VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC

Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC

Mục lục
Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC
Lời nói đầu
1.Một vụ ám sát chấn động Hà Nội
2.Vạch trời một tiếng thét vang
3.Một chuyện tình lãng mạn
4.Bản án dành cho kẻ “không giữ lời thề”
5.Không thành công cũng thành nhân
6.Vung súng gươm chọc trời Yên Bái
7.Vào sinh ra tử biết bao phen
8.Nguyễn Thái Học bị bắt
9.Hồn thiên thu thác cũng như còn
Tất cả các trang

Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC

Lời thưa,

Có những người, dù chưa một lần gặp mặt, chưa một lần được thọ giáo nhưng trong thâm tâm bao giờ tôi cũng nghĩ đó là thầy của mình. Một trong rất nhiều người như thế đối với tôi là nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Nhân đọc tập Hồi ký của ông, dày hàng ngàn trang, nhưng chỉ có dăm dòng của ông đã thay đổi cả cách sống, cách viết của tôi. Ông viết rằng, đại khái, khi muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì cách tốt nhất ta viết một cuốn sách về vấn đề đó.

ban-in-lan-1

(Bản in lần 1 NXB Văn Học - 1995)


Từ lời khuyên lạ lùng và hữu ích này, nay nhìn lại công việc đã làm, ngay cả tôi cũng ngạc nhiên tại sao mình lại có thể viết được nhiều đến thế. Tôi bắt đầu lao vào viết nhân vật lịch sử từ những năm 1994. Tình cờ trong một lần đến thăm thầy Trần Hữu Tá tại nhà riêng, qua trò chuyện, tôi biết thầy với nhà văn Hoàng Lại Giang đang chủ biên Tủ sách truyện danh nhân do NXB Văn Học và Công ty FAHASA tổ chức. Thầy gợi ý tôi nhận lời viết về một nhân vật lịch sử mà tôi hằng ngưỡng mộ. Lập tức trong trí óc của tôi hiện lên hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Thái Học và tôi nhận lời. Chao ôi! Còn gì hấp dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một nhà cách mạng  lúc bước ra pháp trường còn ngẩng đầu lên đọc thơ? Những câu thơ  “Chết vì tổ quốc/ Cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng” của Nguyễn Thái Học bỗng quay về trong tâm trí của tôi lúc ấy...

ban-in-lan-2-NTH

(Bản in lần 2 của NXB Văn Học)

Ngay sau đó thầy ứng nhuận bút cho tôi, số tiền này nằm trong túi áo tôi không lâu. Vì từ nhà thầy (trên đường An Dương Vương) qua chợ sách cũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai) chỉ là một đoạn ngắn, tôi đã dùng toàn bộ để mua tài liệu sử liên quan đến nhân vật vật mà mình sẽ viết.
Khi bắt tay vào viết thì có một lời đề nghị khác khiến tôi phân vân. Số là như thế này, trong thời điểm này, có một người bạn học cũ đang làm việc tại Công ty Phát hành Phim TP.HCM, sau khi biết công việc của tôi đang làm thì đề nghị là nên viết về nhân vật khác. Nếu làm như thế thì sau khi sách ra phát hành, họ sẽ xin sẽ dễ dàng xin tài trợ để làm phim. Lời đề nghị nghe cũng hấp dẫn. Nhưng nhân vật mà bạn tôi gợi ý, thật ra đã có nhiều người viết, nay có viết thêm hoặc không thì vị trí trong lịch sử cũng đã được khẳng định. Còn nhân vật Nguyễn Thái Học lại khác. Với vai trò là người cùng với Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con... lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái long trời lỡ đất, trước cả phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh; và Việt Nam Quốc dân đảng do các ông thành lập trước cả lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời thì tại sao nay ta không viết lại, không đề cập lại một giai đoạn đáng tự hào của những người yêu nước?
Do khúc ngoặt của lịch sử, sau này, tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đã thoái hóa, chuyển sang một hướng khác không đi cùng với nguyện vọng của dân tộc nên không ít người rất ngại khi viết về tổ chức này. Nhưng điểm son, mặt tích cực của nó thì ta không thể phủ nhận. Đánh giá sự vật phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, vậy mới là khoa học. Nghĩ nôm na, đơn giản như thế nên tôi càng quyết tâm phải viết cho xong quyển tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Thái Học.

 

ban-in-lan-2

(Bản in lần 3 của NXB Kim Đồng)

Quyển tiểu thuyết này tôi viết xong vào ngày 26.11.1994, nó đã được nhiều báo giới thiệu và đánh giá tốt. Nhưng điều không ai ngờ trước là nó đã được báo Nhân Dân (số ra ngày chủ nhật 9.6.1996) đã có bài giới thiệu rất trân trọng. Người đầu tiên kêu lên một cách ngạc nhiên và thú vị là nhà báo Nam Đồng (nay Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), anh gọi điện thoại cho biết đã đọc bài báo này khi ngồi trên máy bay từ Hà Nội về TP.HCM. Nhờ vậy, tôi mới biết và tìm đọc bài giới thiệu này. Thú thật, trong các bài viết thì bài viết này đối với tôi rất quan trọng. À! thì ra lâu nay ta cứ “sợ bóng sợ vía” khi đề cập đến một vài nhân vật nào đó “có vấn đề”, nhưng thật ra giới sử học có cách nhìn nhận, đánh giá đã khác trước. Có điều, ta dám dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình hay không? Hay tốt nhất là cứ chọn những nhân vật đã khẳng định để viết cho an toàn? Đó cũng là sự lựa chọn của mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu sử.

Lê Minh Quốc

V.2012



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com