LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.1.2015

 

quan-dung-phiu-Phan-b-i-chau

QUÂN DỤNG PHIẾU CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU (DO BÁO ANTG XUÂN 2015 CÔNG BỐ)

 

Đã sắp Tết. Đã phát hành lai rai báo Xuân. Đã dự nhiều cuộc liên hoan, tổng kết cuối năm. Đã ngày tháng vẫn còn đủ sức đánh đu cùng bài vở chuẩn bị cho các số mới. Mỗi một ngày vẫn thế. Đọc báo Xuân loáng thoáng. Chưa có thời gian đọc kỹ. Dừng lại với tờ An Ninh Thé Giới Xuân 2015, chú ý bài viết về nhà sưu tập người Mỹ Howard A.Daniel.

Đọc xong, nghĩ rằng, những hiện vật trong trời đất, nếu có duyên thì gặp, bằng không chỉ là không. Những gì của mình ắt của mình, cho dù cho chìm nổi ở tận chân trời góc biển nào. Ông Howard A.Daniel đã sở hữu một hiện vật liên quan đến cuộc đời của một Con Người “lấy sóng gió làm gối, lấy sương tuyết làm cơm”: Chí sĩ Phan Bội Châu.

Bài báo này cho biết, vào năm 1970 tại hội chợ đấu giá tiền tổ chức ở Hồng Kông, Howard A.Daniel nhìn thấy hiện vật độc nhất vô nhị nằm trong phần tiền Trung Quốc. Linh tính mách bảo không phải tiền Trung Quốc mà của Việt Nam. Quả nhiên, nhờ chữ có “An Nam” in trên tờ giấy đó. Là dân sưu tập chuyên nghiệp, lõi đời, Howard A.Daniel thừa biết đây là báu vật mà ông và các đồng nghiệp chưa hề nhìn thấy bao giờ. Giá bán khởi điểm 65 USD, ông muốn mua ngay với số tiền gấp mười lần. Tuy nhiên một người bạn đứng gần khẽ bảo không nên vội vàng, vì như thế, thiên hạ sẽ chăm chú, tìm hiểu giá trị của tờ giấy này. Và sẽ đẩy giá lên rất cao. Chi bằng cứ tỉnh bơ xem sao. Cuối cùng, ông đã sở hữu với giá chỉ 85 USD.

Đó là tờ Quân dụng phiếu do tổ chức cách mạng của Phan Bội Châu in năm 1912. Về sau, có nhà sưu tập người Việt ở hải ngoại sẵn sàng mua lại với giá 10 ngàn USD nhưng ông từ chối.

Trong lịch sử nước nhà, Hồ Quý Ly là người đầu tiên có sáng kiến in tiền giấy. Và trong lịch sử cận đại, người tiên phong in tiền giấy lần thứ 2 chính là Phan Bội Châu. Do đó, hiện vật này có một vị trí đặc biệt quan trọng là vậy. Theo bài báo cho biết: “Mặt trước của tờ Quân dụng phiếu, phía trên có in quân kỳ Việt Nam Quang phục hội, chính giữa in hình chiếc xe lửa và dòng chữ in bằng hai thứ tiếng Hoa - Pháp”. Kiểm tra lại hình ảnh in trên báo, thấy miêu tả đúng.

Tuy nhiên ngờ ngợ với một thông tin. Bài báo này cho biết: “Mặt sau ghi bằng tiếng Hoa nội dung: “Loại giấy bạc này được Cục Kho bạc phát hành để đáp ứng nhu cầu chi trả các chi phí quân sự của quân đội và lưu hành tương đương với đồng bạc đô la mà không có sự chênh lệch về tỷ giá. Loại tiền này có các mệnh giá 1, 5, 10 và có thể quy đổi tại ngân hàng và các công ty được chỉ định bởi Cục kho bạc. Chúng được sử dụng như một loại tiền tệ chính thức ở những nơi mà quân đội đóng và cũng có thể dùng để đóng thuế. Bất kỳ người nào giả mạo, sử dụng gian lận hoặc từ chối chấp nhận loại tiền này sẽ bị phạt theo mức tối đa của pháp luật quy định. Sắc lệnh lưu hành loại tiền này được ban hành bởi Tư lệnh Lực lượng Hải quân và Cục trưởng Cục Kho bạc”.

Ơ hay, hải quân hải quyết gì ở đây? Thông tin này, có thật vậy không? Tiếc bài báo không in mặt kia của tờ Quân dụng phiếu nên không thể kiểm tra.

Vậy phải làm cách nào? Sáng nay, lục tung lại sách vở, tìm đọc Phan Bội Châu niên biểu xem sao? Sự kiện này, cụ Phan cho biết: “Quân dụng phiếu chia ra 4 loại, mặt trước hàng trên viết chữ “Việt Nam Quang phục quân dụng phiếu”, hàng giữa viết số tiền bằng chữ lớn “Ngũ nguyên, thập nguyên, nhị thập nguyên, bách nguyên”, bốn góc cũng viết chữ số như thế, mặt sau viết hai thứ chữ Hán và Quốc ngữ: “Phiếu này do lâm thời quân chính phủ của Việt Nam Quang phục quân phát hành, đổi lấy thực ngân, đợi sau này chính phủ dân quốc chính thức thành lập, sẽ đem thực ngân đổi lại và trả lại gấp đôi, cấm không ai được làm giả, người nào trái lệnh sẽ bị trừng phạt”, dưới ký tên Phan  Sào Nam, người kiểm phát là Hoàng Trọng Mậu. Phiếu in bằng điện rất tinh xảo không khác gì giấy bạc Trung Hoa”.

"In điện" có thể hiểu in bằng máy móc chứ không phải thủ công. Thông tin của cụ Phan đáng tin cậy hơn. Cụ viết Phan Bội Châu niên biểu vào năm 1929, tức chưa xa sự kiện trên nên không thể bảo cụ nhớ sai, hơn nữa, cụ còn là người trong cuộc. Nhân đây nói luôn, người hiến kế cho cụ Phan là ông Tô Thiếu Châu, đảng viên Cách mạng Trung Quốc. Quân dụng phiếu đã phát hành tại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) và cả trong nước. Ngoài ra, Việt Nam Quang phục hội còn “chế ra quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên” (chữ dùng của cụ Phan). Quốc kỳ thế nào? Cụ Phan cho biết: “Nước ta trước kia chỉ có cờ Hoàng đế mà không có quốc kỳ cũng là một sự lạ; lúc ấy mới định dạng quốc kỳ dùng kiểu ngũ tinh liên châu (một chuỗi 5 ngôi sao), vì nước ta có 5 bộ phận lớn, dùng kiểu này để tỏ ý 5 bộ phận lớn liên lạc thống nhất, sắc cờ dùng nền vàng sao đỏ làm quốc kỳ, nền đỏ sao trắng làm quân kỳ: vàng là để biểu hiện giống người nước ta, đỏ để biểu hiện nước ta ở phương Nam thuộc về hỏa, hỏa là sắc đỏ; sắc trắng thuộc về kim, chủ của việc sát phạt nên dùng làm sao của quân kỳ” (xem Văn học Việt Nam thế kỷ XX - NXB Văn Học- 2001). Thử hỏi, khi cụ Phan viết, "nước ta  có 5 bộ phận lớn", có thể hiểu lúc đó Liên bang Đông Dương thuộc Pháp ngoài ngoài Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ còn có cả Cambodia và Lào.

Sở dĩ báo Xuân nào cũng có nhiều bài hay, đáng đọc nhưng chọn chi tiết về Quân dụng phiếu đưa vào Nhật ký bởi lẽ, thông tin này mới mẻ, đáng quan tâm. Tư liệu này có gì quan trọng? Đọc lại các tập như 100 năm tiền giấy Việt Nam (NXB Trẻ, Hội Tem TP.HCM - 1994), Lịch sử tiền tệ Việt Nam (NXB Văn hóa  Sài Gòn - 2010) của Nguyễn Anh Huy… cũng không trưng ra được hiện vật này. Và chắc chắn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng không lưu giữ được. Nếu hiện vật Quân dụng phiếu của cụ Phan Bội Châu do Howard A.Daniel sở hữu được các nhà nghiên cứu sử tiếp cận, có lẽ sẽ giúp ích nhiều hơn nữa cho bạn đọc.

Mà thôi, nghĩ ngợi làm gì. Âu cũng là cái duyên đó thôi.

Đọc hồi ký của nhà sưu tập Vương Hồng Sển nhớ mãi chi tiết này, đại khái, khoảng thập niên 1960, cụ được mời dạy học ở ngoài Huế. Nhân đó, những ngày ở Huế, cụ biết có người muốn bán một món đồ cổ (nếu nhớ không lầm người bán có tên ngộ nghĩnh là Khóa Ổi). Nhìn hiện vật, cụ thích lắm nhưng ngặt nổi chủ nhân hô giá quá cao. Cụ muốn mua, phải mua cho bằng được, nhưng vẫn làm “cứng” cò kè bớt một thêm hai. Chủ cũng không phải tay vừa. Vì thế, cứ chần chừ mãi. Sau khi về Sài Gòn, cụ lại nhờ người thỉnh thoảng đến thăm dò món ấy đã bán chưa? Chưa à? Thế là cụ yên tâm. Rồi vài lần sau ra Huế, cụ lại tìm đến, lại trả giá, lại mân mê, sờ soạt, ve vuốt cho thỏa lòng nhưng cũng chẳng đi tới đâu. Rồi quay về Sài Gòn là nhớ, là ước ao phải mua cho bằng được. Chỉ có mua được món ấy thì ngủ mới yên giấc, bằng không cứ trằn trọc mãi, chỉ sợ lọt vào tay người khác thì tiếc hùi hụi. Cuối cùng, cụ quyết định mua. Khi ra Huế, đến nhà Khóa Ổi, cụ tưởng như đất lún dưới chân, như sét đánh ngang tai: món đồ cổ ấy đã bán rồi! Cụ dậm chân kêu trời, tưởng chừng có thể chết đi được. Vậy phải làm sao đây hở trời? Suốt mấy ngày liền cụ thẩn thờ, tiếc đứt ruột.  Về lại Sài Gòn, cụ dò hỏi mọi cách, phải tìm cho ra chủ nhân đã mua món đồ cổ ấy. Cuối cùng, cụ tìm ra và mua lại được. Tất nhiên, mua với giá cao hơn của Khóa Ổi đưa ra. Dù vậy, cụ cũng hài lòng vì cuối cùng, vật quý cũng về tay mình.

Âu cũng là cái duyên đó thôi.

Hiểu thế để hài lòng với những gì đang có. Nếu không, đôi lúc đi trên đường tình cờ thấy cô nàng con nhà giàu, học giỏi, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, sắc nước nghiêng thành nhưng lại cập kè với thằng cha cực kỳ cùi bắp. Và ngược lại. Nhìn cảnh ấy chõi mắt quá! Tiếc quá đi mất! Tự dưng lại thấy tiếc! Buồn cười chưa? Vô duyên chưa? Chữ “duyên” này khác với: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Thôi thì kể ra chuyện này cho nó nhẹ lòng. Chuyện rằng, mấy hôm nay hễ đi ngang qua con đường đó, nhớ lại chuyện đó là cứ tức anh ách. Chuyện gì vậy? Chuyện rằng, hôm đó tình cờ đi đi ngang qua đó thấy mấy bà bán ve chai đạng tụ năm tụm ba. Như thói quen, y dừng xe, sà đến xem có bán sách báo cũ gì hay không. Trời ơi, ngày hôm đó, lúc đó, không thể tin trước mắt y là những bộ Bách Khoa đóng bìa cứng nằm ngổn ngang. Y mừng rú như bắt được vàng. Sờ tay vào túi quần, có tiền. Vậy yên tâm. Mừng ơi là mừng. Nếu đổi cái mừng này để lấy trúng số độc đắc y cũng quyết không là không. Chả dại.

Nhưng than ôi. Ôi, than ôi. Lúc y hỏi mua, bà bán ve chai cho biết trước đó một phút đã bán cho người khác rồi. Y choáng váng. Tiếc quá đi mất. Trước y chỉ một phút, đã có người hỏi mua, nhưng do không đủ tiền, nhờ giữ lại, sẽ lấy sau. Vậy biết làm thế nào? Chẳng lẽ trả tiền cao hơn để giữ lấy như gợi ý của bà bán ve chai? Giá bán rẻ như bèo, mà dù có phải mua với giá cao gấp nhiều lần,  y vẫn đủ sức. Vậy có nên không? Không. Ai lại làm thế. Người này vui ắt có người kia buồn. Do mình không có duyên nên không thể sở hữu. Nếu ma mãnh mua giá cao hơn, nhưng chắc gì sẽ giữ được mãi? Cứ tin cái gì của mình, tự nó sẽ tìm đến, bằng không cũng là không. Tự an ủi nhưng đến nay vẫn ấm ức mãi.

Thì ra, con người ta nhỏ nhen, ham hố, tham lam là thế.

Y đang nói về y đấy ư?

Vâng ạ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment