LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.1.2015

 

Đôi khi, có những lúc gặp những điều ngẫu nhiên khiến thấy vui một chút. Dù chỉ một chút thôi, trong thời buổi này, đã là nhiều. Sáng nay, xem giúp luận văn Thạc sĩ của một cô giáo trẻ dạy Văn ở Bình Dương. Góp ý thay đổi bố cục. Phải chịu khó viết lại lần nữa. Nhờ trang web www.leminhquoc.vn nên cô có email để liên hệ. Đề tài của cô là Thế giới tâm linh từ Truyện Kiều đến Lục Vân Tiên”. “À, anh tưởng em sinh viên chứ?”. “Không em đã đi dạy rồi”. Cô kể rằng, trước đây, trong lúc tuyệt vọng, nhờ đọc bài thơ Đức tin nên cô đã có cái nhìn khác về cuộc đời. Bài thơ như thế nào? Cô đọc ngay:

Tôi dỗ tôi từng ngày

Gieo một niềm tin để còn hy vọng

Tin ẩn giấu dưới tro tàn

Vẫn còn lửa nóng

Tin sau bão giông chập chờn những sóng

Vẫn còn có cánh buồm đỏ thắm

Tin đi tôi ơi dù chiều đang xế bóng

Nếu bền lòng

Sẽ gặt được nắng mai

Tôi gieo niềm tin ngay dưới gót giày

Đi tìm em, sẽ gặp

Gieo lên niềm tin nào khác gì nhìn những ngôi sao trên nền trời xa tắp

Dù rất xa nhưng cũng rất gần

Ngôi sao kia là đôi mắt em tròn

Là cúc áo trên chiếc áo mỗi ngày em mặc

Tôi lại mặc áo em

Để níu lại thời gian dù đang xa cách

Tôi bền lòng gieo lấy niềm tin

Dỗ mình hãy yêu đời để sống

Làm thơ như trẻ thơ chạy trên thảo nguyên

Những vần thơ lót dưới gối em nằm

Ta gối tay nhau

Ta thở cho nhau

Ta sống cho nhau

Mơ về môt giấc mơ bình dị dưới mái nhà

Nơi ấy không có chỗ cho thay lòng đổi dạ

Bài thơ nghe quen quen. Không nhớ đã đọc nơi nào, lúc nào nữa. Nhưng rõ ràng rất quen. “Anh không nhớ đây là bài thơ của anh à?”. Đúng vậy, y chẳng hề nhớ đã làm lúc nào. Đã in ở báo nào. Trước kia, mỗi lúc làm thơ thường ghi trong sổ tay. Bài thơ nào đã in trên báo, cắt dán giữ lại cẩn thận. Dần dần thói quen ấy đã mất. Cứ ỷ còn lưu trong máy tính. Cứ ỷ đã giữ lại tờ báo. Rồi thỉnh thoảng máy hư. Rồi sách báo trong nhà ngày một nhiều. Vì lẽ đó, khó có thể nhớ những bài thơ nào đã viết, đã in. Chẳng thể nào nhớ nổi. Rồi sau này còn có thói quen viết trực tiếp trên máy, email đến tòa báo luôn nên khó có dịp đọc lại bản thảo. Bài thơ Đức tin là trường hợp như thế. Y đã quên. May còn có người chép lại. Cô  tặng lại bản viết tay đã giữ gìn cẩn thận chừng mươi năm trước. Vâng, thơ chẳng là gì trong thời buổi này, nếu giúp ích cho ai đó lúc ngã lòng cũng là cái duyên giữa tác giả và bạn đọc. Vậy là đủ.

Cuộc đời, đôi khi cũng có những bất ngờ như thế. Còn gì bất ngờ hơn, ngày chủ nhật vừa rồi, Nàng kể câu chuyện có thật mà báo chí phương Tây đã đưa tin. Rằng, ngày nọ có một chiếc máy bay bị rớt trong rừng già, cả thẩy đều bỏ mạng. Duy chỉ có đứa trẻ lên mười may mắn sống sót, bé lầm lũi vượt qua mọi cánh rừng, đi qua mọi trở ngại và tìm đến một ngôi nhà trong làng báo tin. Nhờ đó, mọi người mới phát hiện ra nơi máy bay bị rơi. Tại sao xẩy ra điều kỳ diệu đó? Đó không phải là kỹ năng sống. Đứa bé chưa được ai dạy phải ứng phó thể nào trước tình huống xấu đó, thế nhưng, tại làm sao cháu có thể hành động như một người đã trưởng thành? Càng ngày càng tin vào câu nói: "Phúc cho ai không thấy mà tin".

Công việc mỗi ngày cũng thế. Đã có thông tin về giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014: Giải Văn xuôi: Tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; Giải Thơ: Tập Trường ca ngắn, kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha; Giải Lý luận Phê bình: Trăm năm trong cõi của Phong Lê, Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hình tượng của Nguyễn Đăng Điệp; Giải văn học dịch: Cuộc chiến đi qua của Kanta Ibragimov do Đào Minh Hiệp dịch.

Gần một tháng nay, mạng Internet trục trặc quá. Hầu hết các email gửi về địa chỉ gmai không sử lý được. Sáng nay, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia America Gate Wat - AAW) cho biết việc kết nối Internet đi quốc tế đến các dịch vụ nước ngoài sẽ trở lại bình thường vào ngày 24.1.2015.

Lâu nay, tình hình Internet Việt nam thế nào? Báo Sài Gòn tiếp thị sáng nay cho biết: “Theo báo cáo thực trạng Internet toàn cầu trong quí 3-2014 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Akamai Technologies (Mỹ), tốc độ Internet Việt Nam gần chậm nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Riêng tại ASIA, tính trong 6 quốc gia có thống kê là Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia thì tốc độ đường truyền Internet tại Việt Nam đang “đội sổ” dù theo xếp hạng toàn cầu, Việt Nam hiện xếp trên Philippines bốn bậc (101 so với 105)”.

Về vấn đề này, Thời báo Kinh tế Sài Còn cho biết ý kiến của các chuyên gia: “Tốc độ kết nối internet của các quốc gia nhanh hay chậm tỉ lệ thuận với sự phát triển kinh tế của các quốc gia đó. Vì kinh tế phát triển thì các doanh nghiệp mới có nhiều tiền để đầu tư cho cơ sở hạ tầng mạng internet. Do kinh tế Việt Nam kém phát triển hơn các quốc gia trong khu vực nên tốc độ kết nối internet của Việt Nam chậm hơn các nước là điều tất yếu”.

Mấy đêm nay, đọc lại Giai thoại hồng của Hồ Trường An in ở Mỹ năm 1989. Có những từ quen thuộc của miền Nam, nay hầu như ít ai sử dụng: kiểu tóc demi garcon, nhiễm, trổ mã, xệ (nghĩa như mắc cỡ, xấu hổ), bà chị cứng đầu của tôi nã cho tôi một tràng “rốc kết”, tôi còn kẹt bên hội, nấu rề sô đốt bằng dầu hỏa, ba tôi đến thăm bị chị quạt phải dội ngược trở ra, hách xì xằng, đi picnic, viết feuilleton cho nhựt báo, đừng có théc méc, cô ta đang chạy chọt gì đây, chẳng ra cái thá gì hết, họ cho de, buồn ơi bỏ qua đi Tám v.v.. Quyển này viết về kỷ niệm với các nữ nhà văn, nhà thơ tên tuổi trên văn đàn miền Nam trước 1975. Nay hầu như chẳng còn ai nhớ đến. Tự nhiên bùi ngùi cảm thương mấy thế hệ cầm bút: Nguyễn Thị Vinh, Trần Thị Tuệ Mai, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Vân Trang, Minh Quân, Thanh Phương, Phương Đài, Quỳnh Hương, Tuệ Nga, Như Hiên, Hương Khuê, Hoàng Hương Trang, Lê Thị Ý, Thanh Nhung, Trùng Dương, Nhã Ca, Dung Sài Gòn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Đỗ Phương Khanh, Lệ Hằng v.v… Sách của các tác giả này đến lúc nào đó cũng có thể được tái bản lại chăng? Chắc chắn thế. Nếu thật lòng ''gạn đục khơi trong" thì không gì là không thể.

Chiều này, có dịp gặp vài bạn bè nhân Hội Xuất bản Việt Nam ở phía Nam tổ chức họp mặt cuối năm "Những người bạn của Hội".


ductin-leminh-quoc

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment