THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên

LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng
Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được
* Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh
Thơ thầy Thông Chánh
* Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)
Sáu Trọng thơ
* Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên
Thơ Cậu Hai Miêng
Tất cả các trang
 

Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên

 

Trong Nam tên họ nổi như cồn

Một trận Gò Công nức tiếng đồn

Đó là hai câu thơ trích trong Điếu Trương tướng quân liên hoàn thập nhị thủ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc kháng chiến hào hùng của anh hùng Trương Định đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất to lớn. Ông đã dấy binh ngay khi giặc tập trung đánh thành Gia Định, ngày 17.2.1859. Cuộc kháng chiến do ông lãnh đạo đã trở thành ngọn cờ tập trung các lực lượng yêu nước lúc bấy giờ. Không tiêu diệt được ông, giặc hèn hạ mượn tay của Việt gian phản dân hại nước. Chó săn Huỳnh Tấn được giao nhiệm vụ này. Đêm 19.8.1864, y bí mật dẫn quan bao vây căn cứ Tân Hòa. Trương Định bị chúng bắn gãy xương sống, để giữ phẩm tiết của một người anh hùng, quyết không sa vào tay giặc, ông đã dùng gươm tự sát. Nhờ “chiến công” này, Huỳnh Tấn từ chức đội được thăng Lãnh binh – đây là chức trước đây chỉ có trong hàng võ quan Việt Nam, chớ không có trong quân đội Pháp. Ngoài ra y còn được giặc phong thưởng rất hậu, được ban cho nhiều quyền hành đặc biệt.

Hai Miêng là con trai của Việt gian Tấn.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết rõ về nhân vật kỳ quái này mà  chủ yếu là những giai thoại, có thể được thêm thắt của người đương thời. Huỳnh Tấn có năm người con, hai trai và ba gái. Hai trai là Hai Miêng và Sáu Viễn. Hai người con gái ghê tởm việc làm của cha nên bỏ đi tu ở nhà Dòng, nhằm làm việc thiện để lương tâm không day dứt, một cô thì chết lúc còn nhỏ. Theo tác phẩm Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (NXB TP.HCM, 1992) của Bùi Đức Tịnh, Gò Công xưa và nay (Tác giả xuất bản, 1969) của Huỳnh Minh và một số tài liệu khác, chúng ta có thể hình dung ra cuộc đời của Hai Miêng:

Đến ngày 26.11.1874, Tấn chết vì bệnh vào lúc 37 tuổi. Con trai của Tấn, tục danh cậu Hai Miêng, được Pháp cho du học tại Alger (Angiêri). Sang đó, Miêng không học hành gì mà chỉ khoái ăn chơi đàng điếm, đến nỗi dân bên đó phải khiếp! khi trở về nước, Miêng được cử theo làm việc cho chó săn Trần Bá Lộc, Lộc vốn là tay sai khét tiếng của thực dân, từng được chúng phong chức hàm Tổng Đốc. Năm 1887, Lộc được cử ra miền Trung đánh phá phong trào yêu nước của anh hùng Mai Xuân Thưởng… Trong cuộc hành quân 70 ngày, Lộc đã ra tay giết chết, khủng bố hàng loạt người dân lương thiện đến nỗi giặc Pháp cũng phải kinh sợ. Những việc sát hại đồng bào đã khiến Hai Miêng phẫn uất. Miêng không thể theo Lộc, mà bỏ hàng ngũ trở về làm thường dân. Từ đó, Miêng chỉ sống hoang đàng, tiêu tiền như nước và thường làm những việc nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Cuộc đời Hai Miêng ngắn ngủi, có thể Miêng chết vào khoảng năm 1890, thọ 38 tuổi. Bài thơ Khóc cậu Hai Miêng của Lê Quang Chiểu (in trong Quốc âm thi tập hiệp tuyển xuất bản tại Sài Gòn năm 1903) có đoạn viết:

Số hệ làm ai hỡi cậu Miêng

Ba mươi tám tuổi dõi huỳnh tuyền

Sao lờ Bến Nghé xiêu người ngõ

Khói tỏa cầu Kho thảm vợ hiền

Những giai thoại ăn chơi, chi tiêu mà thiên hạ đã đặt vè:

Cậu Hai cậu chớ có lo

Hết tiền cậu xuống dưới kho lấy xài

như trong tạp chí Thế giới mới (số ra ngày 25.5.1998) bài Chuyện cậu Hai Miêng có đoạn viết: “Người Pháp rất ngán ngại những hành động của Hai Miêng, nhưng vì trót có chủ trương biệt đãi từ đầu nên họ đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Tuy về sau họ có ngầm hạn chế, chỉ chấp nhận chi trả cho cậu Hai những số tiền vừa phải. Thí dụ, khi đến bất cứ đâu, nếu Hai Miêng cần tiền chi xài việc gì đó, thì cậu cứ tới ngân khố “vây” (mà không cần trả) một số đủ ăn chơi trong các chuyến “lưu du” (tr.38). Những giai thoại này, có thể người đời sau thêm thắt để ly kỳ hóa thêm chăng? Nếu chỉ với những “thành tích” như trên thì tại sao Hai Miêng được đặt vè truyền tụng? Trước đây, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cũng đặt vấn đề như trên: “Người Việt ta có tinh thần hài hước (humour) lắm, những bài vè về nghiên cứu thường chỉ ca ngợi anh hùng, liệt sĩ, vậy mà nhiều khi cũng “móc họng” ra phết! Vậy cậu Hai Miêng là một anh hùng hay một nhân vật như thế nào mà được giới bình dân nhắc nhở, để nguyền rủa hay để tán dương? (Sđd, tr.177). Căn cứ vào bổn vè Cậu Hai Miêng có được trong tay, chúng tôi suy nghĩ: dù tán dương Miêng nhưng qua đó chúng ta cũng thấy được bộ mặt thối nát của xã hội thời Pháp thuộc. Mở đầu câu chuyện là Bảy Danh, Tám Hổ, Ba Ngà đến nhà than phiền với cậu là mới thua ba ngàn đồng – tiền chơi me ở nhà Chệt Lù. Họ nhờ Miêng gỡ gạc giùm. Miêng liền cho người gọi Chệt Lù đến để “gầy sòng”. Cuối cùng Miêng thắng bạc hơn bốn ngàn hai và trả lại tiền cho ba tên đã thua. Thái độ trọng tình khinh tài nên đã khiến người ta khoái Hai Miêng chăng? Bổn vè này cho thấy, thực dân Pháp thời đó đã dung túng và bao che cho tệ nạn cờ bạc:

Nào là bông vụ đông người

Nào là lúc lắc, kẻ thời bầu cua

Vui chơi từ sáng đến trưa

Bài cào, tứ sắc cũng đua chơi bời

Khi phản ánh đúng thực trạng xã hội thì bổn vè này ít nhiều tố cáo xã hội đó. Thấy dân chúng trong làng chơi cờ bạc nên Hương Quản “Cầm roi cá đuối quyết không vị tình”. Việc làm của Hương Quản là việc làm tích cực chứ? Nhưng không, bọn cờ bạc bèn “cầu cứu” Hai Miêng. Cậu ra tay đánh Hương Quản. Ôm nỗi nhục này, Hương Quản than phiền với những người bạn thân là chú Xã, ông Cả. Họ khuyên là nên đi kiện quan trên.

Sau khi nhận đơn thì quan trên cho gọi Hai Miêng đến. Để làm gì? Thật là lố bịch và hài hước cho cái gọi là công lý của xã hội ấy, khi Miêng đến thì quan tham biện nói:

Tôi nay biết rõ cậu nhiều

Lẽ nào tôi chẳng biết điều hay sao?

Cho nên đơn nó đưa vào

Tôi biểu ký lục mau mau xé liền

Nếu chỉ dừng lại đó thì ta cũng đã ghê tởm cho người cầm cân nảy mực, đại diện cho công lý. Nhưng không, bài vè còn cho biết thêm hành động mờ ám, đê tiện của quan tham biện:

Vậy cậu tua khá an lòng

Tôi cách chức nó mới xong mọi đàng

Vậy đó, kẻ đi tố cáo không được bênh vực mà lại còn bị trù dập không thương tiếc! Không còn cách nào khác, Hương Quản:

Về nhà sửa soạn ra ngoài Hà Tiên

Đất này nhường cậu Hai Miêng

Nếu không tránh sớm chẳng hiền cho ta

Rõ ràng, chế độ thối nát ấy đã dung dưỡng, bao che cho Hai Miêng. Nếu chỉ có vậy thì chưa chắc giới bình dân đã khoái Hai Miêng, mà Miêng còn làm những việc nghĩa hiệp. Đó là lúc cậu ra tay đánh Tám Hổ để bảo vệ người phụ nữ bị ức hiếp. Chuyện như thế này:

Nàng kia lời mới giãi bày

Tôi là gái ở mé ngoài làng trên

Nhơn tôi ra chợ đổi tiền

Chàng này chọc ghẹo rất nên thẹn thùa

Tôi muốn cho hắn phải chừa

Cho nên phải quấy hơn thua giãi bày

Chẳng dè mặt dạn mày dày

Theo ghẹo mỗi ngày nói việc ong hoa

Tôi đây xấu hổ thay là

Mắng chàng mấy tiếng kẻo mà chẳng kiêng

Chẳng dè hắn xáp đến liền

Đánh tôi tàn ác rất nên dữ dằn

Trước chuyện bất bình này, Hai Miêng đã ra tay ngay! Và cậu đã chơi như dân giang hồ mã thượng là khi Tám Hổ bị “nốc ao” xin tha tội thì “Cậu hai thấy vậy tha ngay!”. Đó cũng là tính cách của các tay anh chị Nam kỳ thuở trước. Có thể nói, vẻ Hai Miêng khiến người ta thích nghe vì ở đây Hai Miêng không từ chối lời nhờ vả của ai cả. Trong cái xã hội mà thực dân đã bình định xong, tiếng súng của nghĩa quân kháng chiến vẫn còn râm ran khắp nơi và ngay trong vùng giặc tạm chiếm lại có con người ngang ngược như Hai Miêng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nên được thiên hạ khoái chăng? Và phải chăng đó là lý do sâu xa mà thực dân ngăn cấm phổ biến bài vè này như vè Sáu Trọng, Thông Chánh?

Đọc lại bổn vè Hai Miêng, thiết tưởng chúng ta phải nhìn đằng sau những dòng chữ ca ngợi Hai Miêng, mà qua đó thấy được những tình tiết (dù vô tình hoặc cố ý) phê phán bộ máy thống trị của xã hội đương thời. Đó chính là tinh thần “gạn đục khơi trong” đối với những sáng tác dân gian đã ra đời trong nanh vuốt của chế độ thực dân. Đặc điểm của thể loại vè là mang đậm tính chất phản ánh thời sự, nên qua đó chúng ta cũng thấy được bộ mặt thật của xã hội đương thời.

Lê Minh Quốc



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com