VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười một

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương mười một

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

Chương mười một

     Dỗ dành mãi, nhưng nhà vua vẫn khóc, ông Thuyết giận quá, mắt long lên sòng sọc, thét:

        -Nếu bệ hạ muốn quay về thì hãy để đầu lại đây!

         Vua Hàm Nghi sợ hãi nín thinh.

          Hơn ai hết, ông Thuyết biết rằng, việc truy lùng vua Hàm Nghi và bắt giết ông đang là mối quan tâm hàng đầu của De Courcy. Thật vậy, y hạ lệnh mở nhiều cuộc càn quét trên quy mô lớn theo chiến thuật “nội công, ngoại kích”. Nội công là từ các căn cứ dưới quyền chỉ huy của trung tá Chaumont đóng ở Nghệ An phóng ra các cuộc hành quân, càn quét trên quy mô lớn; ngoại kích là ở phía Bắc các cánh quân của trung tá Mignot tiến vào Huế và từ Huế, trung tá Metzinger phối hợp tiến ra… chúng thực hiện theo phương châm “vết dầu loang” nghĩa là đánh chiếm được vị trí nào thì lập chính quyền tay sai, ổn định xong mới tiến đánh nơi khác, nhờ vậy công việc bình định được tiến hành một cách chắc chắn có hiệu quả.

      Bóng trăng treo giữa đỉnh trời. Rừng xào xạc gió. Ngồi trầm ngâm một mình giữa trời khuya, ông Thuyết trầm ngâm như một tượng đá, cho gọi Hiệp biện đại học sĩ Phạm Thận Duật đến. Ông nói chậm rãi:

         - Thằng Tường đã phản bội. Những thông báo của y đứng chung tên với kẻ cướp De Courcy đã gây hoang mang trong giới sĩ phu nước nhà. Ông là người có văn tài nhất theo phò đức vua, vậy ông phải viết một bài hịch kêu gọi toàn dân kháng chiến và đập tan luận điệu mị dân của chúng.

      Ông Duật ngỡ ngàng:

         - Đức vua còn đó, ông còn đây, tôi phận mỏng tài kém nào dám múa bút?

         Ông Thuyết đáp:

         - Ai cũng phận mỏng tài kém, nhưng đã làm người thì phải biết trung hiếu vẹn toàn. Đức vua nhỏ tuổi, chưa thể lo toan đại sự, những kẻ tôi tớ như tôi, như ông cũng đều phải làm thân con ngựa thồ gánh vác giang san này.

          Ông Duật gật gù:

           - Tôi hiểu ý của ông.

        Ông Thuyết nắm chặt hai tay:

       - Tôi là võ tướng chỉ biết xuất quân, đối đầu với hòn tên mũi đạn. Ông là người học rộng, kiến thức uyên thâm, chữ nghĩa thánh hiền đầy một bụng. Vậy ông hãy thay mặt đức vua, đem chữ nghĩa giáo huấn muôn dân, vỗ về trăm họ.

          Ông Duật cúi đầu, lẳng lặng quay về chỗ nghỉ của mình. Dưới ánh sáng lờ mờ của đĩa đèn dầu phộng, người con trung hiếu của vùng đất Ninh Bình đặt bút viết. Nét  chữ như phượng múa rồng bay. Ngoài trời nổi gió. Báo hiệu một cơn giông dữ dội. Bắt đầu từ giây phút này, lịch sử nước nhà chính thức mở ra giai đoạn Cần vương hào hùng, nhân sĩ hào kiệt từ Nam chí Bắc đã đồng lòng đứng lên đánh giặc xâm lược theo lời kêu gọi từ chiếu Cần vương. Mạch văn của Phạm Thận Duật từ trong máu thịt như sông suối, mưa nguồn trào ra trên trang giấy:

           “Dụ: Dùng binh có ba cách: đánh, giữ và hòa; đánh và giữ đã không được vì đòi hỏi của giặc khôn cùng. Tình thế đất nước vô cùng khó khăn, nên phải theo kế người xưa tạm thời lánh nạn. Đất nước trong cơn hiểm nghèo binh lửa. Trẫm còn ít tuổi vẫn phải nối ngôi tìm cách tự cường. Sức ép của giặc ngày càng lớn, kinh thành sống trong sự nơm nớp lo âu, nguy cơ chỉ trong sớm tối; triều đình phải mưu tính đến sự vững bền xã tắc. Nếu như ngồi để vâng mệnh cúi đầu, thì sao bằng dò xét mà đối phó, để tính toán việc mai sau, vì thế Trẫm nghiến răng nổi giận, muốn giết sạch quân thù! Chuẩn bị vũ khí chiến đấu, sao bằng nhiều người hưởng ứng? Các quan nhiều người biết chết cho điều nghĩa.

    Trẫm đức mỏng, gặp biến cố, không mang hết tài sức ra làm việc được, để kinh thành bị vây hãm, xe thái hậu phải đi xa đó là tội ở Trẫm. Các quan khanh sĩ biết luân thường, đều không bỏ Trẫm. Người trí thức hãy bày mưu, người võ nghệ hãy giúp sức, người giàu có hãy đóng góp để giúp quân lính, cùng đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nguy, sao cho gỡ được cái họa của đất nước, như vậy trời cũng phù trì mà chuyển loạn thành trị, giữ đất nước được vẹn toàn, cơ hội này làng xã và thần dân sao chẳng quan tâm lo nghĩ. Nếu ai sợ chết, muốn sống yên vui, lo cho gia đình hơn lo việc xã tắc thì hãy chối từ. Ai tránh việc quân mà rời bỏ đội ngũ, bỏ chỗ sáng lao vào chỗ tối, sống lén lút vui thú với đàn bà, như vậy là trọng tội với triều đình, pháp luật sẽ trừng trị, hối về sau thì đã muộn. Phải nghiêm sợ mà tuân theo.

       Hàm Nghi năm thứ nhất ngày mồng 3 tháng 6.”

          Từ ngày 13.7.1885, văn bản này được gửi đi khắp cả nước. Sức mạnh của từng con chữ một khi đứng về phía chính nghĩa có thể đánh tan hàng vạn quân thù. Nhân sĩ ba miền nổi lên hưởng ứng chiếu Cần vương, đứng lên cứu nước. Tại Phú Yên, Bình Định có Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Đoàn Đào Kích; tại Quảng Nam có Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm; tại Nghệ An có Nguyễn Xuân Ôn, Lê Trọng Vinh; tại Quảng Bình có Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân; tại Thanh Hóa có Tống Duy  Tân, Cầm Bá Thước, Đinh Công Tráng, Phạm Bành; tại Hà Tĩnh có Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Lê Ninh; tại Hải Dương có Tán Thuật, Đốc Tít, Nguyễn Cao; tại Bắc Giang, Thái Nguyên có Ba Phúc, Đề Nắm,Đề Thám, tại Sơn Tây có Đề Kiều, Đốc Ngữ v.v…

          Không chỉ viết chiếu Cần vương, Phạm Thận Duật còn được ông Thuyết giao cho nhiệm vụ ra Bắc tổ chức liên kết các lực lượng kháng chiến. Trên đường vượt biển ra Bắc, ôngbị đau ốm phải nằm lại tại Quảng Trị và không may sa vào tay giặc Pháp.

          Trước sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến, De Courcy hết sứ lo lắng. Dù chiếm được kinh thành, nhưng không có vua, không có chính quyền thì “bảo hộ” cho ai, lấy ai thi hành các điều khoản đã ký kết? Y sai Tường bằng mọi cách phải ra Quảng Trị chiêu dụ Tam cung về Huế để bàn việc lập vua mới. Tường đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Hớn hở trước tin này, Tường nghênh ngang đi gọi cho các quan đi rước Tam cung về hoàng thành. Mọi người khinh bỉ không nói gì, duy chỉ có hội giá đại thần Hồ Hiển rút gươm ra chĩa vào mặt Tường, quát:

          - Ông là Phụ chính, nước nhà đến nông nỗi này, ông phải đi theo hộ giá thì mới đúng đạo hiếu trung. Cớ sao ông lại khuyên ngự đạo quay về làm tôi tớ cho ngoại bang? Nếu ông nói nữa, tôi chém!

          Tường cụp mặt, thủi thủi bước…

             Theo lệnh của De Courcy, Tam cung xuống chỉ chuẩn cho Thọ Xuân Vương Miên Định, chú của vua Tự Đức, làm Nhiếp lý quốc chính để lo việc nước. Công việc như thế cũng đã tạm ổn. Dăm ngày sau, De Courcy khôn khéo tính thêm từng bước khác nữa. Y giao cho De Champeaux giữ bộ Binh; cho gọi Nguyễn Hữu Độ – Tổng đốc Hà Ninh về Huế trông coi Viện Cơ mật; cất nhắc Phan Đình Bình – Tổng đốc Định An lên giữ bộ Hộ và cũng đưa vào Viện Cơ mật.

     Đi những nước cờ đơn giản như thế, De Courcy đã loại Tường ra ngoài quyền lực, chỉ đứng chầu rìa như một kẻ vô tích sự! Dù vậy từ chiến khu, ông Thuyết còn ra lệnh cho quân kéo về đốt tư dinh thường ở gần chợ Đông Ba vì đã hợp tác với giặc trong thời gian qua.

        Ai hiểu được tâm trạng của kẻ sống giữa hai làn đạn?

         Sau khi viết xong bài thơ bộc bạch nỗi lòng sâu thẳm của mình, thường nghĩ chỉ còn một cách tốt nhất là tự sát:

Xa giá ngàn trùng lẫn dặm xanh,

Lòng tôi riêng luyến chốn lan đình.

Dở hay xin mặc người sau xét,

Vua nước đôi đường hỏi trọng khinh?

        Nhưng De Courcy đã không cho phép Tường được chọn cái chết như thế. Ngày 27.7.1885, đã hết thời hạn giao hẹn giữa Tường với De Courcy về việc chiêu dụ vua Hàm Nghi trở về kinh thành. Cho gọi Tường vào trong tòa Khâm sứ, De Courcy đập tay xuống bàn, chỉ tay vào mặt Tường, quát:

        - Chỉ có một chuyện dễ dàng như nhổ nước bọt vào tay, ông làm cũng không xong!

           Tường lừng khà lừng khừng:

     - Tôi xin cố gắng!

        - Không cần thiết nữa. Ông có cố gắng, có muốn tỏ ra trung thành với nước Pháp thì mời ông sang đảo Tahiti mà thực hiện!

         Ngước nhìn De Courcy, Tường cay đắng không thốt nên lời. Con giun xéo lắm cũng quằn. Tường ngẫm nghĩ một lát rồi gằn giọng:

          - Thân tôi như cá nằm trên thớt. Ngài muốn làm gì thì làm! Đừng có hăm dọa!

          Lần đầu tiên thấy Tường có phản ứng, De Courcy chưng hửng:

         - Ông thách tôi đấy à?

         - Tôi không thách. Làm người chỉ chết có một lần. Tôi chỉ tiếc không được chết lúc đang cầm súng chiến đấu chống lại quân đội của ông thôi.

        Thái độ nổi nóng của Tường đã khiến De Courcy càng chưng hửng. Thì ra, một kẻ sĩ nước Nam dù đã vào bước đường cùng nhưng cũng khí phách đấy chứ! Nhưng y không tranh luận, gọi bọn thuộc hạ vào trói Tường lại, tống ngục, chờ ngày đày đi đảo.

         Trên chuyến tàu đi đày, ngoài Tường ra còn có cụ Tôn Thất Đính - cha của ông Thuyết ở tuổi ngoài 80 và ông Phạm Thận Duật. Riêng Tường, chính phủ Pháp đã cấp cho 30.000 France. Nhưng cuối cùng, các đại quan trong triều không đồng ý. Không những thu tiền lại, chúng còn ra lệnh thu hồi tất cả sắc bằng triều đình đã cấp cho Tường để hủy bỏ và tịch thu sạch sành sanh tài sản của Tường! Lênh đênh ngoài biển khơi, sóng lớn, ông Duật bị bệnh chết, bọn Pháp tàn nhẫn ném xác xuống đại dương thuộc vùng biển Malaixia, làm mồi cho cá mập! Còn Tường sang đến đảo Tahiti chết vì bệnh ung thư cuống họng. Lạ thay, mắt Tường cứ mở trao tráo, miệng Tường cứ há hốc như muốn phân bua một điều gì đó với hậu thế…

         Trong khi đó, với cương vị của mình, Nguyễn Hữu Độ vốn tay láu á, trơ đến lõi, liền nghĩ rằng cờ đã đến tay phải phất thôi! Y tìm cách thương lượng với giặc phế vua Hàm Nghi và đưa con rể của mình là hoàng tử Chánh Mông - con nuôi vua Tự Đức lên ngôi – với niên hiệu là Đồng Khánh vào tháng 9.1885. Đồng Khánh là người đầu tiên của triều Nguyễn, đóng vai “nhà vua” để nhận tiền lương hàng tháng do Pháp chu cấp!

       Ngay từ giây phút được cha vợ cùng với giặc Pháp o bế đặt ngồi trên ngai vàng, việc đầu tiên của bù nhìn Đồng Khánh là cầm bút ký dụ tước hết chức vụ, tịch thu gia sản của những thượng quan đã tham gia kháng chiến!

         Riêng đối với ông Thuyết, y còn ra lệnh xóa tên trong sổ Tôn nhân, bắt đổi ra họ mẹ là Lê Thuyết! Còn quyết tâm bắt cho bằng được cơ quan đầu não phe chủ chiến, y lại ra dụ phong hàm Chánh nhị phẩm, tấn phong tước Nam cho những ai bắt được Hàm Nghi; thưởng những 1.000 lạng bạc nếu bắt sống được ông Thuyết, còn chém được thì thưởng 800 lạng. Vẫn chưa hết, y lại liên tiếp ra những dụ kêu gọi văn thân Trung kỳ không nên nghe theo tiếng gọi của “Cần vương hướng nghĩa” và sĩ dân Bắc kỳ không được ủng hộ Tôn Thất Thuyết.

        Bất chấp mọi thủ đoạn đê tiện đó, cuộc kháng chiến trong nước vẫn nổ ra dữ dội khắp nơi. Sĩ phu cả nước vẫn hướng về Hàm Nghi, do đó, mới có câu:

       Ngẫm xem thế sự mà rầu

       Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.

      là vậy.

     ****

         Trú quân tại Tân Sở, ông Thuyết đã nhận ra đây không phải là vị trí thuận lợi cho việc dụng binh, vì nếu giặc án ngữ được Cam Lộ sẽ cắt đứt đường liên lạc của nghĩa quân với các tỉnh trong nước. Do đó, ông ra lệnh nghĩa quân tiến ra Quảng Bình, tìm đường ra Bắc. Giặc Pháp ráo riết đuổi theo. Bị chặn đường, nghĩa quân lại phải đưa vua Hàm Nghi quay về Tân Sở, ba ngày sau lánh sang Lào, rồi quay về Hà Tĩnh, đóng ở Ấu Sơn thuộc huyện Hương Khê. Những tháng ngày gian nan này, chẳng may vua Hàm Nghi bị bệnh thương hàn, nằm liệt một chỗ, hễ có động nghĩa quân lại cõng chạy. Dù trăm bề, nhưng không ai có một lời than oán. Họ biết rằng, chủ tướng Thuyết còn đau khổ hơn nhiều. Cha già đang đau ốm, sống trong tình trạng hôn mê, bán thân bất toại cũng bị giặc bắt đi đày; mẹ già không chịu được lam chướng đã bị bệnh chết. Vợ con cũng tan tác hết cả, có những người con chạy kịp theo ông như Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Hoàng, Tôn Thất Trọng, số còn lại phải sống tại kinh thành hoặc chạy về quê trốn giặc, họ cũng đang bị truy lùng, chịu o ép trăm bề. Và các em của ông như Tôn Thất Hàm, Tôn Thất Lệ, Tôn Thất Phong… cũng không sợ gian khổ, đang chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ Cần vương.

         Nhiều lúc thấy Hàm Nghi bị bệnh nặng, ông Thuyết động lòng, cũng muốn đưa nhà vua trở về kinh thành theo nguyện vọng. Nhưng khi nghe ông tâu, Hàm Nghi đáp rắn rỏi:

         - Những ngày vào sinh ra tử, lên thác xuống ghềnh, nằm gai nếm mật cùng khanh, ta đã hiểu việc làm của khanh, tấm lòng của khanh. Khanh vì ai mà phải mưu việc lớn? Chẳng phải vì ta, vì ngôi báu của tiên triều để lại đó sao? Lẽ nào, ta tìm vui sướng một mình?

          Nghe nhà vua nói thế, ông Thuyết càng thêm phấn chấn. Ông vui mừng khi biết nhà vua từ chỗ miễn cưỡng dấn thân vào công cuộc cứu nước thì nay đã tự ý thức được việc làm chính nghĩa. Do đó, ông quyết định lấy bút phê của Hàm Nghi để xuống chiếu Cần vương lần thứ hai, tố cáo âm mưu cướp nước của  thực dân Pháp và kêu gọi:

     “… Hiện nay Trẫm cùng Tôn Thất Thuyết đã tới Ấu Sơn thuộc Hương Khê. Các quan lại trong ngoài đều tề tựu ở miền này cả. Văn thân, dân chúng và binh sĩ cũng lần lượt ra dự việc Cần vương. Thế nước đang lúc gặp loạn ly, ta khoanh tay mà nhìn sao được?

           Vì vậy, Trẫm ra lệnh cho ai nấy đều phải quyết tâm và khi có lệnh thì tất cả sẵn sàng nổi dậy, giết chết tất cả những kẻ hùa theo lũ rợ Tây phương, không để cho tên nào trốn thoát. Trẫm cấm chỉ không ai được tư thông với giặc, khiến cho chúng không thể làm gì được, không thể thâu lượm được tin tức gì, không thể mua được lương thực. Rồi phải tìm cách giết chúng thật bất ngờ. Nếu chúng bắt ép phải làm việc cho chúng thì bất luận hay dở cũng làm, nhưng phải luôn luôn nghĩ cách mưu tiêu diệt chúng.

       Làm như vậy thì chúng không thể nào cai trị được, cũng không thể thu được mối lợi gì về cuộc chiếm đóng của chúng. Đó là cách tốt nhất để đánh kẻ cướp.

… Bây giờ, Trẫm ra lệnh tối mật này cho nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình và trên nữa về phía bắc: văn thân, kỳ hào các xã phải thông đồng với nhau để nổi dậy cùng một lúc và để đi cầu xin một đồng minh hùng mạnh giúp đỡ. Các phủ huyện phải hiệp lực với các tổng lý để đi tìm đồng minh đó; thế rồi ta sẽ chống lại quân Pháp. Thoạt tiên, hãy đánh đuổi chúng ra khỏi các tỉnh miền Bắc, bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau ta sẽ chọn một địa điểm để đóng đô. Kết quả này, sớm muộn phải đạt bằng được”.

       Trong khi công việc ngổn ngang trăm mối tơ vò, ông vui mừng nhận được tin, con gái lớn của ông là Tôn Nữ Thị Ẩn đã lên xe hoa về nhà chồng. Lúc cả gia đình đi kháng chiến, cô Ẩn chạy theo không kịp, ở lại kinh đô. Dù trước đây, Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền đã ngỏ lời xin cưới cô làm vợ, nhưng thời thế đang đổi thay dữ dội, cô nghĩ người tình cũ không còn nghĩ đến mình nữa. Một người vừa thi Hội đậu Đình nguyên, nhưng chưa kịp truyền lô thì kinh thành thất thủ, lẽ nào chàng lại cưới mình để ảnh hưởng đến đường danh vọng sau này? Cô dứt khoát lánh mặt nhưng Nguyễn Thượng Hiền vẫn đi tìm, vì hơn ai hết, chàng hiểu tính cách cha vợ tương lai của mình. Đó là người biết sống, và đã sống một cách xứng đáng. Chính khí phách của cha vợ đã ảnh hưởng ít nhiều đến chàng rể, vì sau này dù thi đậu Tiến sĩ nhưng vẫn không ra làm quan mà về sống ẩn dật tại Núi Nưa (Thanh Hóa). Người con gái đầu của Nguyễn Thượng Hiền với bà Ẩn được đặt tên Nguyễn Thị Nưa nhằm kỷ niệm năm tháng sống nơi đây.

     Rồi địa điểm Hương Khê cũng bị lộ, nghĩa quân lại đưa nhà vua về ẩn náu ở Tuyên Hóa - miền thượng du Quảng Bình. Nhận thấy ở đây tạm ổn, còn sức mình khó có thể chống cự được lực lượng hùng hậu của giặc nên Tôn Thất Thuyết tính chuyện sang Tàu cầu cứu. Không phải bây giờ ông mới tính đến chuyện này. Mà ngay khi có mặt tại Tân Sở, ông mật lệnh cho hoàng giáp Nguyễn Quang Bích - người được vua Hàm Nghi phong Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ - nhân vật trọng yếu của phong trào kháng chiến ở phía Bắc – sang Vân Nam cầu viện. Chuyến đi sứ này không đem lại kết quả nào đáng kể, vì vua Hàm Nghi không phải người được nhà Thanh phong vương và quốc thư cũng không đóng dấu quốc ấn mà chỉ “áp ký bằng tay”! Do đó, lần này ông Thuyết nghĩ rằng, với cương vị của mình và do có mối quen biết trước đây thì công việc cầu viện của ông sẽ thuận lợi hơn. Cho dù xa nhà vua lúc này, trong lòng không yên, nhưng không thể tính khác được, ông có viết thư trao đổi với một số thủ lĩnh kháng chiến, nhất là chờ ý kiến của ông Bích, người vừa đi sứ về. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng trăng, ông đọc lá thư vừa gửi tới. Trong thư, ông Bích có họa lại bài thơ của ông:

Xông pha muôn dặm chướng lam đầy,

Cố sức tranh trời vận đổi thay.

Nam độ Tống gia, dân giúp sức,

Đông hòa Thục chúa, chữ trong tay.

Bốn phương đi sứ khôn lo liệu,

Một việc không xong uổng tháng ngày.

Đổ gạo vẽ hình hang với núi,

Ngọn đèn soi tỏ tấm lòng này(*)* Kiều Hữu Hỷ, Lã Xuân ai dịch.******

        Bài thơ này đã khiến ông Thuyết rất phấn chấn, ông cho gọi con trai trưởng là Tôn Thất Đạm lại, bảo:

       - Con đọc bài thơ của bác Bích và cho ta biết ý kiến của con.

         Đàm mới mười tám xuân xanh, nhưng cao lớn, đôi mắt sáng tinh anh. Dù gương mặt phong trần mưa nắng mà môi Đàm vẫn đỏ như son. Đàm đã từng theo cha đôn đốc việc quân từ lúc Pháp mới đánh vào cửa Thuận An, và tỏ ra là người quả cảm, gan dạ. Nhận bài thơ từ tay cha, đọc xong, Đàm reo lên:

         - Thưa cha, có hai câu thơ con rất thích. Ở câu thứ ba, bác Bích đã nhìn thấy thực lực của kháng chiến. Theo ý của bác thì nước Nam ta hiện nay cũng giống như nhà Tống khi bị nước Kim đánh, phải bỏ chạy sang phương Nam, nhờ được nhân dân ủng hộ mà lớn mạnh lên. Còn câu thứ tư thật thú vị, giữa cha với bác Đính cũng giống như Lưu Bị với Chu Du dù không hẹn ước trước mà cùng viết chữ “hỏa” trong lòng bàn tay!

        Ông Thuyết khen con:

        - Ta không ngờ con cũng thông hiểu kinh sử đến vậy. Chữ “hỏa” ơ đây có nghĩa dùng kế “hỏa công” thì mới thắng được giặc dữ. Thế con có hiểu câu thơ thứ bảy không?

        Không đợi con trả lời, ông Thuyết nói tiếp:

         - Riêng cha, cha rất thích câu thơ này. Bởi ông Nguyễn Quang Bích cho rằng, không có gì phải sợ cả. Tình thế của ta cũng giống như Mã Viện trước đây kéo quân đánh Ngỗi Phao làm phản. Viện đã đổ gạo ra vẽ hình hang núi và thế trận cho Quang Vũ xem. Xem xong, Vũ khen tướng của mình nắm được địa thế của đối phương như trong lòng bàn tay! Chúng ta cũng vậy thôi, nếu biết được đường đi nước bước của giặc thì đánh sẽ thắng!

        Nói xong, ông ngửa mặt lên trời cười “khà” sảng khoái. Rồi ông bảo:

        - Lâu nay, cha biết con có lòng quả cảm, một lòng phò vua giúp nước nên cha rất yên tâm. Nay mai, cha sẽ sang Trung Quốc cầu viện, mọi việc sẽ giao lại cho con.

        Đàm ngạc nhiên:

        - Làm sao con có thể đảm đương được việc lớn?

           Ông Thuyết quả quyết:

       - Thế nào là việc lớn, thế nào là việc nhỏ? Đừng sợ không thể gánh vác nổi việc lớn. Mọi việc xoay vần trong vũ trụ, tự nó chỉ có thế, chứ nào phân chia lớn nhỏ gì đâu! Hơn nữa bên cạnh con còn có Đề đốc Lê Trực, Tán tương quân vụ Nguyễn Phạm Tuân cùng nhiều đình thần khác nữa kia mà..

        Đàm cúi đầu vâng theo lời của cha:

         -  Nhưng chuyến này có những ai cùng đi với cha?

         - Con yên tâm. Cha đi cùng với các ông Nguyễn Quang Bích, Chu Lăng Thục và Nguyễn Khê Ông…

        Đàm rụt rè:

          - Theo ý của riêng con nên cho em Thiệp đi theo phụ giúp cha.

          Ông Thuyết cười:

         - Thiệp còn nhỏ chưa thể đủ sức đi đường xa vạn dặm. Hơn nữa thiệp có nhiệm vụ phải bảo vệ đức vua, không được rời nửa bước.

        Sau đó, ông Thuyết cho họp bọ chỉ huy. Ông trông báo ý định của mình và thăng Tôn Thất Đàm giữ chức Khâm sai Chưởng lý Khâm vụ đại thần. Từ đây, Đàm sẽ là người thay cha trực tiếp ban phát mệnh lệnh của nhà vua cho các thủ lĩnh kháng chiến trong cả nước, đồng thời phụ trách việc điều động quân đội trong các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Còn Đề đốc Trần Xuân Soạn thì điều động các cánh quân từ Nghệ An trở ra Bắc.

         Đầu tháng 2.1886, Tôn Thất Thuyết lên đường sang Trung Quốc.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com