VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương hai

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương hai

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

    Chương Hai

    Tiếng gió gào trong đêm khuya vắng lạnh lẽo, cứ tưởng như có cả lời ma than quỷ khóc nơi vùng biên giới xa xôi này. Những vòm cây cổ thụ quằn quại trong gió vọng lên những tiếng kêu rợn người. Đốm lửa bé xíu như hạt đậu, tỏa ra thứ ánh sáng lờ mờ trên những chòi canh. Sương rơi lộp độp. Gió thốc lạnh buốt. Rít lấy một hơi thuốc lào, Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm chưa nhả khói vội, ông ém một ngụm nước trà thật ngon rồi ngả lưng lim rim mắt. Khói tỏa nhẹ trong một làn sương mỏng… Đợi cho ông Viêm tận hưởng hết thú vui này, Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết mới lên tiếng:

        - Thưa đại nhân, điều mà tôi lấy làm phân vân là tại sao tên Đồ Phổ Nghĩa ngược thuyền lên Vân Nam nhưng chúng không bị quân Cờ đen, Cờ vàng quấy nhiễu?

     Ông Viêm mở mắt và bật người dậy:

     - Ông vừa nhắc đến tên Jean Dupuis đấy à?

     - Vâng!

        Át cả tiếng gió đang lùa vào cửa, giọng ông Viêm sang sảng:

     - Đó là thằng chó chết. Triều đình cứ nói như rồng leo mà làm như mèo mửa, cho nên hắn mới xấc được như thế. Phải tay tôi thì phải mổ gan róc thịt mới hả giận.

         - Tôi cũng từng nghĩ như thế. Nhưng có điều tại sao bọn giặc khách lại khiếp sợ hắn?

       Ông Viêm nói như đinh đóng cột:

      - Có thể hắn đã tung tiền ra để mua chuộc bọn này. Đám giặc cỏ ấy ban đầu nổi loạn vì muốn lật đổ Thanh triều, muốn đánh cả bọn mắt xanh mũi lõ nhưng bây giờ lại trở thành đám giang hồ thảo khấu. Bọn này không khiếp sợ thằng nhãi ranh lái súng ấy đâu, chẳng qua vì tham tiền mà thỏa hiệp.

       Ông Thuyết trầm ngâm:

      - Thế thì tại sao chúng ta không tìm cách liên kết với bọn giặc cỏ ấy?

        Ông Viêm trừng mắt:

       - Vì sao ông lại nghĩ thế?

       -Bẩm, từ xa xôi đến đây, thằng chó chết ấy nhờ có tiền mà chiêu dụ được chúng. Còn chúng thì sợ đại nhân một phép. Nếu kéo chúng về phía ta thì ta cũng như rồng thêm vây, chim thêm cánh chứ có gì mà ngại?

         Ông Viêm gật gù. Trong trí nhớ của ông trong thoáng chốc hiện lên rõ mồn một những ngày xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Ba năm trước đây, ông đã cầm quân đánh bọn giặc khách. Những trận đánh lừng lẫy của ông đã khiến bọn chúng tan tác. Nhờ những chiến công này mà ông đã được triều đình phong Tiết chế quân vụ miền Bắc. Nhưng rồi khi ta rút quân thì chúng lại tụ tập quấy nhiễu như trước.

         Bỗng ông Viêm vỗ đùi đen đét:

     - Ông nói chí phải! Trong đám giặc khách đáng nể nhất vẫn là thủ lĩnh Cờ Đen. Sau nhiều trận giao chiến khốc liệt, Lưu tiên sinh đã nhận tôi làm anh em kết nghĩa. Mọi chuyện nhờ vậy sẽ có phần thuận lợi hơn. Đúng! Rồng thêm vây tha hồ vùng vẫy!

           Nhưng rồi giọng của ông chùng hẳn xuống:

      - Đã đành phối hợp với chúng vì mục tiêu chung. Nhưng hành động của chúng ta, triều đình có hiểu cho không? Không khéo có người hiểu lầm cho rằng nghĩa quân của ta lại chung hội chung thuyền với bọn giặc khác.

         Ông Thuyết đáp:

         - Triều đình không hiểu thì dân hiểu cho ta.

         Ông Viêm nhếch mép:

          - Chẳng có dân nào hiểu cho ta đâu! Lâu nay, trong mắt dân thì bọn chúng là đám thổ phỉ sắt máu!

       - Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Miễn sao chúng ta đạt đến mục đích là được. Mà mục đích của chúng ta chỉ làm cho quân thứ tăng thêm sức mạnh đánh bọn Tây dương bạch quỷ!

          Ông Viêm trầm ngâm suy nghĩ. Gió gào ngoài khung cửa. Đêm khuya. Sương lạnh lẽo như cắt da. Lát sau, ông Viêm đứng dậy:

        - Thôi được! Ngày mai, ông đem mật thư của tôi đến gặp thủ lĩnh của bọn Cờ Đen. Mọi chuyện như thế nào là do miệng lưỡi của ông.

     Nói xong, ông lấy nghiên bút thảo lá thư gửi cho Lưu Vĩnh Phúc. Xong, ông đưa cho ông Thuyết rồi bước ra ngoài sân. Quan sát thấy những chòi canh vẫn có lính đứng gác, bốn bề tĩnh mịch, ông hài lòng lắm. Ông Thuyết cũng lững thững bước ra khỏi nhà ông Viêm. Gió quất vào mặt. Rát buốt. Ngước nhìn những ngôi sao mọc lấm tấm mờ nhạt trên vòm trời đen thẫm, ông Thuyết cảm thấy hai mắt nặng trĩu. Ông đi về phía lán trại của mình. Nơi đó, ngọn đèn vẫn sáng. Bà thứ thất vẫn còn chong mắt đợi chồng. Ông nói khẽ nhưng nghe đanh như tiếng chuông đồng:

         - Khuya rồi. Ngủ đi. Đã nói nhiều lần rồi, đừng có thức chờ tôi. Cứ để mặc tôi!

        Bà thứ thất run bắn cả người, vội đứng dậy dìu ông vào giường. Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng ngáy… Nhìn chồng ngon giấc, thấy gương mặt ấy hiền lành nhưng bà không hiểu sao trong giọng nói khiến người khác phải khiếp sợ?

       Lúc mặt trời chưa lên thì ông Thuyết đã phóng ngựa đi tìm Lưu Vĩnh Phúc. Đi theo ông là những tay súng thiện xạ. Tất cả đều nai nịt gọn gàng. Trời mưa rả rích. Vó ngựa gập ghềnh. Đường núi cheo leo, hiểm trở. Mưa quất vào mặt như gai nhọn. Ông nghiến răng, môi mím chặt. Bất chợt trong tâm trí của ông vọng đến những câu thơ. Thơ à? Đã lâu lắm rồi, ta không làm bài thơ nào cả, cho dù đôi lúc ta cũng muốn mượn những thơ để bộc bạch lòng mình… Lúc này, nghĩ mình như chim én đang bay trong mưa, tự nhiên trong đầu ông bật ra những câu thơ:

Sao không về chốn đình đài,

Trong mưa gió cứ bay hoài sườn non?

Vấn vương một mảnh lòng son

Nghìn tầm động biếc hãy còn tìm bay. (*)*****Hà Văn Tấn dịch***

      Đang thả hồn theo vần thơ, bỗng từ trong núi có tiếng súng vang lên. Tiếng nổ đanh và gọn. Một nghĩa quân phóng ngựa đi đầu trúng đạn. Máu phun ra khỏi ngực. Ngã vật xuống đất. Nhanh như cắt, ông Thuyết ngã xuống khỏi ngựa và lăn nhanh vào bụi rậm. Con ngựa lồng lên hoảng sợ, hí vang. Có tiếng quát lớn tưởng như vang rền cả một cõi rừng âm u:

         - Ai?

     Bốn bề im lặng. Chỉ có tiếng gió ùn ùn thổi tới. Một nghĩa quân lên tiếng:

    - Chúng tôi là quân của Thống đốc quân vụ!

       Những nòng súng đen ngòm hạ xuống:

       - Đến làm gì?

       Từ bụi rậm, ông Thuyết bước ra:

         - Chúng tôi đem mật thư cho Lưu đại tướng!

     Nhìn thấy ông Thuyết với vóc dáng to lớn vạm vỡ, hàm râu đen dày trên khuôn mặt đen sạm và rắn rỏi nên tên thổ phỉ cũng kiêng dè. Từ trên triền núi cao, hắn nói lớn:

       - Các người bỏ súng ngay vị trí đang đứng!

       Lập tức mọi người bỏ súng xuống đất. Xong, hắn nói:

       - Được! Các người tiếp tục lên đường!

        Đoàn quân của ông Thuyết tiếp tục phóng ngựa. Vó ngựa bon đều đặn. Trên dọc đường đi, họ thấy có nhiều chòi canh rải rác trên sườn núi. Thế là họ đã lọt vào địa phận mà Lưu Vĩnh Phúc đang hùng cứ trên một vùng biên giới. Phóng tầm mắt, nhìn thấy có làn khói tỏa lên trong mưa, ông Thuyết cảm thấy lòng mình ấm áp…

         Khi đến cổng doanh trại Cờ Đen, tất cả mọi người đều bị giữ lại, chỉ có một mình ông Thuyết được vào diện kiến Lưu tướng quân. Ông thấy bốn bề mênh mông những lều trại lố nhố mọc lên. Người ra kẻ vào ồn ào như chợ phiên và giáo, mác, súng, gươm bày la liệt. Ông Thuyết bước về phía lán trại nằm sâu trong rừng. Sẽ thuyết phục như thế nào để Lưu tiên sinh đem quân phối hợp với ta? Lưu không phải là kẻ tham tiền. Lưu là người có nghĩa khí và cũng căm thù giặc Pháp, nếu ta biết khơi dậy ở Lưu máu anh hùng Lương Sơn Bạc thì chắc chắn Lưu không nỡ chối từ? Đang suy nghĩ miên man như thế, ông Thuyết giật thót người. Một phát đạn từ phía sau bắn tới. Đưa tay lên vuốt má, ông cảm thấy mùi đạn khét lẹt còn lởn vởn đâu đây. Ông thoáng rùng mình. Ta đi tay không, chẳng lẽ Lưu tiên sinh cho người hạ sát ta chăng? Không! Lưu không hèn hạ như thế đâu! Nghĩ như thế nên ông vẫn bình tĩnh bước tới…

        Vừa đi được năm bước thì phía trước mặt ông một tên thổ phỉ nhảy đến. Hắn vung gươm. Lưỡi gươm sáng lóe. Nét mặt hung tợn đằng đằng sát khí. Tưởng chừng như hắn muốn ăn tươi nuốt sống ông ngay lập tức. Đến nước này thì cũng phải liều một phen sống mái.

     Ông Thuyết dừng chân lại, quắc mắt nhìn và thủ thế. Đường gươm xé gió như chực lao xuống đầu đối phương thì đột ngột dừng lại. Tên thổ phỉ thu gươm, cúi đầu kính cẩn:

         - Mời ông vào gặp Lưu đại tướng!

         Nói xong, hắn quay lưng bước đi thoăn thoắt. Ông Thuyết cũng nhanh chân bước theo. Gió thổi thốc tới, lạnh xương sống, ông biết mồ hôi trong người mình đã tuôn ra đầm đìa. À! Thì ra cách đón tiếp khách quý của Lưu tiên sinh cũng lạ.

       Trước mặt ông Thuyết là một người đàn ông vạm vỡ, hàm vuông, râu rậm, trên cổ có đeo cái móng cọp. Đang nằm trên sập gụ, mắt nhắm nghiền, nghiêng đầu xuống dọc tẩu. Rít một hơi dài. Có tiếng kêu ro ro và tỏa ra một làn hương thơm. Đứng bên cạnh ông có hai tên thổ phỉ, chúng đang đưa mắt quan sát nhìn ông Thuyết. Dù biết có người của Thống đốc quân vụ tìm đến, nhưng ông ta vẫn nằm yên, không mở mắt ra. Chưa được lệnh, ông Thuyết vẫn đứng yên. Một lúc sau, bỗng ông Lưu bật người dậy, nhanh nhẹn như con cọp dợm phóng tới đối thủ:

       - Ông cần gì ở tôi?

   - Thưa, có mật thư của Hoàng đại nhân gửi cho tướng quân!

     Nét mặt vẫn bình thản như không, ông Lưu nói:

        - Được ông ngồi xuống đây! Ông làm một hơi cho ấm người nhé!

     Ông Thuyết cung kính:

     - Tôi không dùng được nha phiến. Tôi chỉ có thứ này.

           Vừa nói, ông lấy ra những miếng trầu đã têm cẩn thận. Ăn miếng trầu, ông cảm thấy người mình nóng lên và lơ mơ trong cơn say dễ chịu.

       Trong lúc đó, chưa vội đọc thư, ông Lưu lại tiếp tục rít thuốc. Xong, ông Lưu đứng dậy nước ra khỏi nhà và đưa hai bàn tay đập vào nhau, tạo ra âm thanh khô khốc. Đó là một ám hiệu. Ngay lập tức, một tên thổ phỉ dắt con ngựa bạch cao to đến, nhanh như chớp, ông nhảy bập lên lưng ngựa và quơ tay lấy cây thanh đại đao đang dựng ngay bên vách. Ông Thuyết ngạc nhiên, trố mắt trông theo. Không còn thấy ngựa và người đâu cả. Bụi xoáy mịt mù. Chỉ còn nghe tiếng thanh đại đao vun vút trong gió, theo tiếng ấy là hàng cây chuối trồng rải rác trong rừng đổ rạp xuống bởi những đường chém bén ngọt! Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, có mặt tại chỗ cũ, trao thanh đại đao cho tên thổ phỉ, ông Lưu nhanh nhẹn nhảy xuống ngựa, nét mặt vẫn không biến sắc. Ông nói:

          - Tôi vẫn giữ thói quen luyện tập mỗi sáng! Bây giờ, ta hãy xem lá thư của Hoàng đại nhân.

        Gió thổi vào vách những hơi lạnh buốt.

    Ngồi thẳng người để chờ nghe ý kiến của Lưu đại tướng, ông Thuyết kín đáo nhổ bã trầu xuống đất. Ông không biết lúc này tại Sài Gòn, Francis Garnier cũng đã gặp Dupré để bàn công việc sắp tới ở Bắc kỳ.

           ****

      Mở toang cánh cửa sổ để lấy ánh sáng ban mai, rót cho Francis Garnier một ly sâm banh sủi bọt, thiếu tướng Dupre - Thống đốc Nam Kỳ chỉ tay vào tấm bản đồ đang treo trên tường.

       - Nếu đại úy làm tròn nhiệm vụ thì việc thăng cấp là điều tất nhiên! trước hết, ta hãy chạm ly chúc mừng cho thắng lợi sẽ diễn ra trong tầm tay!

        Không hiểu tại sao cấp trên lại khẳng định như thế, mặt Francis Garnier thuỗn ra như cán cuốc:

        - Thắng lợi trong tầm tay?

    Dupre nói toạc móng heo:

    - Công việc ở Bắc Kỳ chỉ có thể tóm gọn trong hai chữ “Jean Dupuis”! Đây là cơ hội quý để ta can thiệp vào Bắc Kỳ. Thanh toán được Bắc Kỳ sẽ mở ra triển vọng rất có lợi cho ta. Đó là tự do đi lại trên sông Hồng để thông thương buôn bán với Trung Hoa…

         Francis Garnier phân vân:

     - Thế phái đoàn của họ đã thương lượng thế nào rồi thưa thiếu tướng?

       Dupre cười khoái trá:

           - Tôi không ngờ họ lại ngây thơ đến mức cứ đòi ta phải ra tay trục xuất Jean Dupuis! Bắt con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ dàng hơn là bắt chúng ta tống cổ Jean Dupuis! Cuối cùng, tôi ậm ừ hứa với họ sẽ đưa một sĩ quan và mộtssố nhân viên ra Hà Nội để thu xếp ổn thỏa mọi việc.

         Francis Garnier hấp tấp:

         - Vậy tôi được cử ra Hà Nội?

       Dupré gật đầu:

       - Đúng vậy. Anh sẽ là người chỉ huy một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ra Bắc Kỳ.

       Được cấp trên tin tưởng và trực tiếp giao nhiệm vụ, Francis Garnier sung hướng lắm, nhìn thấy ánh vàng hổ phách sóng sánh trong ly rượu đang cầm trong tay, y hồi hộp ngửa cổ uống cạn.

      Nốc cạn ly rượu, Francis Garnier nhìn xoáy vào tấm bản đồ, giây lát sau y nói:

        - Liệu chừng có nên xuất quân rầm rộ như thế không? Không riêng gì chúng ta mà các cường quốc khác cũng đang lăm le trước miếng mồi ngon này. Do đó, ta phải khéo hơn nữa.

        Sau đó, y đưa ra ý kiến chỉ nên đem theo 56 thủy thủ, 30 thủy quân lục chiến và một vài nhân viên phục vụ khác. Tất cả  chỉ nên đi trên hai chiến hạm nhỏ là D’Estrèes và Are để không gây ra sự chú ý không cần thiết. Dupré đồng ý.

     Ngày 11.10.1873, Francis Garnier đã có mặt tại Hà Nội. Cứ tưởng chuyến đi này với mục đích tốt đẹp nên từ quan đến dân ta đều đón tiếp trọng thể. Đến nơi, Francis Garnier cùng mấy tên tùy tùng vào thành ra mắt danh tướng Nguyễn Tri Phương rồi sau đó chúng đòi được đóng quân tại đây! Trước đòi hỏi quá quắt này, các quan của ta vẫn nhũn như con chi chi, năn nỉ mãi y mới đồng ý đóng quân tại Trường Thi.

          Cuộc thương nghị bắt đầu.

Nhưng ngay giây phút đầu tiên hai bên đã bất đồng ý kiến. Không đả động gì đến vụ Jean Dupuis, Francis Garnier chỉ đề cập đến việc đòi khai thương con sông Hồng. Đôi bên dùng dằng mãi. Cãi nhau như mổ bò.

       Ngày 7.11.1873, y đưa cho ta bản cáo thị bắt phải dán khắp nơi cho dân chúng được rõ nhiệm vụ của y ra Bắc Kỳ là: “Xem xét việc Bắc Kỳ như diệt trừ giặc cướp đang hoành hành ngoài vùng biển, trong làng mạc để dân chúng yên ổn làm ăn…”. Dĩ nhiên, ta không chịu và ra bản cáo thị khác nêu rõ nhiệm vụ của y chỉ là: “Giải quyết vấn đề của Jean Dupuis, rồi sau đó phải kéo quân vào lại Nam Kỳ”.

         Không khí hết sức căng chẳng.

         Ngày 9.11.1873, Francis Garnier gởi tối hậu thư yêu cầu trong hai ngày ta phải trao thành Hà Nội cho chúng! Cùng lúc, viện binh của chúng từ Sài Gòn cũng đã kéo ra Bắc. Nhìn thấy tình hình rất nghiêm trọng, dân quân ta ra sức phòng thủ.

         Không khí chiến tranh bao trùm cả xứ Bắc.

       Ngày 19.11.1873, Francis Garnier lại viết lá thư gửi cho danh tướng Nguyễn Tri Phương yêu cầu phải giao thành cho chúng trước 6 giờ chiều! Khi bàn tính kế hoạch này với Jean Dupuis, y nói trắng trợn:

         - Ngay ngày khởi sự phải bắt sống cho bằng được Kinh lược Nguyễn Tri Phương!

        Nghe lời nói phải như được gãi vào chỗ ngứa, tên lái buôn nói vun vào:

          - Dứt khoát phải như thế?

        Quay về phía Puginier, y hất hàm:

         - Còn ngài thấy sao?

       Vị giám mục nhỏ nhẹ:

       - Mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi. Lâu nay, tôi đã vận động một số người mạo nhận là con cháu họ Lê nổi lên chống phá nước Nam tại nhiều nơi. Những người này đã đồng ý làm nội ứng cho ta!

       Francis Garnier hài lòng lắm, y nói trơn như cháo chảy:

     - Với nước Pháp vinh quang, chỉ có chiến thắng và chiến thắng!

      Rạng sáng ngày 20.11.1873, một loạt đại bác bất ngờ pháo kích vào thành Hà Nội.

          Các hướng tấn công của quân Pháp đã bắt đầu…



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com