho tôi. Những ngày này bận rộn quá, tôi chưa có thời gian để tìm lại hết các lá thư ông đã viết. Hầu hết là những tâm sự về nghề, kể cả những sáng tác của ông chép tặng. Nhớ đến ông, tự thâm tâm tôi biết rằng khó có thể còn gặp được một con người viết mà từ trang văn đến nhân cách sống là một sự nhất quán. Chính vì lẽ dó, sự tồn tại bản thân và tác phẩm của nhà thơ Thy Ngọc đã là một bài học cho thế hệ hậu sinh của chúng ta.

 

1386742567_quoc

Tưởng niệm nhà thơ Thy Ngọc tại Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM ngày 12.12.2013, từ trái: Lê Minh Quốc, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thái Dương, Đức Liễn, Lê Quang Trang, Nguyễn Huy Thắng.

 

L.M.Q

(nguồn: THY NGỌC "Anh Bồ câu trắng vẫn bay" - NXB Kim Đồng - 12.2013) 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com