LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.1.2017

 

HOA-SI-MANH-QUYNH-1-RT

 

Người đời thử ngẫm mà hay

Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê

Còn ai, ai tỉnh ai mê

Những ai thiên cổ đi về những đâu?

Thơ Tản Đà. Một chữ đã viết ra, làng trên xóm dưới đều đọc, sau này, nếu muốn xóa đi, dễ hay khó? Muốn trả lời câu hỏi đó, phải tự trả lời câu hỏi này: Chữ ấy, mình đã viết trong tâm thế, tâm thức nào? Để từ đó, khi đối diện lại, dù nó đã bị xóa đi hay vẫn còn sờ sờ ra đó, dù nhận thức đã thay đổi nhưng người viết cũng không mắc cỡ, xấu hổ với chính mình. Một chữ đã viết ra, dù bạn đọc đã xóa, đã quên nhưng làm sao xóa khỏi lòng mình? Cái nghề cầm bút nhọc nhằn là ở chỗ đó, chứ không phải vì tất bật mưu sinh, bận rộn gõ phím mỗi ngày. Đã ăn hạt ngọc trời đến mòn răng bằng nghề cày chữ, nếu nhìn lại những gì đã viết, y nghĩ gì?

Sáng hôm qua, đến Trường Đại học Sư phạm mừng sinh nhật 80 của PGS-TS Trần Hữu Tá. Với những gì y đã viết, đã có nhiều người nhận xét, đánh giá, thú thật, vẫn thích nhất lời nhận xét, đại khái theo ông, y là mẫu người vừa có khả năng chặt tre vừa có khả năng vót tăm. Ngắn mà đầy đủ. Dịp này, tập sách Trần Hữu Tá - Từ bục giảng đến văn đàn (NXB Thanh Niên) được ấn hành. Ngồi trong hội trường, cầm tập sách tranh thủ đọc loáng thoáng, biết thêm chi tiết: Trước đây, công trình nghiên cứu Nhìn lại một chặng đường văn học, dày 1.400 in, khổ 19x24 cm do ông chủ biên, đề cập đến dòng văn học yêu nước tại đô thị miền Nam suýt bị ách lại, cấm phát hành.

Hãy nghe nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ kể lại: “Nhân, trong phần trích dẫn các bài viết trước 1975, có một bài của Cao Tùng, với cái tít “Thiên tài Phạm Duy”, vốn được đăng trên tạp chí Trình bày. Ngay khi đọc và sửa bản in, tôi đã thấy ngại, vì lúc đó nhạc sĩ Phạm Duy chưa được cho về nước, và người ta còn “úy kỵ” ông lắm, tôi có đề nghị anh Tá nên thêm vào hai dấu ngoặc kép để trước và sau hai chữ thiên tài. Nhưng anh Trần Hữu Tá cương quyết không chịu. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc và trung thực của một nhà nghiên cứu văn học chân chính. Vậy mà sự chân chính ấy suýt phải trả giá không nhỏ” (SĐD, tr.210-211).

Sau đó, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật số ra ngày 1.6.2000 có đăng bài của Tần Hoài Dạ Vũ “viết giải thích tác giả bài báo gọi “thiên tài” Phạm Duy chỉ là một cách nói mỉa”, chứ nào phải ca ngợi gì, nhờ vậy mọi việc được thu xếp ổn thỏa, suôn sẻ. Lật lại quyển sách Nhìn lại một chặng đường văn học kiểm chứng, mới biết Tần Hoài Dạ Vũ nhớ sai, tác giả là Cao Thanh Tùng, chứ không phải Cao Tùng; tựa bài báo là “Phạm Duy… bất tử” từng in trên tạp chí Trình bày số 23 ra ngày 3.7.1971, chứ không phải “Thiên tài Phạm Duy”. Dù sai một, hai chi tiết vừa nêu nhưng câu chuyện trên có thật, nhắc lại đến thấy lại não trạng của một thời. Những người đứng ngoài, không theo nghiệp nghiên cứu khó có thể hình dung ra nổi.

Trong bài viết PGS-TS Trần Hữu Tá - một người hiền chọn in trong tập sách  Trần Hữu Tá - Từ bục giảng đến văn đàn, y có nhắc lại một  kỷ niệm về công trình Từ điển văn học (bộ mới) do ông đồng chủ biên với các ông Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu. Cười cho cái thói ngựa non háu đá của y. Rằng, đã từng đọc bộ sách này từ thời sinh viên, đến lúc ra trường, đọc kỹ hơn, phát hiện ra trong đó còn  thiếu nhiều tác giả. Thế là y viết bài góp ý. Rồi mươi năm sau, còn nhớ hôm ra mắt Từ điển Văn học (bộ mới) tại Công ty Fahasa, ông còn chủ động nhắc lại chuyện đó một cách vui vẻ. Thì ra cái tâm độ lượng, cái tính học thuật của ông là vậy.

Có lẽ, y góp ý đúng nhưng lúc đó, ông không tiện trả lời vì ở thời điểm thập niên 1980 còn có những “rào cản” nhất định khi chọn người này, không chọn người kia! Sau này, lăn lộn trường văn trận bút, đã kiếm sống bằng nghề viết ròng rã gần hết đời người, ăn cơm mòn răng từ nhuận bút, y mới nhận ra sự đời đâu đơn giản như đã nghĩ. “Thức lâu mới biết đêm dài”. Còn nhiêu khê chán. Khổ nỗi, thời trẻ, y nào có hiểu.

Thế đấy, nhận thức mỗi thời mỗi khác. Đôi khi nhớ lại những câu chuyện đã qua, y biết, có nhiều người tự hỏi, một chữ đã viết ra có xóa đi được không là vậy. Thôi thì cái tâm, cái lòng thế nào thì hãy viết thế, nhờ đó.

Chỉ xin bàn về một chuyện nhỏ, ấy là những lúc viết Chuyện tình các danh nhân Việt Nam, Kể chuyện danh nhân và tiểu thuyết lịch sử, qua đó, y đã có những mối thân tình anh em từ con cháu của người đã khuất. Ngày gần đây, cuối năm y lại nhận từ bưu điện nhiều, khá nhiều tài liệu về họa sĩ Mạnh Quỳnh. Đã khá lâu, chừng hơn mười trước, tôi có viết bài báo Họa sĩ Mạnh Quỳnh và thi sĩ La Fontaine, không còn nhớ đến nữa. Đột nhiên, ngày nọ nhận được điện thoại của họa sĩ Ngô Mạnh Dũng - con trai họa sĩ Mạnh Quỳnh nhắc lại. Từ một bài báo mở ra một cái tình. Quý thay. Với khá nhiều tài liệu vừa nhận được, đọc kỹ, có thể viết thêm được cái gì đó.

Quái lạ, một họa sĩ tiên phong trong lãnh vực sáng tác truyện tranh nổi tiếng cùa Việt Nam như Mạnh Quỳnh, lại không có mấy tài liệu đề cập đến.

Thế nhưng, trong ký ức của những người cùng thế hệ thì vóc dáng của ông vẫn còn sừng sững. Mọi người thường nhắc đến ông với tất cả sự khâm phục. Có lần nhà thơ Thy Ngọc ở tuổi “cổ lai hy”, ngoài 80 xuân nhớ lại: “Năm tôi học lớp 3, lớp 4 tiểu học thì họa sĩ Mạnh Quỳnh đã nổi tiếng. Bấy giờ, ông vẽ truyện tranh phiêu lưu, vui nhộn nhưng lại có tựa bí hiểm là Kao co và vẽ nhân vật Vá, Vếu cho tờ báo Cậu Ấm - Cô Chiêu của ông Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong”.

Cậu Ấm - Cô Chiêu là tờ báo nhi đồng đầu tiên trong tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam. Từ số 1 đến số 12 (ra ngày 8.5.1935) có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm - Cô Chiêu. Tòa soạn đặt tại số 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông - Hà Nội). Báo in theo khổ 19x 29 cm, dày 20 trang. Họa sĩ Mạnh Quỳnh là cây cọ chủ lực của tờ báo này. Nhân đây cũng xin nói luôn, cách đây chừng mươi năm, chính từ bộ Cậu Ấm - Cô Chiêu mà Mạnh Quỳnh đã vẽ minh họa, y đã sưu tập đầy đủ tập truyện dài nhiều kỳ Đảng Rỗ Bẩy của nhà văn Nguyễn Công Hoan và NXB Trẻ đã in lại thành sách.

Nhà thơ Thy Ngọc nói tiếp: “Họa sĩ Mạnh Quỳnh họ Ngô, ấn tượng đối với tôi là vóc dáng của ông cao lớn, nói năng không hoạt bát nhưng lúc nào cũng trẻ trung, hay cười - tạo cho người gặp đầu tiên những tình cảm đáng tin cậy. Ngoài việc vẽ truyện tranh, ông còn là người đầu tiên vẽ phim không cử động ở hiệu ảnh Hạ Long. Thời đó, chưa có băng vidéo hoạt hình, do đó, tuổi nhỏ của chúng tôi rất mê loại “phim” của ông. Không rõ từ bao giờ, ông đã mở lớp vẽ tư ở nhà riêng tại Hàng Trống - trước đó ở phố Nhà Thương Khách. Nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay từng là học trò của ông”. Nhà thơ Thy Ngọc cho biết thêm, Mạnh Quỳnh còn là người vẽ tranh minh họa cho bộ truyện ngụ ngôn của thi sĩ Pháp La Fontaine (1612-1695). Không những thế, ông còn là minh họa Truyện Kiều, vẽ ra chân dung Ba Giai, Tú Xuất, góp phần thổi sức sống vào nhân vật biếm họa Lý Toét, Xã Xệ…

Với La Fontaine, lần đầu tiên đến Việt Nam, tên thi sĩ lừng danh này được phiên âm qua Hán- Việt là Lã Phụng Tiên, được dịch in bằng chữ Quốc ngữ trong quyển Hải lục cách ngôn do Đỗ Thận chủ trương, in tại nhà in H. Schneider và bán tại hiệu Ích Ký (58 Hàng Giấy - Hà Nội) cùng thời với hoạt động của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn bài thơ ngụ ngôn đầu tiên được công bố trên báo chí Quốc ngữ là Truyện con sói và con chiên con đăng trên tờ Đại Nam đăng cổ tùng báo (số 821 ngày thứ Năm 10.10.1907) và người dịch là nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Sau đó, tập hợp lại những bài đã in, Nguyễn Văn Vĩnh cho xuất bản tập La Fontaine - Thơ ngụ ngôn (Trung Bắc Tân Văn XB năm 1928), gồm 44 bài mà người minh họa là họa sĩ Mạnh Quỳnh. Nét vẽ của ông đậm đặc cảnh vật và người Việt Nam. NXB Cảo Thơm ở miền Nam tái bản vào năm 1969. Gần đây, tháng 10.2017, NXB Kim Đồng cũng vừa tái bản nhân 100 năm sinh của Minh Quỳnh. Xem La Fontaine - Thơ ngụ ngôn do ông minh họa, ta thấy hết sức thú vị. Chẳng hạn, bài Anh chàng đứng tuổi với hai chị nhân ngãi - Mạnh Quỳnh vẽ người đàn ông khăn đóng, tay cầm ô; còn phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ, tay cầm quạt. Truyện cô hàng sữa, ông vẽ nhân vật chính là cô Perrette giống hệt hình ảnh cô gái quê đầu thế kỷ XX v.v...

Biết được điều này, hẳn La Fontaine rất hài lòng, bởi lẽ, ngụ ngôn của ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại, thì mỗi nơi có một cách tiếp cận riêng với từng nhân vật ấy là lẽ tất nhiên. Thông điệp trong ngụ ngôn này là “Không bao giờ bán da con gấu khi chưa hạ được nó”; hoặc “Chạy chẳng lợi ích gì, mà phải biết khởi hành đúng lúc”, “Nghi ngờ là mẹ của an toàn”, “Bụng đói thì không có tai” v.v… đâu chỉ dân tộc Pháp mới cảm nhận như vậy, ở Việt Nam cũng thế thôi. Đặc biệt, loài vật của La Fontaine hiện ra dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh thật ngộ nghĩnh. Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười. Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao!

Chính vì có cách thể hiện độc đáo của riêng mình, nên mãi đến bây giờ, ở Việt Nam, chưa có họa sĩ nào minh họa thơ ngụ ngôn La Fontaine tuyệt hơn Mạnh Quỳnh. Trước đây, y cho rằng từ năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch thơ ngụ ngôn của thi sĩ Pháp La Fontaine. Nay nhận thức lại, phải trước đó rất nhiều năm, từ năm 1881 chính nhà văn Trương Minh Ký với Truyện Lang Sa diễn ra Quốc ngữ, in từng kỳ trên Gia Định Báo mới là người đầu tiên dịch thơ La Fontaine, tuy nhiên ông lại sang văn xuôi.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh, họ Ngô sinh năm 1917 tại Hà Nội, mất ngày 2.4.1991; học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1932-1942, tốt nghiệp Khoa Sơn mài và có lẽ, chính ông thuộc thế hệ đầu tiên rất có công khi truyền cảm hứng cho trẻ em yêu thích hội họa. Sinh thời ông đã cho in bộ sách Học vẽ phổ thông (6 tập). Thú vị ở bìa 4 của tập sách cho biết, không chỉ học sách mà các em còn có thể học theo lối hàm thụ - tức là gửi các tranh đã vẽ về cho ông tại địa chỉ 29 Hàng Trống (Hà Nội). Sau đó, ông sẽ có nhận xét, góp ý sửa chữa. “Bài gửi học đưa tay hoặc gửi bưu điện. Cần cuộn lại, không nên gấp nhỏ. Tem cần dán bao nhiêu xin hỏi ở bưu điện. Tem người học gửi do người đó chịu khoản phí này. Tem gửi trả bài do họa sĩ chịu”.

Bao nhiêu “mầm non họa sĩ” đã thành danh từ lớp học này? Điều canh cánh mà trong sổ tay lưu bút, họa sĩ Mạnh Quỳnh đã từng tâm niệm: “Phần thưởng quý báu trong đời nghệ thuật của tôi là được đào tạo ra những lớp người trẻ tuổi đi vào con đường hội họa”. Mà không chỉ có thế, trước đó, bao nhiêu người thoát nạn mù chữ từ những tập sách do Mạnh Quỳnh biên soạn, vẽ tranh minh họa?

Sở dĩ đặt câu này, vì cư như theo hồi ức của ông Ngô Đình Châu - em của ông thì thời kháng chiến: “Lúc đó Sở Bình Dân Học (BDHV) Vụ Liên Khu 10 do ông Vương Kim Toàn làm giám đốc tìm đến gặp anh tôi bàn về vẽ và in sách cho Sở BDHV Vụ Liên Khu và cho cả toàn quốc theo ý ông Nguyễn Công Mỹ là Giám Đốc BDHV toàn quốc. Sách được Sở BDHV đặt in đầu tiên là cuốn Vần Quốc ngữ tiếp theo là Lịch sử nước Việt Nam và Địa lý nước Việt Nam. Sách do anh tôi vẽ và khắc cùng chịu trách nhiệm in, lúc kháng chiến thì đâu có máy in, anh tôi phải tổ chức in tay, in mỗi thứ cả hai ba chục ngàn cuốn. Tổ chức in tay, khắc gỗ những tài liệu đó phải mất nhiều công phu, như là phải tìm mua gỗ, mà gỗ dùng để khắc chỉ có hai loại dùng được là gỗ Thừng Mực hay gọi là Lòng Mức, loại tốt thì phải dùng gỗ của cây thị ăn trái, vì các loại gỗ này nó dẻo, dai mới khắc được và giữ được nét khắc. Xong phải đi tìm mua mực in, loại mực dùng cho máy in là loại mực Lorieux của Pháp mới in được, vì in trên giấy gió, nếu mực xấu nó lem và hằn sang mặt sau… Sau đó, Sở BDHV lại đề nghị với anh tôi thành lập đoàn Múa Rối để đi tuyên truyền khắp các tỉnh nhất là các tỉnh thuộc vùng Thượng du Bắc Việt”.

Những tập sách này, và một vài tài liệu quý giá thời ấy, may quá, họa sĩ Ngô Quỳnh Dũng có gửi bản tặng photo. Trước hết có thể kể đến quyển I t Đoàn kết do Ty Bình dân học vụ Yên Bái xuất bản năm 1947, ngoài bìa vẽ bức tranh ngộ nghĩnh chú mèo trắng ôm vào lòng chú chuột đen đang mở tập vở, dặn dò: “i t cố học cho ngoan/ Để sau gánh vác lo toan việc đời”. Trang cuối là bốn câu thơ: “I t đoàn kết/ Diệt hết giặc ngu/ Hết nạn “thẻ mù”/ Đời vui tươi đẹp”.

Với quyển Địa lý nước Việt Nam do Bình dân học Vụ Liên khu 10 ấn hành năm 1948 cũng in khổ to và cũng họa sĩ “Mạnh Quỳnh soạn, vẽ, và in tay”. Nhìn chung vẫn là nét vẽ độc đáo của một họa sĩ nhuần nhuyễn tinh thần, cá tính, tính cách của người Việt, không lẫn lộn vào đâu được. Điều này, ta còn có thể nhìn qua tập sách Lên tám, do Éditions Alexandre de Rhodes ấn hành từ năm 1944. Thi sĩ Tản Đà không thể biết được về sau tập thơ thiếu nhi của mình đã tái bản với tranh minh họa tuyệt vời đến thế. Tôi vẫn thích bức tranh vẽ người nông dân gác cuốc ngồi trên bờ cỏ, đứng cạnh là đứa trẻ, cụ già, phụ nữ cũng chăm chú đọc sách, minh họa cho câu thơ: “Học thường là phổ thông/ Gây thành tư cách chung/ Dẫu biết chưa là mấy/ Có học hơn người không”.

Không chỉ ngụ ngôn La Fontaine mà ngay cả Qui-Li-ve du ký  sang nước Li-li-bút và nước khổng lồ do Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ Les voyages de Gulliver a Lilliput & A Brobdingnag (in năm 1944) - dù nhân vật châu Âu nhưng nét mặt, trang phục lại rất Việt Nam. Âu đó cũng là một cách khiến trẻ em cảm thấy gần gũi hơn, chứ không hẳn đang đọc truyện dịch. Rồi với các tập khác như Trẻ con hát, trẻ con chơi (in 1943), Làng quê Việt Nam cũ và mới (in 1945), họa sĩ Mạnh Quỳnh cũng giữ lấy bút pháp ấy. Chính điều đó, ta thấy được cốt cách tâm hồn của một họa sĩ tài hoa, dù sử dụng nhiều thể loại sơn mài, điêu khắc, tranh khắc gồm tranh thủy mặc… nhưng đã vẽ minh họa thì dứt khoát phải thể hiện được diện mạo người Việt trên từng nét mặt… Âu cũng là một trong những nét độc đáo của họa sĩ Mạnh Quỳnh.

Thoáng đó, có nhiều người, y viết về thân sinh, người thân của họ, qua đó đã có mối thân tình nhưng nay họ cũng mất, chẳng hạn trường hợp chị Vũ Mỵ Hằng - con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng, bà cụ Nguyễn Thị Thịnh - vợ của bác sĩ Đỗ Xuân Hợp... Hôm kia điện thoại hỏi thăm mới biết chị Vân - con gái nhà văn Lê Văn Trương ọp ẹp lắm rồi, phải chạy thận thường xuyên. Nhắc lại để thấy phần số đời người ngắn lắm. Ngắn như một chớp mắt. Rồi tan biến mất hút.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment