LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.12.2016

 

phoca_thumb_l_yeu-em-da-nang

 

Cách đây chừng mươi năm khi mà xe lửa Bắc - Nam đã rút ngắn thời gian vận hành; rồi Nhà nước cho nghỉ thêm ngày thứ bảy, chia sẻ thông tin này, một anh bạn hào hứng gọi điện thoại: “Thế là thích quá, từ rày, mỗi lúc nhớ quê, có thể tranh thủ vào dịp cuối tuần. Chỉ ngủ một giấc trên tàu, sáng mai thức dậy đã có thể thưởng thức đặc sản quê mình”. Với những người xa xứ, nỗi nhớ canh cánh trong lòng còn là những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà mỗi lần nhớ đến lại thèm thuồng, nuốt nước bọt cái ực rồi nhủ thầm: “Hãy đợi đấy”.

Nhà văn Vũ Bằng viết lên những trang tuyệt bút Thương nhớ mười hai, hấp dẫn bạn đọc vì một phần còn do ông cảm nhận về miếng ăn. Ăn không chỉ là ăn mà còn là không gian, không khí, thậm chí cả âm điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng từ giọng nói của người đối ẩm nữa. Đôi lúc nhớ món quê, bèn bảo vợ ra chợ mua đầy đủ vật liệu, rồi tự tay làm lấy với tất cả sự say mê, sung sướng nhưng rồi cũng không hài lòng. Chà, sao cọng rau ngò, cái lá tía tô, húng… sao lại nhạt thếch thế này, chẳng mùi vị gì cả. Chà, đây mà gọi là ớt à? Trái ớt này “ngoài mình” gọi ớt sừng trâu, nó cong vút, cắn nghe cái rộp mới khoái lỗ tai, nhai trong miệng kêu sực một tiếng, nó cay mà lại “cay thanh” mới đã đời làm sao. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Về quê, gặp những gì?

Vừa đọc trên Facebook của anh bạn Nguyễn Thanh Lợi - vốn là nhà nghiên cứu văn học dân gian, học được một từ mới: “Ế mao huyết”. Anh cho biết: Trong nghi lễ Kỳ yên tại đình Bình Tự, cù lao Phố (Biên Hòa) có tiết mục "ế mao huyết" (đem chôn lông và huyết). Khi chọc tiết con lợn để tế thần, chủ tế lấy dao cắt một nhúm lông và một ít huyết tươi để báo với thần là con thú tuyền sắc và còn sống. Dĩa lông trình ra phía trước võ ca (phía ngoài sáng, thuộc dương), dĩa huyết trình trước bàn thần (phía trong tối, thuộc âm). Nhúm lông và chút máu tượng trưng đó được đốt và chôn trước đình”.

Đọc phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố, biết thêm rằng, con lợn cúng thần gọi là “ông ỷ”. Đây là lúc đưa “ông ỷ ra đình tế thần: “Đó là bốn con lợn lớn. Thứ lợn nuôi để cúng thần, đã được tôn làm ông Ỷ. Giữa đám lọng xanh, lọng vàng xúm xít bốn ông lợn lớn, chõm chọe ngồi trong bốn chiêc cũi tre, giống như hồi xưa người ta giải các tướng giặc bị bắt. Có điều cũi của tướng giặc ngày xưa chỉ có đanh chốt đóng giữ, còn cũi của mấy ông lợn này thì chằng buộc toàn bằng thừng chạc nhuộm mầu cánh sen, coi bộ cực kỳ long trọng. Hơn nữa, đằng sau mỗi cũi, lại có một đội âm nhạc đủ cả đàn sáo kèn nhị và một ông già đội mũ té áo thụng xanh, cung kính đi hầu. Như đám hàng tổng đánh cướp, trống cái trống con của các đoàn thi nhau thúc một hồi cuối cùng. Bốn chiếc cũi tre đồng thời được rước vào tận trước đình, và sắp thành chữ nhất. Bằng vẻ mặt rất tự nhiên, cả bốn "ông lợn" cùng chầu vào cửa đại đạo, không sợ hãi và không ụt ịt một tiếng nào hết”.

Về quê, y lại nhớ về tuổi nhỏ, thời còn i, tờ “ngày hai buổi đến trường/ yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam) đã đôi lần chứng kiến cảnh cúng đình ở đình làng Hải Châu, Nam Dương… Ký ức đã xa tít mờ mịt sóng vỗ dưới vòm trời Đà Nẵng. Chẳng còn nhớ gì nhiều. Về quê, cảm hứng khiến con người ta tràn trề sinh lực, háo hức sung sướng nhất vẫn là những món ăn mà ngày xưa mẹ đã nấu. Sau này, nhớ về tuổi nhỏ, ai lại không nhớ về năm tháng tươi đẹp đó? Đã từng trả lời cho vnepress:

“Những món mẹ cho ta ăn thuở ấu thơ luôn ám ảnh trong trí nhớ, ngọt bùi trong ký ức. Có thể sau này, khi lớn lên, ta được ăn biết bao món ngon vật lạ trên đời nhưng cũng không thể sánh nổi... Bởi món ăn của ngày xa xưa ấy không chỉ có ý nghĩa vật chất mà nó còn cả tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho ta.

Đến nay, tôi vẫn chưa quên được món ăn ngày Tết do chính tay mẹ mình nấu nướng. Món mà tôi thích nhất là thịt lợn ngâm nước mắm. Không rõ trong Nam ngoài Bắc có món này không? Đó là những miếng thịt lợn thật ngon, đem luộc chín nhưng chín đến mức độ nào là một "bí quyết" của người nội trợ tài hoa, sau đó, để cho ráo nước, rồi đặt trong thẩu và đổ nước mắm vào. Điều khó nhất là phải pha chế nước mắm như thế nào thì mới “đúng điệu”, đó cũng là một... "bí mật". Dù thế nào đi nữa, nhưng chắc chắn phải là loại thượng hạng, phải là nước mắm Nam Ô mới đúng “bài bản”. Lúc ấy, ăn miếng thịt ta thấy ngon lạ lùng. Nay tôi đã lớn. Mẹ tôi đã già, ngày Tết tôi không còn được ai làm cho món ăn ấy nữa. Nghĩ lại, thấy bùi ngùi và tiếc cho năm tháng đã xa...”.

Sống xa quê, ai lại không có lúc thốt lên não nùng như ông Vũ Bằng: “Hỡi ôi là cái lòng thương nhớ của người ta: nhiều cái chẳng ra cái “chết” gì mà làm cho mình nhớ quá. Nhưng nhớ đến quả cà Nghệ hay là miếng cà bát dầm tương ăn đúng vào lúc hè, có phải đâu chỉ là nhớ cà mà thôi, mà chính nhớ đến người vợ tào khang, từ thuở bé đã được mẹ dạy cho cách làm tương cà mắm muối, lớn lên chỉ sợ không muối dưa muối cà được bằng chị bằng em - vì vẫn nghe thấy nói rằng muốn biết tài bếp núc của các bà các cô, chỉ xem mèm muối tương cà, thừa đủ!”. Món ăn ngon của từng vùng miền, ai đã chôn nhau cắt rốn, lớn lên nơi ấy, lúc đã xa bao giờ nhớ. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Về quê, trong tâm thức của y vẫn là nơi đã sống chỉ 18 năm nhưng mãi mãi nhớ. Mãi mãi yêu vì nơi ấy, nhà thương bà Cách, ngay gần chợ Cây Me trên đường Phan Châu Trinh, y đã cất tiếng khóc oe oe cầm tinh con lợn. Mẹ ẵm bồng trên tay, mở mắt nhìn cõi đời. “Mới sinh ra thì đà khóc chóe/ Trần có vui sao chẳng cười khì?” (Nguyễn Công Trứ). Nếu dẫm hai chân trên mặt đất, ba vạn sáu ngàn ngày chỉ “cười khì”, có lẽ sẽ tẻ nhạt lắm đây. Nếu không có thất vọng tình nhọn gai bén, có lẽ văn học nghệ thuật của nhân loại sẽ không có những trang viết, cung bậc bất tuyệt đầm đìa cảm xúc: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Nơi ấy, y đã yêu và đã sống trong khoảng thời gian thơ mộng, diệu vợi nhất.

“Đà Nẵng là nguồn nước trong veo/ Chảy qua từng mạch máu/ Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu/ Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn”. Nơi ấy, còn lưu lại trong ký ức tuổi thơ hương vị của ngày Tết. Trong đời sống xuôi ngược, những bốn từ “về quê ăn Tết” luôn dạt dào một niềm yêu thương vô bờ bến. Được tung tăng theo mẹ đi chợ Tết: “Mời bà con mua “gộ”/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi”. “Gộ” là gạo - phát âm theo kiểu của người dân Quảng Nam. Rồi làm sao có thể quên: “Phong bì Tết đỏ hoe/ Bánh thuốc rê Cẩm Lệ/ Hoa vạn thọ tròn xoe/ Sao lại nhiều đến thế?”. Chắc chắn rằng, một niềm yêu dấu cảm động, chan chứa tình người nhất với con người vẫn một nỗi niềm đau đáu về kỷ niệm của ngày xưa. Ngày xưa có mẹ. Được ăn món ăn mẹ nấu. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Những bước chân tha phương đâu dễ dàng quay về. Vì thế đôi lúc tự nhủ: “Ồ, ở Sài Gòn bây giờ, chẳng thiếu thứ gì, muốn ăn món Bắc, Trung, Nam đều có tất”. Nhưng lạ lùng thay, tâm lý của con người ta vẫn thích sản phẩm đó được nuôi/trồng ở “quê mình” mới đúng điệu. Ăn không chỉ là ăn cho qua bữa, cho no mà còn chính là thưởng thức cái hương vị đậm đà của nó nữa. Hương vị ấy gợi nhớ về năm tháng hoa niên của thời còn ở quê. Khó quên lắm, vì nó còn gắn liền với kỷ niệm.

Hiện nay, ở Quận 5 có con đường mang tên thi sĩ Tản Đà. Khoảng thập niên 1930, lúc vào Sài Gòn làm báo, sống ở Xóm Gà (Bình Thạnh), ông “thi sĩ ngông” thuộc hạng bậc nhất nước Nam đã từng thưởng thức và ngợi khen: “Sài Gòn nhớ vị cá tra/ Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên”. Nhưng rồi, lúc thèm phở quá, ông bèn tự tay làm nhưng cũng không sao thỏa mãn được cái thần khẩu vì… thiếu rau húng. Sài Gòn có rau húng chứ, nhưng ông vẫn nậy gạch lát sân, trồng cho riêng mình những ngọn rau húng đúng điệu của “quê mình”.

Lại nữa, y có anh bạn nhà văn quê tận Cà Mau, một hôm anh điện thoại tới tấp, giọng nói hân hoan, “hồ hởi phấn khởi” như báo tin sắp cưới vợ: “Lên nhà mình gấp, có món ngon đãi bạn đây”. Ngoài trời đang mưa tầm tả, vừa mệt nhoài công việc nên đâm ngại ra đường nhưng phải chìu bạn. Trên đường đi, y đã nghĩ đến những món ăn cao lương mỹ vị, sang trọng, đắt tiền mà bạn đãi vì mới “trúng mánh” từ một khoảng nhuận bút nào chăng?

Không hề, khi đến nơi, đã thấy từ dưới bếp cô vợ của anh ca ư ử Tình anh bán chiếu rồi bưng lên hai tô cơm… nguội! Y nản quá. Nản đến độ xụi lơ, không thể thốt nên lời. Nản như lúc danh ca hạng nhất sắp xuống xề câu vọng cổ để chờ nghe tiếng vỗ tay vang trời, dậy đất của khán giá mộ điệu thì đột ngột điện cúp cái phựt! Chưa hết, cô vợ anh lại nhẩn nha bê lên một đĩa… mắm ba khía. Chỉ có thế. Vâng, chỉ có thế. Y uể oải cầm đũa chỉ vì lịch sự. Vừa ăn, anh bạn vừa liếng thoắng: “Dưới quê mới gửi lên. Ngon quá xá là ngon”. Cái ngon ấy, còn “ngon” vì tình cảm của nỗi nhớ quê nữa.

Vâng, đúng là ngon. Nghĩ như thế, mới thấy thương những người sống xa xứ. Ở ngay tại xứ rét mà lúc ngoài trời có tuyết bay mịt mù, tâm hồn rét cóng nỗi lòng xa quê, đang thèm phở Bắc, don Quảng Ngãi, bún bò Huế, mì Quảng, bún nước lèo Sóc Trăng, khoai xéo xứ Nghệ… thì biết tìm đâu hỡi trời cao đất dày? Y sống ở Sài Gòn, nói như cụ Vương Hồng Sển là đã tròm trèm “hơn nửa đời hư” nhưng vẫn nhớ tinh khôi, rạo rực về chén nước mắm Nam Ô, dầm ớt thật cay chan vào chén bún sợi nhỏ. Thèm lắm. Có lúc vào siêu thị, mua đem về nhà, cớ sao ăn lại không ngon? Khổ thế đấy. Làm sao ở đây vừa ăn vừa nghe tiếng rao bằng cái giọng đặc Quảng từ trong thơ Nam Trân vọng lại: “Ai eng chè đậu doáng/ Ai eng đậu hảu không?/ Ai eng hột dịt lộn/ Ai ít ngọt? Xôi hông...?”.

Sống xa quê, nhớ quê là cái lẽ thường tình trong tình cảm mỗi người. Và nhất là nhớ món ăn vì nó còn gắn với tháng ngày êm đềm, thơ mộng trong ký ức xa xăm. Nhưng thật ra, đó chính là tâm lý của những người hoài cổ. Này nhé, sống tại Sài Gòn, mỗi năm đều có nhiều lần theo cha mẹ về quê, các bạn trẻ nào lại không thích đặc sản của quê cha, đất mẹ? Thích thì thích, nhớ thì nhớ nhưng họ lại không câu nệ cầu kỳ như thế hệ trước. Muốn cá nục kho cuộn bánh tráng? Muốn bún riêu có cả cua đồng giã nhuyễn? Muốn cá linh kho bông điên điển mùa nước nổi? Muốn bánh đúc chấm mắm tôm? Muốn bánh cuốn mà trong nước chấm có cả giọt tinh dầu cà cuốn? Muốn ăn gì nữa? Cứ ra chợ Sài Gòn là có tất. Việc gì phải ngong ngóng từ quê gửi vào, gửi lên, gửi xuống? Có thuận tiện hơn không? Nhiều bạn trẻ đã nói thế.

Ngẫm ra, họ có lý đấy chứ. Sống đâu, rồi dần dần cũng quen đó, nhất là sống tại một vùng đất đa văn hóa, giao lưu nhiều hướng và giàu nghĩa tình như Sài Gòn. Vẫn biết là thế, tin là thế, nhưng rồi lại có lúc, nhất là những lúc trời đất đang chuẩn bị bước sang năm mới, hương vị Tết đã ùa về ngây ngất trong tâm tưởng lại nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment