Sắp cuối năm. Trong lòng đang dội về những bẽ bàng, mệt mỏi, chẳng rõ vì cơn gì, chỉ thầm nhủ đã sắp hết một cái năm chẳng có gì phải quên, chẳng có gì đáng nhớ. Thời gian thấm thoát trôi qua. Chẳng mất chốc lại gánh trên vai thêm một tuổi đời, đến lúc nào đó, không gánh nổi, con người ta khuỵu chân xuống. Vậy là xong.
Trong năm này, có gì ấn tượng nhất cần ghi chép lại?
Như thông lệ, cuối năm các cơ quan thông tấn, Bộ này ngành nọ sẽ chọn ra chừng mười sự kiện đáng chú ý nhất. Năm nay là những gì? Với y, về sự biến hóa khôn lường, tinh ranh, kinh khiếp nhất của tiếng Việt đã định hình cụm từ “Đúng quy trình”. Chỉ ba từ này, tự nó đã phản ánh đúng bản chất của một cơ chế. Cụm từ “Động cơ gì?” còn lâu mới sánh nổi, bất quá cũng chỉ là phát ngôn vô cảm của một ai đó. Thế thôi. Tât cả mọi tréo ngoe, mọi hắc ám, mọi thứ ôn hoàng hột vịt lộn… đều giải quyết bằng phép thần thông, đố ai cãi lại, địch lại nổi: “Đúng quy trình”. Trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 12.11.2016 in bài thơ Có phép thần thông của tác giả Tú Trâu. Bài thơ như sau:
Ở đâu cũng… đúng quy trình
Mà sao cục nợ cứ phình to ra?
Bao nhiêu con ông, cháu cha
Nhập nhèm phù phép… vưỡn ra quy trình
Mất vài ngàn tỷ… mần thinh
Hỏi ra thì vưỡn quy trình không sai
Vưỡn huân chương, vưỡn lên đài
Vưỡn vào cơ cấu, vưỡn oai hơn người
Vài trăm sổ đỏ bốc hơi
Dò tìm… vưỡn đúng cái nơi quy trình!
Dân đen ngơ ngác thất kinh
Cái thằng… quy trình có phép thần thông
Càng ngày thơ trào phúng, đọc xong, người ta cảm thấy càng nhạt. Các sự kiện chính trị, xã hội ngày càng khốc liệt, nhà thơ cười đùa, tếu táo không thể chạm nổi đến cốt lõi của sự việc. Bài thơ vùa đọc xong, vẫn nhớ nhất ba từ “phép thần thông” khi so sánh với “đúng quy trình”. Viết được vậy, đã tốt lắm rồi.
Giữa lúc biết bao sự kiện ầm ĩ đang xẩy ra, y vẫn lặng lẽ công việc của mỗi ngày. Rị mọ chữ nghĩa. Một cách giết thời gian. Lựa chọn một thái độ sống. Vậy thôi. Chẳng ham hố gì. Yên phận. Sáng nay, vẫn như mọi ngày là lúc đang phóng xe lại nghĩ đến một điều gì đó. Nghĩ đến một câu thơ trong Truyện Kiều: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Bấy lâu nay, các nhà nghiên cứu, các bản in đều không thống nhất, tranh luận bất phân thắng bại: “Khuôn trăng/ khuôn lưng”; “nét ngài/ nét người”? Từ nào mà thi hào Nguyễn Du đã sự dụng? Đã biết tốn bao nhiêu giấy mực mà đã xong đâu. Câu thơ này, Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân. Do không giỏi tiếng Nôm, y không thể khảo sát từ văn bản. Mà có như thế đi nữa, chắc gì văn bản đó không rơi vào trường hợp “Tam sao thất bổn”? Vậy cứ lấy từ cách sử dụng lời ăn tiếng nói của người Việt mà “giải mã” vậy.
Cách lựa chọn này có chủ quan? Thì, còn tùy.
Riêng y, không một người Việt nào dùng từ “khuôn lưng”. Lưng là cái lưng. “Ai ơi đùng lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Nói huỵch tẹt ra, cần gì phải dùng mỹ từ cho rối rắm. Thứ hai, “khuôn lưng đầy đặn” là chỉ về vóc dáng của một người đãy đà, có da có thịt, ít ra cũng mập mạp một chút. Khi luận về nhân vật kinh tởm nhất trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tự hỏi: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?”. Bậc thiên tài Nguyễn Du cân nhắc từng nét vẽ, từng chi tiết khắc họa Tú Bà. Hơn nữa, vừa ở câu trên, Nguyễn Du đã tả Thúy Vân và Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh giải thích: “Mai cốt cách: vóc dáng mảnh dẻ, thanh nhã như cành mai; tuyết tinh thần: tinh thần trắng trong như tuyết, chỉ lòng trinh bạch”. Vóc dáng ấy thon thả ấy, không khác gì mỹ cảm “Thắt đáy lưng ong”. Ông bà ta từ hàng ngàn năm trước đã quan niệm: “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.
Cái lưng to bè bè ấy, áp vào Thúy Vân có phù hợp không? Quyết là không. Phải là “khuôn trăng”, chỉ khuôn mặt người con gái. Nói đến vẻ đẹp của một con người, phải bắt đầu từ cái mặt. “Xem mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo cái lòng mới ngon”, chứ huống hồ gì xem người. Ca dao còn có câu: “Má bánh bầu xem lâu muốn chửi/ Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua”. Thế mới biết cái mặt quan trọng đến dường nào. Khi nói về tính cách của một con người,cũng ghi nhận từ khuôn mặt. “Cái mặt không chơi được”, nhan đề một truyện ngắn của Nam Cao là nói về cái ý ấy. Không phải ngẫu nhiên, trong các lễ cưới hỏi của người Việt có các phần nghi thức rạch ròi như “xem mặt”, “lại mặt”. Mà trăng trong “khuôn trăng” còn ám chỉ đến nét đẹp của mặt nguyệt, tức Hằng Nga đấy.
Có phải y suy diễn không? Thưa không.
Các cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều: “Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”. Cung nữ ấy rất đẹp. Lại nghe thiên hạ đồn rằng, thời xửa thời xưa, thời ông Bành Tổ vừa cất tiếng khóc oa oa chào đời thì bên Trung Quốc đã có “Tứ đại mỹ nhân”. Họ đẹp đến độ: “Chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường”. Mặt nguyệt, mặt trăng theo quan niệm của người xưa là chỉ vẻ đẹp tót vời và được hóa thân thành Hằng Nga, vì thế mới có sự so sánh như trên. Khi dùng từ “khuôn trăng” dành cho Thúy Vân là Nguyễn Du ca ngợi vẻ đẹp ấy có khuôn mặt như Hằng Nga. Khuôn mặt ấy đầy đặn phúc hậu nên lông mày/ “nét ngài nở nang” là tương xứng, hợp lý.
Tóm lại, câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” là chính xác vì miêu tả về khuôn mặt Thúy Vân, hoàn toàn không dính dáng đến vóc người đẫy đà, nở nang gì sất. Nàng đâu có phải lực sĩ mà Nguyễn Du phải miêu tả: “Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang”?
Đôi khi giải thích lấy một câu thơ, tự dưng lại tủm tỉm cười một mình. Bởi lẽ, ít ra cũng đã dành một khoảng thời gian cho chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa có là gì không? Hỏi lẫm cẫm như vậy, vì đôi lúc nghĩ rằng, trong văn chương nhân loại có những cuộc tình lâm ly, bi đát, não nùng được thêu dệt bằng những áng văn hay khiến đời sau mê mẫn nhưng các nhân vật ấy, làm sao có thể sánh bằng chuyện tình của người thật việc thật? Mối tình Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong kiệt tác Mái Tây, qua ngòi bút của Vương Thực Phủ chẳng hạn, rất nồng nàn lửa bén. Nhưng cũng chỉ là nhân vật của văn chương.
Nếu chọn lấy một cuộc tình đẹp nhất trong tình sử Việt Nam, y dứt khoát chọn lấy Phạm Thái và Trương Quỳnh Như. Có đôi nét phảng phất như nhân vật trong Mái Tây, nhưng cuộc đời thật của họ khốc liệt hơn nhiều. Và hơn cả thế, họ còn để lại những áng thơ văn cho đời sau. Thơ về ý nghĩa cao đẹp của Tình yêu - chủ đề về một giá trị nhân văn sẽ còn lại sau khi phần kiếp hữu hạn đã chìm vào cõi hư vô mây trắng. “Có thể nói, Phạm Thái là một trong nhũng người đi đầu trong việc cách tân thể thơ trữ tình tiếng Việt, đưa thơ trữ tình tiếng Việt lên một cung bậc mới: nói tiếng yêu đương đầy sức giao cảm giữa nam và nữ” (Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới -2003, tr.1370). Nếu không có tình yêu với Trương Quỳnh Như, liệu chừng Phạm Thái có làm được nổi không? Ắt không. Nghĩ rằng, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thơ ca, nhạc họa… hãy biết ơn những nhan sắc đã tạo nên cảm hứng sáng tạo đó cho người nghệ sĩ.
Chính từ tình yêu với Trương Quỳnh Như, lúc 27 tuổi, năm 1804, Phạm Thái mới có cảm hứng để viết Sơ kính tân trang. Không như các bậc văn nhân tài tử khác phải mượn tác phẩm cổ điển của Trung Quốc để diễn tả tâm sự, Phạm Thái đã lấy chất liệu từ chính cuộc tình sâu đậm của chính mình. Cuộc tình kết thúc bi đát, dầm đìa nước mắt. Mà cũng từ tình yêu, Quỳnh Như cũng có những bài thơ tuyệt diệu. Đọc lại bài thơ “Giờ Mùi” để khám phá ra nỗi lòng của người đẹp lúc tương tư. Nếu là đấng nam nhi, có thể biểu hiện: “Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào/ Miếng tình nghẹn lắm biết làm sao/ Muốn kêu một tiếng cho to lắm/ Rằng ối ai ôi, nó thế nào?”.
Ở người phụ nữ, dù vậy, họ vẫn kín đáo hơn, dẫu “Muốn kêu một tiếng cho to lắm” nhưng rồi, họ vẫn không, chỉ lặng lẽ: “Giọng thảm giờ Mùi chẳng đấu thưng/ Vì ai nên nỗi, cũng vì chưng/ Mượn mây sơn thủy làm khoây khỏa/ Uất lửa tương tư để cháy bùng/ Cách điệu dịu dàng ai kẻ biết/ Áo khăn xôi xốc để ai nâng?/ Những là rầu rĩ, là buồn bực/ Trăm vẻ hồng đào cũng dửng dưng”. Còn gì hạnh phúc hơn, sung sướng hơn nếu được người mình yêu tặng cho bài thơ nồng nàn ấy?
Cuộc đời Phạm Thái, dù bất đắc chí, chán đời, vùi tháng ngày vào rượu "Bầu dốc kiền khôn giọng bét be" do không chấp nhận thực tại nhưng bù lại ông đã có mối tình đẹp như nước mắt. Ngàn đời sau, những con người yêu nhau vẫn còn nhớ đến. Đọc xong bài thơ trên, cảm động với chi tiết về nỗi buồn, sầu thảm của Quỳnh Như vì không thưng đấu nào dung nổi. Cách nói ấy dung dị và chân tình biết dường nào. Vì xa cách, nên “cách điệu dịu dàng” của nàng, chàng không biết đến; trong khi đó, chàng “áo khăn xôi xốc” lôi thôi lếch thếch, làm sao nàng có thể nâng khăn sửa túi? Quan tâm cho nhau là biểu hiện của tình yêu đấy thôi.
Ủa sao chiều này, lại nghĩ ngợi xa gần về tình yêu? Đơn giản chỉ vì vừa đọc lại Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái. Cuộc bút chiến độc đáo với Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng. Câu 66, Phạm Thái luận về sụ nghiệp nhà Tây Sơn: “…Canh Thân ấy nghĩ còn bền tựa đá. Quẻ Lục hợp bói ra thì cũng phải; Nhâm Tuất kia, âu hẳn nát như tro”. Xin giải thích, Canh Thân (1800) là năm Nguyễn Huy Lượng viết bài Tụng Tây Hồ phú, câu 66 có nhũng đòng như “đinh đóng cột” khẳng định sự bền vững của nhà Tây Sơn: “… Vạn phẩm đã nhờ khuôn Tạo, lại tầy ngôi chính thất, bốn mùa đều theo hướng Đẩu khu”. Thế nhưng nhờ qua quẻ bói Lục hợp, Phạm Thái đã tiên đoán: “Nhâm Tuất kia, âu hẳn nát như tro”. Nhâm Tuất (1802) là năm Gia Long lên ngôi, nói như Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca: “Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch/ Trong làng múa hát còn sót lại một người/ Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở, một nháy mắt/ Cảm thương việc cũ lệ thấm áo”.
Băng khoăn tự hỏi, Chiến tụng Tây Hồ phú, Phạm Thái viết trước hay sau năm 1802, chưa có tài liệu nào trả lời được câu hỏi này. Nếu viết trước, vậy hóa ra cái quẻ bói ấy lại linh ứng đến thế kia? Sở dĩ kêu lên ngạc nhiên, bởi xưa nay y chẳng tin gì vào chuyện bói toán cả. Vậy mà, lạ quá đi thôi, biết đâu, Phạm Thái viết trước năm 1802? Mà cơn cớ làm sao đọc xong Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái, chiều nay, lại bàn về chuyện tình yêu? Ấy là sau những tương tư bầm dập, gẫy đổ tình duyên, thất tình não ruột, vậy y thử nhờ ai bói một quẻ xem sao? Thoáng nghĩ thế, bèn tủm tỉm cười một mình trong buổi chiều sắp vắt qua ngày của đầu năm mới.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|