VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương bảy

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương bảy

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương bảy

       Dòng sông Hương trong vắt. Con thuyền bập bềnh trôi trên sông nước. Bóng trăng thẹn thùng thoáng ẩn thoáng hiện trong mây. Trong cơn say ngất ngưởng, Ưng Chân nằm gối đầu lên đùi non ca nhi để tận hưởng tiếng hát ngọt lịm như mía lùi. Con người sống bao lăm lắm mà cứ phải lao tâm khổ tứ? Mọi vệc đã có thiên địa sắp đặt đâu ra đó rồi. Tranh mà chi? Giành mà chi? Như ta, học hành chỉ lớt phớt, đọc chữ “tác” ra chữ “tộ” nhưng ngón nghề cầm, kỳ, thi, tửu thì ai hơn ta? Nghĩ thế, Chân cười khà sảng khoái. Tiếng ca lênh đênh trong gió:

Ví dầu thầy mẹ có đan rọ thả trôi

Thả trôi thì thả, thiếp không thôi nghĩa chàng.

Cao hứng, Ưng Chân ngồi dậy hát theo:

Ví dầu thầy mẹ có đánh roi chín chục một trăm

Đánh rồi thiếp dậy thiếp vẫn nhất tâm thương chàng.

       Có những tiếng cười nhão nhoẹt nhão nhoét vọng lên. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Từ ngày này kéo qua ngày nọ. Sau khi nhờ cậy bà Từ Dụ và thứ thiếp thứ ba của vua Tự Đức là bà Trang Ý vận động, Ưng Chân đã được chọn làm người kế vị. Nghĩ mọi chuyện đã xong, y càng chơi bơi hoang đàng. Do đó, các quan đại thần đều tỏ ý khinh miệt. Mà không khinh miệt sao được, khi mà năm 1876, Ưng Chân giao du với Thái y viện Nguyễn tán để tìm thuốc tăng cường sinh lực, bị phạt cắt bổng lộc một năm. Rồi năm 1882, y lại sai thị vệ Nguyễn Văn Thành giả lệnh của thái hậu đưa gái đến Dục Đức đường để hành lạc, sự việc này bị phát giác, bị cắt bổng lộc hai năm. Nhưng những điều này chưa ghê gớm bằng trong thời trọ học ở Dục Đức đường, để có tiền tiêu xài, y đã bán nhiều tài liệu quan trọng của triều đình cho Khâm sứ Rheinart, trong đó có việc vua Tự Đức bí mật cầu viện Trung Hoa, trái với tinh thần của các hiệp ước đã ký!

        Trong lúc các ông Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành, Phạm Thận Duật… đang lo sốt vó về cái chết của nhà vua thì Ưng Chân vẫn bình chân như vại. Đã thế, Ưng Chân còn cho phép nhiều thành phần bất hảo tự do ra vào trong cung, rồi tổ chức bài bạc, hát xướng! Sáng nay, hai ông Thuyết, Tường vào chầu triều. Cả hai sửng sốt khi thấy Ưng Chân đang mặc áo xanh! Đó là điều cấm kỵ vì đã coi thường tang lễ đối với tiên đế vừa băng hà. Ông Thuyết bực mình lắm. Đã thế, bọn thủ túc của Ưng Chân cũng không thèm đứng dậy chào, chúng cứ đùa giỡn và tiếp tục bài bạc xem như không biết có ai trên đời này nữa! Ông Tường hỏi nhỏ:

        - Thế nào?

        Ông Thuyết nghiêm mặt:

       - Chúng không coi ta ra gì thì giữ ta lại đẻ làm gì?

         Nói xong, ông quay lưng đi chẳng ra ngoài.

        Ngay lập tức, vào buổi chiều, tại tư của ông Thuyết đã diễn ra cuộc họp nội bộ giữa các quan đại thần. Họ lập mưu giăng sợi dây thòng lọng chuẩn bị siết cổ Ưng Chân. Họ bàn tính trong buổi lễ lên ngôi, lúc đến 41 chữ nhận xét của vua Tự Đức thì ông Trần Tiễn Thành sẽ không đọc. Đó là cái cớ để họ công khai buộc tội Ưng Chân dám sửa di chiếu!

         Ngày 20.7.1883, lễ đăng quang tân quân được tiến hành tại điện Thái Hòa.

         Từ đây, ta sẽ nối cơ nghiệp của tiên đế, ngất ngưởng trên ngôi báu! Nghĩ thế, Ưng Chân tủm tỉm cười thầm. Bá quan văn võ đứng yên. Bốn bề im lặng phăng phắc. Đúng như sự phân công trước, ông Trần Tiễn Thành đọc di chiếu. Nhưng khi đến đoạn nhận xét của vua Tự Đức thì ông lướt qua, không đọc: “Nhưng Dục đức có tật ở mắt, giấu việc không nói, sợ lâu ngày không sáng suốt, tính hơi có phần tà dâm là điều rất xấu, chưa chắc đảm đương nổi việc lớn; nước có vua lớn tuổi là điều may, nếu bỏ đi thì không biết làm sao…”

        Bỗng một tiếng sét nổ ra giữa trời quang đãng:

          - Tiên đế ta phúc trạch cao như núi, sâu như biển. Lời của ngài phán ra ngàn vàng trên trần gian này cũng không sánh kịp. Hà cớ gì lời của ngài, chữ của ngài còn sờ sờ ra đó mà ông Thái bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ lại không đọc? Có tà ý chăng!

        Ông Thành run lẩy bẩy, chết điếng cả người. Vẫn giọng nói như chuông rền của ông Thuyết:

          - Ai đã dám sửa di chiếu của tiên đế?

         Dục Đức thấy tim mình thót lại. Mồ hôi tuôn ra đầm đìa. Muốn há miệng ra, nhưng giọng ông Thuyết cương quyết đã vang lên:

         - Mời thượng quan Khâm sai đại thần đọc lại đoạn này!

         Ngay lập tức, ông Nguyễn Trọng Hợp cầm lấy di chiếu và đọc rành rẽ từng câu. Dục Đức tức lắm, nhưng cũng đành câm như hến. Chỉ đợi ông Hợp đọc xong đoạn vừa rồi, ông Thuyết cắt ngang:

           - Cả gan cắt bỏ di chiếu của tiên đế thì quả là gan hùm! Lễ mà thiếu lễ như thế ư? Tâu Thái hậu và đình thần cho ngưng lễ!

        Một hồi cồng báo bãi chầu vang lên. Dục Đức tái mét mặt mày như gà bị cắt tiết.

         Hồi cồng vừa dứt thì cũng là lúc ông Thuyết ra lệnh bắt giữ mười thuộc hạ thân tín của Dục Đức, tống giam và chia quân túc vệ canh gác trong ngoài thành nghiêm ngặt.

         Hai ngày sau, các quan đại thần và đại diện của hoàng gia có mặt tại triều để xét tội của Dục Đức. Ông Thuyết ghép tân quân bốn tội như sau: cắt bỏ 41 chữ bất lợi cho mình mà tiên đế đã viết; thông đồng với bọn gián điệp Pháp thông qua việc sử dụng linh mục Nguyễn Hữu Thơ trong hoàng cung; đã coi thường tiên đế, chứng cớ là mặc áo xanh đi vào nội cung; đã tư thông với các cung nhân của tiên đế ngay sau khi tiên đế băng hà.

        Chứng cớ buộc tội hùng hồn này vừa dứt thì không ai dám lên tiếng phản đối. Duy chỉ có mỗi một Hình khoa Chưởng ấn Phan Đình Phùng dám nói:

          - Vua có lỗi, bày tôi phải can ngăn trước đã. Chưa gì mà phế lập như thế thì làm sao phải lẽ?

         Vốn là người nóng tính, mới nghe Phan Đình Phùng nói như thế Tôn Thất Thuyết đã đùng đùng nổi giận:

          - Vua mà không giữ mình, làm sao giữ được giềng mối xã tắc? Lỗi lầm của vua sờ sờ như thế kia mà ngươi còn dám cứng họng bênh vực sao? Quân đâu! Gông cổ lại cho ta!

         Chỉ trong nháy mắt, ông Phùng bị tống giam vào ngục! Không ai dám hé răng tranh cãi điều gì nữa. Dục Đức bị giáng xuống làm Thụy quốc công và giam ngay trong Dục Đức đường, rồi chuyển sang giam tại Thái y viện. Chế độ nhà tù khắc nghiệt đã làm Dục Đức mòn mỏi dần, xin được uống một liều thuốc độc để sớm kết thúc cuộc đời. Ông Thuyết sai lính đem thuốc độc đến. Giây lát sau, người lính này bó chiếu, vác xác ông vua chỉ mới lên ngôi được ba ngày, chưa kịp đặt niên hiệu, ra chân đồi Phước Quả (làng An Cựu) vùi luôn xuống cái huyệt mà người ta vừa cải táng. Mưa nắng đi qua, nay mồ xiêu phách lạc, chẳng rõ về đâu!

             *****

             Gió thổi phần phật vào cánh cửa, bà Từ Dụ nằm không yên. Bà đứng dậy nhìn ra ngoài trời, đêm tối mịt. Một ngôi sao sa giữa trời. Đâu đó có tiếng chó sủa ma vọng đến. Cả một tuần nay ngai vàng không có người ngự, bà nghĩ mãi đến lời đề nghị của hai quan đại thần Tường và Thuyết chọn Hồng dật làm người kế vị. Dật là con trai thứ 29 của vua Thiệu Trị với bà Trương Thị Thận, nhỏ hơn con trai của bà mười tám tuổi và từng được nhiều người khen là thông minh, ham học. Thôi thì, cũng là máu mủ của chồng ta. Dù sao, Dật đã ba bảy tuổi thì có thể lo liệu được việc nước. Được sự đồng tình của bà, hai ông Tường, Thuyết cử phái đoàn lên Kim Long rước Dật vào Đại Nội làm lễ đăng quang.

             Buổi sáng định mệnh ấy, mặt trời ló dạng lại xanh màu lá cây chứ không phải đỏ rực như mọi ngày. Vốn là người ham học, Dật dậy sớm thấy làm lạ, bèn mở sách Thiên văn ra xem biết đó là điềm chẳng lành. Trang sách chưa đọc xong đã nghe tiếng chó sủa vang đầu ngõ. Một cây gậy đã tống thẳng vào mõm con chó, nó sủa ăng ẳng, lủi ra sau bếp. Đoàn người hùng hậu đi vào với kiệu, võng, lọng xanh, đỏ, tím, vàng rất rình rang. Dật chưa định thần thì nghe một người nói to:

          - Mời ngài lên võng để chúng tôi rước về cung!

       Dật hoảng hốt, mặt xám mày xanh, về cung làm gì? Làm vua ư? Dật lắp bắp:

       - Xin các ông tha cho tôi. Tôi tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi báu!

         Dật khóc rống lên, chạy tọt vào nấp trong nhà, những những người này vẫn kiên quyết sấn vào, họ xốc nách Dật đặt ngồi trên kiệu. Dật vùng vẫy nhảy tọt xuống đất. Một lưỡi gươm sáng lòa chĩa ngay vào cổ họng Dật:

         - Ngài có ngồi yên không thì bảo?

         Dật lấm la lấm lét như rắn ráo mùng năm, ngoan ngoãn ngồi yên trên kiệu. Những người phu khỏe như vâm đã đưa kiệu vào thẳng trong Tử cấm thành. Suốt hai ngày trong cung, Dật khiếp đảm quá, bà Từ Dụ phải khuyên lơn, dỗ dành mãi.

         Rồi ngày 30.7.1883, lễ đăng quang cho Hồng Dật được tổ chức linh đình. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đây cũng là ngày mà Hội nghị quân sự đầu tiên của giặc Pháp cũng họp tại Hải Phòng. Bộ ba tướng lĩnh cao cấp của quân đội Viễn chinh là Harmand, Bouet và Courbert đã quyết định mở cuộc tấn công vào kinh thành Huế, đánh chiếm Sơn Tây với mục đích gây sức ép, buộc triều đình nước Nam phải ký Hiệp ước chấp nhận nền “bảo hộ” của Pháp!

       Khi ngôi báu có người kế vị rồi, ông Thuyết và các quan đại thần cảm thấy mình dường như khỏe khoắn ra. Mọi việc sắp xếp như thế tạm ổn. Điều cốt tử còn lại là phải lo đối phó với các hướng tấn công của giặc Pháp. Ngày 18.8.1883, hạm đội của Pháp hướng về cửa Thuận An và neo tại đây. Ông Thuyết cho gọi Lãnh sự Nguyễn Thành Ý – người vừa bị Pháp trục xuất khỏi nhượng địa Sài Gòn – đến giao nhiệm vụ. Ông Ý lên tàu của chúng hỏi tại sao dám neo đậu hạm đội nơi đây thì phó đề đốc Courbert khinh khỉnh:

         - Ông đã đọc truyện con hùm và con thỏ trong thơ ngụ ngôn của thi hào La Fontaine nước tôi chưa? Rồi à! Thế thì ông đã biết câu “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” rồi chứ? Nay chúng tôi chỉ xin thưa với ông Lãnh sự là trong vòng hai giờ đồng hồ các ông phải đầu hàng và nộp mọi đồn ải, nếu không chúng tôi sẽ nổ súng!

       Nghe báo cáo lại những lý lẽ xấc láo như thế, ông Thuyết nghiến răng quyết định đánh. Mọi người khuyên nên chậm rãi, thỉnh ý kiến nhà vua xem sao. Ông cười gằn:

     - Tình thế đến nước này rồi mà còn phải hỏi han, phải đợi lệnh là sao? Đánh giặc như cứu nhà cháy, sao lại còn chần chừ?

          Ai nấy đều im thin thít.

        Về phía Pháp, không thấy triều đình ta chấp hành yêu sách, đúng vào lúc 16 giờ 30 phút đại bác từ các hạm đội của chúng bắt đầu khạc lửa! Không một chút nao núng, quân ta dũng cảm đánh trả dữ dội. Nhưng súng ống của ta cổ lỗ không bắn tới những chiến hạm neo ngoài tầm đạn. Do đó, chúng không thiệt hại gì nhiều. Trong khi đó, lần lượt thành quách của ta bị phá vỡ. Cuộc chiến kéo dài đến 20 giờ thì đôi bên ngưng chiến. Rạng sáng ngày hôm sau, ngày 19.8.1883, ta quyết định tung thủy quân ra đánh, nhưng do sóng to gió lớn nên không thực hiện được. Rồi sáng ngày 20.8.1883, giặc Pháp chủ động mở đợt tấn công, đổ bộ đánh chiếm các pháo đài, toàn bộ cửa Thuận An lọt vào tay giặc, quân ta phải rút lui phòng thủ các tuyến bên trong.

        Nhận được tin, vua Hiệp Hòa cho gọi ông Thuyết vào quở trách:

         - Quạ có sánh được với thiên nga không? Giáo mác có đọ được với đạn đồng súng sắt không? Khanh là Thượng thư bộ Binh mà không biết điều đó sao?

        Ông Thuyết cay cú:

         - Ta không đánh thì chúng cũng đánh. Tình thế buộc ta phải đánh, chứ còn đường nào khác?

         Nhà vua đáp:

       - Sao không còn đường nào khác? Ta nghĩ, đến lúc này thương lượng với chúng cũng chưa muộn đâu!

         Ngần ngừ một lát, nhà vua nói tiếp:

        - Đánh nhau mãi như thế này thì ta chỉ chuốc lấy bại vong mà thôi. Ta lệnh cho các nơi phải bãi binh để giữ hòa nghị với người Pháp. Từ đó, mọi việc chỉ có thể giải quyết bằng con đường thương tượng mà thôi. Rõ chưa?

         Trước lúc lui gót, ông Thuyết thầm nghĩ: “Đừng hòng! Ta đã đưa ngươi lên được thì ta hạ ngươi xuống được!”

          Dù các quan phụ chính đại thần không tán đồng, nhưng nhà vua cũng cử Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp ra cửa Thuận An thương lượng với Harmand, có giám mục Gaspard đi theo làm thông ngôn. Harmand yêu cầu: Phải tháo dỡ lập tức hết 12 pháo đài trên đường từ Thuận An đến kinh đô và tiêu hủy hết các kho đạn, tháo gỡ hoàn toàn hai đập chắn sông và trả lại cho Pháp hai chiếc tàu mà trước đây chúng đã cho vua Tự Đức theo hòa ước 1874. Có điều lạ, Harmand cương quyết đòi cho bằng được tàu Scorpion mà trước đây Francis Garnier đã từng sử dụng, vì y cho rằng như thế sẽ gặp được nhiều may mắn!

          Hầu như ông Hợp không thương lượng được một điều cỏn con nào. Để rồi sau đó, ngày 25.8.1883, triều đình Huế đã đặt bút xuống ký bản hiệp ước gồm 27 điều khoảng – mà sử ta còn gọi là Hiệp ước Harmand. Bút sa gà chết. Từ đây, triều đình Huế chính thức thừa nhận và chấp nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp; thừa nhận và chấp nhận Trung kỳ và Bắc kỳ do Pháp bảo hộ!

       Thế là hết! Ông Thuyết chua chát khi nghĩ đến điều này. Và ông quyết xoay tình thế. Phải lật đổ nhà vua và bọn đầu hàng thì mới có thể đánh Pháp đến cùng!

        Lấy cớ cửa Thuận An đã thất thủ, ông hạ lệnh cho phủ hạt Thừa Thiên phải tìm cách bảo vệ gia hương qua việc lập các đội quân tại chỗ. Các đội quân này được ông cấp phát “hổ phù” – tức tín hiệu dùng để trưng tập binh lính khi có việc quân. Ngoài ra, ông còn bí mật chiêu mộ trai tráng các huyện để lập Đoàn Kiệt. Lực lượng này đặt dưới quyền chỉ huy của Kỳ nội hầu Hồng Chuyên và phò mã đô úy Đặng Huy Cát để chuẩn bị đánh Pháp. Ngoài ra, ông còn lập một đội cận vệ lấy tên là Phấn Nghĩa. Đội quân này mang sắc phục riêng gồm mũ rộng vành, áo xanh, sử dụng mã tấu – làm hậu thuẫn cho phe chủ chiến trong việc lật đổ nhà vua.

         Không những thế, ông còn nghĩ đến việc phải thành lập một căn cứ kháng chiến. Thật ra, không phải đến bây giờ, mà trước đây vua Tự Đức cũng đã nghĩ đến. Oái oăm của nhà vua không phải vì mục đích đánh Pháp mà để… trốn Pháp! Từ năm 1879, trước những đòn phản công dữ dội của chúng, các quan tâu lên nếu Pháp tấn công vào kinh đô thì quyết ở lại đánh chúng đến cùng. Nhưng nhà vua thở ngắn than dài:

        - Trẫm không có hoàng tử kế vị. Hoàng thái hậu vẫn nghĩ biết đâu một thời gian nữa nhờ cầu tự mà mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Do đó, trẫm cần kiên nhẫn và cần phải giữ hòa bình một thời gian nữa. Nếu triều đình muốn đánh Pháp thì trẫm, hoàng thái hậu và con nuôi trẫm sẽ náu ở đâu?

        Còn bây giờ, ông Thuyết quyết định lập căn cứ mới là phòng khi có sự cố quân Pháp tấn công kinh thành thì chuyển toàn bộ nhân sự lẫn vật chất lên đó để bám trụ chiến đấu lâu dài. Sau khi tham khảo các sách địa lý, dịch học và binh pháp, hai ông Tường và Thuyết đã quyết định xây dựng thành Tân Sở (Tân: mới; sở: nơi cư ngụ) tại tổng Mai Lộc thuộc cao nguyên Cùa, cách phủ Cam Lộ khoảng 9 km(*)Nay thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ – Quảng Trị.******. Thành Tân Sở, hình vuông mỗi chiều dài 780m gồm hai tường thành. Tường thành thứ nhất là một dãy cọc đóng sâu dưới đất, cao chừng 4 mét, được cột lại bằng dây mây. Kế tiếp người ta trồng tre, rồi đào một hào sâu có chiều rộng chừng 10m. Đi chừng 150m là đến tường thành thứ hai cũng xây dựng kiên cố như tường thành thứ nhất. Trong nội thành này,ta thấy có đào giếng nước, kho lương thực, kho vũ khí, nhà cửa,t rại giam phạm nhân, các vị trí chiến đấu…

         Ông Tường chọn vị trí này không chỉ vì theo phong thủy mà đây là đất có long mạch, được bao bọc bởi thành lũy là núi đồi thiên nhiên, mà còn vì thuận lợi trong hoạt động tác chiến. Với con mắt của một nhà quân sự, ông đã nghĩ đến việc đi ra Bắc, sang Lào; hơn nữa, từ kinh đô Huế có thể đi bằng đường khác nhau lên đến Tân Sở. Tiến thoái đều dễ dàng.

        Trong lúc này, việc phòng thủ kinh thành cũng được phòng thủ ráo riết. Tòa Khâm sứ nóng mặt nên cử người sang trách cứ. Ông Thuyết bắt bẻ:

       - Thế các ông hàng ngày diễu võ dương oai quanh kinh thành với mục đích gì? Tôi là Thượng thư bộ Binh thì phải lo việc phòng thủ để an dân.

         Thấy không thể bắt ép được một người cứng đầu cứng cổ như thế, quân Pháp phải nhượng bộ tập trận xa kinh thành. Có như thế ông Thuyết mới chịu tháo súng đại bác xuống, nhưng ông lại bí mật cho chuyển lên căn cứ Tân Sở.

         Trước thái độ chủ chiến quyết liệt của ông Thuyết, vua Hiệp Hòa lo méo mặt. Lo nát gan, bàn nát trí. Nhà vua nghiệm ra rằng hành động đánh Pháp của ông Thuyết khác gì đem trứng chọi với đá! Vốn ươn hèn, ông chỉ muốn mọi việc diễn ra êm thấm, dù có đầu hàng người Pháp, nhưng miễn sao vẫn yên vĩ trên ngôi vua là được! Mà đang trên ngôi vua thì sao không tận hưởng? Thế là ông tùy tiện xuất vàng bạc trong công khố quốc gia để làm đồ nữ trang cho các bà vợ, thê thiếp, con cái phòng sau này lỡ có điều gì bất trắc xảy ra!

         Nhưng ông Thuyết còn sờ sờ đứng đó thì khác gì kỳ đà cản mũi! Để nhổ gai nhọn này, ông chuyển ông Thuyết sang bộ Lại, chứ không cho nắm bộ Binh nữa. Nhưng chưa yên tâm, ông còn giao cho chú mình là Miên Trinh Tuy Lý Vương trực tiếp giao thiệp với đại diện của tòa Khâm sứ tại Huế để nhận sự bảo hộ!

       Ông Thuyết và Hiệp Hòa gầm gừ nhau như hai con thú dữ. Cả hai sẵn sàng triệt hạ nhau khi có cơ hội.

          HIệp Hòa quyết định ra tay trước.

             ****

          Trời nắng dịu. Trong tư dinh, ông Tường đang ngồi đọc sách thuốc vừa mượn được ở Thái y viện. Những bài thuốc hay thật. Chỉ những cỏ, những cây quen thuộc, hiền lành  nhưng biết hết hợp với nhau theo một liều lượng nhất định thì sẽ trở thành một vị thuốc. Mà thuốc thì có thể hoặc thuốc độc hoặc thuốc bổ. Trong đời ta, có lúc ta sẽ chọn vị thuốc nào cho thích hợp với hoàn cảnh? Ông Tường đang cắm cúi ghi chép thì có tiếng gọi từ phía sau lưng:

        - Bẩm đại quan, có chuyện chẳng lành.

        Ông quay lại thì thấy Phạm Tác – một quan thái giám thân tín của ông. Tác õng ẹo kề vào tai ông thì thầm nhỏ to. Nét mặt của ông biến sắc. Xám lại. Thoáng giật mình, nhưng ông trấn tĩnh ngay, quát lớn:

          - Bây đâu!

         Có những tiếng dạ rân. Những thuộc hạ vác gươm đao ào ào chạy vào, đứng xếp một hàng thẳng tắp đợi lệnh. Chỉ chực nghe lệnh, chúng vội ào ra khỏi ngõ.

     Dân chúng nhốn nháo, không rõ có chuyện hệ trọng gì mà người nhà của quan đại thần đang sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Rồi họ thấy những người này túa về hướng chợ Dinh. Ngay trong chợ, có quan thái giám Trần Đại đang phóng ngựa chạy qua. Đại không rõ trong sớ gửi cho đại quan Trần Tiễn Thành ghi những gì mà sáng sớm nay, 29.11.1883, nhà vua khi giao cho y chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi một câu:

          - Bí mật! Tuyệt đối bí mật! không để bất cứ ai biết!

        Vì thế, Đại rất sung sướng vì đã được nhà vua tin cậy giao nhiệm vụ quan trọng cho mình. Ý nghĩ này vừa thoáng qua trong óc, Đại càng phấn khởi thúc ngựa phóng nhanh hơn. Bỗng có một người lao ra, giữ lại:

          -Có lệnh của quan đại thần cần gặp ngươi!

     Đại ú ớ, chưa biết xử sự ra sao thì một người khác dùng gậy đâm thẳng vào ngực. Đại ngã sóng soài xuống đất. Ngựa hí vang. Đại bị trói chặt đem về tư dinh của ông Tường. Chắp tay sau đít, đi qua đi lại trước mặt của kẻ mặt mày không còn giọt máu, ông Tường mắng:

        - Không biết thân biết phận lại còn nối giáo cho giặc ư?

       Chỉ mắng có một câu, ông bước vào trong tư dinh và nói vọng ra:

     - Con chó ấy không đánh chết đi còn để làm gì?

       Tiếng roi vút nghe rợn  cả người. Đại oằn oại trên vũng máu.

       Trong lúc ông khoan thai ngồi trên tràng kỷ. Cô hầu non từ sau nhà nhẹ nhàng dâng cho ông một chén thuốc bổ như mọi ngày. Vị thuốc bắc thơm dịu. Ông ngửa cổ và cảm thấy lục phủ ngũ tạng sảng khoái lạ thường. Lấy tờ sớ ra đọc, ông không tin vào mắt mình nữa. Sự việc tồi tệ đến mức này à?

         Trong tờ sớ ghi rõ kế hoạch nhà vua đã sai hai người con nhà chú của mình là Nguyễn Phúc Hồng Phì – con Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Nguyễn Phúc Hồng Sâm – con Tuy Lý Vương Miên Trinh điều đình với Khâm sứ Champeaux ấn định ngày giờ để thủy quân Pháp tấn công bắt ông Thuyết với phe chủ chiến! Phía dưới còn có bút phê: “Giao cho Trần Tiễn Thành phụng duyệt!”

       Không một chút chần chừ, ông Tường đứng dậy khoác áo và bước ra khỏi nhà. Trước lúc đi, ông dặn dò:

        - Chuyện đâu còn có đó. Mọi sự phải giữ kín như bưng. Lọt ra ngoài thì ta cắt lưỡi. Nghe chưa?

       Xong, ông ném những nén bạc xuống dưới nền gạch:

        - Ai có công thì được thưởng!

         Những nén bạc rơi tung tóe, kêu vang một âm thanh vui tai, quan thái giám Tác vội vã nhoài người xuống nhặt sạch.

         Nắng mơn mởn trên vòm cau thẳng vút. Tự biết sẽ đến gặp một người tính tình nóng như lửa, thường không giữ được sự trầm tĩnh, nên ông Tường đã tính toán trước mọi cử chỉ. Đến nhà ông Thuyết, đang đường đường là một bậc đại quan trong triều, nhưng ông Tường lù đù như chuột chù phải khói, ngồi bệt xuống đất chứ không dám ngồi trên ghế. Ông Thuyết lấy làm lạ:

        - Rồng đến nhà tôm mà sao lại cứ như lũ tôm tép?

        Ông Tường vẫn cúi gầm mặt xuống đất. Hỏi lại lần thứ hai, ông Tường mới ngẩng đầu lên nhưng cũng không nói không rằng. Ông Thuyết bực mình lắm rồi, nét mặt đang đỏ dần. Chỉ chờ có thế, ông Tường mới nhũn như con chi chi, nhỏ nhẹ:

          - Lũ chúng tôi chỉ là con giun, con sâu, con bọ ai dằn xéo cũng được. Chỉ tiếc cho ông là cành vàng lá ngọc mà thôi.

        Ông Thuyết sửng sốt, phừng phừng đỏ mặt tía tai, chẳng hiểu cớ sự ra làm sao mà ông Tường lại nói như thế. Bấy giờ, ông Tường mới đưa tờ sớ của vua Hiệp Hòa ra. ông Thuyết nghiến răng kèn kẹt:

         - A! Ông Thành xin nghỉ hưu để chữa bệnh, nhưng tại sao còn dính líu đến chuyện này? Làm gì bây giờ?

        Sau một lúc bàn bạc với nhau, cả hai ông quyết định phải đến hỏi ý kiến cụ Tôn Thất Đính – bố của ông Thuyết. Cụ Đính là con trai của Quản cơ Minh nghĩa Đô úy Tôn Thất Lộc đã theo việc binh từ thuở trai tráng. Năm 59 xuân, cụ Đính là Tán lý quân thứ Gia Định, sau đó được cử làm Đề đốc tỉnh Hải Dương, lấy cớ đau ốm nên xin nghỉ hưu sớm. Dù vậy,vai vế và uy tín của cụ trong triều không phải đã hết.

         Tại tư dinh, trước chỗ ngồi của cụ Đính có đặt một tấm gương lớn quay ra đường. Khi có người đến, chỉ cần nhìn qua gương, cụ biết ai là người đang tìm đến. Thích thì cụ mời vào, còn không thì cứ dửng dưng xem như không biết đến. Có những người đến cứ đứng chờ mãi, không thấy động tĩnh gì biết là cụ không tiếp, chỉ còn cách lẳng lặng rút lui. Khi hai quan đại thần Tường và Thuyết đến, quỳ xuống nhưng chưa kịp thưa thì cụ đã quay lui, nghiêm giọng:

        - Tôn miếu là tôn miếu của các ông, xã tắc là xã tắc của các ông! Các ông muốn làm gì thì làm! Tôi già rồi, đầu óc lũ lẫn, thân xác bạc được biết gì mà hiến kế cho các ông!

       Xong, cụ lại cắm cúi nhìn xuống trang sách đang mở ra trước mặt. Biết cụ đã đồng tình cho mình tự quyết định mọi việc, hai ông chắp tay xá rồi lui gót.

          Trở về triều, hai ông Tường và Thuyết triệu tập cuộc họp bất thường. Trong ngoài cửa thành, các đội Phấn Nghĩa đang canh phòng cẩn mật. Trước bá quan văn võ, hai ông công bố tờ sớ của Hiệp Hòa. Với chứng cớ sờ sờ như thế, ông Thuyết buộc tội:

       - Tư thông với giặc, dung dưỡng bọn phản quốc thì có còn xứng đáng ngồi trên ngai rồng không?

        Các đại quan im phăng phắc. Ông Thuyết gằn giọng:

          - Tất nhiên là không!

         Đưa mắt nhìn quanh một lượt, ông nói tiếp:

       - Vẫn biết truất phế là việc trọng đại. Tôi hỏi có ai không đồng tình việc truất phế đế vương không?

         Có những tiếng xì xào, bàn tán to nhỏ. Bỗng mọi người im bặt khi thấy gươm giáo sáng lòa. Các đội Phấn Nghĩa được lệnh vào tận trong triều! Tình thế này rung cây nhát khỉ. Quả nhiên hiệu nghiệm. Tất cả đều rùng mình sởn gáy. Không một ai dám nói lớn, dù có muốn họ cũng phải nén lại. Ông Thuyết nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Không ai dám há miệng. Há miệng mắc quai, chả dại! Do đó, khi ông đưa tờ sớ truất phế Hiệp Hòa thì các đại quan đều ngoan ngoãn ký vào.

          Kế hoạch bước đầu đã diễn ra đng như dự kiến. Trong khi ông Thuyết cầm tờ sớ này vào cung Ninh Thọ dâng cho hoàng thái hậu Từ Dụ phụng duyệt thì ông Tường dẫn đội Phấn Nghĩa sục vào điện Cần Thanh bắt Hiệp Hòa, buộc nhà vua phải viết chiếu thoái vị. Biết thân phận mình giờ này rỗng như đít bụt, Hiệp Hòa chấp nhận ngay, không một lời phân bua. Nhà vua rơm rớm nước mắt chỉ xin yên thân, được về phủ cũ ở Kim Long. Ông Tường gật đầu.

        Trên đường đi với tâm trạng âu lo, ruồi bâu bên mép cũng chẳng buồn xua, nhà vua thở phào nhẹ nhõm, dù sao còn lành lặn cũng phước lớn lắm rồi! Nhưng vừa ra khỏi cửa Hiển Nhơn, nhà vua giật thót khi nhìn thấy ào ào binh mã ùa đến. Kìa! Hai ông Ông Ích Khiêm và Trương Văn Để của phe chủ chiến đã xuất hiện. Mặt không còn giọt máu, nhà vua lắp bắp:

        - Tôi không có tội! Không có tội!

          Không cần nghe tiếp, ông Khiêm xông tới lật đổ kiệu, nhà vua té lăn cù xuống đất, bị trói lại đưa về Dục Đức đường. Tại đây, ông Khiêm trao cho Hiệp Hòa “tam ban triều điển” tức một cây kiếm, một dải lụa và một chén thuốc độc để tự xử. Cái chết nào cũng đau đớn cả. Chao ôi! Giây phút phải kết liễu cuộc đời mà tự mình phải lựa chọn mới khủng khiếp làm sao! Nhà vua ràn rụa nước mắt, thốt không nên lời. không thể chần chừ được nữa, lệnh của ông Thuyết là phải thanh toán nhà vua ngay lập tức. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài kia, ông Khiêm không mảy may xúc động. Đứng nhìn trong giây lát, không hiểu sao ông bỏ gươm xuống đất, xá nhà vua, rồi thét lớn:

         - Bay đâu, đè cổ ra cho ta!

         Nhà vua bị vật ngửa xuống đất. Một bàn tay lực lưỡng bóp cổ vào họng. Mồm há ra, mắt trợn ngược. Ông Khiêm nhanh tay dốc ngược chén thuốc độc vào miệng ông vua xấu số.

        Lúc ấy, bóng chiều còn thoi thóp lưng trời. Trong gió vọng lại tiếng kinh cầu siêu từ ngôi chùa gần đó vọng đến.

           Chỉ trong nháy mắt, Hiệp Hòa tắt thở.

        Trời tối dần. Đêm tối như mực. Những cơn gió nóng hầm hập thổi qua kinh thành Huế. Vòm cây long não rủ lá thiểu não chìm trong bóng tối. Đường về chợ Dinh vắng tanh. trên con đường hẹp, phủ kín bóng tre có những người lính trong đội Phấn Nghĩa do Hường Hàng, Hường Chức và Hường Tề chỉ huy đang phóng ngựa vội vã. Họ bịt mặt bằng khăn đen kịt, chỉ chừa hai con mắt. Họ đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng mà trưa nay, trước lúc triệu tập các đại quan về triều họp thì ông Thuyết đã sai người đến mời Trần Tiễn Thành đến dự. Nhưng ông Thành lắc đầu:

       - Phế lập là việc tối quan trọng, sao có thể làm nhiều lần như vậy. Tôi đã về hưu nên không dự bàn.

        Thái độ của ông Thành cũng là sự lựa chọn của nhiều người. Bên kia sông Hương là tòa Khâm sứ với tàu chiến, súng đồng hùng mạnh mà sau lưng họ là phe chủ chiến đang nắm ưu thế. Đứng về phía nào? Ông Thuyết tặc lưỡi:

         - Không đứng về phía ta thì còn để làm gì nữa?

          Vì thế ngay sau khi Hiệp Hòa chết, ông bàn với ông Tường quyết định số phận của ông Thành.

         Chẳng mấy chốc, đội Phấn Nghĩa đã đến chợ Dinh. Đứng trước nhà của vị quan đại thần đã nghỉ hưu,họ đập cửa ầm ầm. Nhìn qua khe cửa, chỉ thấy những ngọn đèn dầu cháy leo lét. Trong nhà sợ hãi im thin thít, không ai dám mở cửa. Chó sủa vang trời. không thể chờ đợi lâu hơn, họ dùng lưỡi mác chém nát cánh của. Lọt được vào bên trong, họ la lớn:

          - Có chiếu chỉ mời tướng công vào triều đình gấp!

         Lệnh của ai mà lại đến vào giờ này? Từ trên gác, ông Thành chậm rãi bước xuống. Đã ngoài bảy mươi lại mang thêm chứng bệnh đau bụng kinh niên nên trông ông hom hem, mệt mỏi. Dìu từng bước chân ông là bà thiếp mới hai lăm xuân, nhưng mặt mày tái nhợt vì biết chuyện chẳng lành đang đến. Vừa đi, ông Thành vừa đưa tay gài lại những khuy áo. Những ngón tay run lẩy bẩy không cài hết được…

           Bước khỏi cầu thang, ông Thành còn giơ tay lên để cài nốt chiếc khuy cuối cùng. Chỉ chờ một cơ hội thuận lợi như thế, một tên lính lao tới đâm ngọn giáo nhọn hoắt vào giữa ngực. Ông Thành ngã gục trong cánh tay của người thiếp yêu, không kịp trăng trối điều gì. Hành động xong, họ nhanh chóng bước ra khỏi nhà và phóng ngựa mất hút trong đêm…



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com