VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười ba

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười ba

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương mười ba

        Đầu tháng 1.1887, đoàn của các ông Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Khê Ông, Chu Lăng Thục, Nguyễn Quang Bích đến tỉnh Vân Nam. Những ngày này, nhai hạt cơm ngọt bùi trong miệng, ai nấy đều thấy đắng nghét, không thể nuốt trôi xuống cổ họng. Lời hứa của phó Tổng đốc Sầm Công Bảo như cá trê chui ống. Bảo khoác lác một tấc đến trời, nhưng trăm voi không được bát nước xáo. Nằm mãi một chỗ cũng chồn chân, trong lúc việc bên nhà còn đang bề bộn như thế, lòng họ như lửa đốt, cuối cùng họ đề nghị Bảo đưa đoàn sang Quảng Đông.

           Đến nơi, đoàn của ông Thuyết ngụ tại phố Cửa Nam trong thành Quảng Đông, ông có làm một lá sớ đệ lên chính phủ Bắc Kinh. Tại đây mọi tông tích về ông Thuyết và mục đích của chuyến đi bắt đầu lộ dần. Ngày 10.3.1887, gián điệp của Pháp phát hiện và báo về phủ toàn quyền Đông Dương thông qua Lãnh sự quán Pháp tại Quảng Đông. Ngay lập tức chính phủ Pháp căn cứ vào hòa ước Thiên Tân đã ký, buộc Mãn Thanh phải có thái độ. Điều này ít nhiều ông Thuyết đã lường trước, nhưng ông không ngờ lại rơi vào tình thế quá tồi tệ. Trước lúc lên đường, ông hoàn toàn không đặt trọn niềm tin vào sự cầu viện của nhà Mãn Thanh, bằng chứng là ông làm hết sức mình để tạo nên sự chuyển biến tích cực trong phong trào kháng chiến. Tự cứu mình trước khi trời cứu. Phải tự lực cánh sinh. Nhưng nếu có sự liên minh quân sự với Trung Quốc, công cuộc cứu nước sẽ thuận lợi hơn bội phần. Ông muốn tự mình đến tận nơi may ra mới được việc, nhờ người khác đi mà không bày tỏ hết hoàn cảnh thì lỡ hết việc lớn, hơn nữa mình trong hoàng tộc, lại là Phụ chính đại thần thì lời nói sẽ có hiệu lực hơn.

        Nhưng tầm nhìn của ông Thuyết không vượt qua khỏi sự chuyển biến trên bàn cờ chính trị Trung Hoa và Pháp đã diễn ra.

          Một khi Lý Hồng Chương và Patenôtre đặt bút ký hòa ước, qua đó Pháp rút khỏi quần đảo Bành Hồ và Đài Loan thì dứt khoát Trung Hoa phải chấm dứt việc xâm nhập người và vũ khí vào Bắc kỳ. Sự việc này rõ ràng như ban ngày, nó cho thấy triều đại Mãn Thanh đang suy yếu, Pháp đang thắng thế. Vậy thì, sự cầu viện này sẽ không đem lại kết quả nào cả. Ốc không mang nổi mình ốc nữa kia mà. Nhà Mãn Thanh đang bị xâu xé như một miếng mồi ngon thì còn đâu binh lực mà giúp cho nước Nam?

          Trước sự trở mặt của Mãn Thanh, các ông bàn với nhau phải tìm cách trốn về nước để tiếp tục kháng chiến. Sau khi bàn đi tính lại, mọi người cho rằng, nếu ông Thuyết ở lại tìm cách tiếp cận với chính quyền Bắc Kinh thì vẫn có thể lay chuyển được tình thế. Đơn giản Trung Hoa và nước Nam ta đã bao đời hòa hiếu với nhau, cùng một giống da vàng, cùng căm thù bọn quỷ da trắng! Về nước, đến Lai Châu, ông Bích cho nghĩa quân đóng căn cứ tại Văn Chấn (Nghĩa Lộ) tiếp tục giương cao ngọn cờ xướng nghĩa.

         Chiều buông xuống dần. Nhìn tuyết rơi ngoài song cửa, ông Thuyết không khỏi bùi ngùi. Nghe tin chính phủ Pháp vừa chính thức đặt phủ Tổng đốc toàn quyền để lập chế độ cai trị trên toàn nước Nam và Cao Miên thì ông biết cuộc chiến này sẽ một khốc liệt hơn. Mà thật vậy, tổng phản công của giặc Pháp đã nổ ra trên các hướng chiến trường. Những tin tức này khiến ông Thuyết bồn chồn không yên. Bóng chiều  sụp xuống, nghe tiếng động ngoài cửa ông Thuyết giật mình quay lại, không tin vào mắt mình nữa, đang đứng trước mặt ông là Trần Xuân Soạn. Chưa kịp hỏi, đã nghe ông Soạn kêu lên:

        - Trời đã phụ ta! Ông Nguyễn Cao đã tự sát rồi!

        Ông Thuyết chồm người dậy:

       - Ông qua đây lúc nào?

          Tri kỷ gặp nhau nơi đất khách quê người cảm động xiết bao. Ông Soạn cho biết, sau khi căn cứ Ba Đình và Mã Cao thất thủ, ông cùng Hà Văn Mao rút về Điền Lư dựa vào địa thế hiểm trở tiếp tục chiến đấu, nhưng không chống cự nổi những cuộc càn quét liên tục của giặc. Sau khi ông Mao bị giặc giết thì ông tìm cách trốn sang đây.

          Ông Thuyết lặng lẽ cúi đầu. Giây lát sau, ông hỏi:

         - Vừa rồi ông nhắc đến Nguyễn Cao, có phải là ông Cao người làng Cách Bi, con trai của cụ Nguyễn Hành đó không?

           Ông soạn gật đầu.

         Những ngày tháng cũ thoáng chốc hiện ra trong trí nhớ, ông Thuyết biết ngay khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương, ông Cao đã lặn lội đến chiến khu Bãi Sậy của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật để đứng vào hàng ngũ của những người trực tiếp chiến đấu. Ông quý ông Cao một, nhưng quý mẹ của người anh hùng này đến mười. Vì bà là người có khí phách ít ai bì kịp.

         Nghĩ đến chuyện người đàn bà đức hạnh này, ông Thuyết còn rùng mình, hỏi:

           - Thế ông Cao đã tự sát như thế nào?

           Ông Soạn đáp:

         -Ông cao bị giặt bắt tại  làng Kim Giang. Bọn chúng dùng đòn tra tấn dữ dội nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của ông, chúng dụ dỗ ông nếu đồng ý hợp tác sẽ được quyền cao chức trọng, nhưng ông cũng kiên quyết từ chối. Trong khi đó, bọn Việt gian cam tâm ra làm trâu ngựa cho giặc hùa vào nói ông là kẻ bất trung, vì không nghe theo lệnh của bù nhìn Đồng Khánh đã ra lệnh phải bãi binh. Còn giặc thì đem dụng cụ tra tấn hiện đại nhất bày biện trước mắt để đe dọa Nguyễn Cao.

          Vừa nghe kể đến đó, ông Thuyết nói xen vào:

        -Mẹ anh hùng thì con cũng anh hùng! Một người con có bà mẹ anh hùng thì không thể chọn cái chết như một kẻ hèn nhát.

          Ông Soạn đáp:

        -Đúng vậy. Trước những đòn tra tấn như thế, nhưng nét mặt ông Cao vẫn điềm tĩnh, nhìn các dụng cụ tra tấn của giặc, ông bảo: “Không cần những thứ này! Tôi có cách tự xử, không phiền đến các người đâu!”. Xong, ông lấy trong áo một mảnh sành đã giấu sẵn, tự rạch bụng lôi ruột ra ném trước mặt chúng và dõng dạc hỏi: “Ruột của tôi đấy! Các ngươi xem đoạn nào là bất trung!”. Vẫn khí phách ấy, ông Cao đã nhiếc mắng bọn tay sai và tố cáo tội ác của giặc bằng lời lẽ đanh thép. Giây lát sau, từ trong miệng máu tuôn ra xối xả, ông đã cắn lưỡi để tự vẫn!

         Cái chết của Nguyễn Cao đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí ông Thuyết. Ông thức dậy viết bài thơ khóc người anh hùng:

Trước đây mười năm đã từng biết,

Trọn đời hẹn mình cho khí tiết.

Theo tôi đánh giặc, vùng Bắc Giang,

Nổi tiếng can đảm hơn đồng liệt.

Quyết lòng vì nước lập kỳ công,

Khá tiếc năm nay ông vội chết.

Như ông xem chết nhẹ như chơi,

Chí khí kịp theo các tiên triết.

Gần đây chết nghĩa biết bao người,

Tiếng ông Cách Bi trội hơn hết,

Hồn thiêng nên gắng giúp non sông,

Muôn thuở Đức Giang thơm sạch tuyệt. (*)****** Trần Huy liệu dịch.****

          Trong khi đặt bút viết bài thơ này, tâm trí của ông đã nhớ đến người con trai trưởng Tôn Thất Đàm. Điều mong ước của ông về một người con biết sống, biết chết xứng đáng như Nguyễn Cao đã thành hiện thực. Sau khi cha sang Trung Quốc, Đàm đã bố trí cho vua Hàm Nghi ẩn náu tại vùng sông Ve, sát với căn cứ Yên Lương – Cổ Liễm thuộc vùng thượng nguồn sông Gianh của Tán lý quân vụ Nguyễn Phạm Tuân. Còn tại trung lưu dòng sông này là căn cứ của Đề đốc Lê Trực. Sự bố trí hợp lý này đã tạo ra thế liên hoàn bảo vệ “triều đình Hàm Nghi” chu đáo nhất. Nhưng giặc Pháp không bó tay,chúng lập nhiều đồn bốt khống chế tầm hoạt động của nghĩa quân. trước nguy cơ giặc tách nhà vua ra khỏi dân, như xúc cá ra khỏi nước, bộ chỉ huy quyết định phải xoá sổ đồn Minh Cầm – nằm tại mé trên làng Thanh Thủy (Quảng Bình), chia cắt vùng thượng lưu và trung lưu sông Gianh. Theo kế hoạch, đêm 20.2.1887 nghĩa quân ngụy trang bằng cách mặc quần áo người Tàu sẽ nổ súng tấn công. Thông tin này lọt ra ngoài, cha cố Tortuyaux ở nhà thờ Hương Phương biết được liền mật báo cho tên chỉ huy đồn trước ba ngày. Đại úy Mouteaux liền phòng bị chu đáo. Đúng như kế hoạch, Đàm lệnh nghĩa quân nã pháo như mưa vào đồn, nhưng chúng vẫn án binh bất động. Với linh tính của một nhà cầm quân lỗi lạc, Đàm biết kế hoạch đã lộ, nếu cứ tiếp tục tiến đánh thì dứt khoát lúc rút lui sẽ bị phục binh. Do đó anh cho rút lui an toàn.

          Thua keo này bày keo khác.

         Nguyễn Phạm Tuân nghĩ ra kế cài gián điệp vào lực lượng của Pháp. Người nhận nhiệm vụ này là Nguyễn Trọng Duật. Nếu Pháp tin dùng, Duật sẽ xin làm chân lo hậu cần để qua đó bỏ thuốc độc vào thức ăn của chúng. Khi trá hàng, Duật được cấp vàng bạc đem đút lót cho bang tá Nguyễn Phiên. Phiên thấy vàng như mèo thấy mỡ, dẫn Duật đến gặp đại úy Mouteaux để đầu thú. Duật không khéo tạo sự tin tưởng bằng cách dẫn chúng đi đánh phá một vài căn cứ nhỏ của nghĩa quân, nhưng do có thông báo trước nên không thiệt hại gì đáng kể. Dần dần Duật được tin dùng và Mouteaux giao đi mua voi của người Mường để phục vụ tác chiến. Đàm hay tin liền tương kế tựu kế. Dự kiến nghĩa quân sẽ làm người giao voi, làm nội ứng hỗ trợ cho bên ngoài tấn công vào đồn. Công việc đang tiến hành suôn sẻ, tình cờ Pháp tập kích vào căn cứ của nghĩa quân, chúng đã tịch thu được những công văn trao đổi về kế hoạch trên mà Nguyễn Phạm Tuân gửi cho Đàm. Lập tức Duật bị tra tấn tàn nhẫn. Không chịu nổi đòn tù, Duật phản bội dẫn đường cho Pháp tấn công.

         Bộ chỉ huy phải đương đầu với những cuộc tấn công dữ dội.

          ****

           Tỉnh dậy, ông Thuyết thấy đầm đìa mồ hôi. Một cơn ác mộng đè nặng giấc ngủ. Ông bần thần, bỗng thấy ruột gan như đứt từng đoạn. Biết có điềm chẳng lành. Ngóng về phoung Nam. Trời đêm mù mịt. Không rõ những ngày này vua Hàm Nghi có an toàn không? Lo lắng nghĩ ngợi mãi, ông không biết đêm nay, đêm 30.10.1888, tại quê nhà đang xảy ra tin dữ…

         Lúc này, vầng trăng nép mình vào bóng mây, bóng tối trùm xuống căn nhà lá trên bờ khe Tá Bào - nằm ở thượng lưu sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình - mọi người đang ngủ say. Bỗng nghe có tiếng chân sột soạt, hai người hầu nhà vua giật mình, vội vàng nhảy ra ngoài quan sát, liền bị ngọn giáo đâm qua bụng. Nghe tiếng la hét, Thiệp – con trai của ông Thuyết, bật người dậy, cầm gươm xông ra, chưa kịp nhận rõ mặt đối thủ thì đã hứng lấy một ngọn giáo từ xa lao tới, xuyên qua ngực! Lập tức, chúng xông vào trong nhà bắt Hàm Nghi, nhà vua thét lên:

        - Thằng Ngọc! Mày giết tao đi, còn hơn đem tao giao cho Tây!

        Đau đớn vì nhận ra kẻ phản bội chính là Trương Quang Ngọc, Hàm Nghi giận đến run người. Ngọc được Đàm chọn vào đội quân đi bảo vệ nhà vua, vì y giỏi về kỹ thuật bắn nỏ, rất lợi hại. Nhưng vì nghiện thuốc phiện, Ngọc về sau không chịu đựng được gian khổ lại ham tiền để hưởng lạc nên ngầm mưu phản. Khi Hàm Nghi vừa dứt lời, một tên Mường nhảy vào ôm ngang bụng, giật lấy gươm.

             Từ đây, Đồng Khánh xuống dụ cấm nhân dân cả nước không được dùng hai chữ “Hàm Nghi” khi cần chỉ được gọi “Quận công Lịch” nhằm đề phòng những người kháng chiến lấy danh nghĩa Hàm Nghi để mưu việc chống lại triều đình!

         Khi hay tin nhà vua sa vào tay giặc, Đàm rất đau khổ vì mình đã không làm tròn nhiệm vụ mà cha đã giao phó trước lúc bôn ba nơi xứ người. Đàm viết lá thư gửi cho thiếu tá Dabat - chỉ huy đồn Thuận Bài:

        “Những việc khốn nạn vừa xảy ra ở nước tôi bắt buộc tôi phải viết lá thư này cho ngài. Cha tôi, vì việc nước phải xuất dương hiện chưa về, tôi phải kế tục sự nghiệp lớn lao và vua tôi chẳng quản tôi tuổi trẻ tài hèn, đã phó thác cho tôi. Tôi không hiểu sao trời lại xui khiến vua phó thác cho tôi trách nhiệm quan trọng ấy, và tôi tiếc rằng không được ở cạnh vua để cứu giá và giết chết hết bọn phản thần, hoặc cùng chết với em tôi khi quân phản nghịch bắt vua nộp cho quân địch. Nếu bọn giáo dân không xen vào giữa người Pháp và người Nam thì  không bao giờ có chiến tranh. Về phía chúng tôi, thì tự nhiên không bao giờ khiêu chiến với người Pháp. Nếu chúng tôi có chống đối người Pháp chẳng qua vì phận sự phải che chở bờ cõi, và hết lòng trung thành theo vua, khi ngài rời bỏ kinh thành.

  Nay chúng tôi bị thua. Cái then chiến bại đã đến bước đường cùng. Vậy xin ngài cho tướng sĩ được về quê an trí làm ăn và không phải ra thờ triều đình mới”.

        Xong, Đàm viết tiếp lá thư thứ hai gửi cho Hàm Nghi:

          “Không được gần gũi hoàng thượng để hộ giá, khi có kẻ phản thần làm việc ám muội, thần mang tội rất nhiều. Song đấy là mệnh trời xui, nên nước ta gặp nước gian nguy và các công thần không được gặp vua để cứu giá. Các quan văn võ sẽ mang hận suốt đời, vậy xin hoàng tượng tha thứ cho và thề sẽ hết lòng trung cho đến thác”.

          Dabat nhận được thư của Khâm sai Chưởng lý quân vụ đối phương rất khâm phục và viết thư chiêu dụ, mời ra hợp tác, hứa sẽ trọng thưởng xứng đáng, nhưng Đàm từ chối. Ông triệu tập các tướng lĩnh dưới quyền chỉ huy trực tiếp, tuyên bố giải binh và khuyên mọi người trở về quê quán làm ăn, nhưng chớ nhận chức vụ gì của triều đình mới. Trước lúc chia tay, ông nói:

          - Nếu người Pháp có hỏi gì về ta, hãy bảo chúng vào rừng sâu núi thẳm mà tìm, chúng sẽ thấy nấm mồ của ta!

           Đàm băng rừng lội suối tìm đến chùa Vàng Liêu nằm heo hút tại vùng rừng núi Hà Tĩnh, tháo khăn đang đội trên đầu thắt cổ tự tử. Người anh hùng trẻ tuổi vừa tròn 22 tuổi.

           Nơi xứ người, nghe tin vua Hàm Nghi bị bắt, các con và những người cộng sự thân tín chọn lấy cái chết oanh liệt, ông Thuyết như điên dại. Lòng căm thù của ông lúc nào cũng sôi sục trong máu. Để tiếp tục giương cao ngọn cờ Cần vương sau khi Hàm Nghi bị bắt, ông lao tâm khổ tứ tìm một nhân vật để đứng ra điều hành công việc chung tiếp tục chống Pháp. Người mà ông đặt hết hy vọng đó là Phan Đình Phùng. Ông viết lá thư giao cho thủ hạ Trần Thế vượt núi trèo non, tìm đến căn cứ Vụ Quang để giao cho ông Phùng. Trong thư có đoạn viết: “Hiện nay trong nước như không có triều đình, vậy nơi tướng quân khởi nghĩa có thể coi như trung khu của nhà nước, tướng quân cứ tùy nghi làm việc, chọn người mà dùng, cốt giữ lấy đức liêm chính công bình mà mưu việc lớn”. Như thế, ông Thuyết vẫn còn giữ vai trò Phụ chánh đại thần duy nhất của triều đình kháng chiến để điều hành việc quân trong nước.

           Không thể thụ động ngồi yên, ông Thuyết cùng Trần Xuân Soạn đi tìm tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc để nhờ giúp đỡ xây dựng những đội vũ trang. Những đội quân này liên tục đánh xuống vùng Cao Bằng, nhưng đều bị giặc đẩy lui. Nhìn thấy nguy cơ lực lượng quân sự đang chi viện từ biên giới phía bắc, nếu không dẹp ngay thì sẽ nguy to, Toàn quyền Đông Dương chỉ thị Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh yêu cầu nhà cầm quyền Trung Hoa phải đưa ông Thuyết đi an trí và cô lập Lưu Vĩnh Phúc.

          Ông Thuyết bị đưa đi Long Châu. Đó là năm 1896.

         Trên đường đi hun hút dưới mưa tuyết ngập trời, ông ngâm câu thơ:

Lời gửi non sông bao đồng chí,

Già này dẫu mệt dám đâu ngơ.

          Nhớ nước không nguôi và giận mình tính sai nước cờ, ông Thuyết đâm ra quẫn trí, lúc tỉnh lúc mê. Những người thuộc hạ đi theo ông thấy vậy, thường đưa ông đi viếng danh lam thắng cảnh cho khuây khỏa. Khuya nay, trăng vằng vặc đỉnh trời. Thuyền bềnh bồng ra đến giữa sông, nhìn thấy phía xa xa có một ngôi  miếu cổ, ông hỏi:

          - Miếu ấy thờ ai mà nghi ngút khói nhang thế?

          Một người đáp:

        - Bẩm, đó là nơi thờ một võ sinh có hiếu với mẹ. Lúc mẹ đang ốm phải ở nhà chăm sóc mẹ, nhưng khi nước có giặc thì vẫn hăng hái xông pha nơi chiến tuyến và hy sinh anh dũng lúc đang giữ thành.

         Nghe nói thế, bất giác hai dòng lệ nóng chảy dài khỏi hố mắt sâu hoắm và ông bật lên tiếng khóc:

         -Nghe người giữ cô thành cho đến chết, tỏ rõ tinh thần khẳng khái của bề tôi trung với nước, con hiếu với nhà. Còn ta, ta đã làm được gì cho nước cho nhà?

         Nói xong, ông cho quay lui thuyền về. Không còn tâm trí mà thả hồn theo trăng, hoa mây, nước giữa thiên nhiên bát ngát…

         Thời gian này ông bắt đầu nghiên cứu kinh Phật. Thấy vậy, những thuộc hạ khuyên ông nên cạo râu tóc dù tu tại gia. Nhưng ông đáp:

        - Lòng thiền đâu tiếc gì tóc, nhưng mặt nam nhi cần phải để râu lại!

             Ai nấy đều không dám cười mà cảm động, vì biết ông vẫn chưa nguôi lạnh tấm lòng báo quốc. Khi nghe tin trong nước biết các cuộc khởi nghĩa của các đấng anh hùng đều bị dìm trong máu, ông Thuyết lại càng đau đớn. Chao ôi! Ông Phan Đình Phùng sau khi chết cũng không yên. Tên Việt gian Nguyễn Thân tàn nhẫn sai quật mồ, đốt thi hài của ông thành tro, rồi nhồi tro vào thuốc súng thần công mà bắn xuống dòng La Giang! Rồi mồ cha của ông Trần Xuân Soạn cũng bị giặc quật lên, xương cốt đem xếp giữa đường để thiêu hủy! Ông Thuyết ôm mặt khóc hu hu. Tội ác của giặc rành rành như thế, nhưng ta lại bất lực. Ta làm gì để cứu nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ? Không trả lời được câu hỏi đang xoáy trong óc, ông Thuyết ngày càng quẫn trí, đau đời. Khi các thủ lĩnh kháng chiến sa cơ, chạy sang Trung Quốc cũng đều tìm đến ông. Biết uy tín của ông đối với phong trào kháng chiến trong nước còn lớn nên một lần nữa, giặc Pháp lại bắt buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải đày ông đi Thiều Châu.

           Sống trong cảnh cá chậu chim lồng, ông Thuyết trút hết căm hờn xuống những tảng đá. Mỗi ngày, ông cầm gươm chém đá cho hả giận, bởi thế những người dân địa phương đã gọi ông là Trảm thạch công. Cây gươm dài một trước chém đá mỗi ngày, nay cùn chỉ còn lại dăm phân!

         Nơi đất khách quê người, từ đây ông Thuyết không còn được gặp người thân thuộc nào nữa, chỉ duy nhất một người con rể Nguyễn Thượng Hiền có tìm đến thăm. Hai cha con mừng mừng tủi tủi, ôm nhau hàn huyên tâm sự suốt canh thâu. Ông Thuyết nói:

           - Ta đã lầm lẫn khi chọn Trung Quốc để cầu viện. chúng giúp ích gì cho ta đâu? Thế con cũng theo vết xe đổ của ta ư?

         Ông Hiền đáp:

         - Vận nước đang trong cơn hiểm nghèo, không thể không đi cầu viện. không phải Trung Quốc không giúp ta mà chỉ bọn triều đình hèn nhát, quay lưng lại nước Nam khốn khổ, chứ những bậc áo vải anh hùng hào kiệt cũng ngầm giúp ta. Nhưng con nghĩ không chỉ cầu viện Trung Quốc mà còn phải đi sang cả Nhật Bản nữa.

             Đây là một chủ trương mới của thế hệ trí thức trẻ đang thực hiện mà ông Thuyết chưa nghĩ đến. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông Hiền cải trang làm phụ nữ và bí mật xuất dương.

         - Thế lúc con đi thì vợ con có hay biết không?

        Ông Hiền thưa:

          - Dạ không? Nhưng cha ôi! Khi con sang đây thì hay tin nhà con đã mất!

             Ông Thuyết đã khóc rống lên. Trong tâm trí ông mường tượng đến cô Ẩn, lúc cưới chồng không có ông bên cạnh, lúc về chín suối cũng không được ông vuốt mắt.

        - Xin cha đừng buồn phiền mà nhuốm bệnh. Muôn sự tại trời. Con có viết câu đối khóc vợ, nay xin đọc hầu cha.

           Nói xong, ông Hiền đọc cho nhạc phụ nghe. Giọng trầm buồn, khắc khoải trong canh vắng:

           Trông lên trời, trời đã bốn bề mây bủa, cúi nhìn đất, đất đã gai góc tràn lan, uống tuyết ăn sương, gian lao ngàn vạn dặm, bể thẳm còn chưa lấp, non nước trút nặng lời thề, lẽ để hồn quê vương vấn mộng;

        Trẻ theo cha, cha vì việc vua ra đi, lớn theo chồng, chồng vì việc nước xa lánh, nuốt cay ngậm đắng, sau trước mấy mươi năm, đầu bạc hẳn càng buồn, duyên nợ ai khen khéo tính, trước đem gương lược cắt dây sầu.

          Nghe xong, ông Thuyết lại đầm đìa nước mắt.

         Sáng sớm, bật người thức dậy thì ông không còn thấy con rể nữa. Nguyễn Thượng Hiền đã lên đường sang Nhật bản theo kế hoạch đã định trước, sang đó để cùng Phan Bội Châu thành lập Việt Nam quang phục hội. Ông Thuyết bùi ngùi thấy trên bàn có bài thơ của chàng rể viết tặng ông:

Thiều quan đường thẳng tới,

Thành xưa núi bọc quanh.

Vùng trời bay chiếc nhạn,

Sao hướng sáng năm canh.

Xa nước lòng như cắt,

Phò vua kế chửa thành.

Nguyên Long còn khí khái,

Gọi rượu cùng luận bình. (*)Chương Thâu dịch.*****

         Ông Thuyết ngồi trầm ngâm, ông biết qua câu thơ “Nguyên Long còn khí khái”, chàng con rể muốn so sánh ông với Trần Đăng, hiệu Nguyên Long người đời Đông Hán, tính trung thực, luôn đau đáu phò vua giúp nước. Khi bình luận về nhân vật này, Hữu Phiếm đã nói với Lưu Bị: “Đó là một người hồ hải, hào khí ngất trời”. Con rể hiểu được nhạc phụ như thế này cũng là điều rất quý, ông tự nhủ.

         Ngày tháng dần trôi.

        Trên bước hoạt động cách mạng ở xứ người, có lần nghe nhân sĩ quê ở Thiều Châu đọc câu đối:

Thù ngoài không đợi trời chung, muôn thuở tiếng thơm ghi Tượng Quận;

Giúp chúa riêng tìm đất khác, ngàn năm xương trắng gửi Thiều Châu.

         Nguyễn Thượng Hiền mới biết tin cha vợ đã qua đời. Ông sửng sốt, không tin một người lừng lẫy như thế lại chết đơn độc một mình nơi đất khách quê người, không có một thân nhân bên cạnh vào lúc trút hơi thở cuối cùng. Năm 1914, từ Nhật Bản về Trung Quốc xây dựng căn cứ chiến đấu của tổ chức Việt Nam quang phục hội, ông Nguyễn Thượng Hiền mới có điều kiện cùng ông Trần Xuân Soạn đứng ra làm lễ tế vong người anh hùng. Chàng rể đã viết bài văn điếu:

Kính thay hướng công!

Anh hào bậc nhất

Đứng hàng văn ban

Dòng dõi tôn thất

Cầm lệnh ra quân

Sấm vang chớp giật

Dẹp bắc đánh đông

Tan tành đảng giặc

Thời vua Dực Tông

Cờ Tây kéo tới

Lấn đất Bắc ta

Mưu lòng lang sói

Ông diệt tên trùm

Thế giặc tàn lụi

Tiếng nghĩa lẫy lừng

Bốn phương vang dội

Vận nước ngày suy

Cáo hang,chuột ổ

Dẫu nắm quyền đầu

Khôn ngăn xe đổ

Một trận tựa thành

Chí khí đã tỏ

Trời giúp giặc Tây

Xui ta nước vỡ

Ôm tiết nước người

Lo lòng phục Sở

Ba mươi năm trời

Một bầu máu đỏ

Ốm bởi hờn căm

Chết chưa dứt nợ

Suối vàng ngàn thu

Mối hờn khôn gỡ

Tôi phường tiểu tử

Tài mọn trí nông

Nhỏ làm con rể

Lớn theo đòi ông

Đội ơn thề báo

Dám quản ngại ngùng

Chiếc thân vượt biển

Đường qua Quảng Đông

Gặp ông ở Thiều

Tủi mừng khôn xiết

Chữa bệnh không tài

Lòng đau da diết

Việc nước nặng mang

Nghỉ ngơi dám biết

Tạm biệt ra đi

Ngờ đâu vĩnh biệt

Xót thay vận nước

Sông núi tan tành

Nguyện noi chí ông

Chống giữ trời xanh

Mong sao mai mốt

Giặc Tây quét thanh

Bêu đầu quân cướp

Cáo với tiên linh

Hương lòng muôn dặm

Một chén lòng thành

Anh hồn xa thấu

Chứng giám tâm tình

Than ôi!

Thượng hưởng! (*)**** Nguyễn Văn Bách dịch****

             Trước ngày tế lễ vọng này một năm, đêm 22.9.1913, Thiều Châu chìm trong một cơn mưa dầm dề. Tưởng như thác lũ xé toạc mây đen mà trút nước xuống cõi trần. Có một ông già bảy mươi tư tuổi đang ngồi trong nhà thấy sấm sét đùng đùng giữa trời, ông tưởng chừng như nghe tiếng súng, tiếng pháo oanh liệt của thời trai trẻ vọng đến. Chao ôi! Thời ấy máu còn nóng. Sức vật ngã voi. Ta xông pha nơi hòn tên mũi đạn nào có sá gì! Nay sao nghe tiếng sấm sét lại sợ? Ta hèn quá! Ta yếu quá! Không thể như thế được! Ông vùng dậy, cầm gươm chạy ra giữa trời và chém điên cuồng vào tảng đá sừng sững trước mặt. Lưỡi gươm chém vào đá như muốn trút hết nỗi căm hờn đang dồn ứ trong tâm khảm. Lúc thấy lòng vơi dần nỗi uất ức, ông thả gươm xuống và nằm dài trên bãi cỏ nhìn lên vòm trời xám xịt. Sấm sét đùng đùng. Mưa như thác lũ. Giây lát sau, ông lặng lẽ nhắm mắt vĩnh viễn từ bỏ trần gian.

          Ông già đó là chiến tướng Tôn Thất Thuyết.

LÊ MINH QUỐC

(Phú Nhuận, 1.8.2002)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com