Đã có không khí Tết.
Tết đang đến từng ngày trong sự tất bật, bận rộn của từng người. Từng người cứ như đang phải chạy thật nhanh về phía thời gian với biết bao công việc phải lo toan, phải gấp rút thực hiện cho xong. Sáng dậy sớm, tự dặn lòng phải mua ngay hai chậu hoa vạn thọ, màu vàng nghệ chưng trước nhà để mẹ nhìn vui mắt, thầm nhớ đến quê nhà xa lắc. Tết rồi. Hoa vạn thọ quê mùa ấy, chẳng hiểu sao luôn gợi trong tâm trí ý hình ảnh rất Quảng Nam. Lúc nhìn hoa, y có thể mường tượng nhớ về, nhớ lại những tháng ngày đã chìm sâu trong ký ức. Lạ chưa?
Sáng nay, đi ăn phở với Nàng. Bên góc đường Nguyễn Du, gần Bưu điện. Trước đây, đọc báo đã thấy nghe nói đến các cụm từ chõi tai “phở quát”, “miến chửi”. Những tưởng chỉ có tận đẩu tận đâu, xa tít tắp chứ tại Sài Gòn thì không thể. Ấy thế, đã có. Sáng nay, khi cần thêm ít hành, y gọi, lập tức một gã trơ mắt: “Không có”. Giọng nói một thanh niên vùng nào phía Bắc sao mà đanh đá, cộc cằn quá. Tưởng không nghe rõ, nhắc lại, vẫn câu trả lời dửng dưng lạ lùng ấy. Nhìn vào phía trong vẫn thấy ề hề những thứ mà y cần. Điều này có thể hiểu, tô phở giá tiền X thì chỉ có thế, không thêm bất kỳ thứ gì khác. Thích thì ăn, không thích thì "biến cho nước nó trong". Lạnh lùng, rạch ròi, sòng phẳng. Buôn bán của người miền Nam lại khác, nếu khách cần gì thêm, họ sẵn sàng ngay, hoặc tí nữa tính thêm tiền. Chẳng việc gì gằn giọng, tỏ thái độ xem thường khách. Mà chìu khách thì đôi bên cùng hài lòng, cùng có lợi. Ở quán phở này lại khác, vẫn giữ cái thói buôn bán thời mậu dịch. Cái thói bán như làm ơn, như ban phát vẫn chưa tẩy xóa khỏi cái óc cạn hẹp. Thế thì, sự rạch ròi về cái lợi đã giết chết sự thân thiện cần thiết giữa người mua và kẻ bán. Chẳng lẽ giữa người với người chỉ là sự "tiền trao cháo múc". Một xã hội nếu diễn ra như thế, nghĩ gì?
Với y, lâu nay quán xá tại Sài Gòn, khi ngồi ăn, nếu cần thêm một ít hành ngò, ớt, tiêu, chanh thì người phục vụ lễ phép: “Dạ, có ngay”, chứ không hề câng câng cái mặt. Vì thế, sáng nay lấy lạ quá. Lạ đến độ lần sau, y không thể bước chân vào lần nữa, dù chỉ thêm một lần.
Mà đã xong đâu, lúc ấy, có 3 nam thanh nữ tú bước vào, ngồi xuống ghế, gọi: “Cho 3 tô phở, 1 tô có hành, 2 tô không hành”. Lập tức người bán quát lên như mắng vào mặt: “Ba tô vừa có hành vừa không có hành. Ai biết mà bán? Có hành thì có hành hết, không hành thì không hành hết”. Đi ăn một mình thì dễ, những trường hợp này có thể đứng dậy, bước qua quán khác, không việc gì phải chuốc lấy cái sự bực mình của một lũ tự cho mình cái quyền mắng, quát người khác. Hóa ra, sự giao tiếp ngày càng “chợ búa” đến thế sao? Lâu nay, y hoàn toàn không nghĩ đến nên cảm thấy bất ngờ.
Nói thật, càng đi xa càng thấy sợ sự “gài bẫy” có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Ngày nọ, nhân kỷ niệm 50 ngày lịch sử nọ kia, y cùng bạn bè phương Nam ra chơi vùng cao ở ngoài Bắc. Đêm ấy, cả bọn kéo nhau vào một quán ăn sang trọng. Quán vắng. Chỉ có nhóm bạn của y. Lúc tính tiền, trả tiền sòng phẳng chuẩn bị ra về, chủ quán la toáng lên mất cái điện thoại. Nào có ai thấy cái điện thoại ấy tròn, méo thế nào. Chủ quán sai người đóng rịt cổng. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Buộc phải trả lại cái điện thoại. Bằng không phải trả bằng tiền. Nếu không sẽ đập phá xe hơi. Đừng hòng có cửa quay về Hà Nội. Vô lý quá sức tưởng tượng. Tranh cãi mãi không xong. Giằng co mãi cũng không xong, anh tài xế người Bắc bèn gọi điện thoại cầu cứu. Chỉ dăm phút sau, một lũ đầu trâu mặt ngựa lù lù xuất hiện. Khách ung dung ra về, không phải trả thêm đồng nào. Bù lại, anh bạn chiêu đãi bữa nhậu phải móc tiền “cảm tạ ân nhân” vừa kéo đến!
Nhân đây nói luôn anh bạn chiêu đãi y và nhóm bạn là doanh nhân gốc Bắc, có học thức,sống ở Sài Gòn đã lâu năm. Thích chơi với cánh nhà văn, nhà báo. Chơi chỉ là chơi chứ không nhờ cậy gì. Lần đó, nghe tin anh em báo chí có chuyến công cán ra Bắc, anh mua vé máy bay đi theo, nhân tiện về thăm quê. Ra đó, anh thuê luôn chiếc xe hơi, "tài trợ" mọi ăn nhậu chỉ vì "lâu lâu các bạn mới có dịp ra Bắc". Nói như thế, để thấy về tiền, anh không thiếu, thừa sức lo cho bạn bè. Chuyện bị trấn lột với cái cớ mất điện thoại, anh không tiếc tiền mà bực mình vì lâu nay đã từng khoe, từng ca ngợi tính tốt, hiếu khách, chân tình của người dân quê mình. Đó mới là cái đau khó phai.
Mà không nên quơ đũa cả nắm, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Cách đây vài năm, dọc tuyến đường Quốc lộ 1 nhan nhản các quán "cơm tù" cũng là một kiểu lưu manh trấn lột. Có nhiều câu chuyện chẳng ra làm sao. Nếu không trải qua, chắng bao giờ y nghĩ đến tình huống đó. Mà thôi những tình huống tương tự còn nhiều lắm. Qua sách vở, qua ca dao cổ tích, truyện cổ đã khiến mình từng yêu dấu vùng đất này, cảm tình vùng đất kia nhưng rồi khi đến nơi mới biết không phải.
Tác động nào đã làm sự tha hóa tính cách con người ngày một xấu đi?
Phép ứng xử đàng hoàng hay thô lỗ từng vùng miền có thể nhìn thấy rõ nét khi bước vào quán ăn. Chắc chắn, cung cách buôn bán của con người vùng miền nào đó khi du nhập vào Sài Gòn sẽ làm thay đổi tính cách người Sài Gòn? hay nó sẽ bị con người ở vùng đất này “đồng hóa” hoặc “uốn nắn”? Suy nghĩ này tưởng rằng nhỏ nhặt, vặt vãnh lại là điều đáng sợ hơn những công trình, những di tích này bị đập bỏ dù nhân danh bất kỳ sự tốt đẹp nào. Đã nghĩ đến những “mạch nước ngầm” ngày càng ăn sâu, len lỏi trong quan hệ giữa người và người, nó sẽ khoét rỗng ngay từ bên trong nhận thức, tính cách của mỗi người. Đó mới là điều đáng sợ.
Mấy hôm nay, đọc lai rai Sài Gòn chuyện đời của phố (NXB Hội Nhà văn) của đồng nghiệp Phạm Công Luận. Năm ngoái, anh đã in phần I, nay anh cho in phần II. Đọc lý thú. Nhiều thông tin liên quan đến Sài Gòn xưa. Phải là người yêu Sài Gòn, có nhiều gắn bó từ thuở khóc oe oe chào đời mới có thể nhọc công đến thế. Từng mảnh vụn, dù nhỏ, dù ít, dù nhiều nhưng cũng giúp người đọc có dịp hình dung về một vàng son đã mất. Nhờ đọc quyển này mới biết, năm 1972, chính quyền Sài Gòn đã có ý định xây lại chợ Bến Thành, kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Thực hiện theo đồ án đoạt giải Nhất, trị giá 1 triệu 500 ngàn đồng của cuộc thi “Đồ án chợ Sài Gòn trong tương lai” của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng. Cuối củng ý định này không thành. Không phải do kinh phí mà chính người dân Sài Gòn phản đối, họ không muốn một kỷ niệm đã từng gắn bó nhiều thập kỷ bị mất đi. Liên hệ với hiện tại, thấy gì?
Trong sách này, Phạm Công Luận bảo: “Ký ức đáng quý, vì đó là điều còn lại sau bao nhiêu thay đổi không còn nhìn ra. Chúng ta cần vội vàng lên để ghi nhận lại những điều đáng quý như vậy, từ những nhân vật lừng lẫy hay những người bình thường. Chúng ta cần và “hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng, vì chúng ta sẽ không bao giờ kể lại được điều mình đã quên đi” như lời của Louisa May Alcott, một tiểu thuyết gia người Mỹ đã nói (…) Không có mấy ký ức về Sài gòn xưa, nên tôi muốn góp sức nhỏ để tiếp tục lục lọi, ghi chép, lưu giữ phần nào ký ức của các bậc trưởng niên, và từ kho báo cũ chồng chất bụi thời gian” (tr.13).
Việc làm này đáng hoan nghênh lắm.
Hôm trước, gặp nhau ở họp tất niên của Công ty Phương Nam, y có hứa sẽ giúp bằng cách cho Luận đến nhà chụp lại những tài liệu sách, báo liên quan đến Sài Gòn, nếu thấy cần thiết. Thấy bạn làm việc tốt, mình không làm được, vậy góp thêm cho bạn một chút ít tài liệu vậy. Tin Phạm Công Luận có thể làm được công việc lặng lẽ, hữu ích này vì ngoài nhiều lý do còn do Luận có người bạn đời đứng phía sau toàn tâm toàn ý với công việc của chồng. Nhìn sự gắn bó, hạnh phúc của đôi bạn mà đêm ấy, đã say nên y nói một điều thật lòng: “Đôi ương Đông Hồ - Mộng Tuyết là “duyên văn tự” đẹp nhất trong lịch sử văn học hiện đại. Luận và Đông Vy cũng phải như vậy nhé”. Nghe thế cả hai cùng cười. Rằng, khi nhìn về mối tình của thi nhân đất Hà Tiên, Huy Cận cho rằng: “Cặp thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thi ca Việt Nam thế kỷ này như là một mối tình thơ đằm thắm, thủy chung, đã nhuốm chút màu huyền thoại (Núi mộng gương hồ, tr.11)”. Chúc bạn mình cũng thế. Có thế, có thể tiếp tục với Sài Gòn chuyện đời của phố phần III. Đang chờ đấy.
Sáng nay lên tòa soạn nhận quà Tết. Dừng lại một chút với cái thư pháp viết giấy gió, dán trên nền lụa, đóng khung nền nã, gương sáng loáng, cực đẹp. Thế nhưng, nhìn chữ viết, đọc nội dung của nó, hết muốn treo trong nhà. Đơn giản chỉ vì người viết chẳng có tên tuổi gì. Lại nữa câu chữ tầm thường quá, sáo rỗng quá như trước câu mừng Xuân là mừng X Y Z với từ ngữ rổn rảng nào là lộc, tài, thọ, giàu sang, phú quý, văn minh, hiện đại hóa v.v.. và v.v… Thử hỏi, nếu không tận tâm, tận lực, không đổ mồ hôi, không sôi nước mắt, không thức khuya dậy sớm, không “văn ôn võ luyện” mỗi ngày, làm gì có tài lộc? Treo trong nhà bức thư pháp hô hào linh tinh ấy để làm gì? Trước kia, bạn văn Trần Nhã Thụy có viết tạp bút, đại khái anh cho biết thích treo trong nhà các bức tranh do con mình vẽ, dù xấu, chưa đẹp. Bởi ngoài cái tình, nó còn là tranh thật. Treo tranh thật dù xấu vẫn còn hơn treo tranh chép, dẫu tranh của các danh họa. Vâng, y cực ghét tranh chép. Lại ghét luôn những cái gọi là thư pháp của những người chẳng ai biết đến tuổi tên với mớ chữ nghĩa vô hồn, nội dung sáo rỗng.
Vậy chiều nay, đã sử lý cái thư pháp bằng cách nào?
À, y lật ngược tờ giấy gió đã ghi những câu lảm nhảm ấy và tự tay viết:
Cát bụi ngày sau ai thắp nến
Dẫn cái linh hồn ghé thăm quê?
Mổi năm, hết năm, thêm một tuổi, lại nghĩ đến điều này. Nghĩ về sự hư vô trống rỗng của phận người. Nghĩ thế, càng thương mẹ quá, bà cụ đã gần 90 rồi còn gì. Thời tiết đang lạnh. Tự nhủ phải mua hai chậu hoa vạn thọ chưng trước nhà cho bà cụ nhìn ngắm mỗi ngày. Ấy thế, hôm nay có làm được đâu. Cũng chỉ lằng nhằng với những công việc "đầu cua tai nheo" loằng nhoằng…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|