THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Về vở kịch mở đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam

LÊ MINH QUỐC: Về vở kịch mở đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam

Từ những năm cuối thế kỷ XIX, có một vài đoàn kịch Pháp sang nước ta biểu diễn.

Chắc chắn sự kiện này đã tạo được sự kích thích cho những nhà hoạt động nghệ thuật thời bấy giờ. Tại Sài Gòn, Nhà hát lớn đã khánh thành vào tháng 1.1900. Năm 1918, Ông đốc phủ Lê Quang Liêm và ký giả Đặng Thúc Liêng cho công diễn vở Hoàng tử Cảnh du Tây (hoặc Gia Long tẩu quốc), nhưng chưa phải là kịch nói và không được công chúng hoan nghênh.

vudinhlongRR
Vở kịch Chén thuốc độc in lại tại miền Nam năm 1970

Mãi đến năm 1925, người đầu tiên viết kịch nói của Sài Gòn là Trung Tín đã viết các vở như Toa toa moa moa, Kẻ ăn mắm, người khát nước… trong đó có xen lẫn vài điệu hát cải lương, nhưng lại không công diễn trên sân khấu.

Trong khi đó, tại Hà Nội, năm 1911 Nhà hát TP Hà Nội mới xây dựng xong. Ngày 25.4.1920, tại đây đã diễn vở Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire) của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng tiếng Việt. Báo chí đã ghi nhận sự kiện này và “mong rằng sân khấu Việt Nam sẽ diễn những vở hài kịch theo lối Thái Tây để bổ ích cho nhân tâm, phong tục nước nhà” (Thực Nghiệp dân báo số 7/1920).

Sau đó công chúng được xem những vở kịch khác như Ai giết người của Tô Giang - phỏng theo truyện ngắn của Mân Châu in trên Nam Phong tạp chí số 28, rồi Già kén kẹn hom của Phạm Ngọc Khôi, rồi Mảnh gương đời, Bình địa ba đào của Trần Tuấn Khải v.v…

Sân khấu kịch nói Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên đường hình thành.

Thế nhưng, phải đợi đến ngày 22.10.1921 người ta mới thật sự tin tưởng vào loại hình nghệ thuật này. Đó là này công diễn vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long (tại Nhà hát Hà Nội) do Bắc Kỳ Công thương Đồng nghiệp Ái hữu tổ chức. Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sân khấu kịch nói.

Trong Nhà văn hiện đại, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ghi nhận: “Vũ Đình Long là người đã có ý kiến soạn những vở kịch có thứ lớp theo lối Âu Tây trước nhất”, “là nhà soạn kịch lối mới trước nhất ở nước ta” và “vở kịch Chén thuốc độc là cái mốc đầu tiên trên con đường hài kịch Việt Nam lối mới”.

Hầu hết các báo chí lúc bấy giờ như Thực Nghiệp, Hữu Thanh, Nam Phong hoặc L’ avenir du Tonkin, France-Indochine v.v… đều có bài tường thuật, phê bình. Nhà thơ lừng danh Tản Đà nhận định: vở kịch đó “đáng có giá trị”. Ông Nguyễn Mạnh Bổng không tiếc lời ca ngợi: “Ngày hôm 22 Octobre 1921 này là một ngày kỷ niệm lớn trong văn học sử nước ta” và “ văn học sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long”.

Xin ghi lại nguyên văn đánh giá của tác giả Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý khi biên soạn Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam (NXB Văn Hóa 1978): “Vở Chén thuốc độc ra đời đã có tiếng vang lớn. Đối với đương thời, Chén thuốc độc là một thành công báo hiệu sau những lần thử thách, lần mò. Kịch nói Việt Nam đến đây đã hình thành và chính thức gia nhập đại gia đình sân khấu Việt Nam”(trang 26).

Mới đây, trong chuyên đề Lướt qua một thế kỷ, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã ghi nhận đây là: “Vở kịch đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam với tư cách một sự mở đầu cho kịch nói dân tộc”(Tạp chí Xưa - Nay số 1.2000).

Nhân đây xin được nói qua đôi nét về Vũ Đình Long: ông sinh năm 1896 và mất ngày 14.8.1960 tại Hà Nội. Ngoài vở kịch Chén thuốc độc, ông còn viết Tây sương tân kịch, Tòa án lương tâm (1923)…Sau đó, từ năm 1925 ông chuyển hẳn sang hoạt động xuất bản, làm chủ nhà in nổi tiếng Tân Dân và chủ trương nhiều tờ báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ích Hữu, Tao Đàn, Phổ thông bán nguyệt san, sau năm 1954, ông là ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm của ông, GS Phong Lê đã trân trọng đánh giá công bằng: “Không thể không thấy Vũ Đình Long là người đã có công góp phần tổ chức nên đời sống văn học có mặt sôi động vào những năm 30, đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm gồm nhiều thể loại, với nhiều khuynh hướng sáng tác và các giá trị rất khác nhau”.

Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm được bản in vở kịch này lần đầu tiên, nhưng hiện đang có một bản quay ronéo dành cho kịch sinh Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (1970). Ở trang trong có viết: “Hí kịch lối mới, ba hồi, chia làm 36 xen”.

Thú chơi sách là vậy, khi mà người ta có được bản in tác phẩm nổi tiếng (dù chỉ là hình thức quay ronéo khá phổ biến tại miền Nam) thời đó. Tài liệu này cho thấy khoa kịch nghệ miền Nam không xa lạ với vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long. Thiết nghĩ, hiện nay có NXB nào đứng ra tái bản vở kịch này cũng là một đóng góp cho văn hóa nước nhà.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn:

http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/thu-choi-sach/ve-vo-kich-mo-dau-cho-san-khau-kich-noi-viet-nam/a67898.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com