Chương chín
Cánh đồng lộng gió. Lũ trẻ chăn trâu đang nô giỡn, hát hò náo nhiệt. Xa xa những cánh cò trắng chấp chới bay về phía chân mây cuối trời. Những đứa trẻ đang chơi trò chưng cộ. Một lớp trẻ thứ nhất ngồi bệt dưới đất cầm tay nhau xếp thành vòng tròn. Rồi một lớp trẻ thứ hai cũng làm động tác tương tự như thế, nhưng ngồi chồng trên vai lớp thứ nhất, kế tiếp lớp thứ ba lại ngồi chồng lên vai lớp thứ hai… Trò chơi này khi xếp lớp càng cao thì càng vui. Chỉ cần một tiếng “Dố dậy!” thì chúng đồng loạt đứng lên thành trụ cao - gọi là cộ - vừa đi vòng tròn vừa hát:
Dố dậy! Dố dậy!
Cây gậy bốn phương
Ra đường mạnh mẽ
Bầy trẻ chăn trâu
Bay lâu thẳng cánh
Nó mạnh như sên
Đi trên mặt nước
Đi trước đón rồng
Ông đi có cồng
Bà đi có mõ
Trên trời nghe rõ
Làm gió làm mưa
Làm mùa bát ngoạt
Chúng cứ vừa xoay tít vòng tròn vừa hát, cho đến bao giờ có đổ mới thôi. Trò chơi đang vui thế thì bọn chúng thấy từ xa có lọng xanh võng tía đang đi đến. Cả bọn hoảng hốt buông tay ra, lập tức đổ cộ. Thằng bé hiền lành nhất trong bọn ngồi trên cao bị té lăn cù xuống ruộng. Mặt mày lấm lem, nhưng vẫn cười toe toét. Đó là nhân vật mà hai ông Thuyết, Tường đang cần đến. Sau khi vua Kiến Phúc bị giết, hai ông quyết định chọn Ưng Lịch, sinh năm 1871, em cùng cha khác mẹ với Kiến Phúc, mới mười ba tuổi đặt lên ngai vàng. Cậu bé ăn mặc rách rưới òa lên khóc khi thấy người ta mặc cho mình quần áo mới và cho ngồi vào võng rước về cung.
Ưng Lịch mong thoát xuống nhưng cuối cùng cũng không cưỡng lại được số phận.
Ngày 2.8.1884, Ưng Lịch lên ngôi với niên hiệu Hàm Nghi.
Trong những ngày này, ông Thuyết lo ngay ngáy. Ông biết mọi sự sẽ không thuận lợi, khi mà ông đã “qua mặt” tòa Khâm sứ, không thèm báo cho họ biết về chuyện tấn tôn này. Trong thời gian đó, dân gian có lưu truyền câu đối:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường
Nghĩa là:
Một sông hai nước, không đường nói
Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành
Hai ông quan phụ chính đại thần bực mình lắm, nguyền là sẽ cắt lưỡi những ai còn rêu rao câu đối này ngay trên cửa miệng. Cái hay của câu đối này là đã phản ánh đúng sự việc rối ren đang diễn ra: một con sông Hương chảy qua kinh đô Huế, chia làm hai nước, vì hoàng thành của triều đình nước Nam nằm ở tả ngạn và tòa Khâm sứ của Pháp lại nằm ở hữu ngạn! Còn chuyện bốn tháng ba vua thì rõ mười mươi rồi! Nhưng cái đau của hai ông Tường, Thuyết là ai đó đã đem tên hai ông gắn chình ình ở cuối mỗi câu!
Về phía Pháp, khi nhận được tin Hàm Nghi lên ngôi, Khâm sứ Rheinart cực lực phản đối vì cho rằng nó vi phạm hòa ước đã ký. Không phải là tay vừa, ông Thuyết gân cổ lên cãi:
- Hòa ước không có khoản nào nói mỗi khi lập vua mới phải hỏi ý kiến tòa Khâm sứ! Hơn nữa ngôi vua là việc trọng đại không thể bỏ trống lâu ngày.
Rheinart đuối lý nhưng cũng to mồm:
- Thôi thì việc đã rồi. Nhưng có lẽ nên đưa ngài Gia hưng Quận vương lên ngôi thì vẫn hợp lý hơn!
Ông Thuyết thừa biết, không phải ngẫu nhiên mà phía Pháp chọn nhân vật này, vì đây là Nguyễn Phúc Hồng Hưu, con vua Thiệu Trị, em vua Tự Đức – nổi tiếng là người thân Pháp. Ông cứng cỏi:
-Mọi việc đã xong rồi, không nên thay đổi xáo trộn nữa. Mà đưa Ưng Lịch lên ngôi là hợp lý vì em nối ngôi anh. Nhất là việc nối ngôi này trong di chiếu của vua Kiến Phúc cũng đã ghi lại như thế!
Rheinart thừa biết, ông Thuyết bịa chuyện di chiếu là để khỏa lấp hành động của mình, chứ làm gì có di chiếu di chiếc gì! Nhưng không có chứng cứ rõ ràng nên y lập luận:
- Vua Kiến Phúc băng hà trong lúc vị thành niên nên di chiếu ấy không có giá trị về mặt pháp lý.
Không bên nào chịu bên nào. Rheinart quyết không thể để yên vụ này. Chẳng lẽ, hai chữ “bảo hộ” của nước Pháp lại nhạt như nước ốc, chẳng có sức mạnh gì sao?
Quay về tòa Khâm sứ, Rheinart đánh điện về Paris xin chỉ thị, vì nếu bỏ qua việc này thì hiệp ước đã ký chỉ có hiệu lực về mặt quân sự, chứ triều đình nước Nam vẫn không bị trói buộc gì về chính trị và nhất là Pháp không thể can thiệp vào nội bộ của họ. Nhận được tin này, thủ tướng Jules Ferry điện cho trung tướng Millot đang hành quân ở Bắc kỳ nhanh chóng phái một lực lượng hùng hậu vào kinh đô nhà Nguyễn với mục đích “dằn mặt” đối phương! Người trực tiếp chỉ huy đại đội này là đại tá Guerrier. Y đem theo vào Huế 600 lính bộ binh. Chưa an tâm, chúng còn đưa cả một đội pháo thủ hộ tống do trung tá Wallarmé chỉ huy.
Sau hai ngày nghiên cứu địa hình, địa thế, ngày 15.8.1884 Guerrier đưa ra tối hậu thư với hai điều. Thứ nhất, triều đình nhà Nguyễn phải làm đơn xin phép đưa Ưng Lịch lên ngôi; thứ hai, phải mở cửa chính cho y và Rheinart vào đại nội làm lễ phong vương cho nhà vua vào ngày 17.8.1884. Đứng trước tình thế này, hai ông Thuyết, Tường vẫn bình tĩnh tìm kế ứng phó, không mở cửa cho chúng vào thành mà cũng không dàn binh bố trận. Trước sau, hai ông chỉ nói:
- Chúng tôi sẵn sàng thương thuyết với Rheinart để lập một hòa ước mới.
Rheinart khinh khỉnh:
- Hòa ước 1884 vẫn còn hiệu lực, không cần phải thêm bớt điều gì nữa! Nếu các ông không chấp hành theo tối hậu thư, chúng tôi buộc phải nã đại bác vào cung điện thì xin đừng trách!
Qua ngày hôm sau, ngày 16.8.1884, vào lúc 3 giờ trưa, ông Tường tất tưởi chạy sang tòa Khâm sứ xin lỗi và đồng ý làm đơn. Nhưng khi ông đưa tờ đơn viết bằng chữ Nôm, Rheinart xua tay:
- Việc trọng đại này mà các ông dùng chữ Nôm à? Viết lại bằng chữ Hán!
Đứng khệnh khạng với tư cách của một kẻ đang chiến thắng, Rheinart còn bảo:
- Tôi biết mọi chuyện trở nên rắc rối đều do ông Thuyết mà ra, chứ ông thì không liên can gì (?). Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ, lẽ ra do sự vi phạm hòa ước đã ký mà chúng tôi có quyền truy tố hai ông ra tòa án binh (?). Nhưng vì các ông có lời xin lỗi nên nước Pháp cũng khoan dung mà bỏ qua!
Nghe xái tai, ông Tường tức anh ách như bò đá, nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Xong, ông cũng Rheinart thảo luận về việc làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi.
Sáng sớm ngày 17.3.1884, ba tên chỉ huy Guerrier, Rheinart và Wallarmé xuất phát từ tòa Khâm sứ, đi sau chiếc kiệu có bài diễn văn bỏ trong chiếc hộp đỏ đặt trên đó, có 25 sĩ quan và 160 tên lính Pháp hộ tống. Ông Thuyết bố trí thuyền đưa chúng đến Bến Ngự. Từ đây cho đến điện Thái Hòa, chúng thấy quân lính nước Nam ngồi cách nhau hai bước một tạo thành một hàng rào thẳng tắp. Họ ngồi chồm hổm quay mặt về hướng điểm đến của bọn Pháp, các thứ gươm giáo, súng để chôn xuống đất khoảng 0,15m để khỏi phải giữ thăng bằng. Như thế khi bọn Pháp đi qua thì họ quay lưng về phía chúng.
Bọn Pháp chỉ đi tay không, không mang theo bất cứ vũ khí nào. Khi tới cửa Ngọ Môn, chúng lại thấy một cảnh rầm rộ: quân lính cầm vũ khí, voi mặc áo giáp, xe song mã có mái che… được xếp thành hàng dọc trên sân. Ba tên chỉ huy hiên ngang bước vào cửa chính, bọn sĩ quan đi cửa hai bên, còn lũ lính đứng túc trực bên ngoài, không được bén mảng vào bên trong.
Bước đến trước điện, những tưởng sẽ được thấy mặt vua ngay, nhưng không, chúng chỉ thấy bốn bề tĩnh lặng. Dù trời nóng bức, nhưng chúng cũng phải đứng theo vị trí vừa được viên quan bộ Lễ hướng dẫn. Rheinart bực bội lắm, nhưng cũng phải cố kiềm chế. Mãi lâu sau, chúng mới nghe có tiếng hô vang, loan báo nhà vua sắp đến. Tiếng ồn ào vừa dứt thì chúng thấy Hàm Nghi đang tiến vào cửa giữa điện Thái Hòa. Bốn bề im phăng phắc. Trong lúc bước đi, do long bào hơi rộng và dài nên có hai quan đi theo nâng áo cao khỏi mặt đất. Nhà vua chậm rãi bước lên ngai vàng, ngồi chễm chễ. Rheinart nhận xét “Vua mặc chiếc áo dài lụa màu vàng chạy chỉ thêu. Còn mũ thì vua đội một loại mũ riêng dành cho vua có hơi thấp, làm bằng lông thú, có nhiều phụ thể trang trí bằng vàng. Vị vua trẻ này đúng là có dáng vẻ trẻ con, mặt mày dễ thương, mũi không tẹt như mũi người dân bản xứ”. Lúc nhà vua đã an tọa, các quan bước ra xướng lễ, xong nghi thức này tất cả rút lui có trật tự. Sau đó, một vị quan lớn trong bộ Lễ trịnh trọng bước ra khỏi hàng, tay cầm thẻ ngà, sụp lạy trước mặt nhà vua và trình tấu mục đích của phái đoàn Pháp.
Theo kế hoạch đã định trước, đại tá Guerrier lấy bài diễn văn trong chiếc hộp đỏ đã đặt trên kiệu, y bước về phía nhà vua, cúi lạy ba cái. Rồi đọc sang sảng.
Vua Hàm Nghi không đứng dậy mà vẫn yên vị trên ngai vàng, như một pho tượng không động đậy. Đọc xong bài diễn văn công nhận vua nước Nam, y tiến tới đặt trên ngai huân chương bắc đẩu bội tinh. Y đã làm xong nhiệm vụ, vậy mà nhà vua vẫn không nói năng gì. Một không khí im lặng kéo dài khiến chúng rất cay cú, nghi ngờ về thực chất quyền lực của nhà vua. May sao, lúc đó có một vị thượng quan bước gần đến trước và tâu khẽ điều gì đó, nhà vua gật đầu. Xong, vị quan này nói với chúng, đại khái nhà vua có lời cảm ơn chính phủ Pháp, cám ơn những người đã đến dự lễ và mong muốn sự hữu nghị của đôi bên sẽ phát triển lâu dài, v.v…
Công việc tẻ nhạt này cũng qua nhanh.
Còn một điều khiến chúng thêm bất mãn, lúc quay ra thì cửa Ngọ Môn đã… đóng kín như bưng. Chúng phải đi về bằng cổng phụ. “Đây chỉ là trò phá bĩnh của ông Thuyết!”. Rheinart càu nhàu, rủa thầm trong bụng.
Trở về tòa Khâm sứ, Rheinart hội ý với trung tá Perrot phải gấp rút thiết lập hệ thống phòng thủ đồn Mang Cá và chung quanh tòa Khâm.
Việc làm này đã bị hai ông Thuyết, Tường phản đối kịch liệt, cho rằng việc phòng thủ như thế sẽ làm giảm uy tín của nhà vua và gây lo sợ trong nhân dân…
Nhưng Rheinart phớt lờ, không thèm để ý đến.
Ông Thuyết liền tính đến nước cờ phái người vào Nam kỳ bí mật tuyên truyền, xây dựng phong trào chống Pháp để phân tán lực lượng của đối phương. Và ông còn trực tiếp gửi công hàm cho chính phủ Pháp tố cáo những việc làm trái với hiệp ước do nhân viên cao cấp người Pháp đã vi phạm:
1. Trước khi phê chuẩn hiệp ước Patennôtre, 300 quân Pháp đã tự tiện đóng quân tại đồn Mang Cá sát kinh thành. Vậy khoản 5 của hiệp ước này cần phải sửa đổi: Trại lính bảo vệ tòa Khâm sứ phải đóng ngoài kinh thành để khỏi làm mất uy danh triều đình nước Nam và tránh sự lo ngại không cần thiết trong dân chúng.
2. Đối với quan chức nước Nam, nhiều công sứ ở Bắc kỳ đã tự tiện bắt bớ, giam cầm, đánh đòn, phạt tiền và kết án họ đến mức tử hình!
3. Việc kiểm soát tàu bè quá khắc nghiệt, tàu riêng của hoàng đế nước Nam cũng không nể. Vì thế việc trông thương ở Thừa Thiên bị thiệt hại rất nhiều.
4. Việc hủy quả ấn phong vương của Trung Quốc lẽ ra không nên làm, mà phải trả lại cho Thanh triều. Các võ quan đã có mặt chia nhau cục bạc này tương đương với 240 đồng Mễ Tây Cơ.
5. Nước Pháp phải trả lại cho triều đình nước Nam sự thu hoạch về t huế thuốc phiện, thuế mỏ và nhiều khoản thu khác.
Chính phủ Pháp chưa kịp trả lời công hàm này thì một sự kiện đã xảy ra tại Bắc kỳ. Số là mặc dù hiệp ước Fournier đã ký tại Thiên Tân, nhưng sau đó một số quân Thanh vẫn còn ở lại hỗ trợ cho lực lượng Việt Nam chống Pháp, nhất là sau khi Pháp hủy ấn phong vương của Trung Quốc đối với vua nước Nam đã khiến cho “thiên triều” bẽ mặt! Ngày 24.3.1885, quân nhà Thanh đánh một trận dữ dội tại Lạng Sơn, Pháp phải rút về cố thủ ở Bắc Ninh. Sự kiện này chấn động cả chính giới Pháp, vì thế nội các Jules Ferry bị đổ. Ông Thuyết khấp khởi hy vọng, có thể còn dựa vào nhà Thanh để kháng chiến đến cùng. Nhưng rồi, Pháp “trả đũa” bằng cách đánh vào Phúc Châu và bao vây Đài Loan, buộc Trung Quốc phải ký hòa ước Thiên Tân lần thứ hai vào ngày 9.6.1885. Vĩnh viễn từ đây, Trung Quốc rút quân khỏi Bắc kỳ mặc cho quân Pháp cấu xé nước Nam.
Rheinart được gọi về nước, Lemaire sang thay. Vừa mới đến nhận chức, Lemaire đã nhận được điện của Bộ trưởng bộ ngoại giao Pháp chỉ đạo: “Phải cương quyết trừng phạt hành vi của viên thượng thư bộ Binh nước Nam. Không thể để Thuyết ở chức Phụ chánh lâu hơn nữa, phải bãi chức của y và đày đi thật xa vì y đã trì hoãn việc thi hành hòa ước. Y còn đang tăng cường chuẩn bị chiến đấu và kích động các cuộc nổi dậy chống nước đại Pháp ở Cao Miên và Bắc kỳ”. Lemaire hăm hở lao vào nhiệm vụ một cách quyết liệt.
Giữa lúc ông Thuyết đang nỗ lực để giành thế chủ động trong việc đối đầu với giặc Pháp, thì trong triều lại xảy ra một vụ việc lộn xộn khác. Trước đây, Rheinart đã từng đề nghị đưa Gia hưng Quận vương lên thay Hàm Nghi, nay bị thất sủng. Y nghĩ là do hai ông Thuyết, Tường phá bĩnh nên tìm cách lật đổ thế lực hai quan đại thần này dù đang nắm quá nhiều quyền lực trong tay. Một trong những thủ đoạn đầu tiên là y vận động hoàng gia phải điều tra cái chết bí ẩn của vua Kiến Phúc, để buộc hai ông có dính dáng trong vụ đột tử này. Công việc đang tiến hành thì bại lộ, Gia hưng Quận vương lập tức bị bắt, nhưng Lemaire can thiệp để thả tự do. Ông Thuyết cương quyết:
- Ông hoàng này là người nước Nam phải để tòa án chúng tôi xét xử.
Lemaire ban đầu không đồng ý, nhưng ông Thuyết lập luận đây là việc xét xử về hành vi thuộc về đời tư của một con người, chứ không liên quan gì đến nội bộ triều đình. Mà quả thật, Gia hưng Quận vương vốn nghiện hút nên tòa án nước Nam xử về tội này. Lemaire đuối lý, và nhận thấy “con bài” này không mấy tốt đẹp trong tương lai nên đành phải trả Gia hưng Quận vương lại cho nước Nam.
Nắm được kẻ phản loạn trong tay, ông Thuyết đã lột hết phẩm nước và đày đi Cam Lộ, con cái phải đổi qua họ mẹ. Những tưởng vậy là xong, nhưng ngày 9.5.1885, lúc y cùng gia quyến lên đường vừa ra khỏi kinh thành thì bị đội Phấn Nghĩa chặn đường, giết không còn một mống!
Công việc tạm thu xếp xong, ông Thuyết cảm thấy mệt mỏi, quyết định trở về tư dinh nghỉ ngơi dăm ngày.
Trong lúc này, nhằm cứu vãn tình thế xáo trộn đang diễn ra tại Bắc kỳ và Nam kỳ, chính phủ Pháp quyết định nâng đoàn quân viễn chinh lên quy mô quân đoàn. Đại tướng De Courcy được cử làm Tổng tư lệnh lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, nắm toàn bộ quyền quân sự và dân sự. Mới chân ướt chân ráo đến chiến trường, De Courcy phân bố lại lực lượng quân sự và sau đó, y có mặt tại kinh đô Huế. Việc đầu tiên của De Courcy là thay Lemaire để giữ chức Tổng trú sứ. Từ đây, y là người thay mặt chính phủ Pháp để giải quyết mọi việc đối ngoại với triều đình nước Nam, song y lại ủy quyền cho De Champeaux để rảnh tay lo những chuyện lớn!
De Courcy có mặt tại Huế để làm gì? Câu hỏi đó đang được triều đình nhà Nguyễn tìm câu trả lời.
****
Con đường dốc thoai thoải. Gió thổi lồng lộng. Lời kinh siêu thoát vọng lại trong tiếng thông reo khiến khách trần tục cũng tĩnh tâm. Trong bóng chiều đã dịu nắng, có hai chàng thư sinh thong thả viếng cảnh chùa Thiên Hưng để ngắm cảnh vịnh thơ. Một chàng có gương mặt trắng trẻo, môi đỏ thắm như con gái nhìn cảnh chùa mà nhớ đến cảnh Sài Sơn mình đã đến, chàng là Nguyễn Thượng Hiền, sinh năm 1866, hiệu Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lãng (nay thuộc Hà Tây). Chàng gật gù ngâm:
Non sông đã biết hay chưa
Khách chơi năm trước bây giờ lại đây
Hỏi thăm những gió cùng mây
Dấu thơ này những lối này phải không?
Nực cười ta với non sông
Càng trông thấy cảnh mà lòng càng ưa
Thôi thời danh lợi cũng vờ
Lên mây xuống hạc ta chờ bạn ta
Đột ngột chàng im bặt, khi thấy trong chùa thấp thoáng một bóng hồng đang lướt qua… chàng sửng sốt hỏi bạn:
- Kìa tôn huynh Kỳ Am! Tại sao giữa chống thiền môn lại có một người đẹp đến thế?
Kỳ Am tức Nguyễn Lộ Trạch, lớn hơn Mai Sơn đến 13 tuổi là con rể của quan Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành, đã bị đội Phấn Nghĩa của ông Thuyết giết tại tư dinh - đang thả hồn theo mây gió giật mình:
- Thế Mai Sơn không biết đó là con gái của cụ Thượng thư Tôn Thất Phan sao? Do cụ Phan thông gia với cha vợ tôi, nên tôi biết cụ có bà vợ thứ năm không rõ vì lý do gì xuống tóc lên tu ở chùa này. Cô gái mà em vừa thấy là Tôn Nữ Thị Dậu, cũng theo mẹ lên chùa ở luôn.
Mai Sơn hỏi tiếp:
- Thế cô Dậu là người thế nào?
Kỳ Am cười lớn:
- Thế em không biết tại chốn kinh kỳ, cô Dậu hay chữ, biết cầm kỳ thi họa mà công việc nội trợ cũng đảm đang nên khiến không ít công tử mê mệt. Thế nhưng, cô ấy lại muốn xa cõi hồng trần!
Đột ngột Mai Sơn nói:
- Thế em cưới cô ta làm vợ có được không?
Dù chỉ mới thoáng gặp nhưng Mai Sơn đã mê mẩn tâm thần.
Ý định ngông cuồng ấy quả là rắc rối. Vì bây giờ thân sinh của chàng là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên đã hỏi con gái quan đại thần Tôn Thất Thuyết cho chàng. Đó là cô Tôn Nữ Thị Ẩn cũng nổi danh tài sắc ở đất kinh kỳ. Biết ý định của con, ông Phiên suy nghĩ suốt mấy đêm liền: nếu đồng ý cho con trai cưới cô Dậu thì sẽ phật ý Tôn đại thần đang nắm quyền cao chức trọng trong triều; nếu chọn cả hai thì dứt khoát cô Ẩn phải chính thất. Thế thì chẳng lẽ cô Dậu chỉ thứ thất? Con nhà lá ngọc cành vàng đời nào chấp nhận như thế! Khó quá! Không còn cách nào khác ông tìm lời khuyên con trai, nhưng trước sau chàng chỉ lắc đầu…
Trong khi đó, nghe được tin này để tránh phiền phức, cô Dậu quyết định xuất gia. Mai Sơn hay tin liền tức tốc lên chùa Thiên Hưng, chàng gặp sư cụ trụ trì và quả quyết:
- Tôi đã trót yêu cô Dậu, nếu nhà chùa chứa chấp cô Dậu tu tại đây thì tôi sẽ đốt chùa!
Cô Dậu sợ quá, chạy về nhà khóc lóc thưa hết mọi chuyện với cha mình. Ông Phan tìm gặp ông Phiên để bàn cách giải quyết. Cuối cùng họ đến tư dinh ông Thuyết để dò xét thái độ ra sao mà có cách ứng phó. Chiều gió hây hẩy thổi đến. Ông Thuyết sau khi dùng cơm xong, vẫn thói quen đi lại trong vườn ngắm hoa. Nghe có người bẩm báo, ông vội quay trở vào trong nhà. Sau khi nghe rõ câu chuyện. Không ngờ ông lại bật lên tiếng cười khanh khách:
- Ôi dào! Trai trẻ yêu nhau là quyền của chúng nó!
Nói xong ông không đả động gì đến chuyện ấy nữa, chỉ hỏi:
- Thế hai ông nghĩ sao về trường hợp tướng De Courcy đem ngót một ngàn quân đến Huế?
Hỏi cũng chỉ để hỏi. Chứ thật ra khi nghe phong phanh tin De Courcy đến Bắc kỳ thay thế cho vai trò trung tướng Brière de l’Isle thì ông Thuyết đã nhân danh Viện Cơ mật gửi lá thư với lời lẽ đanh thép. Trong thư ngày 18.5.1885, ông Thuyết viết: “Nếu ngài tổng chỉ huy nhận thấy nhiệm vụ bình định quá nặng nề, muốn nhẹ nhõm thì ngài nên chuyển tất cả binh đoàn và hạm đội của ngài về Pháp. Về phía chúng tôi, sẽ tự lập lại trật tự một cách nhanh chóng”. Và biết cuộc chiến tranh đối đầu Pháp – Việt dứt khoát sẽ xảy ra nên ông cũng đã chỉ thị cho các quan đầu tỉnh trong nước bất cứ giá nào cũng không được nhượng bộ Pháp, không được nghe theo Pháp mà thực thi các điều khoản đã ký kết trong các hòa ước 1883 và 1884. Nếu ai không tuân lệnh sẽ phạm vào tội khi quân và tội chống lại cuộc kháng chiến của triều đình Hàm Nghi.
Nghe ông Thuyết hỏi như thế, hai ông Phan và Phiên chỉ ậm à ậm ừ cho qua chuyện. Mà bình luận như thế nào bây giờ? Vì làm sao họ có thể biết rằng, De Courcy đã được chính phủ Pháp giao cho hai nhiệm vụ quan trọng: bằng mọi cách phải đánh chiếm và bình định vùng đồng bằng, vùng rừng núi Bắc kỳ; dọn đường sông Hồng để đánh chiếm Lào Cai. Muốn như thế, trước hết De Courcy phải làm gì? Người đã tham mưu cho y chính là cha cố đạo thực dân Caspard. Ngay từ lúc De Courcy đến Bắc kỳ, tên mật vụ đội lốt cha cố này đã bí mật báo cáo mọi hoạt động chỉ đạo cho cuộc tổng nổi dậy đánh Pháp của Tôn Thất Thuyết! Vì thế trong “tầm ngắm” đập tan phái chủ chiến trong triều đình Huế, De Courcy đặt ra mục tiêu phải bắt cho được ông Thuyết, người đang nắm ngọn cờ chủ chiến trong tay!
Nắng chiều dịu dần. Hương ngâu thơm đầy trong tư dinh của ông Thuyết. Những ly trà thơm ngát được rót và mời nhau. Cả ba vị quan đại thần đều trầm ngâm nghĩ đến vận mệnh của đất nước. Họ phân vân ghê gớm. Không biết phải nên ứng phó như thế nào cho thích hợp. Giây lát sau, ông Phan nói:
- Tôi có người thân làm bồi bếp trong tòa Khâm sứ. Có thể qua người này, ta biết được ít nhiều kế hoạch của chúng chăng?
Ông Thuyết gật gù cho là phải.
Chỉ một ngày sau khi đến Huế, ngày 3.7.1885, De Courcy đã chỉ thị cho Viện Cơ mật sang tòa Khâm sứ để bàn thủ tục nghi lễ cho y trình quốc thư. Nghe tin này, ông Thuyết nổi cáu:
- Chưa bao giờ trong lịch sử Nguyễn triều lại có chuyện nhục nhã như thế này! Tại sao chúng ta phải qua bên kia sông Hương? Tại sao chúng không vác xác đến? Ai là chủ nhà?
Câu hỏi được ném vào khoảng trống. Không có tiếng trả lời. Mãi sau, chờ cho ông Thuyết dịu lại, các quan mới nhỏ to bàn tính thiệt hơn về đề nghị của De Courcy. Cuối cùng, tất cả đồng ý cử ông Tường dẫn đầu phái đoàn sang tòa Khâm sứ. Chờ cho mọi người biểu quyết xong, ông Thuyết đứng dậy nói như đinh đóng cột:
- Ai đi thì đi chứ tôi thì không! Tôi đang bị đau chân!
Nhờ bồi bếp tòa Khâm sứ tiết lộ, ông Thuyết biết tỏng tòng tong việc bàn nghi lễ trình quốc thư chỉ là cái cớ để De Courcy bắt giữ mình! Do đó, ông quyết không sa vào bẫy “điệu hổ ly sơn” của kẻ thù.
Trước lúc phái đoàn sang tòa Khâm sứ, ông Thuyết gặp riêng ông Tường bàn kế hoạch phải nổ súng tấn công trước. Ông nói:
- Từ hòa ước 1884 đến hòa ước Thiên Tân đã đẩy ta đi dần vào chỗ diệt vong. Trước đây liên minh với phía Trung Quốc, ta cũng chưa thắng được chúng, chứ huống gì nay ta phải đơn độc chiến đấu một mình. Nhưng ta không thể ngồi yên để chờ chúng đến trói tay, bịt miệng. Phải đánh!
Ông Tường bùi ngùi:
- Ông là người của hoàng tộc, lẽ tất nhiên phải tôn phù xã tắc, còn tôi tuy vô dụng nhưng cũng biết vị quốc vong thân. Nhưng điều tôi âu lo, nếu chiến tranh xảy ra, ta không thắng được chúng thì sao? Chao ôi! Lúc đó, nhân tâm kinh động, vàng ngọc tiêu tan. Nay ta đem của cải đất đai nộp cho chúng để yên chuyện, cũng là một cách giải quyết. Còn nếu ông có cách nào khác để đuổi được chúng, đem lại cuộc sống thanh bình cho muôn dân thì xin tùy ông, tôi không dám bàn đến….
Ông Thuyết đáp:
- Ăn cơm vua phải đền nợ nước, binh quyền trong tay mà để giặc chiếm thành thì nhục hơn con chó. Dù thắng hay thua thì cũng quyết đánh!
Lúc phái đoàn ông Tường đến nơi, không thấy mặt ông Thuyết, De Courcy rất cay cú. Nhưng y chưa vội nổi nóng, chỉ buông ra lời tuyên bố trắng trợn:
- Nếu các ông muốn nước Nam hòa bình, yên ổn thì nội trong ba ngày phải nạp chiến phí cho chúng tôi là 200.000 thỏi bạc và 200.000 quan tiền!
Tất cả mọi người đều kinh ngạc. Giây lát sau, đột ngột y quát lớn:
- Sao không thấy ông Thuyết đến? Có phải ông ta đang chuẩn bị tấn công chúng tôi không?
Biết y đã cố tình trở mặt gây hấn nên một vị quan đỡ lời:
- Thưa ngài, quan Phụ chính của chúng tôi đang bị ốm!
Y cười nhạt:
- Ốm à? Thế thì phải đi võng sang đây!
Mệnh lệnh vừa ban ra, các quan của ta vội vã về nài nỉ ông Thuyết, nhưng ông vẫn cương quyết không đi. không chịu thua. De Courcy sai y sĩ Mangin tới tận nơi xem hư thực ra sao. Ông Thuyết không tiếp, lấy cớ không quen dùng thuốc Tây.
Tình hình rất căng thẳng.
Trong cuộc hội đàm về lễ trình quốc thư cho vua Hàm Nghi, De Courcy đòi phải mở chính cửa Đại nội cho y và đoàn tùy tùng đi vào. Thấy trái với quốc lễ xưa nay, ông Tường đề nghị lại chỉ một mình y đi cửa chính vào triều, số người còn lại đi cửa hai bên. Lúc tiến lên phòng ngự nhưng chỉ đến cột thứ nhì, phía bên phải thì phái đoàn của Pháp phải dừng lại, trao ủy nhiệm thư cho đại thần, rồi chờ đệ trình lên ngự lãm. Nhưng De Courcy lại không chịu, y bảo vua Việt Nam bước xuống ngai vàng đón y!
Cuộc họp bàn cãi lằng nhằng mãi.
Cuối cùng, cả hai bên quyết định chờ ông Thuyết bình phục hẳn rồi sẽ bàn lại.
Tiếp theo > |
---|