Nhà biên kịch ĐOÀN TUẤN
Từng ngày trôi qua nhanh quá. Mới đó, cuối tháng 2 rồi. Trời đất mát mẻ. Công việc hanh thông. Chẳng có gì đáng bận tâm. Ấy thế, vẫn không viết được cái gì cho ra hồn. Những việc vặt vãnh này nọ đã cấu xé thời gian ra từng mảnh vụn. Tựa như mớ tiền bị chẽ nhỏ ra, chẳng mua được cái gì ra tấm ra miếng.
Chiều nay, ngồi đọc lại vài trang báo cũ. Chẳng cũ gì, cũng mới đây thôi. Thích thú và ngạc nhiên với một thông tin mà có lẽ ít ai chú ý đến. Như mọi người đã biết, hiện nay có 6 lục địa được công nhận trên toàn cầu, bao gồm châu Phi, Nam cực, Úc, Âu - Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Thế nhưng sắp có thêm một lục địa mới: Zealandia. Cái tên này là do Giáo sư địa chất Bruce Luyendyk đặt vào năm 1995, dù thời điểm đó các khu vực đất đai tại đây chỉ đáp ứng được 3 trong số 4 đặc điểm cần thiết để được nâng cấp thành lục địa.
Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 18.2.2017: “Ngày 17.2, CNN đưa tin Zealandia với diện tích 4,9 triệu km2 sẽ là lục địa thứ 7 và cũng là em út nhỏ nhất trong gia đình lục địa trên trái đất, nếu được xác nhận. Nó là khu vực hầu như bị nhấn chìm hoàn toàn trong lòng Thái Bình Dương, và điều quan trọng hơn cả là bờ biển của nó có thể chứa hàng chục tỉ USD giá trị nhiên liệu hóa thạch. Vị trí của nó bao trùm New Zealand và lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của Pháp. Zealandia cũng sẽ là lục địa “trẻ nhất, mỏng nhất và chìm trong nước nhiều nhất”, với 94% khu vực đất đai bị ngập trong nước, theo các nhà nghiên cứu”.
Ai dám bảo, thông tin này không thú vị? Hỏi như thế là ngốc. Bởi lẽ, sống ở đời mỗi người có một mối quan tâm riêng. Những gì ưng ý, tâm đắc của mình chắc gì người khác đã đồng tình? Những câu thơ đau đáu viết ra, sửa chữa từng câu, từng dấu hỏi, ngã rồi đọc lại, lắm lúc vỗ đùi cái đét, sướng mê tơi nhưng biết đâu người khác lại dửng dưng như không? Nói như thế, bởi y thừa biết, biết lắm những đồng nghiệp suốt một đời cầm bút, chỉ lấy chữ làm trọng bởi yêu lấy chữ nhưng rồi chắc gì lọt vào “mắt xanh” của thiên hạ?
Từng đọc đâu đó mẩu chuyện này, nhớ mãi. Nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn là tay cự phách trong làng dịch thơ Đường. Với hai câu thơ nổi tiếng Trường hận ca của Bạch Cư Dị:
Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên
Ông phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ rất nhiều. Nếu trước đó Tản Đà đã dịch thành bốn câu: “Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống/ Năm canh dài chẳng giống đêm xưa/ Sông Ngân lấp lánh sao thưa/ Trời như muốn sáng, sao chưa sáng trời?”. Riêng hai câu sau Khương Hữu Dụng cho là tuyệt diệu. Vậy phải dịch lại thế nào, vì mình là người dịch sau? Mất một thời gian suy ngẫm, cân nhắc, ông tìm ra hai từ khác đắc địa hơn là thay “lấp lóa” cho “lấp lánh”; và dịch:
Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng
Muốn sáng mà sao chửa sáng trời?
Sau đọc lại, thấy từ "chửa" nặng nề quá. Phải thay từ khác. Chưa hết, ông còn suy ngẫm thêm là phải dụng bút thế nào để nói lên tâm sự của Đường Minh Hoàng buồn cho cái đêm cứ kéo dài, trời không chịu sáng? Cuối cùng ông đã tìm ra... cái dấu phẩy!
Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng
Muốn sáng mà sao chẳng sáng, trời?
Muốn thêm được cái dấu phẩy vào một câu thơ dịch, quý hơn vàng, ông Khương phải mất ba mươi năm! Cái dấu phẩy bé tẹo tèo teo ấy, khi đọc thơ, mấy ai chú ý đến? Vậy nên, cái nghiệp cầm bút nó nhọc nhằn quá đi mất. Từng giọt mồ hôi ròng ròng tuôn theo dòng chữ đã viết, mấy ai đã thấu hiểu? Tự nhủ, “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, những số phận lữ hành cô độc ấy vẫn lầm lũi băng qua sa mạc đang hiện diện trước mắt mỗi ngày là cái màn hình. Phẳng đến lạnh lùng. Chẳng cần gì tiếng vỗ tay. Chẳng cần gì lời động viên. Những gì đã viết, nếu có duyên với nhau, không lúc này ắt lúc khác sẽ có người thành tâm chia sẻ. Đọc lại quyển Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, làm sao không hứng thú với chi tiết: “Cách đây hai mươi năm, tôi (Phan Khôi) có ông dượng tên Nguyễn Lâm, Ấm Sinh, con quan Phụ đạo Nguyễn Thành Ý, đi Đàng Trong về, đọc cho tôi nghe bài thơ Tống biệt của người bạn ở Bình Thuận:
Trái mù u trên núi
Chảy xuống cửa Phan Rang
Ông đi về ngoài nớ
Trong lòng tôi chẳng an
Bao giờ ông trở vô
Gặp tôi ở giữa đàng
Nắm tay nói chuyện chơi
Uống rượu cười nghênh ngang!
Ông dượng tôi đọc bài ấy cốt để làm trò cười, ý ông cho là thơ gì mà nói như nói chuyện vậy. Bấy giờ tôi còn bé, thấy ông cười cũng cười. Sau tôi tỉnh ngộ ra, biết là hay, thì ông Lâm đã chết. Bài ấy mới nghe dường như quê, nhưng tôi đã đọc cho mấy tay rành thơ nghe, ai cũng chịu”. Ông Phan Khôi nhận xét đúng, vâng, quả là bài thơ hay. Bài thơ lấy vần “ang”, thoạt nghe ngang phè phè nhưng quý ở chỗ cái tình tri kỷ. Nếu sau này gặp lại, chẳng khách sáo, màu mè gì, dù gặp giữa đàng đi nữa cũng nắm tay nhau, nói cười rổn rảng rồi nốc rượu nghênh ngang! Còn gì khoái trá hơn?
Lâu chuyện của Phan Khôi kể về bài thơ trên nặng về cái tình. Có lẽ cho đến nay, nặng tình nhất với Tự Lực văn đoàn vẫn là nhà văn Vu Gia. Anh đã thực hiện nhiều tập sách nhất về các nhân vật chủ chốt nhóm này, có thể kể đến Khái Hưng - nhà tiểu thuyết; Thạch Lam - thân thế và sự nghiệp; Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học; Hoàng Đạo - nhà báo, nhà văn; Trần Tiêu - nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn; Tú Mỡ - người gieo tiếng cười, Thế Lữ - một khách tình si. Nghe đâu, một tập sách khác về Xuân Diệu của anh cũng sẽ ấn hành nay mai. Với y, khi đọc văn chương của nhóm này, một trong những điều tâm đắc, yêu quý nhất vẫn là trong phép cư xử của họ nặng về cái tình.
Còn nhớ đến chuyện này, đã đọc đâu đó, đã lâu. Cứ kể lại, hôm nào hỏi anh Vu Gia kỹ càng xem sao. Rằng, nhà văn Hoàng Đạo có viết truyện ngắn Bóng thủy tiên (in trong tập Tiếng đàn, 1941), là một câu chuyện tình diễm lệ rất hay. Đọc xong, nhà thơ Thế Lữ đã “diễn” lại thành thơ! Thế Lữ làm điều đó, có lẽ vì tình tiết trong truyện ngắn này phù hợp với thơ hay vì tình bạn? Có lẽ cả hai. Nay kể lại, nhiều người có thể không tin nhưng thưa rằng, “nói có sách mách có chứng”: Trong tập Mấy vần thơ, Thế Lữ ghi rõ “phỏng theo văn xuôi Bóng thủy tiên”. Nhắc lại cho tiết này, còn vì y muốn xác tín những gì đã viết ắt có sự đồng cảm của người khác, không lúc này ắt lúc kia.
Mấy hôm nay, đọc nhiều bản thảo. Dừng lại với tập bút ký văn học Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Với y, cũng nặng về cái tình của nhau. Cả thảy 160 ngàn chữ. Sắp in. Bằng mọi cách để in. Tập sách viết về thế hệ của bọn y thời ở chiến trường K trên quê hương Chùa Tháp. Thời buổi này, những trang viết về năm tháng chiến tranh của thập niên 1980, liệu có còn ai quan tâm? Cần quái gì. Đã là người trong cuộc ắt phải viết. Như một cách trả nợ cùng đồng đội về năm tháng của tuổi trẻ. Đọc và rưng rưng cảm động nhớ về tình bạn cầm súng thuở mới 18, đôi mươi. Trích lấy một đoạn Tuấn viết về y, lúc đóng quân ở sát biên giới Kampuchia - Thái Lan: “Một hôm, tôi sang chỗ Quốc chơi. Y đi đâu mà để võng treo toong teng thế này? Thôi cứ nằm chờ, đợi Quốc về. Nhưng vừa ngồi vào võng, định ngả mình, tôi thấy lạ. Nhìn vào đầu võng, thấy toàn thơ là thơ. Nhìn xuống giữa võng, cũng thấy toàn thơ Quốc viết. Đầu kia cũng vậy. Hắn viết bằng bút bi nên chữ không nhòe, rất rõ. Tôi lật mặt kia của võng lên xem, cũng thấy thơ Quốc viết đầy. Cái anh chàng này, không có giấy hay sao mà phải viết thơ lên võng thế này?”.
Nếu không là tri kỷ, là yêu thơ của nhau làm sao Tuấn có câu kết mà xong ứa nước mắt: “Một người lính như thế, nhỡ chết đi thì tiếc biết bao!”.
Từ kỷ niệm cũ mà Tuấn vừa nhắc trên, chiều nay, sực nghĩ nhà thơ rất gần với…các nhà nghiên cứu khoa học. Tại sao à? Trong lúc thiên hạ đang lo toan, cắm mặt xuống cơm áo gạo tiền, họ lại viễn vông mãi tận đẩu tận đâu. Chẳng hạn, việc quan tâm lục địa mới Zealandia vừa nêu trên “ăn nhậu” gì với mái ấm riêng tư của mình? Lại nữa, họ còn quan tâm đến cả việc... lập quốc gia trên không gian! Không tin à? Theo Báo Thanh Niên ra ngày 6.10.2016: “Tờ The Guardian dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Khoa học không gian của UNESCO Igor Ashurbeyli, người đứng đầu dự án Asgardia, tuyên bố “quốc gia” này sẽ là “miền đất hứa cho nghiên cứu khoa học và loại bỏ mọi giới hạn địa chính trị”.
Xin hỏi, Asgardia là gì? Bài báo này giải thích: “Theo thần thoại Bắc Âu, Asgard là vương quốc của các vị thần. Tại đó, Odin, Thor, Loki và nhiều vị thần khác ngự trong cung điện Valhalla và quan sát đời sống của người trần dưới cõi phàm. Hình ảnh này chính là nguồn cảm hứng cho một nhóm khoa học gia và doanh nhân để xây dựng kế hoạch thành lập Asgardia, quốc gia đầu tiên trên không gian”. Đọc xong thông tin này, tự dưng tủm tỉm cười. Các nhà khoa học rõ là khéo có óc tưởng tượng, nào kém gì các nhà thơ? Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên có bài tứ tuyệt Hái trên trời:
Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày từng buổi
Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai
Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái
Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời!
Đành rằng là thế. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Biết thế nào. Trở lại với “quốc gia đầu tiên trên không gian”, ghi nhận thêm đôi dòng nữa bởi trước đó, y chưa hề biết đến: “Theo Popular Science, Asgardia có thể tạo ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước thượng tầng không gian (OST) do 104 quốc gia ký kết năm 1967 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trong không gian. Nếu Asgardia tự xưng là một nhà nước có chủ quyền thì có thể sẽ vi phạm quy định của OST rằng không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng bất cứ khu vực hay thực thể nào trên vũ trụ và công cuộc thám hiểm không gian phải nhằm mục đích phục vụ cho toàn thể nhân loại. Mặt khác, OST cũng quy định quốc gia nào phóng vật thể bất kỳ lên không gian thì phải chịu trách nhiệm về nó, bao gồm cả những tổn thất có thể gây ra đối với trái đất hoặc tài sản của quốc gia khác trên quỹ đạo. Trong trường hợp Asgardia thì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu xảy ra sự cố”.
Đọc xong bài báo, hiểu thêm đôi điều, là một cái thú. Đọc xong bài thơ, phát hiện ra câu hay, là một cái thú. Đôi khi chỉ có thế đã thấy lòng nhẹ nhàng, hài lòng chứ nào phải chờ có được những gì lớn lao, to tát.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|