Chương mười
Đêm 4.7.1885. Vầng trăng mệt mỏi nép mình vào bóng mây, nhợt nhạt soi bóng xuống dòng sông Hương đang trôi lững lờ… Trong tòa Khâm sứ tiếng khui sâm banh vẫn nổ hào hứng. Ánh sáng lấp lánh trong dinh thự, ngoài vườn cây. Đại tướng De Courcy nâng chiếc ly pha lê trong veo và nheo mắt ngắm nhìn những giọt rượu đang sủi tăm. Y ngửa cổ nốc cạn. Rượu chảy vào cổ họng đê mê đến sảng khoái lạ lùng. Các sĩ quan cầm ly đến chúc mừng, y hăng tiết vị lên tuyên bố:
- Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao sáng. Đó không phải là điều tự phụ, tôi rất khiêm tốn khi thốt ra điều đó. Tôi tin rằng, khi tôi phân bố lại lực lượng tác chiến ở Huế thì không một ai có thể lay chuyển được bức tường thành vững chãi này.
Cha cố mật thám Caspard ngắt lời:
- Tôi biết ngài bao giờ cũng tự tin. Đó là một đức tính tốt của người cầm quân. Nhưng với tư cách là một người đã từng nằm gai nếm mật ở xứ này, tôi chỉ xin phép được nói một lời khiếm nhã.
Chỉ mới nghe nói thế, De Courcy vênh mặt:
- Không cần phải rào trước đón sau. Ngài cứ nói!
Caspard tằng hắng:
- Bọn An Nam là chúa lật lọng. Chúng nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong. Xin đại tướng đừng chủ quan mà mất cảnh giác.
De Courcy đỏ mặt tía tai:
- Ý ngài muốn dạy cho tôi bài học phải biết khiếp sợ trước bọn An Nam chứ gì? Cho dù ngay đêm nay chúng muốn lật lọng, giở trò tấn công trước, tôi đây cũng chẳng ngán!
Biết đại tướng đang tự phụ và hiểu sai ý mình nên Caspard im lặng, tiu nghỉu như mèo cụt đuôi.
Thấy vậy, trung tá Pernot nói dịu:
- Thưa ngài, đức khâm mạng Caspard nói thế vẫn không thừa. Dù ngài không bận tâm, nhưng dù sao cũng nên ghi nhận đó là thiện ý vì lợi ích chung của chúng ta.
De Courcy cười khẩy:
- Nói toạc ra, các ngài muốn nói đến vụ đột kích đêm nay của bọn An Nam chứ gì? Chúng không dám liều lĩnh như thế đâu.
Cuộc vui vẫn hào hứng. Rượu vẫn rót. Ly vẫn nâng lên những tiếng chạm ly náo nhiệt.
Nhìn chiếc đồng hồ đang đeo trên tay, biết đã 11 giờ, De Courcy vẫn tiếp tục rót một ly đầy. Y hoàn toàn không biết rằng, đó cũng chính là thời điểm đối phương quyết định cho nổ súng.
Đêm đã khuya.
Các viên sĩ quan, nhân viên tùy tùng lục tục chia tay trở về các doanh trại.
Ông Thuyết muốn đánh úp trong lúc Pháp đang tập trung tòa Khâm sứ, chúng sẽ không kịp trở tay đối phó. Nhưng do mọi sự chuẩn bị chưa chu đáo nên buộc phải hoãn lại. Đã thế, cánh quân phục kích sẵn trên cầu Thanh Long nằm cạnh sông Đông Ba cũng bị vô hiệu hóa. Đơn giản chỉ vì chúng thay đổi lộ trình di chuyển vào phút chót. Theo nhận định của ông Thuyết, sau khi dự dạ tiệc ở tòa Khâm sứ, các sĩ quan Pháp trong đó có trung tá Pernot trở về đồn Mang Cá sẽ qua lộ trình mà ông đã dự đoán. Do đó, ông chủ động cho mai phục để giết trước bọn này. Nhưng rồi, chúng trở về không phải bằng đường bộ mà bằng đường sông, thuyền của chúng đi theo ngả sông Hương chạy dọc theo Cồn Hến gần bến Vỹ Dạ, chứ cũng không đi theo ngả sông Đông Ba.
Tiếng gà gáy từ xa xăm vọng lại.
Vầng trăng đã lên giữa đỉnh trời. De Courcy ngả lưng xuống giường, nhưng tận hưởng giây phút thú vị ấy chưa bao lâu y giật thót người. Đột nhiên một tiếng đại bác nổ vang trời. Hiệu lệnh tấn công đã bắt đầu vào đúng giờ Sửu. Một giờ sáng.
Người chỉ huy trận đánh đầu tiên ấy, chính là chiến tướng Tôn Thất Thuyết.
Tiếng đại bác đồng loạt gầm lên.
Cả kinh thành rực lửa.
Đạo quân thứ nhất của ông Tôn Thất Lệ - em ruột ông Thuyết, Tham biện sơn phòng Quảng Trị – chỉ huy vượt sông đánh úp tòa Khâm sứ. Ngay trong đêm khuya, đạo quân này di chuyển bí mật qua sông Hương, rồi phối hợp với khoảng 5.000 thủy quân của triều đình ở các dãy trại Thủy sư, dọc bờ sông để nổ súng tấn công. Cùng lúc, những khẩu đại bác đặt trên mặt đông nam thành Huế nhanh chóng nã đạn yểm trợ cho đạo quân này.
Đạo quân thứ hai, trong đó có hai đội Phấn Nghĩa do đề đốc Trần Xuân Soạn chỉ huy tập kích vào đồn Mang Cá.
Đạo quân thứ ba do chính Tôn Thất Thuyết chỉ huy, đóng ở Hậu Bộ - ở phía sau Đại nội, là một khu vườn rất rộng, có tường cao bao bọc - làm nhiệm vụ vừa điều phối chung, vừa trợ chiến, vừa dự phòng nếu cuộc tấn công thất bại thì phò giá hoàng gia chạy về Tân Sở. Ngoài ra ông còn bố trí cho lính chống giữ hoàng thành, rồi các cửa Đông Ba, An Hòa, cửa hậu, cửa chính… đều có những vệ quân canh phòng nghiêm ngặt; còn phía ngoài thành thì có tượng binh sẵn sàng xung trận.
Chính thực hiện được yếu tố quan trọng về thời cơ và bí mật nên quân triều đình đã giành được thắng lợi đáng kể.
Bọn giặc Pháp hồn kinh phách lạc, tiến thoái lưỡng nan như gà mắc tóc. Đại bác bắn thủng mái nhà và lầu của tòa Khâm sứ tạo nên cảnh tượng nhốn nháo, giặc không biết phải ẩn náu nơi đâu. Chúng trúng đạn, chết như rạ. Còn phía đồn Mang Cá, là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Trần Xuân Soạn đã sử dụng các đội quân – vốn là tù nhân nay được sung binh để lập công chuộc tội – len lỏi theo dọc bờ sông phóng hỏa đốt hết các doanh trại của giặc. Sau những giây phút kinh hồn, trung tá Pernot và thiếu tá Matzinger đã ra lệnh cho quân sĩ không được tháo chạy, phải liều chết trụ tại trận tuyến, gấp rút sử dụng 6 khẩu đại bác 121 ly đẩy lùi những đợt tấn công của đối phương. Nhưng chúng kinh ngạc, khi tận mắt chứng kiến dù hỏa lực đang khạc lửa nhưng nghĩa quân dũng cảm vẫn ùn ùn tiến lên đánh trực diện… Trong tay chỉ có gươm, đao, mã tấu vậy mà họ cũng xông vào với hòn tên mũi đạn, khiến giặc tử thương nhiều vô kể…
Do trận tập kích “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”, diễn ra trong đêm tối nên bọn giặc Pháp chưa dám phản công mạnh, một phần do không thông thuộc địa hình, một phần vì chúng quá bất ngờ…
So sánh lực lượng đôi bên thì bấy giờ Pháp chỉ có khoảng 1.400 quân lính chuyên nghiệp, được huấn luyện chu đáo, được trang bị hệ thống máy điện báo, có được vài pháo hạm và 17 khẩu đại bác. Còn phía triều đình Huế có khoảng 20.000 nghĩa quân, nhưng phương pháp và kỹ thuật tác chiến thua xa đội quân xâm lược nhà nghề; về vũ khí thì ta có đến 1.100 khẩu thần công – nhưng lại quá lạc hậu so với vũ khí hiện đại của giặc. Vì thế lúc mặt trời ló dạng, chúng đã từng bước giành được quyền chủ động.
Rạng sáng ngày 5.7.1885, pháo Javeline đậu tại làng Bao Vinh đã ấp tập nã pháo vào phía đông bắc thành… để dọn đường cho bộ binh tiến công. Trung tá Pernot quyết định triển khai đội hình phản công theo ba hướng: cánh trái do thiếu tá Metzinger chỉ huy có nhiệm vụ tiến dọc theo bờ thành đông bắc, đánh dứt điểm một đồn của nghĩa quân gần cầu Thanh Long, xong tiến lên đánh chiếm bộ Lại và bộ Binh; cánh giữa do đích thân Pernot chỉ huy, vòng qua hồ Tĩnh Tâm phía tây nam hỗ trợ quân của thiếu tá Metzinger, rồi cùng phối hợp tiến đánh vào Đại nội; cánh phải là đại đội 4 Bắc Phi tiến quân dọc theo hướng tây nam để cùng đánh vào Đại nội.
Sự phối hợp nhịp nhàng này đã tạo ra hiệu quả chắc chắn nhất.
Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ, nghĩa quân đã bị đánh bật ra ngoài kinh thành Huế, người chết nhiều không kể xiết (*)***** chính từ sự kiện này mà tại Huế, hàng năm cứ đến ngày 23.5 âm lịch nhà nào cũng có giỗ, cho nên người ta gọi ngày ấy là “Quẩy cơm chung”.******** khoảng từ 1.200 đến 1.500 người, bỏ lại 812 khẩu đại bác, 16.000 khẩu súng các loại… Kinh thành đã lọt vào tay giặc. Trong lúc lúng túng vì không có cờ tam tài trong tay, bọn chúng đã nhanh trí tháo những thắt lưng của bọn lính Phi, quơ quào những miếng vải màu đỏ và trắng để kịp thời làm thành lá cờ. “Lá cờ” oặt oẹo này được treo trên kỳ đài. Sau đó, đang hăng máu chúng đốt phá hết những gì xuất hiện trước mắt! Chiến lợi phẩm lớn nhất mà chúng thu được là hàng trăm hòm vàng, bạc nén… Mà sau đó, chúng phải cử ra 50 tên lính Pháp suốt năm ngày ròng rã sắp xếp lại số vàng bạc này!
Dù phản công có hiệu quả, nhưng De Courcy cũng không hài lòng. Khi báo cáo lại sự việc cho chính quốc, y lúng búng như chó ăn vụng bột, không biết phải “ăn làm sao nói làm sao” vì đã không thực hiện được hai nhiệm vụ quan trọng mà y huênh hoang trước lúc kéo quân vào Huế: trình quốc thư để sau đó buộc vua nước Nam phải chấp thuận một số điều kiện mới và bắt sống Tôn Thất Thuyết.
Trời sáng hẳn. Lúc 9 giờ 30 sáng. Bị đánh bật ra khỏi vị trí chiến đấu, nghĩa quân rút khỏi kinh thành, qua các hướng cửa Đông Ba, cửa Hữu… trước đó vài phút, biết đã núng thế, Tôn Thất Thuyết tập trung tàn quân chực sẵn ngoài cửa Chưởng Đức, rồi mời vua Hàm Nghi cùng tam cung (tức bà Từ Dụ, bà Trang Ý, bà Học Phi) và các tùy tùng mau chạy trốn. Riêng ông Tường, được bà Từ Dụ giao cho nhiệm vụ ở lại để điều đình với Pháp. Nhà vua thảng thốt:
- Ta có đánh nhau với ai mà phải chạy?
Mọi người còn đang chần chừ thì ông Thuyết đã quắc mắt, tuốt gươm ra…
Tất cả khiếp đảm răm rắp thi hành trong lúc tiếng súng của giặc còn nổ vang trời. Nhà vua ngồi trong kiệu bị chao đảo liên tục, đầu va chạm vào thành kiệu bị chảy máu ròng ròng, nên đành phải nằm trên võng. Sợ giặc đuổi theo nên mọi người chạy rất nhanh, tới đò Kẻ Vạn không có thuyền nên phải lội sông, chỉ đi dăm bước thấy nước quá sâu, phải quay lui. Đoàn hộ giá chạy về hướng chùa Thiên Mụ, lên đến Trường Thi thuộc làng La Chữ.
Đêm xuống rất nhanh. Ai nấy đều mỏi mệt và không còn đủ sức đi tiếp được nữa.
Nhưng ông Thuyết không thể chợp mắt được…
Rạng sáng ngày hôm sau, ông Thuyết chỉ huy đoàn người đi tiếp về phía bắc, mãi đến khuya mới dừng chân nghỉ tại nhà của một ông phú hộ làng Văn Xá, qua ngày sau mới tới Quảng Trị. Nghỉ ngơi tại đây vài ngày, chiều ngày 8.7.1885, bà Từ Dụ triệu tập cuộc họp bá quan văn võ. Bà tỏ ý muốn trở về Huế, thừa nhận Hiệp ước 1884. Nhưng ông Thuyết phản đối.
- Cuộc kháng chiến chỉ mới bắt đầu. Chúng ta còn cả vùng rừng núi phía Bắc, đồng bằng phía Nam rộng lớn thì chẳng sợ gì bọn Tây dương mũi lõ. chúng đi hàng ngàn cây số đến nước ta chỉ vỏn vẹn vài ngàn người, ta có hàng triệu triệu người thì lẽ nào khuất phục chúng?
Bà Từ Dụ đáp:
- Ta đồng ý. Nhưng giao chiến vẫn chưa phải kế tốt nhất. Thử hỏi, Tam cung tuổi già sức yếu liệu có đi theo được không? Rồi đây ai lo nhang khói, lăng tẩm mồ mả cho Thái tổ Gia dũ hoàng đế, Hy tông Hiến văn hoàng đế…
Vừa nhắc đến tiên triều, bà Từ Dụ đã ôm mặt khóc ròng. Ai nấy cũng mủi lòng. Ông Thuyết hỏi các quan đại thần:
- Thế thì ý của các ông như thế nào?
Nhiều người tán đồng với ý kiến của bà Từ Dụ. Nhà vua khóc hu hu cũng xin được quay về Huế. Ông Thuyết trừng mắt nhìn Hàm Nghi:
- Thương thuyết chỉ là chuyện tạm thời. Thằng giặc Pháp dày xéo giang san ta bằng đạn đồng, súng sắt thì ta không xin xỏ được đâu. Chỉ có thể giành lại ngôi báu của tiên đế bằng giọt máu cuối cùng.
Bà Từ Dụ vẫn điềm tĩnh:
- Ta vẫn biết thế. Nhưng cơ hội mỗi thời một khác. Vì thế ta đã giao nhiệm vụ cho Tường ở lại để th ương thảo với người Pháp, xem có dàn xếp mọi việc được không! Còn Thuyết, ta hiểu tấm lòng báo quốc của ngươi, nếu ngươi quyết đánh đuổi bọn chó sói lang thì ta giao ngươi phải bảo vệ long thể của đức vua, được toàn quyền tiền trảm hậu tấu.
Ông Thuyết đồng ý và chia mọi người ra thành hai nhóm: Một nhóm gồm hoàng thái hậu, những người trong hoàng gia và quan lại già yếu được ở lại Quảng Trị; còn vua Hàm Nghi, các võ tướng, văn quan có tinh thần kháng chiến tiếp tục theo đường Cam Lộ lên chiến khu Tân Sở mà ông đã chuẩn bị từ trước.
***
Sông Hương đục ngầu. Xú khí người chết vẫn còn tanh tưởi trong không gian. Cây lá xác xơ, ủ rũ trong nắng sớm. Đêm nay, ông Tường không ngủ được. Chỉ nghe tiếng chó rú trong khuya ông đã giật thót người, nhảy xuống khỏi giường, lẻn ra ngoài vòm cây sau tư dinh để quan sát mọi động tĩnh. Pháp bắt được sẽ treo cổ ngay lập tức, ông lo sợ, mệt mỏi và chán nản tột cùng. Đi theo kháng chiến thì không xong, ở lại cũng không xong nốt. Phải chi mình đi theo ông Thuyết thì nhẹ nhàng hơn. Dù có chết cũng chỉ chết một lần. Còn chết dần như thế này cực quá. Bà Từ Dụ giao cho ta ở lại để thương lượng với chúng, nhưng ta có gì để thương tượng? Nhà vua đã được hộ giá rời khỏi kinh thành, quân đội đã tan tác… chao ôi! Trong tay ta có gì? Chẳng có gì cả. Suốt đêm 5.8.1885, ông Tường gần như thức trắng. Đêm dài dằng dặc. Chỉ mới thức một đêm mà hai con mắt đã sâu hoắm và tóc lốm đốm bạc. Chỉ còn một cách an toàn nhất là ra đầu thú với giặc. Tường nghĩ đến tên tu sĩ gián điệp Caspard đang ở Kim Long.
Rạng sáng 6.8.1885, Tường uốn lưng co gối đến nhà Caspard. Caspard mừng như bắt được vàng. Sau một vài câu trao đổi, y đồng ý dẫn Tường đến gặp De Courcy. Trong khi Tường thậm thò thậm thụt đứng ngoài cổng, y vào trong tòa Khâm sứ báo cáo với De Courcy. Nghe xong, De Courcy lạnh lùng:
- Máu bò cũng như tiết dê. Tường hay Thuyết cũng một giuộc như nhau thôi. Biết đâu Tường được phân công ở lại Huế làm nội gián?
Caspard quả quyết:
- Xin ngài đừng lo. Tôi biết tính cách của Tường. Nếu Tường như Thuyết thì Tường đã không vác mặt đến đây. Ngài cứ sử dụng có thiệt gì đâu mà ngại!
De Courcy đắn đo suy nghĩ một lúc, nói như cóc cắn:
- Sử dụng kẻ đầu hàng cũng giống như một canh bạc mà ta đã lộ con bài tẩy. Ông hiểu chứ? Thôi thì, ta vừa sử dụng Tường như một công cụ chính trị nhưng cũng vừa bí mật theo dõi. Vậy là xong.
Nói xong, De Courcy cho gọi Tường vào. Rụt rè như gà gặp cáo, Tường lẳng lặng nghe De Courcy giao nhiệm vụ. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau Tường và De Courcy cùng ký chung tên trong bản thông cáo “Tình hữu hảo giữa hai nước Pháp – Việt”. Nội dung của bản thông cáo này nhằm đánh gục ý chí chiến đấu của phe chủ chiến và kêu gọi nhà vua cùng Tam cung trở về kinh thành. Xong, De Courcy giao nhiệm vụ cụ thể cho Tường trong vòng hai tháng phải đưa vua Hàm Nghi về, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa. Tường đồng ý. Từ đây, Tường ở luôn tại Thương Bạc dưới sự giám sát của đại úy Schmitz.
Bản thông cáo được dán khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng không hiệu quả. Vài ngày sau, Tường viết tiếp bản thông cáo cho phép một thời hạn 12 ngày để những người đi theo ông Thuyết được phép trở về Huế an toàn. Kế tiếp, Tường lại cùng De Courcy ký bản thông cáo yêu cầu ông Thuyết phải giải tán lực lượng kháng chiến.
Đêm nay, bóng trăng chênh chếch trên trời cao. Tường bần thần ngồi nhìn qua song cửa. Mình đã làm những trò gì trong mấy ngày qua? Ma đưa lối quỷ đưa đường chăng? Bất giác Tường ứa nước mắt. Tường nuốt nước bọt. Cổ họng đau điếng. Vì thế, mấy ngày nay Tường không ăn uống được gì. Từ xa vọng đến câu hò buồn não ruột. Một giọng nữ ngân dài ngọt ngào:
Hai ngang ba phết
Em không biết, em hỏi lại anh
Từ Hà Nội đến kinh thành
Quan sầu, dân thảm hỏi anh chữ gì?
Trái tim trong lồng ngực của Tường đập thình thịch. Tường đang lắng nghe. Hồi hộp. Dân tình đang ám chỉ ai đây? Một giọng nam vang lên:
Hai ngang ba phết là chữ “thất”
Thất là thất thủ kinh đô
Quan sầu, dân thảm, vì mưu đồ ông quận thâm!
Tường tái mặt,thiên hạ gán cho mình hai tiếng “quận thâm” ô nhục làm sao! Tường đập tay vào ngực, tự mắng mình chỉ là một thứ hoa tàn nhị rữa. Tường gục đầu xuống bàn. Tường nhớ đến những ngày cùng ông Thuyết bàn kế hoạch đánh Pháp. Để có đồng đúc đạn, chính ông hiến kế cho triều đình ra lệnh tịch thu các tiền đồng cũ đổi lấy tiền mới. Những tiền đồng mới được làm mỏng như tờ giấy, để dôi ra một tượng đồng cần thiết, đã bị dân chúng phản ứng chỉ trích thậm tệ. Không biết rõ mục đích của việc đổi tiền nên dân chúng đã trút mọi oán hờn xuống đầu ông Tường. Dù oan, nhưng làm sao thanh minh? Cuối cùng để trấn an dư luận, ông đã chém đầu hai tên Tàu thầu việc đúc tiền. Thế mà tiếng xấu vẫn bám theo ông mãi… Rồi ông nghĩ, mình từng là một đại quan trong triều, nhưng nay về dưới trướng De Courcy thì thân phận nào khác chi giậu đổ bìm leo. Ngay cả Tôn Thất Bá, kẻ bị ông Thuyết tống giam, nay do kinh thành thất thủ mới được tự do cũng không thèm chào ông lúc gặp mặt!
Đêm qua nhanh.
Tiếp theo > |
---|