Đã bước qua năm 2017. Sáng nay, thức dậy sớm. Như mọi ngày. Bước ra đầu ngõ, mua một vài tờ báo. Số báo đầu năm lúc nào cũng vui tươi. Hoa khoe sắc thắm. Thiên hạ thái bình. Mọi âu lo, lo toan gì gì đó tạm gác lại cho số báo sau. Đọc tờ báo nọ, nói thẳng ra là tờ Tuổi Trẻ, thích thú với bài báo “Câu” du khách bằng slogan. Đồng nghiệp D.Kim Thoa cho biết:
“Trang web du lịch của Vương quốc Anh Family Break Finder thu thập, cập nhật và sơ đồ hóa các khẩu hiệu (slogan) quảng bá du lịch của các quốc gia trên toàn thế giới bằng tiếng Anh. Từ dữ liệu này, người ta có thể nhận ra những xu hướng đặt slogan quảng bá du lịch tương đối phổ biến tại các quốc gia. Từ được dùng nhiều hơn cả: “beautiful” (đẹp, vẻ đẹp); ngoài ra, những từ khác cũng được ưa chuộng là experience (trải nghiệm), life (cuộc sống), discover (khám phá), heart (trái tim), simply (đơn giản)... Khẩu hiệu quảng bá du lịch của Việt Nam “Việt Nam - timeless charm” (Việt Nam - vẻ đẹp bất tận) cũng được liệt kê trong danh sách này”.
Sực nhớ đến cách đây chừng hơn mười năm, lúc ấy, slogan của báo nọ, “Bạn đường của hạnh phúc”; báo kia, “Đồng hành cùng việc làm của bạn” v.v… Tờ báo của y cũng tổ chức nội bộ thi viết câu slogan để in trên tờ rơi quảng cáo. Câu được chọn là “Hãy khám phá Phụ Nữ”. Ai cũng khen hay, nào ngờ, ít lâu sau bị “thổi còi” cái rẹt. Ngẫm lại mới thấy cái khó của việc viết câu (slogan), theo báo trên là phải: “đủ sức hấp dẫn chỉ trong vài từ là thách thức lớn. Nước nào cũng cố gắng gây ấn tượng với du khách trước sức ép của sự hữu hạn ngôn từ”.
Chuyện chữ nghĩa năm châu bốn biển rất lý thú, nhưng rồi sự quan tâm thường trực, mỗi ngày chỉ gói gọn trong mỗi từ “Cái bếp”. Từ ngày mẹ về quê, chẳng mấy khi cái bếp đỏ lửa. Bếp tắt ngúm. Những lúc ấy lại nhớ về thời nhỏ dại, còn ở chung với ba mẹ và anh em tại Đà Nẵng, có lúc đang gắp miếng ngon gì đó, bỗng rớt xuống bàn, tiếc rẻ, bèn nhặt lên “thổi phù” rồi cho luôn vào miệng. Nhai ngon lành. Ngấu nghiến. Ai lại không nhớ về năm tháng thân thương ấy? Lớn lên một chút, mới biết rằng, hóa ra, sở dĩ người Việt có thói quen này, có thể do bắt nguồn từ một quan niệm cổ lỗ sĩ.
Rằng, thời xưa, người ta quan niệm khi trong nhà có người ốm đau hoặc vợ chồng gây gổ bất hòa... tất có nhiều lý do, trong đó còn có thể do “động bếp” tức ông Táo giận! Giận bởi nơi ấy ô uế, nếu do chó, mèo phóng uế thì tắm rửa con vật sạch sẽ rồi lôi nó đến ông đầu rau khấn vái tạ lỗi. Kế tiếp, làm một bữa cơm có thịt, người ta cầm miếng thịt hướng về nơi ô uế cố tình làm rơi, rồi nhặt lên thổi phù thật mạnh về phía cái bếp lò. Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư còn lý giải thêm: “Ngoài mục đích gây mùi thơm, phương thuật “nhặt thịt thổi phù” còn hàm chứa một ý nghĩa khác. “Thổi phù” là thổi mạnh để làm cho miếng thịt sạch bụi. Nhưng “phù” còn có nghĩa là lá bùa. Thổi phù nghĩa là thổi lá bùa, tung bùa ra để trừ ma quỷ đang ám hại người đau ốm”. Tất nhiên, nay chẳng ai còn tin và làm theo cách mê tín dị đoan này, nhưng ít ra từ “động bếp” cũng cho ta thấy nết ăn ở của người Việt xưa.
Ngày đầu năm, bước xuống bếp, tự dưng lại nhớ đến lúc mới quen nhau, nói như nhạc sĩ Phạm Duy: “Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời”. Ngày đó, nàng hay bảo: “Ðàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”. Lại thường nhắc đến những câu tục ngữ: “Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Vắng đàn bà quạnh bếp”. Rồi có khi nàng thủ thỉ: “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”, có những người chọn vợ bằng cách trông vào phong cách người đàn bà trong bếp. Đàn bà có khi nấu nướng một cách thong dong nhẹ nhàng như tham dự một cuộc vui chơi mà vẫn xong mâm cơm đúng bữa, cạnh đấy có những người cứ tất bật vất vả dao thớt liên hồi mà vẫn trễ nãi cực công”.
Vậy mà nay, bếp lửa lạnh tanh. Đứng thẩn thờ nhìn cái bếp đang giăng màn nhện, tự dưng lại nhớ đến câu thơ của Huy Cận: “Bóng đêm tỏa không lấp niềm thương nhớ/ Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài/ Ta đã để hồn tan trong tiếng thở/ Kêu gọi người đưa tiễn nỗi tàn phai”. Bùi ngùi quá đỗi. Mà thật ra, cảm giác ấy cũng thoáng qua nhanh. Đã ngày đầu năm. Tết Tây. Và chỉ còn một nháy mắt là chạm vào Tết Ta. Vui đi cưng. Ừ, thì vui. Vui nhất là gì?
Là lúc này anh em bầu bạn đã dành thời gian cho gia đình, y chỉ đứng ngoài rìa. Một hình, một bóng. Vậy nên, cách tốt nhất để có niềm vui vẫn là đóng cửa, giam mình bốn bức tường, ngước nhìn lên chỉ thấy sách. Sách chất từ chân tường chạm lên trần nhà. Chỉ thấy tranh. Tranh sơn dầu đã vẽ trong khoảng thời gian tĩnh lặng nhất, buồn tẻ nhất. Những dòng chữ từ sách - người bạn của quá khứ; những sắc màu từ tranh - cảm hứng của tâm trạng, chẳng thể sẻ chia, an ủi. Lúc ấy, nghĩ về điều gì? Với y, khoảnh khắc đó như một cuốn phim quay chậm, lần lượt người tình cũ như lớp sóng vỗ mơn man vào ghềnh đá, loan dần ra từng bóng hình “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Người tình đầu tiên trong đời là ai?
Câu hỏi ấy, đã hỏi. Nay, lại hỏi, hóa ra không phải là sự ngớ ngẩn đó sao? Dù năm tháng có trôi qua đi, có một điều chắc chắn cảm xúc ấy không bao giờ lãng quên trong trí nhớ. Nhớ như in cái thuở “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”. Nhớ như in cái lúc: “Anh trao vội vàng / Chùm hoa mới nở”. Nếu không có âm nhạc, không có giọng ca mượt mà gấm lụa một nỗi buồn rầu rầu, có lẽ, cảm xúc của thơ không đủ sức lay động một nỗi muộn phiền lên ngây ngất đến thế. Hát lại lần nữa đi. Để cảm thấy từng sợi tơ óng mượt, từng sợi tơ chùng giăng mắc dọc ngang trong tâm tưởng. Kỷ niệm đã xa. Đã hằn vết. Vì thế, dù không buồn nhưng lại nhói buốt như có, như không.
Khi viết những dòng chữ này, y lại nhớ đến lúc còn mới học lớp 10 đã biết nhung nhớ, trằn trọc cô bạn học cùng lớp. Suốt năm tháng ấy chưa hề dám ngỏ lời, chỉ có những bài thơ học trò vụng về trải dài theo năm tháng. Rồi thời thế nhiều biến động. Vừa học xong lớp 11 đã có lệnh nhập ngũ. Đất nước vừa hòa bình, vừa chiến tranh. Biên giới Tây Nam đã đón nhận những bước chân thư sinh, những lồng ngực còn run lên những câu thơ tình chợt đến lúc hành quân. "Vẫn trong như ngọc trắng ngần/ Tình em thắp sáng trăng rằm AngKor/ Trăm năm đất khách hẹn hò/ Làm sao tri ngộ giày vò lẫn nhau?”. Ước mơ thăm thẳm ấy không bao giờ đến. Có người vướng mìn K63, KP2, Claymore chằng chịt trên nẻo về hư không. Thoát xác về trời. Ngã vào lòng đất vẫn con trai. Rồi ở hậu phương, người con gái mà y từng thầm thương trộm nhớ bằng tất cả sự non nớt, ngây thơ học trò, năm tháng ấy đã vượt biên. Và đã bỏ xác giữa trùng dương sóng vỗ. Vĩnh viễn không còn đọng lại một chút gì trên dương thế, ngoài một, hai tấm ảnh nữ sinh của cái thời “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”.
Kỷ niệm ngày tháng đó cũng mờ mờ như sương mờ dằng dặc ở Đà Nẵng vào những sớm mùa đông có tiếng chim cất tiếng ca lạnh lẽo trên ngọn sầu đông hoa tím. Vệt sương ấy đã lưu dấu trong thơ của ngày còn đi học: “Dấu cỏ hiền ngoan mờ trong sương/ Đi giữa mùa trăng ngập mây vương/ Bé - nàng công chúa nghe cổ tích/ Nhớ kỷ niệm hồng đầy yêu thương”. Đọc lại những câu thơ ngây ngô viết lúc mười ba, mười bốn tuổi, tự dưng thấy thương và nhớ về một thời thơ dại.
Dù tự nhận “mối tình đầu” nhưng đã thốt lên lời nào đâu? Nào đã có ai hứa hẹn với ai một câu gì. Ông Phạm Thiên Thư nói đúng tâm cảnh: “Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát / Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhòa mau”. Nhưng rồi tại sao suốt đời người ta lại không quên? Cảm xúc như lửa vùi trong than, gặp gió, sẽ bùng lên. Tại sao như thế? Có lẽ đó là cảm xúc chân thành như hương lúa đầu mùa gặt, là tình cảm trong veo như nắng thủy tinh. Không hề gợn lên một chút dục vọng, toan tính nào. Trạng thái tâm lý đó, về sau, đã nhiều lần yêu, đã nhiều chung chạ hoan lạc, đã thất vọng ê chề, đã chạm đến sự khoái lạc của Lửa, đã rơi tuột xuống thẳm sâu địa ngục của tuyệt vọng của Nước, vẫn không thể tìm thấy.
Nhiều người thích đọc Mái Tây của Vương Thực Phủ - nó được xếp vào “lục tài tử thư” của văn học cổ điển Trug Quốc, có lẽ cũng do tình yêu của Thôi Oanh Oanh, Trương Quân Thụy trong trẻo quá. Chân tình quá. Nống nhiệt quá. Yêu là yêu. Chỉ là nhịp đập của trái tim đang réo rắt tiếng nói của lứa đôi: “Tương tư vừa mới qua cầu/ Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang/ Chợt nghe một tiếng “lên đàng”/ Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!”. Nỗi buồn ly biệt sao lại đau đớn, nhọc nhằn đến thế? Xuyến ngọc đeo trên tay ngọc, bỗng dưng rộng thênh là cớ vì sao? Có thể xếp câu thơ đó vào hạng tinh tế bậc nhất khi diễn tả cảm xúc của người yêu chia tay người yêu.
Khó quên tình đầu bởi cảm xúc thật, không ma mị, phủ lên bất kỳ một lý do, một “nhân danh” nào khác, chứ chẳng phải do lần đầu tiên biết yêu. “Định nghĩa” như thế là đúng? Là sai? Không biết nữa. Nhưng, không riêng gì y, nhiều người lại có suy nghĩ này: Tình cuối cùng, chính là tình đầu. Bởi từ đó, họ không còn tìm đến bất kỳ một chọn lựa nào khác. Cuối cùng là kết thúc. Chính vì kết thúc nên chính nó mới có ý nghĩa trọn vẹn của “mối tình đầu” chăng? Đọc lại một đoạn văn xuôi trong truyện của Đoàn Thạch Biền: “Ngọc Lan không có thật. Cái chết không có thật. Và ngay cả tình yêu tôi nói với Ngọc Lan cũng không có thật. Tất cả đều không có thật. Nhưng điều làm tôi đớn đau là mùa hè đã có thật. Mùa hè chắc chắn đã có thật một cách quái ác ở trong tôi”. Thời gian có thật. Vì lẽ đó, mối tình đầu tiên trong đời làm sao có thể quên?
Bùi ngùi quá đỗi. Mà thật ra, cảm giác ấy cũng thoáng qua nhanh. Đã ngày đầu năm. Tết Tây. Và chỉ còn một nháy mắt là chạm vào Tết Ta. Vui đi cưng. Ừ, thì vui. Vui nhất là gì? Là hãy tưởng tượng bếp lửa nhà mình đang đỏ lửa, ở dưới nhà mẹ vẫn đang nấu những món ăn ngon mừng ngày đầu năm mới. Một năm mới yên vui. Và cũng như mọi lần, những lúc ấy, y lại tẩn mẩn lật từ điển tra cứu vài từ tiếng Việt. Vậy, thử tìm hiểu từ bếp xem sao. Bởi lẽ, dẫu có đến với tình đầu, tình sau, tình cuối đi chăng nữa thì bất kỳ mối tình nào cũng có lúc hẹn hò nơi cái bếp.
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có viết truyện dài “Bếp lửa”. Không ngờ, ngày xưa với người Việt hai từ ấy còn dành để chỉ việc lập gia đình. “Một lần nhúm bếp một lần khó”, câu này hiểu như thế nào? Ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “Bếp lửa ấy hiểu là sự nghiệp, gia thất; lập cho nên cái sự nghiệp, gia thất là việc khó”. Đúng là khó thật, bằng chứng y đã nhiều lần “bếp lửa” nhưng nào đã nên cơm cháo gì. Có buồn không? Tất nhiên. Vậy muốn bật lên tiếng cười, phải làm sao? Dễ ợt. Cứ đọc thông tin này:
“Google vừa công bố danh sách những nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh này trong năm 2016. Vẫn như những năm trước đây, các sự kiện “hot” diễn ra trong năm qua vẫn là những chủ đề được quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất. Các chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam trong năm 2016: 1. Trò chơi Slither; 2. Euro 2016; 3. Chúng ta không thuộc về nhau; 4. Phía sau một cô gái; 5. Pokemon Go; 6. Vietlott; 7. Minh Béo; 8. Hậu duệ mặt trời; 9. Vợ người ta; 10. Thách thức danh hài”.
Thấy thế nào? Đúng là “thách thức danh hài”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|