LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.2.2015

 

nha-luu-niem-Nguuyen-BnhRRHình chụp tại Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính ở Gò Vấp ngày 3.2.2015

 

Tết đang đến từng ngày. Có quá nhiều cuộc họp mặt, liên hoan, tất niên trong tuần. Hầu như ngày nào cũng có những cuộc mời mọc, hẹn hò. Cũng ăn nhậu lai rai nhưng những ngày này lại có ý nghĩa khác, do đó, khó né tránh. Thôi thì, cứ đi vậy. Chẳng hiểu vì nguyên cớ gì, y chẳng hề thấy mình già đi một chút nào. Lúc nào cũng ngỡ như đang xuân xanh phơi phới, vì thế, cứ bia bọt rót xuống đất, hất tung lên trời theo những ngoa ngôn vô tội vạ trong vòng vây của anh em bè bạn.

Chiều hôm kia tham dự chương trình bình thơ Tết cho HTV9. Có mấy ý kiến cần ghi lại. Về bài thơ Gái xuân của Nguyễn Bính, tựa bài thơ đã là một sự táo bạo, cách tân cách đây hơn 50 năm. Thời Lê Thánh Tôn mới dừng lại ở Đề miếu bà Trương, thời Hồ Xuân Hương cũng chỉ Thiếu nữ ngủ ngày. Chẳng ai nói sổ sàng là "gái". Đến thời Thơ mới, đã thấy đàng hoàng xuất hiện, cụ thể Gái xuân. Bẵng đi thời gian dài, gần đây mới thấy Miền gái đẹp (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Gái đẹp trong tôi (Lê Minh Quốc)… “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Sông Vân ở đâu? Tra tự điển biết rằng con sông này ở Ninh Bình; nhiều tư liệu khác cho rằng sông Vân ở làng quê Nguyễn Bính tại Nam Định. Điều này không quan trọng. Có thể, Vân là tên của một người đẹp thì sao? Ai dám bảo nhà thơ không gài “mật mã” ngay chính trong câu thơ của mình.

Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng

Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất

Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Xuất

Và lùa theo không biết mấy là hương

(Hàn Mặc Tử)

Địa danh Đao Lỵ, Đâu Xuất ở đâu? Nào ai biết nếu không am tường thuyết nhà Phật. “Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng”, câu thơ của Vũ Hoàng Chương đó. Ai là Hoàng? Ai là Tố? Nếu ngày xưa, các cô gái có mái tóc demi garcon, hoặc xanh đỏ tím vàng như diễn viên Hàn Quốc, đố Nguyễn Bính có thể viết được câu “Đôi tám xuân đi trên mái tóc”. Câu thơ ấy, có thể liên tưởng đến mái tóc mượt, dài, thậm chí dài chấm gót, có được không? Tại sao không? Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp có nhiều điều để bàn. Chẳng hạn, thơ phải Mộng, Hư ảo nhưng ở đây lại Thật, Cụ thể đến từng chi tiết:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,

Em đeo giải yếm đào;

Quần lĩnh, áo the mới,

Tay cầm nón quai thao.

Có thể nói rằng, các câu thơ ngũ ngôn, cụ thể 136 câu sẽ nhẹ tênh, không đủ sức trụ lại với thời gian, nếu không có câu này. Câu gì? Câu: “Nam mô A Di Đà”. Câu thơ đó cho thấy sức sống một chiều dài văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt. Nhờ câu đó, bài thơ còn sống thọ qua nhiều năm tháng nữa. Nó đã vượt lên chuyện tình đôi lứa mà chạm đến một điều khác, thiêng liêng hơn trong tâm linh của một dân tộc. Câu thơ ấy ngẫu nhiên hay cố ý? Nào ai biết. Bí mật của thơ đôi khi nằm ngoài trí tưởng tượng, kiểm soát của người viết ra nó.

Rồi, MC lại hỏi về con người cụ thể trong bài thơ Chùa Hương. Bèn cười mà rằng, đừng quan trọng chuyện đó. Hãy cứ để cô gái mười lăm ấy mãi mãi sắp trăng rằm. Ngày kia, ông Thế Nhật đi tìm cụ thể T.T.Kh là ai? Đã chứng minh, đã tìm ra con người cụ thể. Đúng sai thế nào chưa rõ nhưng oái oăm, chính con người cụ thể ấy, từ Pháp, đã phản ứng dữ dội. Những hình bóng tình nhân, nhan sắc trong thi ca nhạc họa cứ nên để công chúng nghĩ theo trí tưởng tượng của họ. Cần gì phải biết người thật. Biết, lắm khi vỡ mộng. Ngày qua Mỹ, gặp anh bạn nhà báo Việt kiều. Anh quả quyết câu thơ này, Quang Dũng viết tặng mẹ mình và lấy làm sung sướng, hãnh diện:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm

Anh cho biết, mẹ anh lúc ấy đã ngoài 80, thời trẻ cũng quen biết nhiều nhà thơ và có làm thơ, ký bút danh Giáng Kiều. Anh tự hào vì, ít ra mẹ mình là phụ nữ đẹp, thời trẻ nhan sắc của bà cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ nổi tiếng, chứ nào phải tầm thường. Nào ai biết cụ thể ra sao? Thôi thì, đến với câu thơ, tự người đọc liên tưởng đến nhan sắc ấy theo trí tưởng tượng của mình vậy.

Tối hôm kia tham dự lễ đặt tên đường văn  nghệ sĩ trong Khu Dân cư Gia Hòa ở Quận 9. Chiều tối hôm kìa, tất niên cùng Công ty Văn hóa Phương Nam. Trong phần sổ xố vui chơi cuối tiệc, không ngờ nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng biết hô lô tô. Anh hô rất dí dỏm, có duyên. Nghe và nhớ đến đến cách hô bài chòi ở Hội An quá chừng. Theo nhà văn Sơn Nam: “Nói thơ Vân Tiên, theo tôi, rõ ràng là điệu “hô bài chòi” ở miền Trung, du nhập vào Nam bộ, có cải cách một vài chi tiết”.

Có lẽ tác phẩm lớn nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, phải kể đến Khi những lưu dân trở lại, viết năm 1967. Ông đã chứng minh, trả lời câu hỏi: “Văn nghệ miền Bắc chuyển vào Nam và tại sao văn học miền Nam căn bản là nói và trình diễn?”. Đọc lại vẫn còn thấy hợp thời và hợp lý. Đọc lại để thấy tầm vóc lớn lao của Nguyễn Văn Xuân có một vị trí đặc biệt trong học thuật không riêng gì với các tác phẩm Phong trào Duy Tân; hoặc khẳng định Chính phụ ngâm diễn âm tân khúc là của Phan Huy Ích - phát giác quan trọng này vào năm 1971. Từ năm 1954 đến năm 1975 tại miền Nam, nhà văn ca ngợi Lục Vân Tiên đến mức tót vời, chỉ có thể Nguyễn Văn Xuân. Trộm nghĩ rằng, Truyện Kiều là một viên ngọc toàn bích, ảnh hưởng đến nhiều thể loại khác trong nhiều tầng lớp, thế hệ người đọc. Và đặc biệt “bói Kiều” là một sáng tạo độc đáo nhất của người Việt. Không một tác phẩm nào trên thế giới có thể tạo ra sức sống tâm linh vĩ đại cho dân tộc họ như Truyện Kiều đối với người Việt. Tuy nhiên, Lục Vân Tiên lại đi vào đời sống người miền Nam bằng một hình thức khác: “nói thơ Lục Vân Tiên”.

Sáng hôm qua, dự tổng kết, phát giải, kết nạp hội viên mới tại Hội Nhà văn TP.HCM. Nghe loáng thoáng Phan Trung Thành - chánh văn phòng của Hội cho biết hiện nay, tổng số hội viên lên đến 450 người thì phải. Một con số không nhỏ, nhưng còn có bao nhiêu người đang trong sức viết? Nhà thơ Lê Quang Trang - chủ tịch Hội đọc Báo cáo Tổng kết năm 2014, phương hướng công tác 2015 mở đầu “Đặc điểm tình hình” như sau (nguyên văn): “Năm 2014, kinh tế xã hội TP.HCM và cả nước vẫn ổn định và có sự tăng trưởng. Tình hình biển Đông căng thẳng khi Trung Quốc xâm lấn, ngang nhiên hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 trong thềm lục địa và quyền tài phán của nước ta. Cả nước đồng lòng biểu thị tinh thần yêu nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Cũng thời gian này, giới văn học xuất hiện cái gọi là “Văn đoàn độc lập” - một loại hình tổ chức không phù hợp với đời sống văn học hiện nay, một thứ ngụy tạo dân chủ tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị. Trừ dăm bảy người tham gia ghi tên Ban Vận động, còn lại nói chung Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM không hưởng ứng, mà còn đấu tranh, vận động hội viên không tham gia các tổ chức kiểu này”.

Có điều lạ, một vài người nghiêng tai hỏi nhỏ: “Văn đoàn độc lập” là cái chi?”. Rõ ràng, nhiều người không hề biết đến hội đoàn này; hoặc nếu có biết, chỉ loáng thoáng hoặc cũng không quan tâm đến. Thời gian là cái gì? Khủng khiếp. Đã nhìn thấy thời gian trên thể xác những bạn bè cũ. Lâu lắm mới gặp nhiều người bạn nhưng không chào hỏi, chỉ quan sát. Ngày trước, anh bạn nhà thơ Bùi Đức Long khỏe khoắn là thế, cười nói rổn rảng mà nay đã đi đứng lụm khụm lắm rồi. Trước mỗi lần gặp anh hay bảo: “Q à, cậu viết câu thơ này, tớ thích quá. Đúng là xuất sắc”. Nghe thấy vui vui, bèn hỏi: “Câu gì anh?”. Anh đọc luôn:

Chợ Cồn tô cháo trắng

Ngon như là quê hương

Trích từ bài thơ Quê hương, y viết đã từ lâu lắm. Rồi anh kể những ngày đã sống, đã đến Đà Nẵng. Ít ai biết, sau năm 1975, anh có bài thơ nhớ mài mại Ghi ở Củ Chi, đăng Đứng Dậy (Đối Diện) thì phải. Trí nhớ tồi quá, chỉ vỏn vẹn 2 câu mà không nhớ nổi. Đại khái, sau chiến tranh ở sau nhà có hố bom nhưng bà con không lấp mà dành để lấy nước tưới cây. Anh viết  được là lúc đi thực tế ở vùng kinh tế mới ở Củ Chi. Kiểm tra trên mạng không thấy 2 câu thơ này của anh. Rồi những người bạn khác cũng thế. Đã già. Ái ngại cho tuổi già.

Sáng nay, đi xuống Sài Gòn. Nhiều đường đi tắt nghẽn, Đoạn đường Hàm Nghi đang tiến hành làm Đường hoa của Tết này. Hôm qua, đọc báo biết rằng: “650 triệu đồng là lời rao bán cây mai của ông Giang Kiến Hòa, 66 tuổi ở phường Hiệp Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM. Cây mai này có vòng tròn gốc đo được 1,37 mét, cao 5,5 mét được ông Hòa mua ở miền Tây từ năm trước và được cho là đã hơn 100 tuổi” (báo SGTT - 6.2.214).

Khiếp chưa?

Báo chí cũng đưa nhiều tin liên quan đến Liên hoan phim Berlin - khai mạc vào ngày 5.2.2015. Điều thú vị hầu như đều nhắc đến bộ phim R (Restricted): Fifty shades of grey (50 sắc thái), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nhà văn E.L Jame. Tuy không nằm trong 23 phim trình chiếu chính thức hay 19 phim tranh giải Gấu vàng nhưng được thu hút chú ý nhất ở LHP, bởi đây là lần đầu tiên bộ phim được ra mắt.

Tại Việt Nam, phim đã chính thức lọt qua cửa kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim quốc gia và ấn định ngày ra rạp là 13.2 tới. Tuy nhiên, phim bị đóng mác 16+ bởi nội dung nóng bỏng. Hội đồng duyệt phim quốc gia Malaysia (LPF) đã quyết định không cấp phép cho 50 Sắc thái vì “Nó mang tính khiêu dâm hơn là một bộ phim!”. Đã đọc tác phẩm này. Hay. Quan điểm của nhà văn E.L Jame, tình dục là chuyện của 2 người, vì thế họ có quyền tận hưởng những gì mà họ sáng tạo và cảm thấy thích thú, cùng đồng lòng. Quyền của họ, họ có quyền thực hiện các động tác tình dục ấy trong bốn bức tường thì can cớ gì người khác đứng ngoài xía vào có ý kiến ý cò? Hôm nào đi xem, nếu phim ra rạp.

Một buổi sáng thứ Bảy. Đã nghỉ ngơi chưa? Vẫn chưa? Vẫn tiếp tục bài vở cho số Tân niên.

Ngày tháng qua nhanh quá.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment