LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.2.2015



qua-tang-cua-6-du

 

Người đi trên đống tro tàn

Thương cha nhớ mẹ hương vàng về đâu?

Những chiều cuối năm, đi ngoài phố, thoáng thấy khói vàng mã nhẹ nhàng lan tỏa trong nền không gian đô thị Sài Gòn, tự dưng lại nhớ. Nhớ ca từ của Phạm Duy. Hát thầm một mình. Vừa đủ nghe. Và tự dưng rưng rưng nước mắt. Câu chữ ấy, giai điệu ấy ma mị, huyền hoặc thế nào mà mỗi chữ nhịp nhàng sáu tám khi ngân vang trong lòng lại hóa thành từng giọt lệ? Sáng nay, rủ bạn thơ Trương Nam Hương đi cắt tóc. Anh cho biết cuối năm là lên dịp chùa cầu siêu cho mẹ. Hương có bài tứ tuyệt viết ngày mẹ mất. Đọc lên và nhói đau. Đọc thật chậm và lắng nghe tự lòng mình:

Đưa mẹ vào Tháp cốt

Quay về, con bần thần

Quên hóa vàng đôi guốc

Lên đó người lạnh chân

Tê buốt tâm hồn, từng chữ. Lạnh buốt mắt môi, từng câu. Bạn bè chơi với nhau chừng đã 30 năm, càng quý bạn qua những câu thơ bạn đã viết. Thơ về mẹ. Trong đời ai cũng viết. Lâu quá không gặp Đỗ Trung Quân, những ngày này lại nhớ câu chữ đằm thắm một nỗi niềm man mác lúc anh rải một ít hài cốt của mẹ xuống sông Sài Gòn:

Mẹ ta tro bụi trên sông

Xuôi bèo hoa nẻo hư không mẹ về

Nhiều hoa trắng rợn bốn bề

Trần gian thêm một kẻ về mồ côi

Từ đây chỗ mẹ ta ngồi

Mây như tóc trắng

Rối bời

Mây qua

Sau này, năm 1994, lần đầu tiên Hà Nội, anh lại rải một ít, tượng trưng xuống Hồ Gươm và nhủ thầm: “Mẹ ơi, con đưa mẹ về quê”. Trong đời, ai cũng từng gọi mẹ nhưng tiếng gọi lúc ấy đậm đặc tiếng lòng bơ vơ của sự lẻ loi, đơn độc nhất. May quá, y vẫn còn có mẹ. Niềm sung sướng nhất đời người, khi đến một độ tuổi nào đó càng thấm thía, nâng niu, quý trọng, gìn giữ chắt chiu trong lòng cụm từ “vẫn còn có mẹ”. Những ngày cuối năm, ngày rất ngắn. Những ngày ấy, ai ai cũng nghĩ về gia đình. Có lẽ ở ngoài quê, những ngày này, anh em y đã lên giẫy cỏ trên mộ của ba. Rồi sáng một mồng Một, anh em tề tựu nhang khói. Cuộc gặp gỡ của Âm và Dương, ngay tại mộ. Mà cũng có thể trước đó, "những người muôn năm cũ" đã về hội ngộ trong lễ cúng rước ông bà về sum vầy cùng con cháu. Nhang khói, nghĩ cho cùng đó là sự kết nối giữa Hiện tại và Quá khứ. Và tiếng kinh cầu cũng nằm trong ý nghĩa thiêng liêng đó.

Sống trong đời, đôi khi niềm vui đến thật tình cờ, không hò hẹn trước. Mới đây, anh Sáu Du - một nhà báo lẫy lừng đã về hưu tìm đến cơ quan y và tặng quà Tết. Không nhớ đã gặp anh lúc nào, chơi với nhau tự thuở nào nhưng rồi hễ cuối năm, anh lại đến thăm. Hỏi han đôi câu. Chỉ chừng dăm ba phút mà cảm động biết bao. Dạo này anh bị điếc, đôi lúc phải “bút đàm”. Anh bảo: “Thăm Q một chút, anh vào bệnh viện đây”. Hỏi kỹ, mấy tháng nay vợ anh bị tai biến phải nằm một chỗ, ngày ngày anh chăm sóc, túc trực cơm nước. Thoáng nghĩ đã thấy nhọc nhằn. Vậy mà, anh tâm tình nhẹ nhàng như không, như thể đã tình chồng nghĩa vợ thì phải thế, chấp nhận hạnh phúc đã và đang có. Chẳng rõ, vì lý do gì quà tặng của anh còn có cả quyển Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Dạo này anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về Phật học. Có như thế, anh mới nhìn cuộc đời độ lượng và thong dong. Bây giờ, nhiều bạn bè văn nghệ của y, khi có tuổi hầu như nhiều người quay về với Tôn giáo. Bạn thơ Trần Ngọc Tuấn ở Đồng Nai cũng là một trường hợp. Nhờ thế, anh có được bài tứ tuyệt Không đề, đọc một lần bâng khuâng mãi:

Bạn mới tìm chưa thấy

Bạn cũ ngày thưa dần

May còn đôi cánh bướm

Cứ rập rờn trước sân

Quà tặng cuối năm thì nhiều, nhưng cần ghi lại trường hợp này.  Hôm nọ, nhà văn Bích Ngân tặng cho một ít sách và vài ký khô cá sặc. Cảm động ở chỗ, chị còn điện thoại dặn dò thân tình: “Q nhớ cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn có thể chiên hoặc nướng, chỉ vừa chín tới là ngon”. Ngon còn ở cái tình nữa. Ngon ở lời dặn dò của bạn văn vào trưa ngày 27 Tết, lúc ngoài đường phố tấp nập ngựa xe nghe tiếng được tiếng mất mà lạ thay, trưa nắng gắt, ầm ầm âm thanh mà cứ ngỡ như đang ở miệt vườn An Giang, Cà Mau giữa mênh mông sóng nước nghe vọng lên trong trẻo câu hò:

Chèo vô núi Sập

Lựa con khô cá sặc, cho thiệt ngon

Lựa trái xoài cho thiệt giòn

Đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm…

Em về dọn một bữa cơm

Để người quân tử

Hò ơ…

Để người quân tử ăn còn nhớ quê…

Vâng, tặng quà cho nhau là tặng cái tình. Hôm trước, mới đây thôi, trên đường đi làm về, tạt vào sạp bán sách báo. Chủ nhân là cô giáo, biết vì lâu nay hay ghé mua báo và hỏi han dăm câu xã giao nhưng chẳng rõ cô dạy trường nào. Ngay lúc ấy, có cặp vợ chồng trẻ đến tặng quà Tết, cô giáo nhất định không nhận: “Em mang về đi. Mấy hôm nay lu bu, bận rộn quá nên cô chưa sắm Tết. Chẳng lẽ cô nhận quà của em mà không tặng lại gì?”. Cô nhất quyết không nhận, đôi vợ chồng năn nỉ nhưng cô vẫn không xiêu lòng. Rồi nghe loáng thoáng, rõ ràng từng chữ: “Cô đừng ngại. Qua năm cô tặng... điểm cho cháu cũng được”. Thử hỏi cuối cùng cô giáo có nhận quà hay không? Nhận hay không nhận điều đó có thể xẩy ra, nhưng quan trọng nhất là một trong hai tình huống đó, cô giáo đã trả lời thế nào? Có thể, đây một truyện ngắn hay.

Truyện ngắn hay là hay ở cái kết thúc bất ngờ cuối cùng chăng? Nghĩ thoáng qua, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hay ở đối thoại sắc, bén đến lạnh người; ở Nguyễn Nhật Anh hay ở tình tiết dí dỏm, thông minh khiến người đọc thỉnh thoảng tủm tỉm cười một mình, cái cười ấy khó có thể kể lại nhưng biết rằng nó đậm đà, khó quên; ở Nguyễn Đông Thức hay do các tình huống bất ngờ và đôi lúc tàn nhẫn như sự việc vốn có; ở Đoàn Thạch Biền hay ở chỗ tính cách nhân vật lãng đãng thật thật mơ mơ, như thật như đùa, như “ông” và “em” tréo ngoe một cách dễ chịu nhưng không kém phần tinh nghịch, láu cá...

Nghĩ gì nữa?

Đi ngoài phố, cuối năm rồi. Đi chậm thôi. Có đi chậm, mới có thể nghĩ ngợi linh tinh lang tang đôi điều.

Lại nghĩ rằng “gừng càng già càng cay”, đó là trường hợp cụ Vương Hồng Sển. Chẳng rõ, có ai còn nhớ câu rao này ở Sài Gòn của khoảng thập niên 1930 không? Câu như sau: “Đầu đội kẹo, miệng rao chơn chạy, kêu bớ bộ hành, ai mua kẹo tôi bán cho”. Câu này rao như thế nào? Trong di cảo Dỡ mắm, cụ Sển viết: “Câu này của Năm Sa Đéc đố tôi, viết cuốn 50 năm mê hát, mà hát được câu này chăng, giao “đầu đội kẹo”, phải hát giọng hát khách, “miệng rao chơn chạy” phải bắt giọng bắt qua tẩu mã, “kêu bớ bộ hành”, phải hát giọng Tiên Bửu đưa đò, “ai mua kẹo, tôi bán cho” phải hát giọng Nam ai cho mùi mẫn, cất lên mấy chữ chót giọng Nam xuân và hát dựng, cho hiểu ngầm tương lai mạng vận còn hy vọng cất đầu lên chớ không khổ vầy hoài”.

Thú vị chưa? Học một đời cũng không hết chữ.

Chiều nay, ngồi với anh B và Cao Xuân Sơn một chút. Sẽ hỏi thăm Sơn về sức khỏe của bà cụ thế nào rồi. Vào  khoảng thời gian giáng sinh năm rồi, mẹ của anh bị té, gẫy xương, phải nằm một chỗ. Ở tuổi ngoài 80 xuân, làm sao có thể mổ sắp xếp lại xương cho thẳng thớm, ngay hàng thẳng lối? Mà bạn mình ơi, “vẫn còn có mẹ” để được chăm sóc mỗi ngày đã là hạnh phúc, niềm vui sướng nào sánh bằng? “Mỗi mùa xuân sang / Mẹ tôi già thêm một tuổi / Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần / Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng Mẹ bay / như gió, như mây bay qua đời con / như gió, như mây bay qua thời gian”. Nhạc Trần Long Ẩn. Nghe một mình trong một chiều đã 27 Tết tự dưng rưng rưng một nỗi niềm hun hút gió buốt tự lòng mình. Ngoài trời đã chiều một màu nắng chiều khô ráo phía trước sân vòm cau đang xanh mướt lá. Đang nghĩ gì trong lòng hả Q? Chẳng nghĩ gì nữa bởi đang nghe, đang lắng nghe một tiếng nấc tự trong nhịp đập khắc khoải của bóng chiều cuối năm lãng đãng những sợi khói vàng mã nhẹ tênh đang chậm rải đang tỏa dần vào hư không:

Người đi trên đống tro tàn

Thương cha nhớ mẹ hương vàng về đâu?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment