LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.2.2017

16388354_1869313576686700_6285984214730166570_n

 

Cất cánh phi cơ chỉ một giây

Đã chạm tuổi thơ dưới gót giày

Mới vừa hít thở cùng Đà Nẵng

Đã say trời đất ủ men say

Cảm giác ấy là của lúc xế trưa ba mươi. Ngày Tết qua nhanh. Đã vào lại Sài Gòn. Mệt mỏi đến bã người. Cũng như mọi năm, thấy Tết là sợ. Sợ nhất vẫn là lúc phải bắt nhịp lại công việc mỗi ngày. Không phải ngẫu nhiên, trước Tết có nhiều ý kiến cho rằng nên nhập Tết Tây và Tết Ta làm một. Ăn một cái Tết Tây thôi. Thế là đủ. Ý kiến này bị “ném đá” tơi bời. 

Bản tin “203 người chết vì tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết” cho biết: "Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, cả nước xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 203 người, bị thương 417 người... So với cùng kỳ tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, TNGT tăng 29,5% về số vụ, tăng 11,5 % số người chết, tăng 48% số người bị thương… Nguyên nhân một phần là tâm lý ngày xuân, người tham gia giao thông tùy tiện vi phạm luật, nhiều người lái xe sau khi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm (nguồn: vnexpress ngày 1.2.2017).

Sáng mồng 5 Tết, Đà Nẵng có mưa phùn. Thời tiết lành lạnh. Quán xá đã bắt đầu mở cửa. Chen chân. Chật cứng. Khó có thể kiên nhẫn ngồi chờ thưởng thức món ăn ngon nào. Rồi lại bia bọt. Nát và nhão cả người. Làm gì cho hết mấy ngày Tết, nếu không là bù khú nhậu nhẹt? Sáng hôm ấy, dậy sớm, ngồi trước căn nhà của thời hoa niên, ngó đất nhìn trời và viết vu vơ đôi câu thơ. Ngôi nhà này, y đã sống và mãi mãi là nơi chốn của lúc quay về cùng Đà Nẵng. Có lẽ, ưng ý nhất vẫn là những câu lục bát đã viết từ Tết năm 2016.

Ngôi nhà của tuổi ấu thơ

Tôi về sung sướng lật tờ giấy thơm

Thấy từ ký ức rạ rơm

Những ngày đi học rập rờn nắng mưa


Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa

Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần

Nền nhà còn đó dấu chân

Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời


Quay về gặp tuổi lên mười

Hoa niên xanh thắm mây trời chưa xa

Nghe từ trẻ nhỏ ê a

Âm vang tiếng ấy hoá ra tiếng mình


Cội nguồn một dạ đinh ninh

Vẫn vẹn nguyên một dấu tình không phai

Hạt mầm. Biếc lá. Xanh cây

Tôi về cầm lấy bàn tay vỗ về


Về nhà? Tôi lại về quê

Quê nhà muôn thuở là quê của nhà

Bỗng nghe tiếng khóc oa oa

Tôi lọt lòng mẹ bước ra cõi người

Về quê nhà, còn có mẹ, cảm giác ấy hạnh phúc và sung sướng biết dường nào. Có lẽ cũng chẳng còn dài nữa. “Mẹ già như chuối chín cây”. Rồi đén một lúc nào đó, gã trung niên là y cũng bước vào ngưỡng cửa ấy.  Vòng quay một đời người qua nhanh. Ngày xuân,con én đưa thoi. Chớp mắt là về một cõi khác. Sáng nay, xuống phố. Sài Gòn vẫn vắng người. Thiên hạ còn mải mê du xuân chúc Tết. Trên trang facebook cá nhân, nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết: "Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ... Chưa kể một số lễ hội "mới" chưa được thống kê bổ sung như các lễ hội du lịch, lễ hội bánh tét, lễ hội hoa... Tính ra, trung bình mỗi ngày trên đất nước ta diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức hơn một giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội diễn ra... Liệu trên thế giới, có nước nào, dân tộc nào "yêu" lễ hội như Việt Nam chúng ta chăng?". Thông tin này, anh Tấn quên bổ sung thêm chi tiết đã ghi rành rành trên pano khắp các nẻo đường: "Lễ hội đền Trần Thái Bình di sản văn hóa vật thể phi quốc gia". Xin miễn bình luận.

Chiều nay, dù trống rỗng từ thể xác đến linh hồn nhưng cũng gắng gượng gõ bàn phím. Tập lấy lại thói quen của những ngày hăm hở, sung sức trước Tết. Dịp Tết nào cũng thế, quá mệt cho cái sự nghỉ ngơi quá dài ngày và giết cái sự dài ngày ấy bằng cách nâng ly nốc cả biển bia, sông rượu trôi tuột qua cổ họng. Nghĩ cũng vui. Rồi nghĩ cũng chán. Đành phải thế. “Tết mà”. Câu nói quen thuộc ấy luôn thường trực trong tâm trí của y, sau lần tặc lưỡi.

Ngoài trời, u ám. Thời tiết thật lạ. Như sắp có mưa. Ảm đạm. Quả nhiên đã rơi mưa ngoài hiên. Nghĩ vẩn vơ một chút. Cũng chuyện chữ nghĩa. Làng nhàng. Cho vui trong sắc màu tẻ nhạt của buồi chiều đang mưa như thác đổ. Dám cả quyết rằng, hiện nay, người đàn ông nổi tiếng nhất trên thế giới, mọi động tĩnh gì của ông ta đều trở thành sự chú ý của dư luận năm châu bốn biển: Donald Trump. Trước đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của ông ta cùng bà Hillary Clinton, thiên hạ thót tim theo dõi từng chút một và tha hồ bình luận. Y không hiểu gì thể lệ bầu cử ở Mỹ, về chính trị nên không dám hó hé gì. Nay, ông ta đã trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thích thú với thông tin: “Nhức đầu với việc dịch tên ông Trump sang tiếng Trung”, theo Báo Thanh Niên ngày 26.1.2017: “Tên chính thức của ông Trump theo người Trung Quốc là Te Lang Pu, dịch ra có nghĩa là “phi thường, sáng chói và được ngưỡng mộ”, một cái tên mà chắc chắn ông Trump nhất định chọn nếu có thể đặt tên cho chính mình. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang nghĩa “bất thường, ồn ào và dung tục”, 100% là cái tên mà những người phản đối muốn gọi ông này, theo tờ USA Today ngày 25.1.2017.

Sở dĩ có sự trái ngược chan chát về nghĩa trên là do người Trung Quốc không đọc được tên bằng ngôn ngữ khác mà diễn dịch tất tần tật sang ký tự bằng tiếng Hán, dựa trên âm để dịch chứ không phải chữ viết. Kết quả là khi viết một tên nước ngoài bằng tiếng Trung, bạn có thể bổ sung thêm nghĩa mới vào tên của người khác dù muốn hay không. Do nguy cơ trên, Trung Quốc có văn phòng dịch thuật thuộc hãng thông tấn Tân Hoa xã. Các nhân viên ở đây dịch hàng chục tên nước ngoài mỗi ngày, và nếu là trường hợp nhạy cảm, họ sẽ chuyển cho Bộ Ngoại giao để xét duyệt.

Và tất nhiên trong những ngày qua, cơ quan trên tối tăm mặt mũi khi chuyển tên các thành viên trong nội các mới ở Washington. Ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trở thành Di Le Sen, cố vấn tổng thống Kellyanne Conway là Kang Wei, và Ryan Zinke, ứng viên bộ trưởng Nội vụ, là Jin Ke. Thế nhưng Hồng Kông và Đài Loan lại chọn cái tên khác cho ông Trump: Chuan Pu, được đánh giá là cái tên tốt nhất vì ngắn gọn và gần nghĩa nhất so với nguyên tác”.

Đọc lại thơ văn vô sản thập niên 1930, mới biết rằng, ngày ấy, người Việt dùng từ “Lý Ninh” để gọi Lénin. Không rõ đến thời điểm nào mới gọi Lê Nin? Cái tên của một con người quan trọng đến vậy. Ai cũng có một cái tên. Nhưng rồi, hầu hết trở thành Vô Danh. Các nhà nho dấn thân ngày trước rất coi trọng cái tên của mình, nay thiên hạ cũng thế thôi. Chằng gì khác. Hôm nào rảnh rỗi, đọc lại tiểu sử của nhà nho Trần Danh Án xem sao. Một người viết hai câu thơ này, há nào phải tầm thường:

Nam nhi bất tác oanh thiên sự,
Hư độ phù sinh tử diệc hưu.

(Tài trai không làm được việc vang trời. thì sống cũng uổng một đời, rồi chết cũng thôi).

Ai rồi không chết? Vậy cứ sống thỏa thích theo ý mình, có phải tốt hơn không? Không dám có ý kiến gì. Đọc sử, đôi khi lại thấy tiếc cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Thơ là người. Câu thơ vận vào người dễ như bỡn. Tương truyền Chỉnh ứng khẩu năm 8 tuổi, lúc theo cha đi chúc Tết thầy đồ, lúc ấy, thầy bảo vịnh cái pháo:

Xác không vốn những cậy tay người,

Bao nả công trình, tạch cái thôi.

Kêu lắm lại càng tan tác lắm,

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Quỳnh Chân: “Người ta thường luận rằng "khẩu khí" bài này cho thấy Chỉnh không có thực tài, làm nên sự nghiệp đều "cậy tay người", song càng trèo cao càng ngã đau, rút cục chết phanh thây mà công danh cũng không còn, khác nào làm cái pháo công trình mà chỉ nổ tạch một tiếng, tan xác là hết. Cũng may sự nghiệp văn chương của Chỉnh không dừng lại ở bài Vịnh cái pháo nên ngày nay chúng ta còn có cơ hội suy xét Chỉnh một cách công bằng hơn” (Thế Kỷ 21, số 64, tháng 8, 1994). Luận như thế, có hợp lý không? Y không có ý kiến. Tình cờ, đọc trên mạng vi.wikisource, thấy có một dị bản khác của bài thơ này. Có lẽ do người đời sau, vì thương lấy số phận của Chỉnh mà chỉnh lại chăng?

Pháo mới kêu to một tiếng đùng

Hỡi ơi xác pháo đã tan không

Tiếc thay thân pháo không còn nữa

Nhưng đã tan ra vạn sắc hồng

Bài thơ này, xét ra “có hậu” hơn. Cũng may, ở Việt Nam cấm đốt pháo đã lâu, thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng thì phải. Còn nhớ bấy giờ, trên tờ Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài có viết bài luận về cách làm pháo ngày xưa, bị rày rà to. Không có tiếng pháo rồi cũng quen đi. Tốt thôi. Đôi khi, ngồi suy nghĩ vẩn vơ này nọ cũng là một cách ngốn cho mau hết thời gian của một buổi chiều bó chân ngồi nhà, bởi ngoài trời đang mưa. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Trong lòng phố mưa đêm trói chân”. Thời nhỏ đọc và thích câu này: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không có then khóa mà giữ được khách).  Thật ra, bình thường thôi, câu đối lại hay hơn: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân" (Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta). Lúc đã liễu chán hoa chê, lăn lóc đá, mê mẩn đời, nghiệm lại thấy chẳng sai. Và mỗi lần đọc lại thấy thích. 

Và bây giờ thích gì? Chẳng rõ nữa.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment