Vơ chồng em út LÊ MINH TUẤN - Tết 2015
Sáng 30 Tết. Lúc 10g sáng đã có mặt ở sân bay. Theo thông báo, mọi hành khách phải có mặt làm thủ tục trước 3 tiếng đồng hồ. Tưởng sẽ gặp cảnh rồng rắn nối đuôi nhau, không hề, sân bay vắng, ít người. Làm thủ tục nhanh chóng. Phải làm gì cho đến giờ bay của chuyến VN 120 vào lúc 13 g45? Thì làm thơ. Y có thói quen đó và luôn áp dụng trong những trường hợp muốn viết cáigì đó ở chốn đông người. Lúc ấy, cắm cúi. Mê mải. Suy tư. Và bài thơ đã viết xong. Ban đầu dự định viết về chuyện người đàn ông cuối năm đi chợ Tết. Chẳng rõ cảm hứng lan man rồi vần nối vần, chữ đuổi chữ thế nào mà bài thơ lại rẽ sang một hướng khác. Bài thơ như sau:
đáng yêu là anh
anh thanh lịch, đẹp trai lại lịch lãm đàng hoàng
ngày đầu xuân đi chợ
đi chợ ừ đi chợ
nàng dặn gì thì nhất quyết phải mua
này lụa là đà điệu se sua
kìa mặn mòi những lời ăn tiếng nói
nọ mây trắng trời xanh cùng nắng mới
anh vốc đầy tay hào hứng chất chật nhà
vườn địa đàng ríu rít oanh ca
anh bếp núc cũng là anh nấu nướng
anh gieo vần chữ nghĩa du dương
câu thơ cười đùa
ngọn lửa cháy bập bùng tươi sáng quá
món ăn ngon diệu kỳ như phép lạ
vừa mới vươn vai da thịt đã rần rần
cảm hứng từ đầu lao vút xuống tận chân
anh hào hứng nhịp nhàng theo trang viết
dòng đầu tiên vuốt ve mắt biếc
nàng má hồng, môi đỏ một màu son
bươm bướm quay về khiêu vũ cánh hoa thơm
anh mơn trớn nâng niu từ A, B, C đến tận cùng Y, Z…
từng dòng chữ không hề chấm hết
không chấm câu cứ hối hả thong dong
cỏ xanh
mây trắng
bến vắng
dòng sông
thảo nguyên
mênh mông
tình non
phơi phới
dòng chữ trắng trở mình trang giấy mới
ngày nồng nàn
bếp lửa vẫn reo vang…
Có thể đặt tựa bài thơ giản dị: “Món ăn ngon”. Ai hiểu sao thì hiểu. Mỗi bài thơ, mỗi người có cảm nhận khác nhau. Chẳng hề gì. Sung sướng nhất là người sáng tạo hay người cảm nhận sáng tạo? Khác hẳn mọi ngày, sân bay chiều 30 Tết có khác. Người ta lặng lẽ hơn, ít nói cười ồn ào. Những gương mặt đăm chiêu và hầu như có thoáng nghĩ ngợi xa xăm gì đó. Nhìn chung, các gương mặt đều hiền lành. Tại sao? Có lẽ do khoảnh khắc ấy, ai ai cũng nhớ về sự đoàn tụ, sum họp nên mọi tị hiềm, sân si, hỉ, nộ, ái, ố đều gạt bỏ ra ngoài. Ca khúc “Ngày Tết quê em” của Từ Huy lại reo vang, nhẹ nhàng, hào hứng như gợi thêm nôn nóng cho mọi người. Tết ơi.
Mấy ngày cuối năm cơm nước, ngủ nghỉ thất thường. Lúc lên máy bay, y đọc nhảy cóc. Đọc qua loa. Đọc ngủ gà ngủ gật với tờ Heritage số tháng 1.2015. Đây là tờ báo chỉ phát hành trên máy bay, chứ không bày bán ngoài sạp. Số báo này, có mấy thông tin thú vị. Chỉ ghi lại đôi dòng này. Ghi để nhớ mà cũng là để học: “Bàn thờ Tết: Tết Nguyên đán vốn được coi là thời khắc các thế hệ cháu con và tổ tiên được tụ họp. Nhà nhà dâng mâm cúng giúp thế giới người trần được giao tiếp với thế giới âm ti hữu hình. Bên cạnh các đồ cúng, mỗi bàn thờ của người Việt phải có hai đèn dầu hoặc hai ngọn nến tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Chúng soi tỏ đường đi cho người đã khuất quay về dương gian và phù hộ cho người sống được khỏe mạnh, thành đạt. Ba nén hương là tượng trưng cho “Thiên, Địa, Nhân” giao hòa tuyệt đối. Lá trầu, cau và một bát nước xếp theo lối “đông bình, tây quả”: bát nước bên tay phải, trầu cau bên tay trái. Nước là ngọn nguồn của sự sống và trầu cau là quả của nghiệp sinh sôi mà thành. Ở giữa bàn thờ là mâm ngũ quả”. Sực nghĩ, văn hóa Việt linh động, thay đổi, biến hóa khôn cùng. Tùy mỗi vùng miền mà mâm ngũ quả có biến đổi khác nhau. Tựu trung, vẫn nhằm thể hiện khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, vạn sự hanh thông, năm sau phát đạt, mua may bán đắc hơn năm trước.
Bước xuống sân bay lúc 15g. Trời lạnh 26 độ. Chừng mươi năm trước, có lần bước xuống sân bay, sộc vào mũi là một mùi biển mặn. Biển của Mỹ Khê. Biển của Thanh Bình. Biển của Tiên Sa, Non Nước. Biển của ngày tuổi nhỏ. Vì như thế, ngay lập tức có cảm giác trở thành một con cá đang bơi. Bơi dưới vòm trời Đà Nẵng. Chiều 30 Tết này, quái quỷ thật bởi thời tiết se lạnh, nền trời u ám, nắng nhạt và tự dưng cảm thấy tê tái một nỗi lòng hoài cổ của người đi xa được về quê ăn Tết. À, thì ra, cái bầu trời xám nắng kia, cơn gió hiu hiu lành lạnh nọ mới là nỗi ám ảnh không dứt từ lúc mới oe o e cho đến ngày đã ngoài “ngũ thập”. Đà Nẵng đó. Đà Nẵng của tuổi thơ. Tẹo đón tại sân bay và chở một vòng qua chợ hoa ngày Tết. Hoa nhiều. Hoa vàng cả con phố. Hoa thắm những cung đường. Hoa trong lòng của mỗi người, tưng bừng đua sắc.
Chiều cuối năm ngồi trước nhà cũ lai rai bia bọt cùng anh Tâm, Tẹo, Sanh, Nghĩa, Anh. Rồi lên nhà Sanh ăn Tất niên. Đêm quay về nhà, lại bia bọt chút đỉnh. Những tưởng sẽ đón giao thừa mọi năm, lúc 24 giờ, nhưng rồi cũng không thể. Xác thân của 365 ngày cũ đã đi hết từng giọt mệt mỏi, đi qua từng mạch máu, đi đến tận cùng và cảm thấy muốn rũ xuống như một tàu lá chuối. Mệt đến rã rời. Cảm tưởng thân xác đã bã, đã nhầu nhĩ đến mức như cây đã héo, đã không còn một chút sinh lực nào. Do đó, phải ngủ. Dù gắng gượng thêm một phút một giây cũng không thể cưỡng nổi cơn bão, cơn gió lốc của cái sự buồn ngủ đã ập xuống hai con mắt. Một giấc ngủ thật ngon lành. Ngủ để chờ và đợi mồng Một Tết.
Vâng, đúng như thế. Sáng mồng Một Tết lên mộ ba thắp nhang. Trưa về khoái khẩu với bê thui cầu Mống. Chiều lên nhà Bảo, bạn thời chiến trường K, tối lên nhà thờ ông bà ngoại thắp nhang. Một ngày đầu năm nhẹ nhàng đi qua. Trưa nay, mồng 2, lai lai ở nhà Nghĩa. Cũng như mọi lần, kỷ niệm năm tháng chiến trường lại nhắc về, nhớ đến. Chiều nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và vài bạn bè đến nhà Tẹo lai rai. Tối nay vào Hội An với Nàng. Muốn viết thêm đôi dòng. Mà thôi.
Ngày mồng 2 đã sắp hết rồi đó Q ơi
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|