LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.12.2016



tam-nguyen-tu-dien-viet-nam

 

Đôi khi, y lại tìm cách né tránh những gì đang xẩy ra trong đời sống. Khốc liệt quá. Tàn nhẫn quá. Kinh dị quá. Cảm thấy không đủ sức, dũng cảm để viết một điều gì cho rành mạch, cuối cùng, con người ta lại quay về một cõi khác. Như một cách xa lánh thực tế, nhắm mắt bịt tai, xem như không việc gì phải nghĩ ngợi đến, dù rằng, nó đang diễn ra và có tác động đến chân tơ kẽ tóc mỗi đời người. Thể hiện ấy, tên gọi đúng nhất vẫn là “mũ ni che tai”. Trong mớ hỗn độn của một ngày, y là mẫu người mà trước đây nhà văn Nam Cao đã chỉ ra là hạng “Sống mòn”. Ngay cả Nhật ký cũng né tránh thời sự mỗi ngày, liệu có còn là bản chất của thể loại này? Câu hỏi này, y thừa sức trả lời. Nhưng rồi lại quên béng đi, cố tình quên béng đi. Âu cũng là cách lựa chọn của số đông, chứ nào phải riêng y.

Về những trang Nhật ký đã viết năm 2015, sắp in thành tập lấy tựa Ngày sống đời thơ, PGS-TS Trần Hữu Tá (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM) nhận xét trong lời Tựa: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đó là một yêu cầu mang tính nguyên tắc của muôn đời. Nhà văn không thể lảng tránh. Tất nhiên đối với những vấn đề nhạy cảm, người viết phải rất thận trọng, nghiêm túc, xây dựng. Những kinh nghiệm này tôi ngờ là Lê Minh Quốc đã có thừa. Chẳng qua với tình bằng hữu văn chương, tôi xin nhắc lại với anh và cả tin anh sẽ làm rất tốt”.

Vâng, dù có làm tốt chăng nữa, khi in thành sách, người ta cũng cắt phéng đi. Có những vụ việc đã công bố trên mặt báo, không sao, nhưng lúc đưa vào sách lại khác. Cái sự cầm bút ở xứ mình, nó thế, như thế, dù rằng chẳng có một quy định pháp lý nào cả. Nói cách khác sự biên tập ấy là tùy theo nhận thức, bản lĩnh của mỗi người. Có quyển sách in ở nhà xuất bản này không sao, nhưng đưa qua nhà khác ắt sẽ khác. Cái sự khác rối rắm và vô lý này, dần dần đã khiến người cầm bút khôn ngoan hơn, đó là lúc tự họ “biên tập” trước khi người khác nhúng tay vào. Vì thế, những dòng chữ nhẹ tênh, mơ màng, tròn trịa đến “phải đạo”, không còn lưu lại dấu vết nào của sự gai góc, phản biện, cá tính của người viết.

Ở Việt Nam hầu như chưa có nhà văn nào đủ kiên nhẫn và dũng cảm viết một tác phẩm theo ý mình, dù rằng, thời điểm đó chưa thể công bố, phải biết chờ đợi lúc phù hợp hơn, hãy cất nó vào ngăn kéo, chẳng gì phải vội. Nhưng rồi, người ta vội quá nên phải lách bằng cách tặc lưỡi “thiến” luôn -  miễn sao nó ra mắt công chúng là được. Cái sự được ấy là được hay mất?

Sực nhớ lại nhà văn X. Ông đã mất. Lúc còn sống, ông có in hồi ký về cuộc đời viết văn, đọc xong, thấy nhẹ hều, chỉ là những tiếng vỗ tay, những tràng hoa thắm tươi trong hội trường, hội nghị. Ngạc nhiên quá, hỏi tại làm sao lúc đã gần đất xa trời vẫn chưa viết hết như những gì như đã từng kể cho y nghe. Người viết là dân văn nghệ, làm thơ viết văn và kể lại những chuyện bếp núc đàng sau trang viết thì có gì là ngại? Ông bảo: “Viết rồi. Sau này, con mình sẽ tái bản đầy đủ hơn”. Hôm nọ, gặp con trai của ông và hỏi về tập hồi ký ấy, lúc nào sẽ in theo nguyện vọng của ông bố trăng trối trước lúc về chín suối? Anh ta cười mà rằng, lâu nay, công chúng đã thừa nhận, đã nghĩ về ông bố của anh là thế này, thế này; nay in hồi ký theo văn bản đầy đủ ắt họ sẽ nghĩ về ông bố thế kia, thế kia… thì liệu có nên?

Âu đó cũng là một cách nghĩ khá phổ biến.

Đôi lúc tự hỏi, chẳng rõ vì cơn cớ gì, tại đâu, từ đâu con người viết lách cứ mãi lo sợ những điều mà họ nghĩ rằng sẽ xẩy ra, dù rằng, chẳng biết có xẩy ra hay không. Nhưng rồi, vì sự an toàn chính mình, như đã nói, tự họ lại cắtm phéng, tự giấu kín ngay suy nghĩ từ trong đầu, chứ đừng nói thể hiện trên trang viết.

Mấy hôm nay, y vẫn sống trong tâm thế đó. Đôi lúc thoát ra ngoài trang viết kiếm cơm nhì nhằng, bỗng giật mình tự trách, rằng, y đang sống  trog đời thật, hai chân dẫm dưới đất nhưng lại lớ ngớ như từ trên trời vừa rơi xuống đất. Giật mình với thông tin vừa công bố đồng loạt trên báo chí: “Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm đến nay mưa lũ đã làm 235 người chết và mất tích. Ước tính tổng thiệt hại là trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ)”. Rợn cả người. Lẽ ra phải suy nghĩ, tìm hiểu kỹ về sự việc này, vì ít ra đây cũng chính là trách nhiệm công dân nhưng rồi y lại lảng qua chuyện khác. Xem như không phải việc của mình.

Có phải là sự chọn khôn ngoan?

Chính vì nghĩ vậy nên dù có đôi lúc tự nhủ phải thế này, thế kia nhưng rốt cuộc lại “ngựa quen đường cũ”. Là vẫn nghĩ ngợi về những chuyện có thể người khác cho rằng rất ấm ớ. Chẳng hạn, sáng hôm qua, gặp lại nhà văn Nguyễn Thị Thị Thụy Vũ. Bà kể, đại khác trước năm 1975, nhờ viết feuilleton cùng một lúc cho vài tờ báo nên đời sống khấm khá. Nhưng rồi, do tiêu xài bạt mạng nên chẳng dành dụm được gì. Bà kể: “Lúc đưa con cái về quê sống chung, mẹ tôi biết chuyện bèn tế cho một trận”. Té ra, “tế” trong ngữ cảnh này, hoàn toàn không phải “cúng dâng trọng thể, thường đọc văn cúng và có chiêng trống kèm theo” như từ điển tiếng Việt giải thích, chính là chửi mắng ầm ĩ, tới tấp. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố có câu: “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín lặng”. Thoạt nghĩ, “chửi chùm chửi lợp” cũng là một cách “tế”.

Lâu nay, nghĩ rằng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong đổ lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Té ra, “tế” trong ngữ cảnh này lại có nghĩa là chạy mau, chạy đều bốn chân, “ngựa chạy nước đại” là “ngựa tế”. Hiểu thế nên câu ca dao này, y đã hiểu khác trước. Rồng ám chỉ vua chúa, vua quan, tầng lớp ăn trên ngồi trốc, trong lúc họ an lành, yên ổn ở kinh đô, thì lúc ấy dân đen, tầng lớp phu phen, binh mã đã phải xông pha vào nơi hòn tên mũi đạn ở Nam kỳ. Có thể xác định, câu ca dao này ra đời ngay sau năm 1859, đó là năm Trung tướng Rigault de Genouilly không đương đầu nổi với dân quân Quảng Nam ở mặt trận Sơn Trà. Tài cầm quân của danh tướng Nguyễn Tri Phương, lúc bấy giờ đã 58 tuổi thừa sức đẩy liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã rơi vào thế bị động, phá sản. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Rigault  de Genouilly đã quyết định thay đổi kế hoạch. Y chỉ để lại một đại đội và vài chiến hạm chiếm giữ bán đảo Sơn Trà do Đại tá Toyon chỉ huy, còn lại kéo đại quân vào đánh Sài Gòn. Câu ca dao trên ra đời vào thời điểm đó, cùng lúc với câu: “Giặc Tây đã đến Cần Giờ/ Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công”.

Về chuyện chữ nghĩa, hôm qua có trao đổi vu vơ, đôi dòng với anh Biền - bạn nhà văn, y cho rằng: Ngôn ngữ nghĩ cho cùng là thói quen của người sử dụng, dù có thay đổi hợp lý hơn, nhưng người ta vẫn khó chấp nhận. Những từ mới, dù khó chấp nhận, sai lè lè nhưng sử dụng riết thành quen thì người ta lại chấp nhận. Khôi hài thế đấy. Đó là bản chất của ngôn ngữ toàn cầu, xưa nay. Tiếng Việt cũng thế. Vì thế nói góp phần lý giải, mọi sự cải tiến chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ đến nay đều thất bại thảm hại. Vì sao, các ông các bà cứ la toáng lên với các từ "nửa nạc nửa mỡ" làm hỏng tiếng Việt, lo lắng làm gì, vì nếu người ta không sử dụng thì tự nó biến mất; còn nếu người ta đã sử dụng rồi thì đố hòng thay đổi.

Về y và i, gần đây ngoài Bắc có xu hướng dùng i ngắn nhiều hơn: lý luận/ lí luận, bác sỹ/ bác sĩ ... ban đầu thấy ngờ ngợ, riết cũng quen và chấp nhận. Khuynh hướng người sử dụng thời kỳ nào cũng muốn nói/ viết gọn mà vẫn đủ thông tin: chợ cầu sông Hàn/ chợ Hàn; ngã tư Bảy hiền: Bảy Hiền...; email: mail... Cái này sẽ lý giải vì sao 1 số từ biến mất, nay ta không hiểu: chó má: chó; tre pheo: tre; tang ma: tang... Tra lại từ điển 1651, những từ đôi này, cả 2 từ đều cùng 1 nghĩa, về sau người ta giảm lược khiến đời sau không hiểu vì nó không còn sử dụng.

Nghĩ là nghĩ ba chớp ba nháng tức thời, có thời gian sẽ suy ngẫm chu đáo hơn.

Anh Biền tán thành và cho biết vài thêm vài từ thú vị không kém: “Ngôn ngữ do người bình dân nói trước khi được người có học ghi chép cho đúng… chính tả. Ví dụ thời tôi dạy ở Phan Rí, nước mắm ngon là nước mắm nhỉ ra từng giọt. Nhưng người dân nói và các chai nước mắm đều dán nhãn “nước mắm nhĩ” (dấu ngã). Vừa rồi tôi đi Vinh, thấy nhiều bảng hiệu chỗ ghi “súp lươn”, chỗ ghi “xúp lươn”. Hỏi, có người nói “súp” là đúng vì gốc từ tiếng Pháp “soupe”. Có người lại nói, “xúp” là đúng vì nó nấu giống như “xáo” như xáo măng, xáo bò ở Quảng Nam. Thôi thì, người dân đã nói thì đều đúng cả.Vì tiếng Việt vốn phong phú mà”.

Nghe ra lấy làm hứng thú lắm đây. Nếu bảng hiệu kia ghi  "xúp lương" thì coi như "xong phim", bởi "xúp" còn có nghĩa loại ra, bỏ đi, theo Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức do từ "supprimer" mà ra - nào có ai muốn thưởng thức món ăn hàm ý bị cắt lương đâu. Thật ra, “súp”/ “xúp” tồn tại đã lâu lắm rồi nhưng mấy ai quan tâm, chỉ những ai sống bẳng nghề viết, yêu tiếng Việt mới suy nghĩ, đặt vấn đề vì sao lại tróe ngoe đến thế kia.

Mà thật tình đã có những sự việc tượng tự. Hiện nay từ điển ghi nhận hào - một phần mười của đồng bạc là cắc, đồng bạc cắc. Nhân đây nói luôn, “cắc” cũng đồng âm với tiếng kêu nhỏ, giòn như “Đồng xu rơi xuống sàn nhà kêu cái cắc”. Nhà ngôn ngữ  Lê Ngọc Trụ cho rằng, phải viết cắc vì nó là từ “giác” (hào) mà ra. Trong khi đó, viết Lời nói đầu Tầm nguyên từ điển Việt Nam (NXB TP.HCM 1993) của Lê Ngọc Trụ, học giả Vương Hồng Sển lại quyết cãi cho bằng được phải là “cắt” với lập luận: “Giác, tôi dốt nên tôi không biết. Tôi biết lấy đồng bạc cũ chặt đứt ra làm 2 thì nửa miếng ấy gọi là “ca-rô-bi” dựa chữ “roupie” gốc Ấn. Rồi lấy “ca-rô-bi” chặt làm 2, 1 đồng bạc chặt làm tư, nhưng lại gọi “gốc tư” tuy giá trị là 1/5 (pièce de vingt sous), và khi chặt một lần nữa được “một gốc tám”, tuy giá là mười xu (pièce en argent de dix sous). Cắt bạc 10 xu vẫn gọi “góc tám”.

Đọc xong đoạn này, thấy rằng, do dùng từ “chặt” với nghĩa “cắt” nên tác giả Hơn nửa đời hư, quả quyết phải gọi “cắt” mới đúng. Ngoài ra còn khá nhiều từ mà cách ghi nhận ngay cả trong từ điển vẫn chưa thống nhất, chẳng hạn, dụng cụ phát cỏ: phãng/ phảng; cái lạch nhỏ, cái mương nhỏ: xẽo/ xẻo v.v…

Khi viết những dòng này, tự dưng lại nhớ vu vơ câu chuyện đã cũ.

Nhớ rằng, “a, b, c…” là những mẫu tự đầu tiên mà đứa trẻ tiếp xúc khi đi học. Đùng một cái, năm 2002 không rõ do sáng kiến tham mưu của ai, Bộ Giáo dục - Đào tạo bèn cải tiến bằng cách cho trẻ học mẫu tự “e” trước “a”. Điều dễ dàng nhận ra, việc làm này dẫn đến xáo trộn toàn bộ trật tự bảng mẫu tự chữ cái La-tinh của chữ quốc ngữ truyền thống. Nhưng ai quan tâm đến vấn đề nay đều lên tiếng phản đối ầm ầm.
Bấy giờ, ông Trần Chút - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM phát biểu: “Tôi tán thành ý kiến của nhiều người cho rằng nên theo trình tự a, b, c. Vì trình tự này không phải là chữ nữa mà còn là văn hóa nối liền ta với thế giới, những nước dùng chữ La tinh. Ngoài ra, trình tự a, b, c còn theo trẻ suốt đời. Khi viết bài phải theo bố cục a, b, c, trong tính toán cũng đi theo từng bước như vậy, đến khi tra từ điển cũng theo thứ tự a, b, c... Không nên đánh đổi văn hóa và sự liên hệ với thế giới bằng sự lựa chọn khó hiểu nào đó”.

Sực nhớ lại chuyện kỳ khôi này, ắt nhiều vẫn còn phì cười. Thì ra, trong mớ bùng nhùng, rối rắm của dòng đời, đôi lúc con người ta lại tìm ra vài một hiện tượng, sự việc nào đó để há miệng ra cười.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment