LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.2.2015

 

Thì ra thế.

Ngay sau ngày Thống nhất đất nước, năm 1976 lần đầu tiên về quê nội, được ông chú dẫn lên chơi Hà Nội một ngày. Với thói quen đã định hình ngay từ lúc học đệ ngũ, đệ tứ thường la cà mỗi ngày tại các nhà sách, thì lúc ra Hà Nội cũng thế. Y đã mua khá nhiều sách. Thời đó, sách in tại miền Bắc đã là một sự hấp dẫn ghê gớm, lần đầu thấy tận mắt nên có bao nhiêu tiền đều dành mua sách. Còn nhớ, thời ấy đã đọc  bài thơ Sáng mồng một Tết. Nay còn nhớ loáng toáng. Đọc và ngạc nhiên quá. Về Nam, đọc lại cho bạn bè nghe, chẳng ai tin. Bởi lâu nay, thời ấy, lũ nhóc thế hệ y đã tin “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Mà thơ này lại nói khác đi. Khác như thế nào?

Mấy hôm nay đã có thể thong thả, không bận tâm gì công việc mỗi ngày, do đó, sắp xếp lại tủ sách cho ngăn nắp, gọn gàng. Mà có toàn tâm toàn ý được đâu. Vớ tay lấy cuốn sách này, lật vài trang, thấy hay hay liền đọc luôn, thay vì phải đặt thứ tự theo phân loại. Đang đọc, lại cao hứng vớ lấy tập sách kia. Lại qua lật lại để cảm nhận mùi sách cũ xao xuyến đến nao lòng. Tình cờ, rất tình cờ được đọc lại bài thơ Sáng mồng một Tết trong bộn bề sách, báo cũ.

Thì ra, tác giả bài thơ là ông bạn già đáng kính của y, đã về chín suối. Ông đã mất nên không thể hỏi vì sao, ông lại viết bài thơ này? Nguyên cớ ra là sao? Mà dù có ra làm sao, y vẫn tin là ông viết thật lòng mình, trong thời điểm đó. Dù có “lên gân” nhưng với tính cách của ông mà y đã biết, dám quả quyết ông “nghĩ sao viết vậy”, chứ không hề nghĩ một đàng viết một nẻo. Tư cách hơn nhiều người trong giới cầm bút, nghĩ A, nói A nhưng khi viết sặt mùi B. Thậm chí nhận tiền của tổ chức nào đó, của ai đó để viết minh họa cho quan điểm, lập trường của nơi chi tiền.

Chẳng ai tài thánh gì, nhất là những người bút.

Để kiếm sống, họ có thể ký bút danh khác, viết những thể loại khác không thuộc sở trường. Chê trách làm gì, đấy cũng là một cách kiếm sống lương thiện. Đêm qua đọc Lược sử văn nghệ Việt Nam (Vàng Son XB tại miền Nam năm 1974), ông nhà phê bình kia "châm chích" nhà văn nọ: “Những sách dưới biệt hiệu khác, là những mánh khóe kiếm cơm tầm thường, chép dịch tài liệu ngoại quốc (Trẻ, đẹp sống lâu, Vệ sinh lớp ba), một lối kiếm cơm hạ đẳng của nhà văn trốn tránh nhiệm vụ, và không có tinh thần bao biện một tác phẩm. Mặc dầu nhà văn có thể có nhiều biệt hiệu, nhưng tinh thần sáng tác phải coi như là một” (tr.311). Chà, nghe ra “lớn lối” quá. Thử hỏi, nhà phê bình lấy cái quyền gì để viết câu mạt sát đến thế? Một nhà văn nhận tiền mật vụ và một nhà văn viết thể loại khác kiếm sống, ai có tư cách, đạo đức hơn? Xin bật mí, nhà văn bị phê bình ấy, hiện nay sách văn học của ông đã được tái bản, được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa. Ai muốn tìm hiểu thêm, xin “bật mí” khi viết các sách về làm đẹp, vệ sinh thường thức… ông ký bút danh Hoàng Thị Trâm. Đây là nhà văn y kính trọng và lưu giữ lại những gì ông đã viết.

Mỗi nhà văn, đọc lại những gì họ đã viết, có thể với quan điểm, góc nhìn hôm nay, ta không bằng lòng, thậm chí chê trách nhưng phải thấu hiểu, phải chia sẻ với hoàn cảnh một thời họ đã sống. Cần có cái nhìn khoan dung hơn. Đánh giá một nhà văn, nghĩ cho cùng phải xét trên tinh thần “gạn đục khơi trong” thì mới thỏa đáng và có tâm, có tầm.

Mấy năm trước đây, từ Hà Nội, anh em bán sách cũ đã bán cho y nhiều số báo Văn Nghệ đã đóng thành 15 tập, xếp lên kệ sách dài mấy gang tay, còn đóng dấu mộc Thư viện Trường Đại học Sư phạm, xuất bản tại miền Bắc từ thập niên 1960; vài chục số tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cũng in năm tháng đó… Thú thật, đọc lại, khó có thể ngờ vì sao lúc đó, nhà văn này, nhà thơ kia, nhà nghiên cứu nọ kia lại có thể viết như thế? Nếu ác tâm trích dẫn lại, bình phẩm thì chắc chắn công chúng hôm nay sẽ có cái nhìn khác về họ. Hỡi ôi, làm như thế để được cái gì? Chẳng được gì cả. Đánh giá sự nghiệp một người cầm bút, hãy tìm lấy những đóng góp đích thực của họ. Đừng lấy những cái họ đã chối bỏ, đã viết vì sự o ép nào đó để bây giờ chế giễu. Đọc một tác phẩm hãy nghĩ đến thời đại họ đang sống, có thế mới nhận ra được sự đóng góp; hoặc hạn chế mà có cái nhìn khách quan hơn, công tâm hơn.

Đấy mới là tinh thần “gạn đục khơi trong”.

Tinh thần đó cũng rất cần đối với văn học miền Nam; “vùng trắng” của văn học, báo chí miền Bắc nhất là giai đoạn 1954 - 1975. Nhìn nhận và sử lý vấn đề đó thế nào? “Để lâu phân trâu hóa bùn” là làm nghèo đi di sản văn học đã có. Bây giờ chối bỏ, thế hệ sau sẽ tìm kiếm. Chắc chắn thế. Thế giới internet đã mở ra, con người ta đã có thể tiếp cận thông tin từ nhiều chiều hướng. Nghĩ thế, mới thấy tội nghiệp và đáng thương hại cho nhà nghiên cứu nọ, là tác giả của bộ sách xóa sạch văn học “thời Mỹ ngụy”. Hỡi ôi, đến nay không ít các tác giả bị phê phán đã có sách tái bản, đã được ghi nhận trong Từ điển văn học bộ mới. Nói như thế, để thấy rằng nhận thức của mỗi người trong mỗi thời mỗi khác.

Tại sao đã gần hết năm Ngọ, đã 26 Tết lại nghĩ đến chuyện này?

À, chỉ vì đôi lúc cảm thấy nghề cầm bút nhọc nhằn quá. Kiếm sống bằng nghề viết không dễ dàng, không thể làm giàu, chắc chắn vậy, nhưng rồi chính mình phải chịu trách nhiệm với những gì đã viết, đã công bố. Trách nhiệm đó còn đeo đuổi dẫu sau này đã về nơi chín suối. Làm cái tủ, cái bàn, cái ghế… bán cho khách hàng là xong trách nhiệm. Một quyển sách đã in, đã đến tay bạn đọc không đơn giản như thế. Dám nói rằng, dù sau này có nghĩ gì về nhà văn nọ đi nữa, nhưng rõ ràng truyện ngắn Bút máu của ông vẫn là tuyên ngôn sắc bén, phù hợp với mọi thời về trách nhiệm của người cầm bút.

Còn ham hố trở thành nhà văn, nhà thơ nữa không?

Mấy hôm nay đã đi ký nhuận bút báo Xuân. Có nhiều tòa soạn chuyển qua tài khoản cá nhân. Chẳng phải giỏi giang gì, năm nay cũng như mọi năm, y vẫn là tác giả có nhiều bài in trên báo Xuân, báo Tết. Những trên dưới 30 tờ báo. Đơn giản, chỉ vì y không có thêm bất kỳ một khoản thu nhập nào ngoài cái nghề cầm bút. Cái nghề “lấy chữ đổi ra tiền / tiền tiêu rồi cũng hết / lấy chữ đổi ra danh / danh phai nhạt không còn dấu vết” đã đeo đuổi y từ lúc bước chân vào đời cho đến cuối đời. Vậy thì, chuẩn bị đón Tết, ai kinh doanh ngành nghề gì, mua bán thứ nấy. Ai cũng mong mọi sự hanh thông, mau lẹ đặng kiếm tiền xài Tết; y có chữ, bán chữ. Đơn giản vậy thôi.

Nêu một vài con số cho vui, cũng để thấy nhuận bút của thời đang sống: Từ nhiều năm nay, Thanh Niên vẫn là cơ quan báo chí trả nhuận bút cao nhất, chẳng hạn, mỗi bài thơ trị giá 2 triệu; một bài tạp bút chừng 1.200 chữ, in nửa trang (như bài của y) trả 5 triệu 300 ngàn. Các báo khác như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ… có thấp hơn chút xíu. Tại sao báo TN trả nhuận bút cao? Tết năm kia thì phải, có hỏi anh Đặng Việt Hoa - Phó TBT, anh bảo, đại khái: “Anh em cộng tác viên với mình cả năm, nhân dịp Xuân về Tết đến nâng cao nhuận bút không ngoài mục cám ơn họ”. Câu trả lời đơn giản mà thấu tình đạt lý. Thật ra, nhiều tờ báo cũng muốn thế nhưng quảng cáo “bèo” quá, số lượng in thấp thì chắc chắn “lực bất tòng tâm”. Báo Xuân bán chạy nhất năm nay vẫn là báo Phụ Nữ TP.HCM. Từ 23 tháng Chạp đã hết sạch, nếu còn chỉ bán khách quen, chứ không bày lên kệ bán cho khách vãn lai. Nhiều đại lý mua thêm, nhưng tòa soạn cũng không thể đáp ứng. Các báo đã bắt đầu ra số Tất niên và nghỉ Tết.

Mấy hôm nay, đường phố đã thông thoáng hơn. Đường Hàm Nghi vẫn đang khẩn trương thiết kế trở thành Đường hoa Tết - dài 510m từ Phó Đức Chính đến Hồ Tùng Mậu với ba phân đoạn chính Hào khí Việt Nam, Bản sắc Việt , Vinh quang Việt Nam. Theo nguồn tin báo TT, nơi này sẽ chưng bày cả thẩy 120.000 chậu hoa tươi. Hôm qua, đồng nghiệp Lam Điền cho biết Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM thực hiện chỉ đạo của UBNB TP.HCM là tái bản tập tranh Ký họa đời sống Nam bộ xưa (in 1935); tập ảnh Sài Gòn xưa (in 1930). “Cả 2 bộ này không có bán anh ơi. Chỉ in với số lượng rất ít nhằm triển lãm tại Lễ hội làm sách”.

Nghe mà thèm.

Sáng nay, đọc báo mới hay tin ông Nguyễn Bá Thanh - trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng qua đời lúc 13g10 ngày 13.2.2015. Có lẽ, đã khá lâu rồi mới có trường hợp một cán bộ cao cấp mà từ lúc bệnh đến khi mất lại được nhiều người dân quan tâm đến thế. Báo TT dùng cụm từ khái quát sự nghiệp ông Thanh “Người kiến tạo nên Đà Nẵng”. Rất chuẩn xác. Còn nhớ khi bắt tay viết Người Quảng Nam có ghi nhận vài chi tiết liên quan đến ông Thanh lúc đi điền dã. Nay lật sổ tay, thấy vẫn còn ghi: “Chỉ khi nào “đày tớ” của Dân làm được những điều ích Nước lợi Dân thì Dân mới làm thơ ca ngợi. Vinh dự này thuộc về ông Nguyễn Bá Thanh - chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Thường trước mỗi trận đấu của đội bóng đá Đà Nẵng, ông Thanh thường mời các huấn luyện viên của đội tới để cùng thảo luận từ đấu pháp của trận đấu cho tới cách bố trí đội hình. Biết chuyện dân Đà Nẵng mới có thơ rằng:

Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh

Làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài

Lại một chuyện khác khi tiến hành xây dựng cầu sông Hàn đã có không ít lời ra tiếng vào. Nhưng sau khi bàn bạc chu đáo, ông Thanh quyết định tiến hành. Chiếc cầu được xây xong và một trong những chiếc cầu hiện đại, đẹp nhất ở Đà Nẵng. Có nhà thơ dân gian khen rằng:

Mong ông công tác dài lâu

Để ông xây tiếp vài cầu cho dân

Rõ ràng, các nhà thơ dân gian rất nhạy trong các vấn đề thời sự!”.

Mấy hôm nay đã có không khí Tết. Trở lại với Sáng mồng một Tết của ông bạn già, nay đã quá cố. Bài thơ này, tác giả viết năm 1970 tại miền Bắc, nguyên văn như sau:

 

tho-chuc-tet

 

Sáng mồng một Tết đi đâu

Hỡi em gái nhỏ áo màu hồng tươi?

- Đảng ta, tuổi đúng bốn mươi

Em đi chúc Đảng đời đời Vinh quang


Sáng mồng một Tết đi đâu

Hỡi em trai nhỏ bước mau trên đường?

- Hai mươi nhăm tuổi anh hùng

Việt Nam yêu quý em mừng Việt Nam


Sáng mồng một Tết đi đâu

Hỡi bầy em nhỏ bên nhau, hoa cài

- Nhớ công ơn Bác đời đời

Mùa xuân sáng rực những lời Bác khuyên

Sáng nay, chẳng nhớ gì đến ngày Valentin. Đi ăn sáng với Nàng. “Hoa em đâu?”. Thế à? Phải tặng hoa à? Biết trả lời thế nào? Chà, chuyện này, nói thật hoàn toàn không hề có trong trí nhớ của một người đàn ông đẹp trai và thanh lịch đã ngoài “ngũ thập”.

Người đàn ông đó là ai? Là y chứ còn ai nữa.

Biết thế, sao còn hỏi?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment