Tranh sơn dầu của LÊ MINH QUỐC
Ngày chủ nhật. Một ngày có gì khác mọi ngày? Với y, không gì khác. Vẫn thế. Vẫn lặng lẽ mỗi ngày cùng công việc đã chọn lấy từ lúc bước chân vào đời. Nghiệm rằng, nếu yêu lấy nghề, ngay lúc đang cật lực làm nghề, nhọc nhằn lao động cũng đã là một cách thư giản và thụ hưởng lấy niềm vui. Hai mươi năm trước, trong tập thơ Tôi chạy theo thơ, y đã tự bạch: “Tay lóc ngóc gõ lọc xọc/ Một tảng đá ngồi trước bàn/ Vận dụng nội lực lên dốc/ Chẳng bao giờ chịu đầu hàng/ Nhoay nhoáy đêm ngày xoèn xoẹt/ Chữ ơi ốm béo ngắn dài/ Văn chương cái nghề cực nhọc/ Tự nguyện làm tù khổ sai”.
Liệu có thật ích kỷ hay không, vì đôi khi để có niềm vui đó, y lại nhắm mắt bịt tai không hề đoái hoài gì đến những sự việc thời sự đang diễn ra ngay trước mắt. Những thời sự khốc liệt khiến tâm hồn tan hoang như bão trút, sấm sét đùng đùng. Tại sao lại né tránh? Trả lời câu hỏi này, không khó nhưng trình bày ra môn ra khoai lại ngại mất thời gian, không cần thiết, nên thôi.
Đôi khi nghĩ rằng, sống trên trần gian này không khó lắm đâu, ai cũng sống được, dù rằng họ đang sống trong hoàn cảnh bi đát đến cỡ nào. Vậy khó nhất là gì? Vẫn là làm thế nào giữ được sự trong trẻo của tâm hồn. Nhìn cuộc sống an nhiên tự tại, không sắc màu u ám, không tị hiềm, không ganh ghét. “Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui” (TCS), nghĩ cho cùng là một thái độ sống tích cực hay một sự thỏa hiệp tự lừa dối lấy chính mình? Chẳng lẽ trong cái cõi nhân sinh hỉ, nộ, ái, ố có những sự việc tàn khốc quất ngang qua số phận hàng triệu con người, chẳng hạn vụ Formosa, vậy cách lựa chọn tốt nhất là ngoảnh mặt đi và tìm lấy sự an toàn để có được niềm vui? Câu trả lời khó hay dễ vẫn tùy thuộc vào thái độ sống, tâm thế của mỗi người.
Một ngày của y tẻ nhạt quá. Quanh đi quẫn lại với chỉ là những con chữ. Sống bằng những con chữ. Chữ nuôi sống mỗi ngày. Rồi lấy đó làm niềm vui. Mải mê chìm đắm. Vậy không tẻ nhạt là gì? Vẫn biết là thế, nhưng làm sao thay đổi? Mà thay đổi để làm gì? Những câu hỏi này ngớ ngẫn quá đi mất. Do nghĩ thế, y lại chìm vào trong mê đắm. Mê đắm về người. Mê đắm về chữ. Liệu có nên chăng? Câu trả lời đã có. Đó là hôm nọ, đọc lại thần thoại Hy Lạp.
Chuyện rằng, Orphée/Orpheus là con của Apollon - Thần Ánh sáng, Nghệ thuật,Tiên tri và Calliope - Nữ Thần của Thi ca. Chàng là nhạc sĩ đại tài, khi cất lên cung cầm tuyệt diệu thì trần gian này mọi sự vật đều thay đổi. Dù ác thú, hung bạo nhất cũng tự cải tạo tâm tính để trở nên thánh thiện, chan hòa yêu thương. Orphée yêu Eurydice - Nữ thần của núi sông thơ mộng. Chẳng may, ngày nọ nàng bị rắn độc cắn chết. Nhớ thương vợ đêm ngày ròng ròng nước mắt, trái tim vụn vỡ tan tành, tâm trí héo khô, tâm tư sầu não, vì thế, Orphée nhất quyết đi xuống âm ty tìm vợ cho bằng được.
Ttrong văn chương, truyện kể của nhân loại, chỉ có mỗi Orphée đi xuống cõi âm phủ tìm vợ chăng? Không đâu. Thật thú vị khi có sự trùng hợp lạ lùng: người chồng thủy chung, thương vợ nhất nước Nam ta là Phạm Công, lúc tìm vợ - Cúc Hoa cũng đi xuống cõi ấy.
Lúc đi xuống âm ty, Orphée đã gẩy cung đàn tuyệt diệu: “Khi cao, vút tận mây mờ/ Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh/ Êm như lọt tiếng tơ tình/ Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không/ Thiên Thai thoảng gió mơ mòng/ Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay” (Thế Lữ)... Âm thanh của chín cõi càn khôn hội ngộ, khiêu vũ trên phím đàn của chàng đã khiến các chư vị quỷ thần đều phải cảm động, xao xuyến. Ma lực của tiếng đàn ấy dữ dội đến độ vợ chồng chúa Âm ty là Hadès và Persphone động lòng thương hại trả lại Eurydice cho chàng.
Với Phạm Công, truyện cổ tích Việt Nam, ta có biết thêm một hai chi tiết khác, đại khái, trải qua biết bao gian khổ nhưng vẫn không tìm thấy Cúc Hoa, chàng viết thư cầu cứu Diêm vương: “Nước trong leo lẻo/ Sóng vỗ là đà/ Có rắn mãng xà/ Cất cao cái cổ/ Vợ tôi âm phủ/ Cách trở nghìn trùng/ Tìm kiếm hết lòng/ Phương nào chẳng thấy/ Hai con thơ dại/ Dương thế miền xa/ Nhớ mẹ nhớ cha/ Hai bề cam khổ/ Vái cùng Hậu thổ/ Soi xét lòng đau/ Sống thác nhường nào/ Xin cho tôi biết”. Tóm lại cũng giống như Orphée, trải qua nhiều gian nan, thử thách cuối cùng, Phạm Công tìm thấy vợ. Diêm vương cảm động trước tấm lòng thủy chung của chàng nên cho Cúc Hoa tái sinh. Hai vợ chồng cùng trở về dương thế trong sự vui vầy của mọi người và nhà vua nhường ngôi cho Phạm Công. Từ đó, gia đình Phạm Công - Cúc Hoa sum họp, đời đời vinh hiển.
Trong khi đó, kết thúc của Orphée lại khác hẳn. Bi đát. Đau đớn. Thăm thẳm đất trời. Rầu rầu nước mắt. Thương thay.
Lúc vợ chồng chúa Âm ty đồng lòng cho Orphée dẫn vợ về cõi trần, với điều kiện dọc đường đi tuyệt đối chàng không được ngoái lui nhìn vợ. Khổ nỗi, lúc sắp vợ qua khỏi ranh giới cõi âm phủ, tâm hồn nghệ sĩ của Orphée lại rung lên nỗi niềm xao xuyến, hồi hộp, âu lo đến lạ thường: liệu chừng Eurydice có đi theo sau hay chúa Âm ty phỉnh gạt? Thoạt nghĩ, nếu lúc ấy cùng đi theo chồng, nàng Eurydice cao hứng ngâm nga mấy câu thơ của Huy Cận thì Orphée yên tâm biết chừng nào, ắt không có mối nghi nghi nghi ngờ ngờ ấy. Ngâm câu câu gì? Câu này: “Ồ, những người ta đi hóng xuân/ Cho tôi theo với, kéo tôi gần! Rộn ràng bước nhịp hương vương gót/ Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân”. Thì chắc chắn chàng rất yên tâm, lầm lũi bước đi theo lời dặn dò đã thỏa thuận.
Vậy nên, trong lúc ấy, không thể kiềm chế được lòng mình, Orphée ngoảnh lại nhìn đàng sau, bỗng có tiếng sét nổ vang, Eurydice ngã quỵ xuống chết lần nữa và thân thể tan biến thành mây khói. Vĩnh viễn từ đây, Orphée không còn được gặp vợ lần nào nữa. Hóa ra, chàng Phạm Công còn may mắn hơn nhiều. Từ đó, Orphée sống dỡ chết dỡ, lúc nào cũng kêu gào hãy trả lại Eurydice lại cho chàng. Trong khi đó, nhiều, rất nhiều giau nhân mỹ nữ vây quanh tìm mọi cách giúp giải khuây nhưng chàng không thèm màng tới. Cuối cùng, các người đẹp ghét quá, bèn hè nhau cấu xé chàng tan tành. Cái đầu chàng lăn tới bờ sông Hèbre nhưng vẫn không ngớt tiếng kêu than Eurydice. Thương thay.
Có phải vì tình chồng nghĩa vợ, con người ta mới chấp nhận tìm đến, trải qua một hành trình gian nan đến thế? Với người yêu, liệu chừng điều đó có xẩy ra không? Khó có câu trả lời. Nhưng biết rằng chết theo người mình yêu, tiêu biểu nhất vẫn là trường hợp Romeo và Juliet. Hãy nghe lại tiếng than khóc của Juliet để thấy tình yêu của họ lớn lao, kinh khiếp biết dường nào (bản dịch của Đoàn Thế Bính): “Nào, hỡi đêm tối hãy lại đây. Romeo anh, hãy lại đây với em. Anh là ánh dương trong đêm tối, vì anh sẽ nằm dưới đôi cánh của đêm, trắng ngần hơn tuyết đọng trên lưng quạ. Nào hỡi đêm đen diệu hiền, hỡi nàng tiên trìu mến có đôi mắt đen láy, hãy mang lại cho em chàng Romeo của em. Và khi chàng chết, hãy cắt xương thịt chàng ra thành muôn ngàn ngôi sao bé nhỏ; chàng sẽ làm cho bầu trời tươi đẹp đến nỗi trần gian ai cũng sẽ say sưa đêm tối mà thờ ơ với ánh dương rạng rỡ…”.
Tội tình nhất vẫn là chàng Trương Chi, chàng không có được tình yêu của Mỵ Nương như Juliet dành cho Romeo, vì thế, tiếng lòng của chàng ngàn vạn đời sau, muôn năm kiếp kiếp vẫn khiến mọi người ứa lệ:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Từng câu thơ đầm đìa nước mắt, vẽ lên bằng nước mắt. Thương thay.
Như đã nói chỉ có chồng đi tìm vợ, mới dấn thân xuống cái cõi tuyền đài. Còn người yêu đi tìm người yêu thì sao? Bất quá cũng chỉ là: “Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng/ Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh/ Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em/ Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang/ Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn/ Tôi mời em về đêm gội mưa trong/ Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm” (TCS). Bất quá cũng chỉ là: “Tìm nhau trong thống khổ/ Tìm nghe câu than thở/ Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia” (PD). Trong tình yêu, ai ai cũng thế. Chẳng gì khác.
Thế mới biết tình chồng nghĩa vợ mới có một giá trị tuyệt đối trong kiếp nhân sinh. Bằng không, cũng không là gì? Tại sao thế? Trong tập thơ đang in Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn), y viết: “lúc ấy thượng đế bảo rằng nếu yêu Ta thì các ngươi hãy sinh con đẻ cái không gì đẹp hơn bằng hình ảnh người đàn bà bụng chửa dạ mang bởi đó chính là hình ảnh của Ta”. Bởi từ đó mới có thể mở ra một sự tiếp nối, bằng không cuộc tình dù đẹp đến đâu chăng nữa, có là gì không?
Trở lại chuyện tình Orphée của Eurydice, có lời bình nào nào cho kết cục bi đát của họ? Còn nhớ, thi sĩ trung niên Bùi Giáng có bình bằng vài câu lục bát. Nói ra điều này, ắt không ít người cho rằng y bịa mua vui. Không hề, mấy câu thơ đó như sau:
Đừng yêu vợ quá thiết tha
Yêu nhiều mà lại hóa ra phụ lòng
Trên đường khúc khuỷu long đong
Cũng đừng chối bỏ bướm ong với đời
Chung tình chi lắm ai ơi
Cho mòn ruỗng thịt, cho rời rã hương
Lối lui, nẻo tiến, đôi đường
Đủ ngần ấy điệu, mới đúng phường người ngoan
Với thể loại khác, con người ta có thể giấu đi lòng mình, tâm sự thật của mình, nhưng với thơ thì không thể. Thơ là tiếng lòng, tự nó thế nào thì câu chữ thế ấy, khó có thể uốn éo, giả vờ. Ngờ rằng, đó cũng chính là nỗi lòng của Bùi Giáng khi nhìn lại trường hợp của chính ông đấy thôi. Là một cách ông tự nhủ với lòng khi hình ảnh người vợ chết trẻ, khoảng năm 1948 tại Trung Phước (Quảng Nam) luôn đeo đẳng, ám ảnh thường trực trong trí nhớ. Đôi khi cũng nên tự biết dập tắt đi ngọn lửa tương tư, thương nhớ cháy bùng, âm ỉ lửa bén trong cõi lòng tan nát. Quên đi. Biết quên cũng là một liều thuốc màu nhiệm. Để rồi lại tái sinh một lần nữa. Nói thì nói thế. Khó lắm. Khó đến cỡ nào? Hãy nghe Xuân Diệu tâm tình:
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc
Điều kỳ diệu nhất của tình yêu là gì? Chỉ có thể là, một khi đã nhìn thấy rõ ràng ràng kết thúc của nó, nói như Xuân Diệu: “Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương” nhưng vẫn quyết tin rằng không, cứ lầm lũi bước tiếp. Bước đi và cất lên tiếng hát trong vô vọng. Mà thôi, không bàn tiếp nữa. Chỉ xin hỏi, mấy câu lục bát trên có phải của tác giả Mưa nguồn? Không tin à? Cứ tìm đọc tạp chí Thời Nay số 53 (1.12.1961) thì rõ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|