VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương sáu

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương sáu

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương sáu

       Nâng chén thuốc bổ trên tay, ngửi thấy mùi đắng nghét quen thuộc, bất giác vua Tự Đức òa lên khóc. Những cung phi mỹ nữ phải dỗ dành mãi, nhà vua đành nhắm mắt để uống. Lưỡi vừa chạm vào vị thuốc đã khiến ông rùng mình, muốn ọe. Rồi, chén thuốc cũng uống cạn, nhưng ông không sao chợp mắt được. Mở mắt thao láo nhìn vào bóng đêm, ông thấy tâm thần bồn chồn, bất ổn. Thành Hà Nội đã mất vào tay giặc Pháp. Đã thế, mạn biên giới phía Bắc bọn giặc khách lại quấy phá liên tục. Ở Nam Kỳ, tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập Hội đồng thuộc địa dần dần ổn định bộ máy cai trị. Bao nhiêu việc rối rắm như thế đang diễn ra trước mắt, dù đau lòng nhưng ông bất lực…

           Ngay sau khi thành Hà Nội thất thủ, Trung Quốc vẫn là một lực lượng hùng hậu mà vua quan nhà Nguyễn đang hy vọng sẽ giúp cho mình. Nhưng nay họ đã chọn đi một nước cờ khác. Ngày 6.5.1882, hầu tước Tăng Kỷ Trạch - đại sứ Trung Quốc tại Paris lên tiếng đòi quân đội Pháp phải rút hết khỏi Bắc Kỳ vì nước Nam vẫn còn “thuộc quốc” của Trung Quốc! Ý kiến này không được chấp thuận vì hòa ước 1874 giữa triều đình Huế và Pháp đã ký. Phía Pháp tăng cường phòng bị, quyết không nhượng bộ, không để cho nhà Thanh “dây máu ăn phần”. Chính vì thế, chỉ một tháng sau, Tổng đốc Vân Nam núp dưới chiêu bài “tiễu trừ giặc Cờ đen” đã đưa quân ồ ạt sang Bắc Kỳ để tranh giành với Pháp, xâu xé nước Nam. Quân nhà Thanh tàn bạo ghê gớm, chúng cướp phá, hãm hiếp… bất cứ nơi nào mà chúng hành quân qua. Nhân dân oán trách nhà Nguyễn đã để cho chúng tràn vào chiếm Bắc Kỳ. Thế nhưng, vua Tự Đức vẫn không tin phía nhà Thanh “xấu chơi” như thế, ông xuống dụ để phủ dụ quan lại, quần chúng và thanh minh: “Người nước Thanh đâu có làm việc bất nghĩa như thế!”

          Dụ của nhà vua ký chưa ráo mực thì Trung Quốc đã đưa được 17 doanh quân sang Bắc Kỳ thống lĩnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên! Không thể chần chừ nữa, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Duclere tuyên bố ủng hộ kế hoạch đánh chiếm châu thổ Bắc Kỳ, còn Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và Hải quân Pháp Jaure Guiberry vận động nghị viện Pháp thông qua ngân sách cần thiết cho cuộc viễn chinh sắp tới.

         Vì thế, đầu năm 1883, sau khi có thêm viện binh, Henri Riviere lập tức tung quân đánh chiếm vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Yên nhằm khống chế và bảo đảm quyền lợi của người Pháp trên vùng biển Bắc Kỳ. Thừa thắng xônglên, chúng lại kéo quân từ Hà Nội xuống đánh chiếm Nam Định…

           Đang giữ chức tượng thư bộ Binh, phụ trách toàn bộ việc quân của triều đình, Tôn Thất Thuyết phải nghĩ đến biện pháp đối phó. Theo ông, trước hết phải chiếm lại thành Hà Nội, vì đây là đất yết hầu của Bắc Kỳ, từ nơi đây có thể tung quân để khống chế được nhiều nơi khác… Với chiến thắng oanh liệt năm 1873 vẫn còn in đậm trong tâm tưởng, ông Thuyết liền nghĩ đến đại tướng Lưu Vĩnh Phúc. Ông mật lệnh cho Hoàng Kế Viêm phối hợp với quân Cờ đen điều quân từ Sơn Tây về đóng tại phủ Hoài Đức. Lưu đại tướng đồng ý đứng chung chiến tuyến. Nhưng Lưu không có mục tiêu cao cả và chính nghĩa như quân của Hoàng Kế Viêm mà vì lý do khác. Đó là do tham vọng gây áp lực với giặc Pháp trong việc xâu xé nước Việt, nhà Thanh bí mật hạ lệnh cho quân Cờ đen phải giết hết số dân theo đạo ở Bắc Kỳ để làm hậu thuẫn trong khi thương lượng. Theo chúng, “Chúng ta không thể hy vọng đánh thắng được người Pháp một khi ở Bắc Kỳ đang còn số dân theo đạo Gia tô. Chính nhờ bọn giáo dân và bọn giáo sĩ mà kẻ thù của chúng ta đã nắm được tình hình xứ này, đã nắm được sự bố phòng mà chúng ta buộc phải công khai xếp đặt để chiến đấu, và một khi sắp sửa hành động thì chúng ta thấy rằng mọi kế hoạch của chúng ta đều bị bại lộ cả. Bởi vậy, trước hết chúng ta phải tiêu diệt hết bọn giáo dân, và như vậy, chúng ta dễ dàng thắng lý với người Pháp.”

          Trong ván cờ oái oăm này, về phía ta, để tránh vi phạm vào điều khoản đã ký với Pháp, lần này, ông Thuyết chỉ đạo quân triều đình không ra mặt, tất tần tật mọi thứ đều xem như là một hoạt động bộc phát của quân Cờ đen! Từ phủ Hoài Đức, đêm đêm liên quân Việt và Cờ đen câu đại bác vào thành để tạo thế áp sát Hà Nội. Hoảng hốt trước vành đai này ngày càng siết chặt, Henri Riviere rút quân từ Nam Định về Hà Nội. Những trận đánh của liên quân liên tục tấn công vào nhà thờ, đồn bót, lãnh sự Pháp… Vốn là người nóng tính, tự phụ, Henri Riviere giận đến run người. Và y bị kích động đến tột bực khi rạng sáng ngày 4.5.1883, thấy bản thông báo được dán ngay trước cổng thành Hà Nội và nhiều nơi khác với nội dung như sau:

       “Ta là Lưu Vĩnh Phúc, đại tướng bách chiến bách thắng tuyên cho bọn Pháp các ngươi biết rằng: Ta chỉ coi các ngươi là bọn giặc tầm thường, không một quốc gia nào thèm đếm xỉa đến.

           Các ngươi nói rằng đến đây để bảo vệ tôn giáo của các ngươi là điều dối trá, thực ra các ngươi chỉ là lũ sài lang đói khát đến cướp phá xứ sở của ta. Bụng dạ của các ngươi không thua gì hổ báo.

         Từ khi kéo đến nước Nam, các ngươi đã cướp phá biết bao thành trì và giết chết biết bao quan quân, lê thứ. Tội ác của các ngươi nhiều như tóc trên đầu không sao kể xiết.

             Phạm nhiều tội ác như vậy, các ngươi phải chết! Trời đất quỷ thần nào dung cho các ngươi! Hôm nay ta được lệnh tiễu trừ các ngươi đến cùng. Quân ta đi rợp đất, cờ ta bay lòa mây, gươm súng ta nhiều như cây cỏ trên rừng.

           Ta sẽ đến tận sào huyệt của các ngươi để diệt trừ một lần cho xong, nhưng nghĩ đến sinh mạng và tài sản dân chúng là điều trọng hơn cả, do đó ta không muốn dùng thành Hà Nội làm bãi chiến trường. Nay ta gửi lời đến cho bọn giặc cướp các ngươi rằng, nếu nghĩ mình tài giỏi thì các ngươi hãy đến Phủ Hoài.

         Quân đội các ngươi như diều, như quạ thì hãy đo tài, thử sức với nghĩa binh của ta để biết ai can đảm và ai sẽ là người chiến thắng.

             Nếu các ngươi sợ không dám đến thì nhanh chóng gửi đến doanh trại của ta: đầu của tên tư lệnh, đầu của tên tiểu đoàn trưởng, đầu viên lãnh sự, đầu các đại úy pháo binh và các võ quan khác rồi nộp thành cho ta! Ta hứa sẽ tha tội chết để các ngươi về châu Âu toàn vẹn. Ta hứa sẽ không đuổi bắt các ngươi để trị tội.

        Còn nếu như các ngươi chậm trễ, ta sẽ đến tận chốn của các ngươi. Như thế thì sẽ không kẻ nào được dung tha, ngay cả ngọn cỏ, lá cây cũng phải nát.

          Các ngươi gần cái chết!

         Nghĩ cho kỹ!

Ngày 4 tháng 4 năm Tự Đức thứ 36

Đại tướng Lưu Vĩnh Phúc

         Henri Rivière nghiến răng kèn kẹt. Quả là một sự sỉ nhục, láo xược! Y nhổ toẹt bãi nước bọt vào bản thông báo này. Chưa hả giận, y vung tay bóc lấy nó, xé nát. Từng mảnh vụn của bản thông báo bay vật vờ theo gió…. Quay gót vào thành, y lên kế hoạch đối phó. Từ 5 giờ sáng ngày 19.5.1883, y đã ra lệnh xuất phát. Trên đường đi Phủ Hoài, quân đối phương đang ẩn nấp sau những lũy tre dày đặc, đường đi bị đắp ụ nhiều quãng thành những chướng ngại vật khiến quân Pháp không thể xông xáo dễ dàng.

        Bất thình lình súng nổ vang!

         Các hướng quân của y đã sập vào bẫy mai phục của đối phương ngay tại Cầu Giấy. Trận đánh kéo dài suốt trong hai tiếng đồng hồ. Henri Rivière tử trận cùng 100 binh lính và sĩ quan chết hoặc bị thương. Chỉ trong nháy mắt, cái đầu của Henri Rivière đã bị lính Cờ đen chặt, đem nộp cho Lưu Vĩnh Phúc.

          Chiến thắng này đã làm nức lòng dân quân cả nước. Trong khi giặc Pháp đang sa lầy ở Bắc Kỳ, nghĩa quân tại Nam Kỳ khắp nơi nổ ra những cuộc nổi dậy trên bình diện rộng - từ Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho đến Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc, Long Xuyên… Trong khi đó, dù vua Tự Đức thăng cho Lưu Vĩnh Phúc làm Đề đốc, ban cho mão quan Chánh nhị phẩm và một cái kim bài có khắc chữ “Trung dũng”, các quan quân khác cũng được thưởng rất hậu, riêng Tôn Thất Thuyết được cử vào Viện Cơ mật, nhưng nhà vua cũng ra lệnh ngừng tấn công để đàm phán!

       Tại Pháp, khi nghe tin báo Henri Rivière đã đền tội, cả Paris rung động, bàng hoàng. Chính phủ Pháp do dự nên rút lui hay vẫn tiếp tục xâm chiếm bằng mọi giá? Cuối cùng, khi hay tin vua nước Nam hạ lệnh cho quan quân án binh bất động thì Quốc hội Pháp nhanh chóng đồng ý trích 5 triệu rưỡi France để lo binh phí và cử một quan văn giữ chức Toàn quyền đối phó với mọi tình huống cả hai mặt quân sự lẫn dân sự tại Bắc Kỳ. Một nhân vật mà chính phủ Pháp đánh giá là “người của thời cuộc” được đưa lên vũ đài chính trị là Harmand - sứ thần của Pháp đang ở tại Bangkok. Mọi việc thuận lợi vì y là chiến hữu của Francis Garnier, từng tham chiến tại Bắc Kỳ. Để hỗ trợ cho y, chính phủ Pháp còn đưa trung tướng Tư lệnh Bouet sang điều hành các cuộc hành quân xâm lược.

          Ngày 7.6.1883, Bouet kéo quân rầm rộ ra Bắc Kỳ và bắt đầu những cuộc đánh phá quyết liệt.

             ****

         Phóng tầm mắt nhìn qua dòng sông Hương, ông Thuyết bồn chồn không yên. Tình hình ở Bắc Kỳ liên tục cấp báo về triều đình theo chiều hướng ngày một xấu hơn. Các cánh quân của Bouet liên tục đụng độ với liên quân Việt - Cờ đen và luôn giành được thắng thế trên chiến trường. Quan quân ta không thể đối đầu với vũ khí tinh nhuệ, phương tiện phục vụ cho chiến tranh hoàn hảo và nhất là với đội quân xâm lược nhà nghề được huấn luyện chu đáo. Để nắm thêm tình hình ngay tại Hà Nội, ông Thuyết cho gọi án sát sứ Tôn Thất Bá về kinh. Bá là người cùng Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng được Pháp giao giữ thành Hà Nội ngay sau khi Hoàng Diệu tuẫn tiết. Dù khinh Bá ra mặt, nhưng ông vẫn sử dụng để thông qua đó nắm được mọi động tĩnh của đối phương.

       Cậy mình là người được phía Pháp tin cậy, trở về kinh, Bá ngông nghênh không coi ai ra gì. Đến Huế, Bá không vào chầu ngay mà lén lút thậm thụt trong tòa Khâm sứ với Rheinart. Viên đại úy này là người đầu tiên giữ chức “đặc phái viên ngoại giao” của chính phủ Pháp chính thức đóng tại Huế, tiền thân của “chế độ khâm sứ” sau này, do đó thế lực của Rheinart rất lớn. Dù dựa vào thế lực này, tuy thế, khi diện kiến quan đại thần đứng đầu Viện Cơ mật, Bá không đứng thẳng, mà y luôn quỳ mọp dưới đất, bởi y biết thân phận của mình và nghe nói ông Thuyết là người rất cục cằn, rất nóng tính nên Bá đâm ra sợ sệt! Vẫn miệng lưỡi xun xoe, Bá ca ngợi tài cầm quân của ông và có đọc bài thơ chúc tụng. Nhưng vần thơ của Bá vừa phun ra, ông Thuyết đã gạt phắt:

          - Thơ với thẩn! Những thứ ấy có cần thiết trong lúc dầu sôi lửa bỏng này không?

         Bá tẽn tò im lặng. Lại hỏi:

         - Thế ngươi đánh giá tình hình ra sao, nhất là sau khi thiếu tướng Bouet ra Bắc?

        Bá rụt rè:

        - Bẩm quan đại thần, nếu ngài cho phép thì tôi xin nói!

        Ông Thuyết quả quyết:

         - Ngươi cứ nói. Trong binh thư có dạy, “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”. Ngươi ăn cơm Tây đã mòn răng, chẳng lẽ không biết được tương quan lực lượng của ta và chúng hay sao?

          Bá lúng túng. Chuyện này vượt khỏi tầm suy nghĩ của y. Y chỉ biết, lực lượng của chúng hùng hậu quá, hỏa lực của chúng dữ dội quá. Mà phía ta thì nào có gì? Có gì ngoài gươm cùn, giáo gãy hoặc dăm ba khẩu đại bác cổ lỗ thì làm nên cơm cháo gì! Suy nghĩ chín chắn như thế, Bá nói thẳng ruột ngựa:

        - Sức người Pháp mười phần, ta chỉ có hai phần.

        Câu nói vừa dứt, ông Thuyết đỏ mặt tía tai, đùng đùng nổi giận. Ông chỉ tay vào mặt Bá nói như tát nước vào mặt:

         - Lộng ngôn! Quan quân nước Nam ai cũng suy nghĩ như ngươi thì còn gì đất với nước! A! Những ngày ngươi ở kinh, ngươi gặp ai cũng rỉ tai như thế phải không?

         Bá ấp úng như gà mắc tóc. Ông Thuyết hét:

         - Nói những lời nhu nhược ấy để quan quân nhụt chí, mềm lòng thì bị ghép vào tội gì?

         Bá ú ớ. Lại nghe như tiếng sét nổ bên tai:

        - Quân đâu! Gông cổ lại cho ta!

        Ngay lập tức, Bá bị trói lại và tống vào lao Thừa Phủ.

       Các quan trong triều khiếp đảm. Đứng trước tình hình giặc Pháp quyết lấy cho bằng được các tỉnh Bắc Kỳ, nhiều người đã nghĩ đến biện pháp đàm phán để giữ đất, nhưng trước thái độ cương quyết của ông Thuyết nên không ai dám hé răng. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng nhất thì ông được lệnh phải vào điện Cần Chánh chầu vua Tự Đức.

       Khi ông đến nơi thì đã có Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành đang đứng chầu. Nhà vua vẫn nằm trên long sàng, nhìn vào mặt ông Thuyết:

         -Ta biết, Hiến tổ Chương hoàng đế đang gọi ta về chầu. Chỉ nay mai hoặc cũng có thể ngay bây giờ ta phải đi thôi. Mọi việc triều chính, ta giao cho các khanh. Đừng phụ lòng tin của ta nơi suối vàng. Ta cử các khanh giữ chức Phụ chính đại thần! Các khanh nghĩ sao?

       Cả ba người dù không hội ý trước, nhưng cùng đồng loạt hô lớn:

     - Hoàng thượng vạn tuế!

         Nhà vua ứa nước mắt. Vạn tuế à? Sống đến ngàn tuổi à? Chỉ mới sống trên đời có năm mươi tư năm mà ta đã mệt mỏi lắm rồi. Sống nhiều càng thêm nhục chứ hay ho gì? Ba mươi sáu năm ngồi trên ngôi báu, ta đã làm được gì? Trong tâm thức của nhà vua bỗng gợi lại những ngày tháng cũ đã trôi qua nhanh như bóng câu vụt ngoài cửa sổ. Ta đã ký với Tây dương hiệp ước ngày 5.6.1862, hiệp ước 15.3.1874 để biến toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh thành thuộc địa của chúng. Mà nào đã hết, những văn bản sắp ký nữa, lại hoàn toàn bất lợi cho nước Nam! Chao ơi, ngàn năm sau có ai hiểu cho ta?

           Thời khắc chậm rãi trôi qua.

          Như sực tỉnh, nhà vua nói:

          - Ta trao lại cho các khanh di chiếu lập người kế vị. Các khanh phải làm đúng theo lòng mong mỏi của ta.

        Hơn ai hết, chỉ riêng ngài mới rõ trong lòng còn rối tơ vò như thế nào, khi đặt bút viết di chiếu. Do không có con nên ngài đã dưỡng dục ba đứa con nuôi Dục Đức, Chánh Mông và Dưỡng Thiện. Ngài phân vân ghê gớm khi quyết định chọn Dục Đức để truyền ngôi. Đó là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sinh năm 1853 – con trai của Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Hồng Y là con trai thứ tư của vua Thiệu Trị và là em trai của Tự Đức. Khi chọn làm con nuôi, nhà vua đã đổi tên Ưng Ái thành Ưng Chân, phong Thụy quốc công và lập Dục Đức đường để ở ngoài cửa Hiển Nhơn để Ưng Chân trọ học.

       Trong giọng nói thều thào, khàn hơi ấy, các quan phụ chính đại thần còn nghe cả tiếng nấc.

        Ông Thuyết rụt rè:

        - Tâu hoàng thượng, ngôi kế vị là Thụy quốc công ư?

        Nhà vua quắc mắt, tỏ ý giận dữ, nghĩ thầm: “Hừ! Ưng Chân, thằng này chỉ được cái lớn tuổi, đã 30 xuân, đủ khôn ngoan để đảm đương việc nước, nhưng lại ham chơi bời tửu sắc, ít chịu dùi mài kinh sách. Còn nếu trao cho hai đứa kia thì chúng còn nhỏ quá, ăn chưa no lo chưa tới, hỉ mũi chưa sạch thì làm nên trò trống gì!”

         Nén lòng không nói ra điều đó, giây lát sau ngài nói tiếp:

        - Ta có hỏi ý kiến hoàng thái hậu thì người khuyên ta nên chọn Thụy quốc công. Ý kiến của mẹ ta chắc cũng đồng với suy nghĩ của các khanh?

        Vốn khôn khéo và thận trọng, ông Tường lại hỏi:

          - Bẩm hoàng thượng, hoàng thái hậu dạy như thế nào ạ?

       Nhà vua lại thở hắt ra:

         - Người nói rằng, chọn được người lớn tuổi làm vua là điều may cho xã tắc.

          Thấy không ai có ý kiến gì, nhà vua nói tiếp:

       - Thôi thì, mọi việc cứ như thế mà các khanh làm theo. Đọc di chiếu của ta các khanh nghĩ sao?

          Được lời như cởi tấm lòng. Có một điều mà các quan đại thần muốn nói ra, bây giờ được gợi ý, họ mới dám hé răng. Quả thật, trong di chiếu có đoạn nhà vua nhận xét không mấy tốt đẹp về Ưng Chân. Nên bỏ đi chăng? Ông Thành thưa:

         - Bẩm, hạ thần nghĩ rằng đã đưa Thụy quận công lên ngôi đế vương thì xin hoàng thượng độ lượng cắt bỏ đoạn nhận xét…

         Chỉ mới nghe nói thế, nhà vua như chạm vào nỗi ưu tư thầm kín:

       -Tất cả có 41 chữ (*)****Chữ Hán/*/***** của ta nhận xét về Ưng Chân. Ta rất đau lòng khi phải viết ra như thế. Nhưng tại sao lại phải bỏ đi? Cần phải giữ lại để nhắc nhở. Ta hy vọng nhờ vậy mà Ưng Chân sẽ tu dưỡng tâm tính.

       Không ai dám xin nữa.

         Như một ngọn đèn phụt lên sáng lòa để rồi tắt hẳn, nhà vua bỗng tỉnh táo lạ thường:

        - Trăm năm là ngắn nhưng một ngày lại dài. Cõi tạm này ta sắp rời để về sống thiên thu trong Khiêm lăng. Trong những ngày này, ta đã viết được bài thơ Mạn ca, nay trăn trối lại cho các ngươi.

          Ai nấy đều xúc động. Nhà vua thì thào, nhưng lạ thay đến bốn câu cuối thì giọng đọc của ông lại to hơn:

Tâm này lại bị hình chi phối,

Trong cõi phù sinh vất vả này

Suốt trọn cuộc đời danh chẳng để,

Chỉ mang tiếng xấu giữa trời mây. (*)*** Nguyễn Quang Trung Tiến dịch****

        Câu thơ vừa dứt thì nhà vua tắt thở. Lúc đó là giờ thìn. Đó là ngày 19.7.1883.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com