VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương tám

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương tám

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương tám

         Ông Tường đập tay xuống bàn:

         - Chuyện vẫn chưa xong! Đánh rắn phải đánh dập đầu!

           Đó là ông đang cay cú nghĩ đến Tuy Lý Vương, Hồng Sâm và Hồng Phì – ba kẻ đã vạch kế hoạch mượn tay giặc Pháp để bắt ông! trước sự phản công dữ dội của phe chủ chiến, cả ba người này chạy trối chết về Thuận An, lánh lên tàu La Vipière mong được hải quân Pháp che chở. Cho ẩn náu nơi này được ba ngày, bọn Pháp đểu cáng đã lật lọng, chúng đem cả ba giao chẳng cho ông Tường! Biết sắp lọt vào tay một người nổi tiếng sắt máu, nóng như Trương Phi, họ đã van khóc như ri xin được ở lại làm chân khuyển mã để mong tìm sự sống, nhưng giặc Pháp vẫn dửng dưng, từ chối! Thân phận của bọn bán mình cho giặc kết thúc quá lạ lùng, ngay cả ông Tường vốn có nhiều mưu mẹo, khôn ngoan cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Tuy Lý Vương may mắn chỉ bị đày vào Quảng Ngãi, còn Sâm và Phì phải chịu án chém!

           Thanh toán xong phe chống đối, hai ông Tường và Thuyết lại lập vua mới. Người bất hạnh được chọn lên ngôi lần này là Ưng Đăng, sinh năm 1869, mới mười lăm tuổi. Khi được làm con nuôi của vua Tự Đức, nhà vua đã giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dạy, rồi sau đó đưa ra học tại nhà Dưỡng Thiện. Từ ngày vua cha băng hà, Ưng Đăng được về ở tại Quan Xá, bên ngoài Lăng Khiêm. Chọn một người hỉ mũi chưa sạch lên làm vua là hai ông có dụng ý: giao quyền lực cho người lớn tuổi thì khó khống chế khó sai bảo. Vì thế Ưng Đăng đã trở thành một con cờ trong ván cờ chính trị đang bày ra trước mắt.

         Trời mới tờ mờ sáng, nghe tiếng gà gáy cầm canh, Ưng Đăng thức dậy và bước ra nhà sau để đi giải. Vừa định quay lưng trở vào trong nhà thì có một đội lính Phấn Nghĩa bất ngờ ập tới, Ưng Đăng hoảng hồn. Đứng trố mắt ngỡ ngàng ngạc nhên không hiểu chuyện gì cả. Bỗng có tiếng nói:

         - Xin rước ngài về cung!

          Chỉ mới nghe vậy, Ưng Đăng đã khóc òa lên định kêu cứu, nhưng lập tức những cánh tay lực lưỡng bịt miệng và xốc nách bỏ lên võng, Ưng Đăng được đưa về nhà Quan Canh. Tưởng bị bắt cóc, Ưng Đăng khóc như cha chết. Sau khi nhận được tin báo, ông Thuyết cấp tốc đến và cho biết ý định của triều đình lập Ưng Đăng lên ngôi vua. Chẳng hiểu mô tê chi cả mặt cứ ngây ra như cán cuốc, Ưng Đăng dở khóc dở mếu. Nhưng rồi ông Thuyết cũng kiên nhẫn dỗ dành:

        - Ngài không thể từ chối được. Trong di chiếu của tiên đế có đoạn viết: “Ưng Đăng tín thận trọng dễ bảo, hầu hạ sớm hôm cẩn thận, chưa có khuyết điểm gì cả nhưng tuổi còn ít, học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu công việc, nên trẫm đành lòng bỏ riêng mà theo mưu kế lớn…”. Thế thì mệnh trời đã định, xin ngài hãy vì tôn miếu xã tắc!

           Ưng Đăng đành gạt nước mắt mà vâng lời.

         Đối với ông Thuyết, chủ đích đưa người nhỏ tuổi lên ngôi thì ông dễ dàng thực hiện những kế hoạch chống Pháp mà không bị cản trở.

          Để không gặp một sự chống đối nào, một cái gai trước mắt bây giờ là chiến tướng Ông Ích Khiêm, người có công giết Hiệp Hòa. Khiêm sẽ tranh công với ta chăng? Đôi lúc ông Thuyết nghĩ thế. Ông biết ông Khiêm là người ngang tàng, bướng bỉnh, ăn nói bộc trực, chẳng có phép tắc gì cả. Là người giỏi chiến trận mà nay lại có công thì còn coi ai ra gì nữa? Hơn nữa, lúc ta cầm quân thì có thời gian dưới quyền Khiêm, vì thế ta quyết định phải ra tay trước. Suy nghĩ như thế, ông Thuyết ghép ông Khiêm vào hai tội: Trước đây, dẹp xong cuộc nổi loạn của dân tộc ít người tại Trà Mi (Quảng Nam), Khiêm đã tự ý đưa quân về nghỉ ngơi tại làng Phong Lệ dù chưa được lệnh của nhà vua; thứ hai, khi vua Tự Đức mất, Khiêm lại đưa một công nương đang chịu tang về chung sống với mình. Với hai lý do vu vơ này, ông Khiêm bị đày vào Thuận Hải.

          Vậy là rảnh nợ. Trong triều sóng yên gió lặng. Ông Thuyết quyết định gấp rút chọn ngày 2.12.1883, đưa Ưng Đăng lên ngôi với niên hiệu Kiến Phúc. Lễ đăng quang được tổ chức vội vã vào lúc 5 giờ sáng, vì ông không muốn người Pháp biết chuyện gây khó dễ.

         Việc làm này không được phía Pháp đồng ý. Khâm sứ de Champeaux cho rằng việc chọn vua mới mà không hỏi ý kiến phía Pháp là vi phạm hòa ước 1883, hơn nữa lại không mời y dự lễ tấn tôn. Không thèm đếm xỉa đến ý kiến này, ông Thuyết  còn bí mật lệnh cho các đội quân Đoàn Kiệt tại địa phương ra tay tàn sát bọn Việt gian, kể cả những linh mục làm việc trong đội quân viễn chinh. De Champeaux phải rút đội quân đang đóng tại cửa Thuận An về bảo vệ tòa Khâm sứ. Trong lúc đó, mặt trận phía bắc vẫn đang xáo trộn, nhất là các cánh quân người Tàu vẫn còn hoạt động mạnh, gây cho Pháp nhiều tổn thất.

           Đứng trước tình thế này, về phía Pháp, họ tìm mọi cách liên hệ với Trung Quốc để ký một hòa ước thỏa thuận nhằm loại người Tàu ra khỏi cuộc chiến để rảnh tay đối phó với nước Nam; về phía ta, ta cũng đang tìm cách sửa đổi hòa ước 1883 vì có nhiều điều quá bất lợi và ta cũng cử phái đoàn do Thượng thư bộ Hình Phạm Thận Duật dẫn đầu đi Quảng Đông với mục đích cầu viện.

         Nhưng lịch sử vẫn có những chuyện diễn ra hết sức tình cờ.

        Đó là tin đại úy hải quân Pháp Fournier có quen với Détring – một người Đức đang làm thương chánh tại Quảng Đông. Détring lại quen với Tổng đốc Lý Hồng Chương. Qua sự môi giới này, Fournier điện về Pháp quốc xin chỉ thị của chính phủ. Được sự đồng ý, y cùng với Lý Hồng Chương ký Hiệp ước Fournier tại Thiên Tân. Hiệp ước này quy định từ ngày 12.5.1884, các cánh quân của người Tàu phải rút hết khỏi nước Nam, nghĩa là Trung Hoa đồng ý cho Pháp được tự do tính toán mọi chuyện ở nước Nam! Thật ra, đây cũng là một cách rúi lui trên thế “thượng phong”, không làm mất mặt “thiên triều” vì trong cuộc chiến, quân tàu cũng đang lâm vào thế bí, không chống cự nổi với người Pháp. Do đó, về phía ta, chuyến đi của Phạm Thận Duật không đem lại một kết quả nào.

       Ký được hòa ước này không khác gì giáng một đòn quyết định vào số phận nước Nam, người Pháp đồng ý cho ta sửa đổi hòa ước 1883. Ngày 6.6.1884 tại tòa Khâm sứ Huế, hai bên đã ký hòa ước Giáp Thân hay còn gọi là hòa ước Patenotre, gồm 19 khoản. Nhưng nhìn chung hòa ước này không có gì mới mẻ, thậm chí khắc nghiệt hơn hòa ước trước ở chỗ từ đây nước Nam bị chia làm ba khu vực khác nhau.Từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở vào gọi là Nam kỳ; từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở ra tới địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình gọi là Trung kỳ; từ địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình trở ra tới biên giới Việt-Trung gọi là Bắc kỳ. Mỗi kỳ có một chính sách cai trị khác nhau như ba nước riêng rẽ, rồi dần dần triều đình Huế chỉ còn là hư vị. Đây là hòa ước cuối cùng trong cuộc chiến ròng rã mấy mươi năm giữa Pháp-Việt, đánh dấu sự khai tử chủ quyền của nhà vua nước Nam! Nó đã kéo dài 61 năm, mãi đến ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp thì mới bãi bỏ. Trước lúc Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận duật, Tôn Thất Phan đặt bút ký thì tay thông ngôn Deveria có ý kiến:

        - Thiết tưởng từ nay nước Nam không còn thần phục nước Trung Hoa nữa mà đã được sự bảo hộ hoàn toàn của nước Pháp, vì thế phải hủy bỏ mọi dấu hiệu mối liên hệ trước đây.

         Y vừa dứt lời thì Patenotre tiếp lời:

       -Đúng vậy, ta cũng phải hủy ngay chiếc ấn do Bắc triều phong cho nước Nam từ bao đời nay!

        Các quan của ta ai nấy đều chết điếng! Đứng như trời trồng. Nhưng rồi không thể không đồng ý. Chiếc ấn vuông do sứ Tàu giao cho vua Gia Long năm 1802, được làm bằng bạc mạ vàng, mỗi bề rộng 11 phân tây, nặng 5 ký 9 trên có tay nắm hình con kỳ lân, ở mặt dưới có khắc 6 chữ “Việt Nam quốc vương chi ấn” bị đem ra và nấu chảy thành một cục đen sì!

          Hòa ước này ký xong thì sĩ phu cả nước rất bất bình.

     Trong khi đó, miệng lưỡi của thiên hạ cũng bắt đầu đồn râm ran về chuyện tư tình giữa ông Tường với bà Học Phi. Nhất là trong thời gian vua Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa.

          Nhà vua thấy chướng tai gai mắt, đã phải quát lên:

        - Tao lành bệnh thì chặt đầu cả ba họ nhà chúng bay!

         Nửa khuya hôm ấy, bà Học Phi quỳ dưới chân con nuôi, tỏ ra rất ân hận và năn nỉ dỗ nhà vua uống chén thuốc để mau lành bệnh. Dù bực tức, nhưng trẻ con nào cũng thích lời nói ngọt như mật rót vào tai. Nói ngọt lọt vào xương. Nhà vua gượng người dậy, nâng chén thuốc uống. Không kịp đặt chén thuốc xuống, Kiến Phúc trợn mắt lên, rồi ngã vật xuống long sàng như cây chuối bị nhát dao chém thật ngọt. Nhà vua tắt thở.

        Rạng sáng, tin này đến tai ông Thuyết. Ông mắng Tường:

       - Tôi đã nói với ông nhiều lần rồi. Chuyện nước đang rối như canh hẹ, thế mà ông cứ lo tìm vui riêng. Thật đáng trách!

       Ông Tường lầm lì lầm lụt:

         -Ông đừng nghĩ thế mà lầm. Tôi không lo việc nước ư? Tôi có cách của tôi, ông có cách của ông. Tôi xin thử hỏi ông, hiệp nước Giáp Thân vừa ký nhân danh ai?

        Ông Thuyết thoáng hiểu những điều mà ông Tường vừa nói. không để cho một người nóng tính như lửa kịp trả lời, vốn là người nhiều mưu mô, nên ông Tường nói ngay:

          - Nếu ta còn muốn cò kè bớt một thêm hai lại với người Pháp thì ta không thể thương lượng khi mà nhà vua còn sờ sờ ra đó. Chi bằng…

         Ngẫm nghĩ trong giây lát, ông Thuyết gật gù, không bày tỏ thái độ gì khác. Ông Tường lại khôn khéo vuốt giận bằng giọng nói trơn như cháo chảy:

           - Việc triều chính hiện nay chỉ còn mỗi một mình ông là rường cột. Mong ông ra tay gánh vác lại giang sơn. Phận tôi hèn, thân tôi như cỏ nát cũng xin được theo ông đến cùng.

         Như sực nhớ, ông Thuyết hỏi:

        - Ông Ích Khiêm hiện nay như thế nào?

          Không rõ câu hỏi ấy được ném ra với ý nghĩ gì, ông Tường ướm lời:

         - Ông ta vẫn bị đày ở Bình Thuận.

          -Có thể gọi về để tham gia trong công việc triều chính được không?

        Câu hỏi này khiến ông Tường rất phân vân, không biết nên trả lời như thế nào cho phải, chỉ còn cách chê mèo lắm lông là tốt hơn cả.

        -Xin ông suy nghĩ cho thấu đáo. Một kẻ đã từng bộc bạch lòng mình qua vần thơ khí khái, ta sử dụng nào khác con dao hai lưỡi.

        Bài thơ này, ông Thuyết có nghe nói là ông Khiêm sáng tác có dụng ý mắng mình với Tường:

Mình ốc mang rêu rửa sạch ai,

Rung cây nhát khỉ thói quen hoài.

Mèo quào phên đất chi khờn sức.

Sứa nhảy qua đăng mới gọi tài

Khó nổi đem tơ ràng vó ngựa,

Dễ đâu lấy thúng úp mình voi.

Truông chưa qua nổi đừng khinh cọp.

Chim sổ lồng ra để đó coi!

        Hai câu kết cũng khiếp đấy chứ! Ông Thuyết bỗng đùng đùng nổi giận:

       - Láo xược!

         Biết ông Thuyết đã nổi nóng, ông Tường còn nói như móc họng:

         - Đó là kẻ láo xược. Nhưng ông lại có ý định gọi về triều thì than ôi! Tài cán của ông cũng xoàng xĩnh vậy sao?

       Ông Thuyết trợn mắt:

         - Ông nói như thế nghĩa là sao?

          Ông Tường vuốt giận làm lành:

       - Ấy là tôi nghĩ vụng, đánh trống qua cửa nhà sấm. Xin chịu tội. Nhưng tôi biết, tướng công đời nào phải nhờ đến Khiêm. Khiêm tài cán gì mà sánh với một người đánh đông dẹp bắc như ông.

          Nguôi nguôi giận, ông Thuyết lại hỏi:

             - Khiêm có than trách gì triều đình không?

          Dù không rõ, nhưng ông Tường vẫn nói hươu nói vượn:

             -Tôi nghe nói trong mấy ngày gần đây, ông ta đã nhịn đói, chỉ xin được chết thôi!

        - Thế à?

         Nói xong, ông Thuyết quả quyết như dao chém nước:

         - Đã muốn chết thì ta cho chết. Ông lệnh quan quân “tam ban triều điển” cho Khiêm!

         Lệnh đã được ban ra. Tại Bình Thuận, Ông Ích Khiêm đã chọn lấy cái chết như trước đây đã bức tử vua Hiệp Hòa, ông cũng dùng thuốc độc!



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com