Một vùng đất vươn lên từ đống hoang tàn đổ nát sau thảm họa bom nguyên tử đồng thời ghi dấu mối tình tuyệt đẹp liên quan đến một người con gái VN, đó chính là Nagasaki.
Khu phố Nagasaki ngày nay, nơi tâm điểm bom nguyên tử rơi năm 1945
Nagasaki là một trong 7 tỉnh nằm trên đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Trước khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, người ta hầu như chỉ biết đến Okinawa là một hòn đảo nằm ở cực nam nước Nhật, vì nơi đây diễn ra những trận đánh tàn khốc giữa quân Mỹ và quân Nhật.
Người Mỹ đã tái hiện trận đánh này trong loạt phim truyền hình mang tên Thái Bình Dương mà khán giả VN đã có dịp thưởng thức. Trong khi chiến tranh đã kết thúc ở châu Âu với sự sụp đổ của phát xít Đức vào tháng 5.1945, thì phát xít Nhật ở châu Á vẫn còn đánh nhau dữ dội với quân Đồng minh, chưa có dấu hiệu gì cho thấy quân đội Nhật hoàng sẽ buông súng. Với ý đồ sớm kết thúc chiến tranh, ngày 6.8.1945, người Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, biến thành phố này thành đống hoang tàn đổ nát. Người Nhật chưa đầu hàng, và Nagasaki vẫn là một vùng đất “vô danh” chưa ai biết đến. Ba ngày sau, ngày 9.8.1945, lúc 11 giờ 2 phút, người Mỹ ném tiếp quả bom nguyên tử thứ 2, biến Nagasaki thành địa ngục trần gian với khoảng 150.000 người chết. Đến lúc này nước Nhật mới đầu hàng, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Cái tên Nagasaki bắt đầu “nổi tiếng” từ dạo ấy.
Chứng tích và ám ảnh “vũ khí hạt nhân”
Nếu đi du lịch Nhật Bản, du khách VN thường chọn “cung đường vàng” Tokyo - núi Phú Sĩ - Nagoya - Kyoto - Osaka quen thuộc. Nhằm mục đích trải nghiệm cung đường mới, đoàn nhà báo chúng tôi, qua sự tổ chức của Công ty du lịch Vietravel và Vietnam Airlines, đã có dịp đến Nagasaki vào những ngày cuối thu của miền nam nước Nhật để chiêm nghiệm những đổi thay suốt 70 năm qua của vùng đất này, sau thảm họa bom nguyên tử.
Nagasaki là một trong số ít ỏi những vùng đất được phép giao thương với nước ngoài hơn 400 năm trước, đồng thời là một quân cảng quan trọng của đế quốc Nhật trong thế kỷ 20. Ở Nagasaki có nhiều viện bảo tàng, như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Văn hóa, Bảo tàng Khoa học, Bảo tàng Nghệ thuật... giống như các bảo tàng đồng dạng trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc tính của đất nước và con người, Nhật Bản khác phần còn lại của thế giới ở chỗ họ thiết lập một số bảo tàng “không giống ai”, như bảo tàng mì gói ở Kanagawa và Osaka, vì đây là sản phẩm do người Nhật sáng chế; bảo tàng động đất ở Kobe vì nước Nhật ngày nào cũng có động đất; bảo tàng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, vì tính đến nay đây là quốc gia duy nhất trên địa cầu “nếm mùi” loại bom khủng khiếp này.
Khu mộ của thương gia Araki Sotaro và công nương Ngọc Hoa - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
So với cảnh hoang tàn sau ngày bị ném bom vào năm 1945, Nagasaki ngày nay đã thay hình đổi dạng theo đà tăng tốc của đất nước mặt trời mọc để trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Nagasaki nhỏ hơn nhiều lần so với Tokyo hoặc Osaka, nhưng hạ tầng cơ sở và đời sống đô thị thì giống nhau, các tiện ích phục vụ cộng đồng như nhau. Khi màn đêm buông xuống, đứng trên đồi cao, bạn sẽ thấy toàn cảnh TP.Nagasaki lấp lánh ánh đèn trải rộng. Không hoa lệ, sặc sỡ sắc màu đậm đặc như Tokyo hoặc Osaka, nhưng đó là dạng ánh sáng của sự hồi sinh diệu kỳ sau những tháng ngày tăm tối 1945.
Tác giả Đoàn Xuân Hải cạnh mô hình đúng kích thước thật quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki
Tâm điểm chứng tích chiến tranh của Nagasaki ngày nay là cột bia bằng đá cẩm thạch đen đánh dấu đúng vị trí nơi quả bom nguyên tử rơi xuống cách nay 70 năm. Bên cạnh cột bia đánh dấu vị trí bom nguyên tử rơi, có một chứng tích khá đặc biệt, đó là chiếc cột bằng gạch đỏ của một nhà thờ. Không biết quân đội Mỹ chấm tọa độ thế nào mà quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki lại rơi đúng vị trí nhà thờ Thiên Chúa giáo có tên Urakami. Vào năm 1945, Urakami là nhà thờ lớn nhất và đẹp nhất châu Á thời đó, di ảnh trong bảo tàng đã nói lên điều này. Sau ngày định mệnh ấy, toàn bộ nhà thờ Urakami đổ sập, trơ lại vài chiếc cột.
Khi bạn tham quan bảo tàng bom nguyên tử ở Nagasaki, bước vào cửa sẽ thấy ngay người Nhật trưng bày những gì còn sót lại của nhà thờ Urakami ở gian thứ nhất, trong đó có cả những xâu chuỗi thánh giá của các linh mục và ma sơ.
Nếu bạn hỏi người Nhật sợ cái gì nhất trên cõi trần gian này, thì câu trả lời sẽ là: vũ khí hạt nhân.
Mối tình 400 năm
Ngoài chuyện có mối đồng cảm về chiến tranh, với du khách VN, Nagasaki còn lưu dấu một chuyện tình đẹp.
Đó là mối tình của thương gia người Nhật Araki Sotaro với Ngọc Hoa - ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chuyện tình này có lẽ do thiên định. Vào đầu thế kỷ 17, thương gia Sotaro cũng như những nhà buôn khác ở Nagasaki cùng có mong muốn giong buồm ra khơi đến châu Âu để phát triển thương mại. Nhưng do dòng hải lưu đưa đẩy, hầu hết thuyền buôn của họ đều cập biển miền Trung VN, trong đó có Hội An. Miền Trung VN thời ấy được gọi xứ Đàng Trong, do chúa Nguyễn cai quản. Các thương gia Nhật đã mang đến VN những sản phẩm kim loại như đồng, thau, kiếm Nhật... và mua về gỗ, lụa, ngà voi, quế, trầm hương, nông sản... Rất nhiều thương nhân Nhật Bản thời ấy đã cưới vợ Việt và làm ăn, sinh sống ở Hội An. Đến đây thì chúng ta có thể hiểu vì sao người Nhật rất có cảm tình với phố cổ Hội An.
Trong số những thương gia người Nhật đến Đàng Trong thời ấy, chúa Nguyễn Phúc Nguyên rất có cảm tình với Araki Sotaro và ngài đã gả ái nữ Ngọc Hoa cho anh này vào năm 1619. Không có ý định ở lại Hội An như những đồng nghiệp khác, một năm sau (1620), Sotaro rước nàng Ngọc Hoa quy cố hương Nagasaki.
Theo lời chuyên gia người Nhật chuyên nghiên cứu về Nagasaki thì Ngọc Hoa được xem là người Việt đầu tiên định cư ở Nhật gần 4 thế kỷ trước. “Công - dung - ngôn - hạnh” vẹn toàn của Ngọc Hoa đã thu phục được trái tim của người dân Nagasaki. Người Nhật gọi nàng bằng một cái tên thân mật Anio-san (có nghĩa công nương, một người đẹp cả dung mạo lẫn tính nết).
Đoàn nhà báo chúng tôi có dịp đến thăm chùa Daionji (Đại Âm tự), nơi có một nghĩa trang chôn cất giới quý tộc và samurai, trong đó có mộ của Sotaro cùng công nương Ngọc Hoa. Thương gia Sotaro thuộc dòng dõi samurai, còn công nương Ngọc Hoa xuất thân từ giới quý tộc nên được chôn ở đây.
Theo quy định ở Nhật, khi chết không được chôn nguyên người như ở xứ ta, mà phải hỏa thiêu, rồi đem tro cốt cho vào một cái hũ đặt vào huyệt mộ. Cặp vợ chồng Việt - Nhật do đó cũng được an táng theo kiểu này. Nghĩa trang chùa Daionji nằm dốc đứng trên một ngọn đồi. Trên đỉnh đồi là mộ của những người “quyền cao chức trọng”, có cả mộ của tướng quân (shogun). Mộ của hai vợ chồng Sotaro - Ngọc Hoa nằm ở lưng chừng đồi, dưới một tán cây cổ thụ, từ dưới lên đến nơi khoảng 200 bậc thang. Không ai biết sinh nhật của cả hai người, chỉ biết rằng Araki Sotaro mất năm 1636, công nương Ngọc Hoa mất năm 1645. Chẳng hiểu do thiên định hay trùng hợp ngẫu nhiên mà 2 vợ chồng mất cách nhau 9 năm nhưng lại trùng ngày 6.11- thời điểm mùa thu lá đỏ ở miền Nam nước Nhật. Hai người có một con gái và hậu duệ của mối tình Việt - Nhật này hiện khá thành đạt tại tỉnh Yamaguchi nằm trên đảo Honshu kế bên.
Người miền Nam Nhật Bản nói chung và Nagasaki nói riêng khá cởi mở, tính tình dễ chịu và mến khách giống như người miền Tây Nam bộ ở VN. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, xua tan cái lạnh cuối thu của xứ sở hoa anh đào...
Đ.X.H
(nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141129/nagasaki-va-moi-tinh-viet-nhat.aspx)
Nhật Bản: Tưởng niệm ngày Nagasaki bị ném bom nguyên tử
Khoảng 6 ngàn người, trong đó có hàng trăm người sống sót sau thảm họa trên, đã tụ tập tại Công viên tưởng niệm hòa bình và dành 1 phút mặc niệm những người đã khuất. Thủ tướng J.Koizumi cũng đã đặt vòng hoa tại tượng đài kỷ niệm. H.G |
|
Cùng một tác giả:
Cánh hồng vương vấn (thơ)
Nhớ một người (thơ)
Cõi sầu riêng em (thơ)
Tên người và số phận (tạp bút)
Công tử Ả Rập (phóng sự)
Nhật Bản vui hay buồn? (bút ký)
Tình yêu không có tội (phóng sự)
Các vị thần vẫy gọi (bút ký)
Xa tình (thơ)
Nghe em hát(thơ)
Tình rơi như lá (thơ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|