LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.2.2015

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-1x

Mẹ (áo đen) và dì Ba trước căn nhà cũ ở Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng). Ảnh chụp thập niên 1960

 

Những ngày nghỉ Tết. Về quê ăn Tết. Ngày 24.2.2015 (mồng 6 Tết), sáng điểm tâm ở Alma Courtyard (Hội An); trưa đưa ông bà ở nhà Tẹo (Đà Nẵng) và chiều tối đã đến Ana Mandara gần cửa biển Thuận An (Huế).

Ở Hội An, đã viết nhiều thơ trong sổ tay. Câu thơ chợt đến như sóng vỗ. Như thoáng mây bay qua. Như bước chân lang thang không định hướng. Hội An vẫn thế. Người vẫn đông. Vẫn trò chơi ngày Tết. Vẫn những món ăn quen thuộc. Vẫn không gì khác. Vẫn là sự nghỉ ngơi. Thư giản. Mặc kệ thời gian. Mặc kệ ngày qua nhanh hay chậm. Chẳng thèm quan tâm. Ra cửa Đại nghe sóng vỗ. Trước kia, từ  bàn ăn phóng một tầm mắt mới thấy sóng, nay sóng vỗ dưới chân ngồi. Hỏi ra mới biết, sóng đã lấn vào bờ, đã cuốn bãi bờ và đi sâu vào đất liền hơn 100 mét. Hội An đang có chính sách, kế hoạch kè lại bờ, nếu không cảnh quan dọc biển sẽ thay đổi khốc liệt. Tối mồng 5 Tết ăn tối tại Palm Garden Resort  do chủ nhân là người bạn mời đến. Sáng mồng 6 Tết trò chuyện với anh Nguyễn Sự - Bí thư Hội An. Cũng câu chuyện lan man về vùng đất này. Trong nhiều chi tiết, có cái này thú vị, cần ghi lại.

Lâu nay, nói đến Hội An người ta nhắc đến nhiều món ăn ăn ngon. Ngon đến độ anh chồng trong ca dao phải thốt lên não nùng như lúc xuống xề câu vọng lại sắp hụt hơi:

Hội An trăm thứ đều ngon

Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ

Nhưng thử đặt câu hỏi, món ăn nào mà khi chế biến lại tiêu biểu nhất cho tính cách con người Hội An? Chọn lấy cao lầu, cơm gà, bánh tráng đập dập, chè mè đen, chè bắp hay gì khác? Câu hỏi khó quá phải không? Sau một hồi suy nghĩ, anh Nguyễn Sự quả quyết phải chọn lấy món chè đậu ván! Đọc đúng theo âm Quảng Nam, phải là chè đậu doáng? Anh lý giải: “Ở Hội An, chè đậu ván pha đường phèn, một loại cao cấp nhất của đường; bên cạnh đó còn có thêm vị ngọt của đường bát đen, một loại đường quê mùa, rẻ tiền. Sự kết hợp này đã chế biến chè đậu ván có vị một vị ngọt độc đáo. Hơn nữa, khi nấu thì đậu vẫn còn nguyên hạt, không nát. Vậy đó, tính cách người Hội An cũng thế. Họ không phân biệt người sang kẻ hèn; thấy lạ không kinh ngạc, không vồ vập, xerm như tự nhiên, bình thường. Họ có thể giao tiếp với các chủng tộc khác khi đến Hội An, nhưng vẫn không đánh mất bản sắc của mình”. Có phải vì quá yêu vùng đất mình sinh ra và lớn lên, gắn bó cả cuộc đời nên anh Sự đã nghĩ thế? Điều này không cần tranh luận. Mà tranh luận làm gì trong ngày xuân đang phơi phới gió lên có thoang thoảng cả nhang trầm ngày Tết?

Sực nhớ câu văn của Nguyễn Tuân: “Hội An có từ bao giờ và tên cũ của Nó là gì? Là Hải Phố, là Phải Phố?... Hay là Hoài Phố? Tôi không phải là người tra khảo cố sự, nên tôi vẫn cho Hoài Phố là phải hơn. Một cái phố nằm bên sông Hoài... Chao ôi một thị xã Nhớ dựng lên sát một hải cảng Đợi (Cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy!”. Nhà văn lý giải về địa danh bao giờ cũng nặng tính chủ quan. Ấy vậy, lại thấy hợp lý hơn cả những công trình nghiên cứu khảo sát dày cả hàng ngàn trang. Nghĩ cho cùng, sẽ chẳng bao giờ có thể truy nguyên gốc, tìm hiểu chính xác vì sao có tên gọi ấy. Cứ cảm nhận theo suy nghĩ của riêng mình, cũng chẳng ai bắt bẽ gì. Tại sao gọi chợ Cồn, gọi quán chợ Đo Đo? Chợ khác gì quán chợ? Tại Sao trên đường ra Huế, đi ngang qua Phú Bài, lại thấy có tấm bảng ghi rõ ràng “làng Phù Bài”. Sao lại “Phú”, sao lại “Phù"? Lại thấy địa danh Hói Mít. Hỏi ra, mới biết, “hói” cũng tựa như khe, lạch nước… Đã từng nghĩ rằng, có ai đó, đi từ Nam chí Bắc, đi đọc Quốc lộ 1 và ghi lại hết các địa danh đã có, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú mà các nhà nghiên cứu suốt đời cắm cúi với trang giấy cũng không thể có.

Như đã hẹn từ trước Tết, chiều tối mồng 2 Tết, Nguyễn Nhật Ánh cùng vài người bạn văn nghệ ghé nhà Tẹo lai rai mừng Xuân vui Tết. Trong câu chuyện có nhắc đến Nguyễn Tuân. Hầu như ai cũng thừa nhận rằng, ông nhà văn Vang bóng một thời có tài chạm trổ chữ. Tỉa tót từng chữ. Làm mới câu văn, làm mới tiếng Việt bằng cách đặt các từ cạnh nhau vừa tài hoa, vừa kỳ thú, vửa cầu kỳ, vừa oái oăm đến độ có thể tạo ra sự bất ngờ trong nhiều cách liên tưởng khác nhau. Có thể nói, Mai Thảo cũng là một trường hợp không khác Nguyễn Tuân. Cũng ý thức làm mới lại các từ đã cũ nhằm diễn tả một câu văn mới hơn, lung linh hơn mà thú thật, đôi lúc đọc, đuổi bắt suy nghĩ của tác giả cũng mệt. Đọc tùy bút Võ Phiến dễ chịu hơn. Câu chữ giản dị mà chứa đựng nhiều thông tin, nhiều nhận xét tinh tế.

Ngồi ở Cửa Đại một trưa của Tết, của năm mới và ngắm nhìn từng bọt sóng xanh qua ly pha lê trắng toát đã đỏ rượu vang màu mận chín. Gió lên. Gió đã lên. Một chút ngất ngây của men đã tràn qua lưỡi. Qua môi. Chợt nghĩ về phận người khi nghe tiếng sóng vỗ mãi. Vỗ mãi, bên tai. Từng đợt sóng nhẫn nại, quyết liệt với mỗi một khoảnh khắc, từng phút giây không mệt mỏi, không ngơi nghỉ, cứ liên tục, cứ dội vào bãi bờ âm vang một nỗi niềm mà liệu có ai thấu hiểu?

Sóng lấp thời gian - vùi dưới sóng

Ráo riết từng giây đến vạn đời

Ai hay khoảnh khắc trong vô tận

Một cánh chim bay níu lệch trời?

Thế đấy. Sóng biển, từ ngày này qua tháng nọ có đủ quyền lực xóa sạch mọi triều đại, mọi di tích, mọi kiến trúc mọi dấu vết trên trái đất này. Nhưng hỡi ôi, một cánh chim bay trên nền trời kia mong manh là thế, yếu ớt là thế nhưng vẫn có thể níu lệch cả bầu trời. Thì ra, sự hiện hữu của một khoảng khắc cũng không khác gì vô tận. Có nhà văn nào đó đã viết đại ý, nhớ đại khái rằng, một cánh bướm vỗ cánh ở nơi này có thể làm dậy sóng trùng dương nơi kia. Ngồi ở biển, viết được bài Tứ tuyệt trên, tự dưng  y “tự sướng” bởi đã tìm ra một cách diễn đạt về lẽ vô thường. Sực nhớ, Hội An, nơi này, đã có nhiều kỷ niệm của ngày tháng tâm hồn còn trong veo như giọt nước mưa. Rồi tất cả đã xa. Chỉ còn lại một hoài niệm nhẹ nhàng và có lẽ chẳng bao giờ mất đi. Sực  nhớ lúc ngồi ở nhà Tẹo, nghe anh Ánh đọc câu thơ của Phạm Phú Hải. Nghe một lần, là nhớ. Nghe một lần, là quên. Có những câu thơ như “trời cho”. Viết dễ dàng như giỡn chơi mà sẽ chẳng bao giờ có thể viết lại được lần thứ hai:

Giọt sương treo mái hiên đình

Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa?

Một câu thơ Thiền. Được viết bởi một người điên. Đã chết. Những đêm này, trong giấc ngủ vẫn còn nghe tiếng sóng vỗ. Không là sóng Cửa Đại. Sáng hôm qua, mới thức giấc, thả hồn theo sóng Thuận An, đang lắng nghe tiếng thông reo, chim hót, đang nhìn hoa nở, bỗng dưng Nàng bảo: “Anh đã đọc gì về cụ Vũ Khiêu chưa?”. Tất nhiên là chưa. Bèn mở Ipad và đọc. Con người ta thường khoái tranh luận. Thường cho rằng ý kiến của mình là đúng. Trời đất ôi! Trên các mạng xã hội ầm ầm các ý kiến lao nhao bình phẩm, phê phán cụ Vũ Khiêu qua tấm hình cụ ôm hôn cô hoa hậu nọ. Nhìn kỹ tấm ảnh. Thử hỏi có gì đáng đem ra chế giễu, cười cợt, miệt thị? Cụ Vũ Khiêu tặng cô hoa hậu câu đối như sau:

“Trí như bạch tuyết tâm như ngọc

Vân tương y thường họa tương dung”

Thích hoặc không; khen hoặc chê là bình thường nhưng quyết không thể chấp nhận thái độ phỉ báng, dè bĩu, khinh miệt người khác. Thông thường khi đọc cái noste nào đó có mùi “gây sự”, “gây cấn”, dù không rành câu chuyện đang xẩy ra, chưa tìm hiểu cụ thể đúng sai thế nào nhưng rồi nhiều người cũng lao nhao bày tỏ chính kiến thông qua các comment. Ai cũng cho mình cái quyền hùa vào mắng xa xả người khác. Nghĩ cho cùng đó cũng là tâm lý “bày đàn”. Vần đề đặt ra trong chuyện liên quan đến cụ Vũ Khiêu là nội dung câu đối ấy ra làm sao, chứ không phải cái hình cụ ôm hôn cô hoa hậu giữa thiên thanh bạch nhật. Đừng nhìn một góc chụp của tấm ảnh mà sổ toẹt nhân cách một con người. Ác lắm. Điểu cáng lắm. Không đàng hoàng. Cái trò chụp mũ này không mới. Chỉ là sự lặp lại ở người này qua người khác. Thế thôi. Không quan tâm.

À! Tập Nhật ký 2013, sẽ in vào tháng 4.2015. Anh Ánh không thích cái tựa đó, đề nghị đổi. Đã hỏi lại anh B, vì anh trực tiếp biên tập nhưng khổ nỗi, anh lại thích và nhận xét: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ. Lê Minh Quốc đã chọn cách viết khó, và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Nhật ký của Lê Minh Quốc có thể xem như một dạng sổ tay ghi chép những sự kiện văn hóa xã hội đã xảy ra trong năm 2013 và cảm nghĩ của anh. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư” bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông. Như câu thơ: "Trong tôi còn chút quê nhà/ Vẫn xin giữ lại dẫu là nhà quê". Một trong những “cái chúng ta quan tâm” là ngôn ngữ Việt. Vì “tiếng ta còn, nước ta còn”. Anh đã chịu khó tra cứu những từ cổ và từ mới, giúp bạn đọc hiểu rõ ngữ nghĩa để sử dụng chính xác. Chỉ một điều nhỏ đó thôi cũng đáng để chúng ta tìm đọc Ngày trong nếp ngày”. In bìa 4, bên cạnh đó còn có cả ý kiến của Đoàn Tuấn nữa. Nếu được, cũng in luôn Nhật ký 2014, trong năm này.

Còn ngủ ở Ana Mandara một, hai đêm nữa. Sau đó, về Đà Nẵng ngắm sóng Mỹ Khê. Và sẽ vào lại Sài Gòn. Chỉ nghĩ đến sự nhộn nhịp, tất bật, ồn ào mà đã oải chè đậu rồi. Tết ơi là Tết!

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment